Tiêu điểm: Nhân Humanity

Năm 2024, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày nào theo Dương lịch?

VOH - Giỗ Tổ Hùng Vương là một trong những ngày lễ lớn của Việt Nam, diễn ra vào tháng 4 Dương lịch (tháng 3 Âm lịch), vậy Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày nào theo lịch dương?

Giỗ Tổ Hùng Vương một trong những ngày lễ lớn của tháng 4 Dương lịch. Đây là ngày để người dân cả nước tưởng nhớ đến các vua Hùng đã công dựng nước và giữ nước. Vậy ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 là ngày nào, cùng VOH tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày nào năm 2024?

Hằng năm, cứ đến dịp mùng 10 tháng 3 Âm lịch, người dân cả nước lại mong chờ ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (hay còn gọi là Quốc giỗ). Đây là nghi lễ truyền thống được tổ chức thường niên tại Khu Di tích Lịch sử Đền Hùng thuộc TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và được người dân Việt Nam trên toàn thế giới kỷ niệm, tôn kính.

Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay (năm 2024), sẽ rơi vào ngày thứ Năm, nhằm ngày 18/4/2024. Nếu tính từ ngày 4/4/2024 thì còn 14 ngày nữa sẽ đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

voh-ngay-gio-to-hung-vuong-ngay-nao-1
Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024 rơi vào ngày thứ Năm, nhằm ngày 18/4 Dương lịch - Ảnh: Internet

Ý nghĩa ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 1) và cũng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Đại diện Nhân loại vào năm 2012.

Dân gian có câu rằng:

“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”

Câu ca dao xưa đậm đà tình nghĩa luôn khắc sâu trong lòng mỗi người dân Việt Nam qua bao thế hệ. Trải qua hàng ngàn năm, Đền Hùng vẫn mãi là cội nguồn của dân tộc, của đất nước, luôn là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm quy tụ và gắn bó với dân tộc Việt Nam.

Hình tượng Hùng Vương là sự hun đúc của truyền thống văn hóa cao đẹp, là đỉnh cao của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên chỉ có trong văn hóa Việt Nam, có ý nghĩa giáo dục to lớn đối với toàn thể nhân dân về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc đối với các vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm để giữ yên bờ cõi.

Đồng thời, đây cũng là sự khẳng định tinh thần yêu nước bất khuất, kiên trung, hướng về tổ tiên, cội nguồn… của toàn thể nhân dân Việt Nam.

banner-bottom-thuongthuc

Tại sao lấy ngày 10/3 là ngày Giỗ Tổ?

Từ hàng ngàn năm trước, người Việt Nam ta đã sáng tạo, thực hành, vun đắp và lưu truyền tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.  

Theo Ngọc phả Hùng Vương chép thời Hồng Đức hậu Lê thì từ thời nhà Tiền Lê, Lý, Trần rồi đến Hậu Lê đã có thực hiện nghi lễ bái các vua Hùng. Thời xưa, các triều đại quân chủ và phong kiến Việt Nam giao cho dân sở tại trông nom, sửa chữa, cúng bái và tổ chức Giỗ Hùng Vương thứ 18 vào ngày 11 tháng 3 Âm lịch.

Sang đến thế kỷ 20, năm 1917 triều vua Khải Định thì quan Lễ Bộ chọn ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch làm ngày Giỗ Vua Hùng (tức trước ngày Giỗ Tổ Hùng Vương thứ 18 một ngày). Kể từ đây, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm được chính thức hóa bằng luật pháp.

Sau Cách mạng tháng Tám (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ Tịch nước số 22/SL - CTN ngày 18/2/1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc.

Đến ngày 2/4/2007, Quốc Hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Từ đó về sau, ngày 10/3 Âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn - Quốc lễ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.

Giỗ Tổ Hùng Vương thường diễn ra hoạt động gì?

Vào ngày lễ mùng 10 tháng 3 Âm lịch tại Khu Di tích Lịch sử Đền Hùng sẽ diễn ra 2 hoạt động chính, đó là:

  • Lễ rước kiệu vua: Đám rước kiệu với nhiều cờ, hoa, lọng, kiệu, trang phục truyền thống. Lễ rước kiệu sẽ xuất phát từ dưới chân núi, đi lần lượt qua các đền để tới đền Thượng.
  • Lễ dâng hương: Phần lễ dành cho những người hành hương, tới đền Hùng để thắp hương. Mỗi người đều thắp lên vài nén hương khi tới đất Tổ để tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn tới các Vua Hùng.
voh-ngay-gio-to-hung-vuong-ngay-nao-2
Có nhiều hoạt động sẽ diễn ra vào dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Ảnh: Internet

Phần hội sẽ được tổ chức với nhiều trò chơi dân gian như thi kéo co, thi bơi trải, thi hát Xoan (một hình thức dân ca đặc biệt của Phú Thọ)…

Mặc dù Giỗ Tổ Hùng Vương là vào ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch, nhưng các hoạt động xoay quanh ngày lễ đã diễn ra trước đó khoảng 1 tuần. Nếu muốn được trải nghiệm các hoạt động này bạn có thể đến Đền Hùng tại Phú Thọ.

Như vậy, Giỗ Tổ Hùng Vương là một ngày lễ mang tính truyền thống có ý nghĩa trong đời sống tinh thần của người dân Việt. Ngày lễ cũng góp phần tạo nên sức mạnh đại đoàn kế dân tộc, cùng nhau vượt qua khó khăn, hướng tới một tương lai xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, tươi đẹp hơn.

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại voh.com.vn - Thường thức.

Bình luận