Sản xuất nông sản thua lỗ vì chạy theo phong trào

(VOH) - Trong thời gian gần đây, heo, gà, dưa hấu, chuối, cá lóc, cá tra... rớt giá, làm không ít nông dân bị thua lỗ.

Nguyên nhân khi những mặt hàng nông sản giá cao, nhiều nông dân tăng đầu tư, còn gọi là sản xuất theo phong trào. Và khi đến mùa thu hoạch, nguồn cung tăng, tình hình tiêu thụ giảm, dẫn đến rớt giá.

Đây là vấn đề lớn trong sản xuất nông sản hàng hóa nhưng không quan tâm đến cung cầu thị trường.

Lấy ví dụ như để giúp nông dân giảm thiệt hại, một số cá nhân, tổ chức đã thực hiện các chương trình giải cứu chuối ế mới đây đã có tác dụng nhất định về mặt thị trường.

Mặc dù vậy, nông sản cũng chỉ tăng giá rất thấp, không bằng với giá thị trường trước đó. Thế nhưng, giá chuối ngay sau đó đã tăng lên gấp khoảng 3 lần khi thương lái bắt đầu thu mua chuối để xuất bán sang nơi khác.

Trường hợp dưa hấu dội hàng, ế chợ hoặc cà chua Đà Lạt cũng vậy, khi không có nhu cầu thị trường thì giá rớt thảm hại. Và rõ ràng, khi nhu cầu thị trường tăng lên, giá các nông sản này tất nhiên tăng theo và sẽ không cần các hoạt động giải cứu như đã xảy ra với chuối, dưa hấu...

Vừa qua, sản lượng thịt heo tăng lên và nhu cầu tiêu thụ thịt heo giảm cũng đang làm người nuôi heo điêu đứng, bị thua lỗ từ vài trăm ngàn đồng đến cả triệu đồng mỗi tạ heo hơi. Dư luận đưa ra câu hỏi, vậy có cần giải cứu con heo, con gà...? Như vậy, mỗi khi có mặt hàng nông sản nào rớt giá, cả xã hội lại phải tập trung để giải cứu. Và làm sao giải cứu cho xuể?

Mấu chốt vấn đề là chỉ có sản xuất cân bằng giữa cung và cầu, tất nhiên, nông dân không cần một chiến dịch giải cứu nông sản nào nữa.

Lấy trang trại chuối tiêu xuất khẩu của ông Vũ Quan Huy, tỉnh Long An làm ví dụ. Ban đầu, ông trồng thử nghiệm, giới thiệu sản phẩm cho khách hàng. Sau đó, khách hàng ký kết tiêu thụ sản phẩm với sản lượng 4.000 tấn, sau đó mở rộng diện tích tương ứng khoảng 100 ha.

Khi khách hàng tăng tiêu thụ lên 8.000 – 10.000 tấn, ông tăng diện tích canh tác chuối lên 200 ha... Với cách làm này, giá chuối xuất khẩu của trang trại luôn giữ ở mức cao và ít khi nào xảy ra tình trạng ế thừa.

Với nông dân đơn lẻ, diện tích ít, để làm được điều này, cần phải liên kết lại với nhau thành một tổ chức sản xuất như HTX. Để từ đây, sản xuất có kế hoạch, có xúc tiến khách hàng, sản xuất nông sản theo đơn đặt hàng và theo nhu cầu thị trường...

Một số mô hình HTX đang thực hiện theo kiểu này như xoài Đồng Nai, xoài Đồng Tháp... đã có thể xuất khẩu ra thị trường thế giới. Để các HTX này phát triển tốt, tất nhiên cần sự giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị liên quan của nhà nước về chuyến giao, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nông sản an toàn, sạch, hữu cơ, tìm kiếm khách hàng nhập khẩu, vốn vay để đầu tư sản xuất...

Với các mô hình sản xuất lớn, HTX này, nông dân sẽ yên tâm sản xuất, sẽ chấm dứt tình trạng sản xuất nông sản chạy theo phong trào với điệp khúc trồng rồi chặt, chặt rồi trồng. Tình trạng lẩn quẩn này đã từng xảy ra trên nhiều lọai cây trồng, vật nuôi trong thời gian qua. Nông dân hiện nay không chỉ cần sản xuất nông sản sạch, an toàn mà còn cần hiểu và áp dụng quy luật cung cầu của thị trường.