Thế giới cần chung tay ngăn ngừa đại dịch

(VOH) - Thế giới đang chiến đấu với một "kẻ thù chung" - virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Từ những ca bệnh đơn lẻ xuất hiện ở Trung Quốc cuối tháng 12 năm ngoái, đến nay sau 4 tháng, virus SARS-CoV-2 đã hoành hành khắp các châu lục. Sau Vũ Hán (Trung Quốc), giờ đây Mỹ và châu Âu đã trở thành tâm dịch toàn cầu. Đã có nhiều dự báo về một kịch bản suy thoái của kinh tế toàn cầu. Bởi vậy, hơn lúc nào hết cần có sự chung tay chống dịch của tất cả các quốc gia.

Thế giới cần chung tay ngăn ngừa đại dịch

Thế giới cần chung tay ngăn ngừa đại dịch. Ảnh: internet

4 tháng sau khi báo cáo đầu tiên về ca bệnh tử vong do một loại virus gây viêm phổi lạ được công bố, thế giới đã trải qua những khoanh khắc không thể nào quên. Những ngày đầu tiên của tháng 4/2020, virus SARS-CoV-2 đã có mặt ở 203 quốc gia và vùng lãnh thổ, với trên 873.000 ca nhiễm và hơn 43.270 ca tử vong. Hơn 1 tỷ người bị cách ly trên toàn cầu, hàng loạt các nhà lãnh đạo, các quan chưc cao cấp bị nhiễm bệnh, kinh tế thế giới trước viễn cảnh suy thoái.Tình hình nghiêm trọng đến nỗi, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã phải kêu gọi "các quốc gia cần đoàn kết lại, mọi người đoàn kết lại”, hợp tác chống dịch chính là trách nhiệm lúc này. Tất cả đều do virus SARS-CoV 2.

Nhìn lại tình hình 4 tháng qua, các chuyên gia đánh giá thế giới lúc đầu đối phó với cuộc khủng hoảng COVID-19 đã quá chủ quan, quá nhiều quốc gia bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo và hành động một mình.

Trong cuộc chiến toàn cầu này, Liên hợp quốc đang thể hiện vai trò điều phối, hướng tới một cách tiếp cận quốc tế chung đối với đại dịch, như huy động một quỹ ứng phó toàn cầu trị giá 2 tỷđô la Mỹ để hỗ trợ cuộc chiến chống COVID-19 tại một số quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Các thể chế, từ Liên minh châu Âu (EU), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tới Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đều đã và đang phát huy tiếng nói. G20 cam kết thành lập một mặt trận thống nhất chống  dịch COVID-19, Liên minh châu Âu nhất trí phát triển một hệ thống quản lý khủng hoảng châu Âu và một chiến lược chung để đối phó, ASEAN thực hiện chia sẻ thông tin và phối hợp chính sách hiệu quả để ngăn chặn dịch…

Khi dịch bệnh mới bùng phát, Trung Quốc bị thiếu hụt nguồn cung y tế nghiêm trọng.Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã cung cấp vật tư y tế qua quỹ khẩn cấp trị giá 500.000 đô la Mỹ để giúp Trung Quốc.Hàn Quốc viện trợ 2 triệu mặt nạ, 1 triệu khẩu trang y tế, 100.000 bộ đồ bảo hộ. Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền Nhật Bản quyết định trích một phần lương tháng 3 của mỗi nghị sĩ để ủng hộ, với tổng số tiền lên tới 2 triệu yen (18.170 đô la Mỹ). Không chỉ chính phủ, khu vực tư nhân của Mỹ cũng gửi tới Trung Quốc 2 triệu chiếc khẩu trang...

Giờ đây, khi dịch bệnh lan ra toàn cầu, Trung Quốc quay lại chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ những quốc gia đang gặp khó khăn như Italy, Tây Ban Nha, Iran... Liên minh châu Âu viện trợ nhân đạo hơn 20 triệu đô la Mỹcho Iran,  Pháp Đức và Anh cũng đã bày tỏ tình đoàn kết với Tehran khi cam kết hỗ trợ tài chính bổ sung khẩn cấp gần 5 triệu euro (5,57 triệu đô la Mỹ). Nga, Cuba cử đội chuyên gia tới tâm dịch châu Âu, Italy trong những ngày khó khăn nhất....

Đầu tháng 3, Ngân hàng thế giới (WB) đã đưa ra gói cứu trợ 12 tỷđô la Mỹ để hỗ trợ các nước đang phát triển chống dịch thông qua việc tăng cường hệ thống y tế, siết chặt giám sát dịch bệnh. Ủy ban châu Âu triển khai Sáng kiến đầu tư ứng phó với COVID-19, trong đó huy động 25 tỷ euro (27,8 tỷđô la Mỹ) để hỗ trợ các hệ thống chăm sóc y tế quốc gia, doanh nghiệp vừa và nhỏ, thị trường lao động và những lĩnh vực dễ bị ảnh hưởng của các nền kinh tế.

Ngoài viện trợ, hỗ trợ, phối hợp xuyên biên giới, hợp tác chống COVID-19 còn là việc minh bạch thông tin, chia sẻ mọi dữ liệu y tế và nghiên cứu dịch bệnh lẫn kinh nghiệm về các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch. WHO từng nhấn mạnh việc chống lại virus đòi hỏi có sự giám sát mạnh mẽ để tìm kiếm, cách ly, kiểm tra và điều trị mọi trường hợp nhiễm bệnh, từ đó có thể phá vỡ chuỗi lây lan của virus. Chính vì vậy, việc các nước liên tục cập nhật số ca nhiễm và tử vong, minh bạch thông tin về tình hình dịch bệnh đã giúp thế giới nắm được tình hình bùng phát theo từng khu vực, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời. Như trường hợp Việt Nam, Điều phối viên LHQ tại Việt Nam Kamal Malhotra khẳng định LHQ đã sử dụng kinh nghiệm chống dịch giai đoạn đầu hiệu quả của Việt Nam để chia sẻ với các nước trên thế giới.

Một trong những hướng hợp tác chính hiện nay là tập hợp mọi nguồn lực để tìm ra các phương pháp điều trị mới và vác-xin ngừa virus SARS-CoV-2. Liên minh châu Âu phân bổ 140 triệu euro (155,8 triệu đô la Mỹ) từ ngân sách cho các dự án nghiên cứu triển vọng về vaccine, chẩn đoán và chữa trị. Vương quốc Anh đóng góp 544 triệu đô la Mỹ vào quỹ toàn cầu nghiên cứu bào chế vaccine. Chính phủ Mỹ quyết định đầu tư 1 tỷđô la Mỹ để sản xuất hơn 1 tỷ liều vác-xin. Nhiều nước trên thế giới cũng muốn Việt Nam chia sẻ dụng cụ xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2, bộ sinh phẩm real-time RT-PCR do Học viện Quân y phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á chế tạo.

Hợp tác toàn cầu lúc này cũng liên quan tới hạn chế thiệt hại kinh tế bằng cách phối hợp các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ và bảo vệ giao thương hàng hóa toàn cầu, hỗ trợ tài chính cho các nước gặp khó khăn.Phối hợp giữa các ngân hàng trung ương và các tổ chức tài chính quốc tế là cách khả thi duy nhất.

Không phải bây giờ thế giới hơn 7,7 tỷ người mới đương đẩu với thách thức toàn cầu, chủ nghĩa khủng bố, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường… - những “kẻ thù chung” đòi hỏi phải hợp tác xuyên biên giới để đối phó. Lần này, cả thế giới cũng đang "chung chiến hào chống giặc", hợp sức, đồng lòng trước "kẻ thù vô hình COVID-19" là điều khiến tất cả các nước cần cùng nhận thức và chung tay hành động.