Nghe bài viết:
Chớp thời cơ, ngày 14/4/1975, Bộ chính trị thông qua quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh nhằm giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam. Từ ngày 26 đến 28/4/1975, quân ta từ 5 hướng ồ ạt đánh vào vành đai bảo vệ Sài Gòn và lần lượt tiến quân vào nội thành.
Lực lượng pháo binh sử dụng các loại pháo đánh phá cấp tập vào sân bay Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, kiềm chế và tiêu diệt các trận địa pháo của địch. Bộ đội đặc công phối hợp với lực lượng biệt động đánh chiếm các cầu đi vào Sài Gòn, như cầu Đồng Nai, cầu Rạch Chiếc, cầu Sài Gòn. Các binh đoàn có xe tăng dẫn đầu đánh vào hệ thống vành đai bảo vệ Sài Gòn…Nhiều trận đánh ác liệt diễn ra ở Nước Trong, Đồng Dù, Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hòa,…diệt và làm tan rã một số sư đoàn chủ lực của địch, không cho chúng kéo về hỗ trợ nội thành Sài Gòn.
Quân ta cắt đứt lộ 4, sông Lòng Tàu, bao vây căn cứ Phú Lợi, lộ 22, lộ 1, giải phóng một số vùng ở Bến Cát, Tân Uyên, tấn công vào trung tâm vô tuyến viễn thông Phú Lâm, đột nhập sân bay Tân Sơn Nhất. Đến ngày 28/4/1975, về cơ bản quân ta đã bao vây và cô lập Sài Gòn. Sáng ngày 30/4/1975, Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh ra lệnh đồng loạt tấn công vào các mục tiêu trong nội thành.
Vào lúc 10g45 phút, chiếc xe tăng 843 húc sập cánh cổng sắt tiến thẳng vào dinh Độc lập. Chiến sĩ lái xe Bùi Ngọc Vân lên ngay lầu 2 phất mạnh lá cờ Mặt trận trước tiếng reo mừng của dân chúng đang đứng trước dinh. Chiến sĩ Bùi Quang Thận cùng một số chiến sĩ leo lên sân thượng, kéo lá cờ Mặt trận lên cột cao nhất vào lúc 11 giờ 30 phút. Tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các ngụy đều bị bắt, tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trên Đài phát thanh Sài Gòn.
Xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng dinh Độc Lập, trưa ngày 30/4/1975 - Ảnh tư liệu.
17 giờ ngày 30/4/1975, tiếng súng đã thực sự chấm dứt ở Sài Gòn, trừ một số mục tiêu quân sự. Thành phố hơn 3 triệu dân vừa qua cuộc chiến tranh 30 năm, vẫn nguyên vẹn đã chuyển sang trạng thái bình yên đến độ gây ngạc nhiên cho mọi người trên thế giới đang có mặt: nước vẫn chảy đều trong các đường ống; dòng điện chỉ tạm ngừng trong 2 giờ rồi mọi nhà lại sáng; công nhân nhà máy vẫn sẵn sàng cho máy chạy; chợ búa, quán xá vẫn sẵn sàng mở; đường phố vẫn đông người, xe cộ…
Người dân Sài Gòn – Gia định náo nức cắt dán cờ hoa để xuống đường ngày 1/5 mừng cuộc toàn thắng và chờ đêm hội pháo hoa.
Ngày 30/4/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã gửi điện tới toàn thể cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Sài Gòn-Gia Định. Bức điện viết: “Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhiệt liệt khen ngợi quân và dân Sài Gòn-Gia Định, khen ngợi toàn thể cán bộ và chiến sĩ, đảng viên và đoàn viên, thuộc các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội tinh nhuệ, dân quân tự vệ đã chiến đấu cực kỳ anh dũng, lập chiến công chói lọi, tiêu diệt và làm tan rã lực lượng lớn quân địch, buộc ngụy quyền Sài Gòn phải đầu hàng không điều kiện, giải phóng thành phố Sài Gòn-Gia Định, đưa Chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại đến toàn thắng”.
Từ ngày 15 đến 21/11/1975, Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất đất nước được tổ chức tại Sài Gòn. Hai đoàn đại biểu đại diện cho hai miền tham dự Hội nghị. Đoàn miền Bắc gồm 25 đại biểu do ông Trường Chinh làm trưởng đoàn; đoàn miền Nam gồm 25 đại biểu do ông Phạm Hùng làm trưởng đoàn. Hội nghị tiến hành thảo luận và đi đến nhất trí hoàn toàn mọi vấn đề thuộc về chủ trương, bước đi, biện pháp nhằm thống nhất đất nước về mặt Nhà nước.
Nhân dân Sài Gòn nô nức đón chào quân giải phóng - Ảnh tư liệu
Đại thắng mùa xuân năm 1975 là kết quả của 21 năm chiến đấu và xây dựng sức mạnh của cả nước, chuẩn bị thế và lực đầy hy sinh, gian khổ và có nghệ thuật. Một thành phố trên 3 triệu dân được giải phóng gần như nguyên vẹn là một thành công kỳ lạ hiếm thấy trên thế giới, không có giải thích nào hơn đó là sự chuẩn bị hoàn thiện qua quá trình chiến đấu đầy hy sinh của hàng chục vạn đồng bào đồng chí, của cả nước, trong đó có nhân dân Sài Gòn, đã đóng góp xứng đáng công sức của mình.