Đăng nhập

Mâm cúng và văn khấn Đông chí chi tiết, đầy đủ nhất

VOH - Chuẩn bị mâm cúng và đọc văn khấn Đông chí nhằm mục đích tưởng nhớ tổ tiên và cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc.

Ngày Đông chí đánh dấu giai đoạn chuyển mình của đất trời. Đây cũng là dịp các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, tưởng nhớ ông bà, tổ tiên và cầu mong những điều tốt lành cho năm mới. Sau đây, hãy cùng VOH tìm hiểu về mâm cúng và bài văn khấn Đông chí chuẩn nhất!

Vì sao cần làm lễ cúng Đông chí?

Theo quan niệm dân gian của người Hoa, "Đông chí cũng quan trọng không kém lễ hội mùa xuân". 

Vì vậy, họ luôn dành thời gian để làm mâm lễ cúng đủ đầy dâng lên bàn thờ tổ tiên. Hoạt động này không chỉ giúp lưu giữ giá trị truyền thống, mà còn là dịp để con cháu tỏ lòng thành kính, biết ơn với các thế hệ trước. Đồng thời cầu mong mọi điều may mắn, sự nghiệp phát đạt, gia đình hòa thuận, và sức khỏe dồi dào trong năm tới.

voh-van-khan-dong-chi-1Xem toàn màn hình
Mâm cúng Đông chí của người Hoa - Ảnh: Internet

Hướng dẫn chuẩn bị mâm cúng Đông chí

Tùy thuộc vào phong tục của từng địa phương và hoàn cảnh mỗi gia đình mà mâm cúng Đông chí sẽ có khác biệt. Tuy nhiên, đa phần đều bao gồm những món lễ vật sau.

Mâm cúng ông bà

  • Hương (nhang)
  • Giấy tiền, vàng mã
  • Quần áo giấy
  • Rượu
  • Đèn nến
  • Mâm ngũ quả
  • Bánh kẹo
  • Bình hoa tươi

Ngoài ra, gia đình có thể chuẩn bị thêm một vài món mặn khác. 

Mâm cúng trước nhà

  • Hoa tươi
  • Mâm quả
  • Rượu hoặc nước
  • Giấy tiền, vàng mã
  • Hương (nhang)
  • Bánh bao

Một số nơi thường sẽ cúng thêm 1 con gà luộc hoặc đĩa xôi. 

Ý nghĩa bài đồng dao “Đông Cửu Cửu ca”

Theo quan niệm của người Trung Hoa, Đông chí kéo dài 81 ngày, chia làm 9 giai đoạn khác nhau trong mùa đông và được gọi là một "cửu". Điều này đã được thể hiện rõ trong bài đồng dao "Đông Cửu Cửu ca" sau.

Nhất cửu nhị cửu bất xuất thủ,

Tam cửu tứ cửu băng thượng tẩu,

Ngũ cửu lục cửu duyên hà vọng liễu,

Thất cửu hà khai, bát cửu nhạn lai,

Cửu cửu gia nhất cửu, canh ngưu biến địa tẩu.

Tạm dịch:

Cửu một, cửu hai, tay không động,

Cửu ba, cửu bốn, bước trên băng,

Cửu năm, cửu sáu, liễu rủ xanh bờ,

Cửu bảy băng tan, cửu tám nhạn về,

Cửu chín, hết mùa đông, trâu ta lại ra đồng.

voh-van-khan-dong-chi-2
Mâm cúng trước nhà - Ảnh: Internet

Bài văn khấn Đông chí

Dưới đây là mẫu bài văn khấn dành cho các vị thần linh và tổ tiên, thường được sử dụng trong nhiều lễ cúng bái mà bạn thể tham khảo.

Nam Mô A Di Đà Phật

Nam Mô A Di Đà Phật

Nam Mô A Di Đà Phật

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương

Con kính lạy Phật trời

Con kính lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ Chư Vị Tôn Thần

Con Kính lạy ngài Kim Niên Đương Cai Thái Tuế Chí Đức Tôn Thần

Con kính lạy Bản Cảnh Thành Hoàng Chư Vị Đại Vương

Con kính lạy các ngài Ngũ Phương, Ngũ Thổ, Phúc Đức tôn Thần

Con kính lạy ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân

Con kính lạy các vị Thần Thổ Công, Thổ Địa, Long Mạch Tài Thần cùng các Tôn Thần cai quản khu vực này

Con kính lạy các vị Tiền chủ, Hậu chủ ngụ tại trong đất nhà này

Hôm nay là ngày ... tháng ... Dương lịch, là tiết Đông chí năm 20..., tức ngày ... Âm lịch năm 20....

Tín chủ (chúng) con là ....

Ngụ tại: ....

Con thành tâm sửa biện hương hoa, trà quả, kim ngân, vàng mã và các thứ cúng dâng bày lên trước án. Con thành tâm kính mời ngài Kim Niên đương cai Thái Tuế chí đức Tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân, ngài Bản gia Thổ địa. Long Mạch Tôn thần, các ngài Ngũ Phương, Ngũ Thổ, Phúc đức chính thần, các vị Tôn thần cai quản trong khu vực này về thụ hưởng hương hoa lễ vật, chứng giám lòng thành, phù hộ độ trì cho ... được bình an, sở cầu tất ứng, sở nguyện thành tâm.

Kính mong các vị Tôn Thần cùng các vị Tiền chủ, Hậu chủ phù hộ độ trì cho gia đình mọi người bình an, công việc luôn hanh thông thuận lợi, mọi tật ách tai qua nạn khỏi

Lễ bạc tâm thành cúi xin chứng giám, khẩn cáo.

Nam Mô A Di Đà Phật

Nam Mô A Di Đà Phật

Nam Mô A Di Đà Phật

Món ăn truyền thống trong mâm cúng Đông chí

Trong dịp Đông chí, người Hoa thường chuẩn bị các món ăn truyền thống để dâng lên tổ tiên, cũng như cùng gia đình sum vầy, gắn kết tình cảm trong những ngày lạnh giá của mùa Đông.

Hoành thánh, sủi cảo - 云吞, 水饺

Vào dịp Đông chí, người Hoa thường thưởng thức hoành thánh (云吞) và sủi cảo (水饺), không chỉ vì hương vị đặc trưng mà còn bởi ý nghĩa sâu sắc.

Cả hai món này có vẻ ngoài giống như bao tiền vàng, đại diện cho sự đủ đầy, giàu có, phúc lộc và may mắn. Người ta tin rằng, ăn hoành thánh, sủi cảo trong dịp Đông chí sẽ đem lại an lành, hòa thuận và thịnh vượng cho gia đình trong năm mới.

Bánh Trôi Nước - 汤圆

Không chỉ xuất hiện trong các dịp lễ quan trọng như Tết Nguyên Tiêu (Rằm tháng Giêng) và Tết Trung Thu, bánh trôi nước còn là món ăn truyền thống trong dịp Đông chí. Chúng tượng trưng cho sự đoàn viên, gắn kết gia đình và sự ấm áp trong mùa đông.

Rượu Đông Chí - 冬至酒

Loại rượu này được lấy cảm hứng từ rượu Thiệu Hưng, thường được sử dụng trong các nghi lễ cúng tế.

Rượu có vị ngọt, nồng nhẹ và rất thơm, có tác dụng làm ấm cơ thể cũng như xua tan cái lạnh.

Dâng rượu Đông chí lên tổ tiên cũng là một cách tưởng nhớ những người đã khuất trong gia đình.

voh-van-khan-dong-chi-4
Rượu Đông Chí - Ảnh: Internet

Bánh chín lớp (bánh da lợn) - 千层糕

Trong văn hóa Đài Loan (Trung Quốc), ngày Đông chí không thể thiếu bánh chín lớp. Món ăn này nổi bật với màu sắc bắt mắt, vị ngọt dịu, mềm dẻo, thích hợp để cùng các thành viên trong gia đình vừa thưởng thức, vừa nhâm nhi tách trà nóng.

Trên đây là hướng dẫn cách chuẩn bị mâm cúng và văn khấn Đông chí chi tiết. Thông qua đó, con cháu sẽ tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với tổ tiên, đồng thời cầu mong vạn sự bình an và thịnh vượng cho gia đình trong năm mới. 

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại voh.com.vn - Sống đẹp.

Bình luận