Bài học từ cách đọc 'vuông tròn'

(VOH) - Vài tuần nay, trên các trang mạng xã hội, lan truyền những đoạn clip về cách học mới của trẻ lớp 1.

Không ít những clip trong đó bày tỏ sự bức xúc, châm biếm của phụ huynh trước tình trạng con em đọc làu làu câu thơ khi nhìn vào từng ô vuông, hình tròn, hình tam giác, nhưng lại không thể đánh vần khi người lớn chỉ vào từng từ trong câu.

Những lo ngại cho thế hệ con cháu sau này sẽ là thế hệ của việc học vẹt, hay học theo kiểu mới sẽ gây khó khăn hơn cho con trẻ, thậm chí đánh đồng việc thay đổi cách đánh vần với việc thay đổi chữ quốc ngữ... trở thành động lực để không ít cư dân mạng bình luận, công kích, chia sẻ và phản đối.

Vậy nhưng thực sự có mấy người tìm hiểu kỹ càng nguồn gốc và ý nghĩa sâu xa của cách đánh vần lạ này, cũng như thực sự phân tích cặn kẻ vấn đề trước khi chia sẻ hay phê phán.

Sự phi lý nằm ở việc chỉ mới bắt đầu năm học mới được hơn 1 tuần rõ ràng không thể đòi hỏi học sinh phải đọc vanh vách dù ở cách dạy nào đi chăng nữa. Cũng như không nhà quản lý giáo dục nào lại thiết kế chương trình, in sách, chỉ để hướng học sinh đạt đến mục tiêu không biết đọc.

Thế nhưng, các clip, các bài viết phê phán, mỉa mai, thậm chí nhục mạ công trình nghiên cứu của một nhà khoa học tâm huyết vẫn cứ vô tư, nhiệt tình lan rộng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Lao động

Thực tế, những bức xúc về tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục tập trung ở phần nội dung đầu nhằm giúp học sinh phân biệt từng tiếng trong câu, tách lời nói ra thành các tiếng. Đây cũng là bước đầu để phân biệt giữa âm/tiếng và con chữ.

Hình thức thay thế âm/tiếng bằng những hình thức trực quan như khối hình, lego... đã được những quốc gia phát triển áp dụng từ nhiều năm nay nhằm giúp trẻ em bước đầu học chữ hiểu về âm/tiếng trước khi nhận mặt chữ. Bởi vì, xét về mặt bản chất, tiếng hay âm thanh chúng ta phát ra là thứ có trước, còn chữ viết chỉ là các ký hiệu được quy ước dành cho tiếng mà thôi.

Mặc dù có những khác biệt trong cách tiếp cận so với sách Tiếng Việt đại trà, nhưng qua 40 năm được ứng dụng từ môi trường thực nghiệm cho đến khi triển khai tại một số tỉnh thành khó khăn, phần lớn đều nhận được những  đánh giá tích cực từ phía nhà chuyên môn lẫn phụ huynh, học sinh.

Qua quá trình triển khai thực nghiệm tại các các địa phương khó khăn, ghi nhận không xảy ra tình trạng tái mù chữ. Học sinh được học tài liệu Tiếng Việt này đã phát triển rất tốt khả năng tư duy ngôn ngữ, từ việc phân biệt âm tiết và chữ viết các em phân biệt được cái gì thuộc về thế giới thật, những gì mang tính chất đại diện.

Thậm chí khi trưởng thành, cách học này còn giúp cho những công dân trẻ có được tư duy ngôn ngữ rõ ràng, không ít bạn ý thức hơn việc tìm từ ngữ chính xác để diễn đạt ý nghĩ đang diễn ra trong đầu hoặc tìm từ “đắt” nhất có thể để đại diện cho cái “vật thật” mà mình đang muốn nói đến.

Những kết quả này có được do việc tổ chức dạy học được xây dựng trên nguyên tắc phát huy tính chủ động chiếm lĩnh tri thức của người học chứ không chỉ là giảng dạy và ghi nhớ theo cách truyền thống.

Như vậy rõ ràng việc dạy và học sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục của Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Hồ Ngọc Đại không đáng bị phê phán như những gì đã diễn ra trong những ngày gần đây cũng như những lo ngại của phụ huynh học sinh.

Thực tế, những lo ngại  từ dư luận xã hội trong thời gian qua thể hiện sự quan tâm của những người làm cha mẹ, thể hiện sự giám sát của xã hội, cộng đồng đến việc học của con em. Đây thực sự là một điều đáng vui mừng, khi thấy được sự gắn kết, tác động giữa các môi trường nhà trường, gia đình và xã hội vì một mục tiêu chung.

Tuy nhiên, để sự gắn kết những môi trường giáo dục này hiệu quả đòi hỏi những nỗ lực từ các phía. Cụ thể trong vụ việc lần này, cần sự cẩn trọng, tìm hiểu thấu đáo của những bậc phụ huynh, cũng như sự bình tỉnh cân nhắc khi phân tích phản biện. Càng không thể dùng những ngôn từ phản giáo dục để hướng đến mục tiêu giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt hay bảo vệ môi trường giáo dục đúng nghĩa cho con em mình.

Ngoài ra, sự minh bạch thông tin, phân tích, giải thích cụ thể những vấn đề người dân quan tâm, bức xúc một cách kịp thời chứ không chỉ dừng ở việc đánh giá chương trình đạt chuẩn, đã được thẩm định... từ phía cơ quan chủ quản cũng là một yếu tố vô cùng cần thiết.

Thực tế cho thấy, giáo dục là lĩnh vực nhận được rất nhiều sự quan tâm của xã hội bởi sự gắn bó cụ thể với từng gia đình, với sự phát triển tương lai của xã hội. Chính điều này, càng đòi hỏi ngành giáo dục phải làm tốt hơn nữa công tác truyền thông cũng như có sự minh bạch, rõ ràng nhằm tạo dựng được niềm tin nhiều hơn cho xã hội.

Có như vậy, những chủ trương, những cách làm mới phục vụ cho việc nâng cao chất lượng giáo dục mới dễ dàng nhận được sự đồng tình và đón nhận hiệu quả.