Huy động nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển

​(VOH) - Nhìn lại những chủ trương mà TP từng áp dụng trong suốt 40 năm qua, nhằm huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Đầu tiên phải kể đến là việc thực hiện chủ trương đổi đất lấy hạ tầng để giải quyết bài toán phát triển đô thị.

Ngay trong điều kiện pháp luật và chính sách chưa rõ ràng trong những ngày đầu, TPHCM từng có chủ trương đổi đất để xây dựng đường giao thông và xây dựng đô thị mới, mà điển hình là khu đô thị mới Phú Mỹ hưng ngày nay. Biến khu đầm lầy, vùng đất chua mặn thành một khu đô thị mới với đại lộ dài hơn 18km, nhằm phát triển TP về phía nam. Từ thực tiễn mô hình này, việc “đổi đất lấy hạ tầng” được nhân rộng ra nhiều đô thị khác trong cả nước với nhiều hình thức khác nhau.

 

Huy động nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển, đầu tiên phải kể đến là việc thực hiện chủ trương đổi đất lấy hạ tầng để giải quyết bài toán phát triển đô thị.  Ảnh minh họa: Khiêm Huân

Ngoài chủ trương vừa nêu, TPHCM cũng đã chủ động tổ chức Quỹ đầu tư phát triển đô thị. Cụ thể, khi đứng trước tình hình thiếu vốn để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, TP đã đề xuất Trung ương cho thành lập một định chế tài chính của Nhà nước có chức năng huy động các nguồn vốn của mọi thành phần kinh tế nhằm đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật đô thị. Quỹ đầu tư phát triển hạ tầng đô thị TP ra đời vào năm 1997 và những năm sau đó đã được nhân rộng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Quỹ đã không ngừng lớn mạnh, thực hiện chức năng “người mở đường” cho các dự án đầu tư hạ tầng kỷ thuật trọng điểm của TP. Với mô hình này, nếu ngân sách TP bỏ ra đầu tư 1 đồng, có thể thu hút các thành phần kinh tế khác đến 60 đồng, nhằm đầu tư vào các dự án hạ tầng đô thị. Hiện nay, Quỹ đầu tư này đang phát triển thành Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TPHCM.

Nói đến huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, cũng cần phải nhắc đến việc phát hành trái phiếu dự án và trái phiếu đô thị đã được thực hiện đầu tiên ngay tại TPHCM. Vào năm 1995, trước sức ép phải mở rộng 1 số con đường nhưng không có vốn ngân sách, TP đã xin chủ trương thí điểm phát hành trái phiếu dự án đường Nguyễn Tất Thành. Đây là trái phiếu đầu tiên được bảo đảm nguồn vốn trả nợ bằng cơ chế thu phí giao thông. Từ kinh nghiệm phát hành trái phiếu dự án đường Nguyễn Tất Thành, TP đã xin Trung ương cho phát hành trái phiếu đô thị. Đây là loại trái phiếu tổng hợp được bảo đảm bằng ngân sách của TP. Hiện nay, hình thức này đã được chính phủ mở rộng cho nhiều địa phương khác.

Vấn đề phát hành trái phiếu đô thị đã mở ra cơ chế phân cấp về ngân sách đầu tư giữa Trung ương và địa phương, tăng tính tự chủ của chính quyền địa phương trong vấn đề huy động vốn đầu tư. Đây không chỉ là vấn đề huy động vốn mà có ý nghĩa lớn hơn ở vấn đề tăng tính tự chủ của chính quyền địa phương trong lĩnh vực ngân sách.

TPHCM của chúng ta thật đáng tự hào với sự chủ động, tiên phong trong việc đề xuất những mô hình mới trong quá trình đầu tư phát triển.