Lời hiệu triệu phát huy sức mạnh toàn dân

(VOH) - 70 năm trước, ngày 11/6/1948, trong thời điểm gian khổ nhất, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc".

Với lời kêu gọi chưa đầy 500 chữ, Bác đã khơi lên một phong trào lớn, thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân cả nước. Thi đua kháng chiến, thi đua kiến quốc, thi đua là yêu nước. Chính phong trào thi đua sâu rộng này đã phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp toàn dân, biến thành động lực to lớn đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

“Diệt giặc đói khổ, diệt giặc dốt nát, diệt giặc ngoại xâm” – đó là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân cũng như mục đích, thứ tự ưu tiên của phong trào, được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ ngay khi mở đầu lời kêu gọi thi đua ái quốc. Và dựa vào “Lực lượng của dân, tinh thần của dân” để đem lại “Hạnh phúc cho dân”. Ngắn gọn, rành mạch, súc tích, và bằng ngôn ngữ giản dị quen thuộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ niềm tin vào lực lượng của dân, hiểu tinh thần yêu nước của nhân dân và yêu thương đồng bào như thế nào.

Tất cả những việc làm trên để đạt mục đích cuối cùng là: “Toàn dân đủ ăn đủ mặc. Toàn dân sẽ biết đọc biết viết. Toàn bộ đội sẽ đầy đủ lương thực, khí giới, để giết giặc ngoại xâm”. Tiến tới: “Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn. Thế là chúng ta thực hiện: Dân tộc độc lập. Dân quyền tự do. Dân sinh hạnh phúc”…

Tròn 7 thập kỷ đã qua, "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" của Bác vẫn vẹn nguyên một sức mạnh hiệu triệu toàn dân, huy động sức mạnh của muôn triệu trái tim yêu nước. Ý nghĩa nhân văn của phong trào thi đua yêu nước không chỉ là chuyện thành tích, biểu dương công trạng. Với mỗi người, không giá trị nào cao quý hơn, thiêng liêng hơn lòng yêu nước. Với Bác, thi đua là yêu nước. Lòng yêu nước không chung chung hay xa vời, mà được thể hiện bằng hành động cụ thể, thiết thực, có lợi cho đất nước và nhân dân, qua phong trào thi đua “ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân”.

70 năm qua, phong trào thi đua đã đơm hoa kết trái với biết bao chiến công, thành quả, kỳ tích mà dân tộc ta đã dựng nên... Lẽ đương nhiên, mọi thắng lợi, thành công của phong trào thi đua ái quốc không dễ dàng có được. Đó là kết tinh tâm sức, trí tuệ và những cống hiến, hy sinh vô vàn của đồng bào, chiến sĩ ta. Có biết bao tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến đã xuất hiện, tỏa sáng trong phong trào thi đua ái quốc. Trong những tháng năm cả dân tộc một lòng kháng chiến cứu nước, hay trên mặt trận lao động sản xuất, xây dựng đất nước, phong trào thi đua yêu nước đã sản sinh ra những tấm gương sáng, sản sinh biết bao tấm gương chiến sĩ, đồng bào đã hăng hái thi đua “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Những anh hùng, dũng sĩ, những tấm gương người tốt, việc tốt, anh hùng lao động.. trong thi đua đã làm ngời sáng thêm chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Hình minh hoạ: internet

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trên chặng đường hơn 30 năm đổi mới, phong trào thi đua yêu nước vẫn luôn được giữ lửa, tiếp nối, ngày càng sôi nổi hơn, hiệu quả hơn. Rất nhiều, rất nhiều những câu chuyện cảm động về lòng tốt, sự tử tế, những hành động vì nước, vì dân của chiến sĩ, đồng bào ta được cổ vũ, nhân lên mỗi ngày. Các phong trào thi đua đã động viên nhân dân cả nước vượt qua bao nhiêu gian lao, là động lực to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có thể khẳng định, tinh thần thi đua yêu nước và sức mạnh của phong trào thi đua yêu nước đã phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, huy động sức mạnh toàn dân tộc, giúp dân tộc ta vượt lên mọi khó khăn thách thức giành những thành tựu vẻ vang.

Tuy nhiên, do nhiều tác động mặt trái, khi chúng ta ra sức xây dựng và bảo vệ đất nước, vẫn còn những tồn tại, suy nghĩ và hành động sai trái như: kể công, bệnh thành tích, gian dối, vi phạm pháp luật... Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, Người chỉ rõ: “thi đua chứ không phải ganh đua” nên phải thân ái, đoàn kết, giúp đỡ nhau để đạt được thành tích cao. Thi đua là đoàn kết, thi đua để tăng cường đoàn kết, từ đó đẩy mạnh thi đua hơn nữa. Tư tưởng đó vẫn còn nguyên giá trị hôm nay và mãi về sau. Thi đua chính là sức mạnh, là nhân tố quan trọng làm nên thành công của cách mạng Việt Nam.

Là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử, tinh thần yêu nước của dân tộc ta thật sự tạo nên sức mạnh vô cùng to lớn và thần kỳ, được chứng tỏ qua thực tiễn dựng và giữ nước hàng ngàn năm qua. Trong bối cảnh mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, công nghệ tiến nhanh vũ bão, bên cạnh những thuận lợi to lớn, chúng ta cũng đang đứng trước nhiều thử thách, khó khăn. Thời cơ và thách thức đan xen, diễn biến phức tạp. Vì thế, hơn lúc nào hết, cần phải phát huy cao độ tình cảm, tinh thần thi đua yêu nước của dân tộc, để bài ca thi đua tiếp tục vang vọng cổ vũ tinh thần cho cả dân tộc nỗ lực. Việc đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh càng cần được nhận thức đầy đủ, thực hiện một cách sâu rộng, hiệu quả. 70 năm qua, 70 năm sau và hàng trăm năm sau nữa, tinh thần thi đua yêu nước của mỗi người dân, mỗi tập thể vẫn cần tiếp tục khơi dậy, tiếp lửa, nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc. Sức mạnh đó chắc chắn được nhân lên gấp nhiều lần, đủ vượt qua bất kỳ khó khăn, thách thức nào, tạo nên một Việt Nam lớn mạnh, giàu đẹp, “sánh vai các cường quốc năm châu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong mỏi.