Khai thác lợi thế thủy sản xuất khẩu

(VOH) - Tôm nước lợ, cá tra, cá rô phi... là những thủy sản nuôi có thể mạnh của Việt Nam. Theo ngành nông nghiệp, giá trị xuất khẩu thủy sản 7 tháng năm 2016 đạt trên 3,6 tỷ USD, tăng hơn 3% so với cùng kỳ năm 2015.

4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng dự báo lạc quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2016 có thể đạt 7 tỷ USD. 

Cố gắng giảm giá

Để tiếp tục phát huy lợi thế nuôi trồng thủy sản, chúng ta cần giải quyết một số vấn đề. Trước tiên là giảm giá thành sản xuất, trong đó, giảm giá thức ăn chăn nuôi và kiểm soát dịch bệnh là những ưu tiên. Bởi thức ăn chăn nuôi chiếm trên 60% giá thành nuôi tôm, cá. Quản lý được dịch bệnh sẽ giúp tăng tỷ lệ sống, tăng năng suất nuôi.

Lấy ví dụ con tôm chân trắng nuôi ở Việt Nam có giá thành cao là do 2 yếu tố trên. Khác với tôm sú nuôi quảng canh, có giá thành rẻ, chất lượng cao vì chi phí thức ăn thấp và rất ít dịch bệnh.

Hiện nay, sản lượng tôm nuôi trong nước vẫn chưa đáp ứng công suất chế biến của các nhà máy. Do vậy, mỗi năm ngành tôm phải nhập khẩu khoảng 500 -600 triệu USD tôm chân trắng nguyên liệu từ nhiều quốc gia để chế biến, tái xuất khẩu, tăng giá trị cho tôm. Đặc biệt, tôm chân trắng nguyên liệu nhập khẩu được các doanh nghiệp đánh giá có chất lượng cao và ổn định hơn tôm nuôi nội địa. Vì thế, ngành tôm vẫn còn có thể phát triển hơn nữa khi hạ giá thành sản xuất.

Chất lượng sống còn

Thứ hai là bảo đảm chất lượng hàng hóa thủy sản. Người nuôi sẽ chọn các tiêu chuẩn thực hành nuôi trồng thủy sản tốt như VietGap, GlobalGap, ASC, BAP... nhằm đáp ứng  yêu cầu của người tiêu dùng nội địa cũng như xuất khẩu.

Các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh, giám sát chất lượng tôm cá, ngăn chặn việc bơm chích tạp chất, sử dụng kháng sinh hóa chất bừa bãi... Bảo đảm chất lượng hàng hóa đóng vai trò quyết định đến uy tín, thương hiệu hàng thủy sản Việt Nam.

Thực tế chứng minh, trong những năm qua, khi có thông báo sự cố phát hiện tồn dư hóa chất, kháng sinh, tạp chất của lô hàng xuất khẩu sang EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... các cơ quan Nhà nước liên quan phải vào cuộc chấn chỉnh. Sau đó, cơ quan chức năng phía quốc gia nhập khẩu được mời sang để tiến hành đánh giá và chấp thuận đồng ý thì các lô hàng thủy sản mới tiếp tục được xuất khẩu trở lại. Những sự cố này, không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp mà còn làm giảm uy tín hàng hóa thủy sản Việt Nam.

Tăng liên kết

Thứ ba là liên kết trong sản xuất đến tiêu thụ vừa bảo đảm lợi ích hài hòa giữa người nuôi với các doanh nghiệp, bảo đảm áp dụng tiêu chuẩn tốt, tạo được sản phẩm chất lượng, uy tín.

Mối liên kết giữa doanh nghiệp trong hiệp hội ngành hàng nhằm có giá bán thống nhất, hạn chế cạnh tranh lẫn nhau, bảo đảm tất cả mọi thành phần liên quan đến chuỗi sản phẩm tôm, cá tra, rô phi... đều được hưởng lợi trong sản xuất, kinh doanh. Nhờ sự liên kết này, sản xuất nuôi trồng sẽ theo nhu cầu thị trường, không theo phong trào tự phát. Khi có kế hoạch sản xuất sẽ bảo đảm nguồn cung ổn định, giá cả hợp lý và có lợi nhuận cho các bên.

Ví dụ như con cá tra Việt Nam nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long rất phù hợp. Chỉ với diện tích nuôi khoảng 6.000 ha nhưng sản lượng có thể lên đến 1,5 triệu tấn vào thời hoàng kim năm 2008. Nhưng do thiếu sự liên kết và việc các doanh nghiệp cạnh tranh tự do nên đến nay cá tra xuất khẩu Việt Nam vẫn chưa thoát được khó khăn.

Bài học của con cá hồi Na Uy có thể áp dụng với cá tra, đã được các doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước ngành thủy sản tham quan, học tập. Thế nhưng dường như thủy sản xuất khẩu Việt Nam vẫn chưa áp dụng được. Nếu giải được bài toán này, con cá tra sẽ là một sản phẩm độc đáo của riêng Việt Nam như cá hồi của Na Uy.

Cuối cùng là bên cạnh con tôm, cá tra, ngành thủy sản Việt Nam vẫn còn cơ hội lớn để mở rộng diện tích nuôi và gia tăng xuất khẩu cá rô phi, cá điêu hồng. Hai loại cá này đã và đang có nhu cầu tiêu thụ toàn cầu với giá khoảng 4 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, Việt Nam mới xuất khẩu 2 loại cá này với giá trị khoảng 100 triệu USD/năm.

Tóm lại, các mặt hàng thủy sản Việt nam có nhiều lợi thế về sản lượng nuôi trồng và chế biến. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản có thể đạt mức từ 10 tỷ USD/năm trở lên. Tuy nhiên, để khai thác lợi thế này, cần giải quyết những bài toán về giảm giá thành, bảo đảm chất lượng sản phẩm, gia tăng sức cạnh tranh hàng hóa với bên ngoài chứ không phải là cạnh tranh nội tại.