Kỳ 1: Chấn chỉnh lấn chiếm lòng lề đường: Khó đến mấy vẫn phải làm

(VOH) – Quyết tâm chấn chỉnh lại trật tự lòng đường, vỉa hè ở TPHCM những ngày qua đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân Thành phố. Việc làm này đã được Hà Nội, Cần Thơ và các địa phương khác hưởng ứng…

Bộ Trưởng Công an Tô Lâm chỉ đạo lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiên quyết không để tái diễn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng ủng hộ chủ trương này. Lãnh đạo TPHCM cũng đã chỉ đạo sát sao và yêu cầu các quận, huyện làm quyết liệt, làm phải có lộ trình, có phương án chuyển đổi cho người dân…

Quận 1, 3 là khu trung tâm, là điểm đến của du khách nước ngoài khi đến TPHCM, chính vì vậy, hơn ai hết, các quận này phải tiên phong, đi đầu. Vấn đề lập lại trật tự lòng lề đường đặt ra nhiều trọng trách cho cơ quan chức năng trên địa bàn khi lâu nay đã làm nhiều nhưng vẫn chưa triệt để. Hiện trạng cũ vẫn còn tiếp diễn.

Đây cũng là yêu cầu bức thiết khi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra 7 chương trình đột phá. Chỉnh trang và phát triển đô thị là 1 trong 7 chương trình đột phá đó của Thành phố. Trong đó, yếu tố cần có của một đô thị văn minh là lòng lề đường phải sạch, ngăn nắp, người dân sống có ý thức, lề lối, lịch thiệp.

Khẳng định việc giải tỏa vỉa hè phải được thực hiện một cách công bằng, không nể nang, không có ngoại lệ và cả người dân lẫn cơ quan Nhà nước, nếu lấn chiếm vỉa hè đều phải xử lý như nhau. Với quyết tâm này, lực lượng Quản lý trật tự đô thị, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Công an các phường trên địa bàn ra quân lập lại trật tự đô thị. Sau hơn 45 ngày triển khai kế hoạch lập lại trật tự đô thị, quận 1 đã xử phạt hơn 1.100 trường hợp, thu ngân sách gần 600 triệu đồng.

Ảnh minh họa - Nguồn: TTXVN

Đồng tình với việc tái lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè, nhưng vài hộ dân băn khoăn là đặc thù của khu phố Tây ở phường Phạm Ngũ Lão lâu nay hoạt động kinh doanh mở, mua bán, vui chơi cho du khách chủ yếu diễn ra trên vỉa hè đã trở thành nét riêng nơi đây. Một số hộ tại đây lo lắng việc hoạt động kinh doanh của họ bị ảnh hưởng và không còn thu hút du khách nữa.

Tuy nhiên, các hộ kinh doanh trong nhà lại có vẻ ít lo lắng hơn như chia sẻ của ông Đinh Văn Tú, một hộ kinh doanh trên tuyến đường Phạm Ngũ Lão, quận 1 sau khi vỉa hè được chấn chỉnh: “Đường sá sạch sẽ thông thoáng hơn so với trước đây. Các hộ kinh doanh trong nhà không ảnh hưởng mấy do đường sá thông thoáng thì việc buôn bán thuận lợi hơn.

Trong năm 2016, khu vực này đã thu hút 250.000 du khách nước ngoài, doanh thu đạt khoảng 37 tỷ đồng một năm. Do đây là khu vực đặc thù, có bản sắc riêng nên theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP là nên giữ lại mô hình này để hút du khách. Tuy nhiên cần phải đảm bảo trật tự, không lấn chiếm quá mức, cải tạo vỉa hè đi bộ trên tuyến đường Bùi Viện, có đề án hình thành khu chợ phiên tại bến Bạch Đằng cho các hộ hàng rong buôn bán…

Để đảm bảo trật tự đô thị ở các khu vực trên địa bàn phường, ông Lê Tấn Đạt, Chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, cho biết: “Phường sẽ ra quân 1 tuần 4 buổi, thực hiện xuyên suốt trong năm 2017”

Tiếp nối sự quyết liệt của lãnh đạo quận 1 trong việc "giành lại" vỉa hè cho người đi bộ, quận 3, Phú Nhuận, Bình Tân, Bình Thạnh, quận 9, 12, Thủ Đức, Tân Phú cùng các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, và nhiều nơi khác trên địa bàn TP.HCM đã đồng loạt ra quân lập lại trật tự đô thị. Tại quận 3, những ngày qua, đoàn công tác liên ngành gồm cảnh sát, trật tự đô thị cũng đã ra quân, trên tuyến đường Phạm Ngọc Thạch và Võ Văn Tần, lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt 15 ôtô, lập lại trật tự tại 12 tuyến đường kiểu mẫu, 5 bãi đậu taxi, lập biên bản phạt 39 xe vi phạm.

Tuy nhiên, do đặc thù trên địa bàn quận 3 có trụ sở nhiều cơ quan Nhà nước, xe ôtô thường đậu trên vỉa hè gây khó khăn trong việc xử lý, ông Võ Khắc Thái, Chủ tịch UBND quận 3, kiến nghị: “Chúng tôi cũng đề xuất Sở GTVT có phân luồng cụ thể lại trên tuyến đường của quận. Ví dụ như có những tuyến đường tuyệt đối không được đậu xe trên lề đường ở tất cả các ngày trong tuần vì lòng đường quá nhỏ. Hoặc việc phân tuyến lại về giao thông, ví dụ như Trương Định và Trần Quốc Thảo, thì đường Trần Quốc Thảo lại cho hai chiều mà một chiều lại chỉ có xe gắn máy thôi, thì mình có những nghiên cứu lại như những giờ cao điểm, buổi sáng và buổi chiều trên tuyến đường đó. Chúng tôi đề xuất là nên cho xe 4 bánh lưu thông để giải quyết ùn tắc ở đường Trương Định. Bởi đường này chỉ có một chiều, áp lực giao thông rất lớn. Trong khi đoạn từ Võ Văn Tần đến Võ Thị Sáu của đường Trần Quốc Thảo thì rất vắng”.

Trong khi đó, tại các quận, huyện vùng ven, do đặc thù mỗi nơi khác nhau nên cũng có những khó khăn riêng. Tại huyện Hóc Môn, những ngày vừa qua, chính quyền địa phương cũng đã tiến hành kiểm tra thường xuyên, đến từng nơi vận động người dân tự tháo dỡ, có thời hạn tháo dỡ.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Văn Hồng Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, tại các tuyến đường chính ở Hóc Môn, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, nhà hàng kinh doanh buôn bán, đãi tiệc cưới, hỏi, trung tâm ngoại ngữ, dạy nghề... vào giờ cao điểm ảnh hưởng rất lớn đến trật tự lòng lề đường. Đồng thời kiến nghị các Sở, ngành liên quan cần tính toán phương án bố trí bãi giữ xe tại các tuyến đường này để người dân đi lại được thuận tiện: “Hiện nay không chỉ riêng Hóc Môn mà có nhiều quận, huyện có tình trạng đưa đón học sinh đi học ngoại ngữ tràn ra từ vỉa hè xuống lòng đường vào giờ cao điểm. Cũng xin đề xuất ngoài phương án PCCC, bảo vệ môi trường, thì cũng tính đến quy hoạch bãi giữ xe”.

Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng TPHCM vẫn kiên quyết lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè để cải tạo hình ảnh và nếp sống văn minh đô thị. Muốn làm được điều này, cần thay đổi những thói quen cũ, xây dựng nếp sống, nếp nghĩ mới của con người văn minh. Xây dựng được ý thức này, hình thành sự tự giác tuân thủ pháp luật, thì những thói quen xấu trước đây sẽ không còn tồn tại.

Và khi làm, phải luôn tuân thủ triệt để lời dặn dò, nhắc nhở của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng: “Một bộ phận rất lớn người dân thành phố nhiều năm qua sinh sống trên vỉa hè và ít nhiều họ có đóng góp cho sự phát triển của Thành phố. Do vậy, trong giải pháp thực hiện, các quận huyện phải đặc biệt lưu ý, không đẩy người dân vào chỗ cùng cực, nhưng cũng không để người dân tái diễn việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm mất mỹ quan đô thị”.