Những hệ lụy đặt ra đối với London

(VOH) - Gần một tuần từ sau ngày bầu cử đầy chấn động, những cơn sóng lớn vẫn tiếp tục làm chao đảo chính trường Anh. Trong một diễn biến mới nhất, Thủ tướng Anh Theresa May đã buộc phải tuyên bố lùi lại thời hạn bắt đầu đàm phán Brexit dự kiến vào ngày 19/6 sắp tới, do những bất ổn trên chính trường. Động thái này không chỉ cho thấy sự suy yếu của nước Anh mà còn đặt nước Anh trước nhiều nguy cơ mới.

Đúng như dự đoán, Thủ tướng Anh Theresa May đã buộc phải đưa ra tuyên bố lùi lại thời hạn bắt đầu đàm phán Brexit vào một thời điểm chưa ấn định. Trước đó, thời hạn đàm phán rời khỏi EU dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 19/6, tức là ngày thứ 2 tuần tới. Tuy không giải thích về quyết định vừa nêu, nhưng ai cũng hiểu rằng chính những xáo trộn lớn trên chính trường Anh trong một tuần qua, đã buộc nữ Thủ tướng Anh phải lùi lại thời hạn đàm phán Brexit.

Xin nhắc lại: cuộc bầu cử Anh hôm 8/6 được xem là một thất bại lớn đối với Thủ tướng Anh Theresa May và đảng Bảo thủ của bà bởi kết quả của nó đã khiến vị thế của đảng Bảo thủ lung lay và uy tín cá nhân của nữ Thủ tướng Anh sụt giảm nghiêm trọng.

Đảng Bảo thủ chỉ đạt 319 ghế, mất hơn 10 ghế và không đủ số ghế quá bán để thành lập chính phủ liên minh, trong khi Công đảng đối lập tăng hơn 30 ghế. Nghiêm trọng hơn, do không đảng nào giành đủ số phiếu quá bán, nên nước Anh đã chính thức rơi vào tình trạng “Quốc hội treo”.

Nhiều nhà phân tích nhận định nữ Thủ tướng Anh đã rơi vào tình trạng “gậy ông đập lưng ông” khi vừa không giành được thắng lợi cho đảng bảo thủ cầm quyền lại vừa đặt nước Anh vào tình thế nguy khốn. Thậm chí, Thủ tướng Anh Theresa May đã phải xin lỗi nhiều thành viên trong đảng Bảo thủ, vì họ đã mất ghế trong cuộc bầu cử hôm 8/6.

Nghe bài viết

Lãnh đạo đảng Bảo thủ, bà Theresa May, và lãnh đạo Công đảng, ông Jeremy Corbyn. Ảnh: Getty.

Vậy là sau “canh bạc” bầu cử với kết quả thua đậm, chính quyền của Thủ tướng Anh Theresa May rơi vào tình trạng “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”. Vào lúc này, bà Mây vẫn thể hiện quyết tâm sẽ tiếp tục tại vị và dẫn dắt Đảng Bảo thủ, bất chấp sức ép từ phe đối lập kêu gọi bà từ chức.

Trên thực tế, dù việc lùi lại thời hạn đàm phán Brexit là một quyết định miễn cưỡng, song nó phản ánh một thực tế Thủ tướng Anh và đảng cầm quyền gần như không thể kiểm soát được tình hình hiện nay.

Thứ nhất, đảng Bảo thủ cầm quyền không thể một mình thành lập chính phủ và buộc phải đàm phán với đảng Liên minh Dân chủ (DUP) của Bắc Ai-len để thành lập chính phủ liên minh. Song, đây không phải là việc dễ dàng bởi dù là đảng nhỏ, nhưng Liên minh Dân chủ Bắc Ai-len lại cực kỳ bảo thủ và có nhiều quan điểm cực đoan.

Thứ hai, sự nổi lên của Công đảng đối lập và mâu thuẫn ngay trong nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền đã và đang đặt ra những thách thức to lớn đối với vị trí lãnh đạo của bà Theresa May.

Hãng tin Anh BBC thông tin đã có nhiều yêu cầu nữ Thủ tướng Anh phải từ chức. Trong khi đó, đầu tàu kinh tế Anh-thủ đô London, hầu như đều nằm trong tay của phe Công đảng đối lập.

Theo Đài phát thanh Quốc tế Pháp, Thị trưởng London ông Sadiq Khan đã lên tiếng đòi một quy chế riêng cho thành phố này trong cuộc đàm phán Brexit sắp diễn ra. Và như vậy, những gì nước Anh đang trải qua- chẳng khác nào một vở bi kịch của nhà văn Wiliam Shakespeare với bầu không khí hoang mang và nguy cơ tan rã thành nhiều mảnh, ngay khi mới chỉ chuẩn bị bước ra khỏi mái nhà chung EU.

Theo thông lệ, lẽ ra tuần tới, nữ hoàng Anh sẽ có bài phát biểu khai mạc Quốc hội, nhưng đến nay, nhiều nguồn tin cho rằng bài phát biểu của Nữ hoàng dự kiến sẽ bị hoãn lại. Đây là một sự kiện chưa từng có tiền lệ và là dấu hiệu cho thấy nước Anh đang cận kề bất ổn.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là nước Anh sẽ ra sao trong những ngày tới? Và kịch bản nào sẽ xảy ra sau khi Anh lùi lại thời hạn đàm phán Brexit?

Với những gì đang diễn ra sau cuộc tổng tuyển cử tại Anh, người ta đang chờ đợi xem liệu đảng Bảo thủ sẽ tiếp tục phiên bản Brexit “cứng”, tức là tiến hành một thỏa thuận thương mại tự do với EU nằm ngoài thị trường chung và ngăn chặn người nhập cư tràn vào Anh? Hay sẽ phải xem xét một Brexit “mềm hơn”, tức là nước Anh sẽ vẫn nằm trong thị trường chung châu Âu để đổi lấy việc được các đảng khác ủng hộ?

Kể từ khi lên nắm quyền năm 2016, Thủ tướng Theresa May đã ủng hộ kịch bản Brexit "cứng". Tuy nhiên, thất bại của đảng Bảo thủ trong cuộc tổng tuyển cử ngày 8/6 đã làm đảo lộn tình thế và buộc bà Theresa May phải tính toán lại trong việc đưa ra quyết định về tiến trình Brexit. Điều này có thể dự báo một tiến trình Brexit “mềm” hơn với EU những ngày tới.

Tuy nhiên, trong trường hợp bà Theresa May thuyết phục được người dân Anh loại bỏ các thỏa thuận và EU tiếp tục thực hiện lập trường cứng rắn với một chiến lược đàm phán rõ ràng thì kịch bản thứ 2 có thể xảy ra, đó là khả năng đàm phán Brexit rơi vào hỗn loạn.

Điều quan trọng hiện nay, là nếu nước Anh giải quyết xong những vấn đề nội bộ thì tất nhiên chưa thể tính đến việc sẽ “ngả” theo kịch bản Brexit nào. Hiện, EU lo ngại nếu Anh không có một chính phủ đa số, có quyền tự quyết cao thì tiến trình đàm phán sắp tới sẽ rất khó đạt hiệu quả. Ủy viên Ngân sách EU ông Guenther Oettinger đã nhấn mạnh rằng: “Với một đối tác đàm phán yếu, có mối nguy hiểm rằng đàm phán sẽ tồi tệ cho cả hai bên”.

Tờ Người Bảo vệ (Anh) bình luận EU đang mất dần sự kiên nhẫn trước tình trạng hỗn loạn của Anh. EU cũng đã tuyên bố nếu London vẫn khăng khăng bàn về thỏa thuận thương mại tự do trước khi giải quyết dứt điểm các vấn đề trong “thỏa thuận ly hôn”, họ sẽ phải đối mặt với phản ứng cứng rắn từ khối này.

Đã gần một năm kể từ thời điểm nước Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu, dư luận thế giới hiện đang nín thở chờ xem nước Anh sẽ làm thế nào để bước ra khỏi những rối ren hậu bầu cử để bước vào đàm phán Brexit, chính thức rời khỏi EU trong những ngày tới.