Ưu tiên chống ngập trong mùa mưa

(VOH) - Đầu năm đến nay, tại TPHCM có hàng chục cơn mưa, trong đó có những cơn mưa lớn xảy ra vào các buổi chiều khiến nhiều tuyến đường trên các quận của thành phố như: 6, 7, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh, Thủ Đức, Gò Vấp... chìm trong “biển nước”.

Nhiều tuyến đường ngập sâu hơn nửa mét, khiến giao thông bị tê liệt. Hiện các cơ quan chức năng đang nỗ lực để giảm thiểu thiệt hại do ngập gây ra ở TPHCM.

Chỉ qua vài cơn mưa đầu mùa, trên địa bàn TPHCM đã cho thấy nỗ lực chống ngập của Chính quyền và cơ quan chức năng thành phố triển khai từ đầu năm là không thừa. Tuy vậy, đây chỉ mới là điều kiện cần chứ chưa đủ, vì tình trạng “hễ mưa lớn lại gây ngập” cho thấy công tác này nếu muốn hiệu quả còn đòi hỏi thêm nhiều yếu tố khác.

Theo các nhà khoa học, trước tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thời gian gần đây, mưa lớn, triều cường cao xảy ra thường xuyên hơn, nguy cơ ngập úng tại TPHCM sẽ ngày càng tăng nếu không sớm triển khai các giải pháp chống ngập úng đồng bộ, kịp thời.

Hiện trên địa bàn thành phố còn 171 điểm ngập do mưa. Ảnh minh họa: TTO

Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố cho rằng, phải gấp rút hoàn tất việc duy tu, nạo vét hệ thống thoát nước trước mùa mưa. Bên cạnh đó, thành phố cần khẩn trương kiểm tra, rà soát và giải tỏa các vị trí có công trình lấn, chiếm lòng kênh, rạch, cửa xả để phục vụ công tác nạo vét kênh, rạch có chức năng tiêu thoát nước, khơi thông dòng chảy.

Theo thống kê, trên địa bàn thành phố còn 171 điểm ngập do mưa ở những tuyến đường hoặc hẻm phân cấp do quận, huyện quản lý và 40 điểm ngập do mưa ở những tuyến đường lớn phân cấp Trung tâm chống ngập quản lý.

Trên thực tế, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố ngay từ đầu năm đã kiểm tra, đôn đốc tiến độ khắc phục các vị trí, xử lý lấn chiếm hệ thống thoát nước, kênh rạch, tuyến cống, hầm ga, cửa xả; triển khai nạo vét hơn 380 km lòng cống thoát nước, duy tu nạo vét 29 tuyến kênh rạch và cửa xả.

Tuy nhiên, dù các cơ quan chức năng có nỗ lực chống ngập đến đâu thì cũng cần có sự hợp tác từ phía người dân. Ai cũng luôn bức xúc trước tình trạng ngập đường, nhưng chính ý thức kém của một bộ phận không nhỏ người dân đang gây ra hậu quả này.

Chúng ta phải ý thức không xả rác bừa bãi gây tắc nghẽn hệ thống cống thoát nước; các cá nhân, tổ chức không được phép tự ý xây dựng công trình lấn chiếm kênh rạch. Các cơ quan chức năng phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ, không xả rác vào hệ thống thoát nước, không lắp chặn các miệng thu nước.

Về phía thành phố, bên cạnh việc chuẩn bị phương án, phương tiện, thiết bị, nhân lực, vật lực nhằm chủ động ứng cứu, bơm tiêu thoát nước không để ngập úng kéo dài, kéo giảm mức độ ngập tại các khu vực ngập nặng thì thành phố cũng triển khai giải pháp lắp đặt thiết bị cảnh báo ngập và hệ thống theo dõi cập nhật thông tin 40 điểm ngập để người dân cùng cơ quan chức năng kịp thời chuẩn bị khi mưa lớn hoặc triều cường dâng cao. Có thể thấy, đây là giải pháp khá hiện đại, văn minh, hoàn toàn phù hợp với một đô thị lớn như TPHCM.

Trong bối cảnh các công trình chống ngập trọng điểm vẫn đang ở giai đoạn thi công, thành phố đã cho thấy nỗ lực, quyết tâm đồng hành cùng người dân đối mặt với vấn đề ngập nước. Cần nhắc lại rằng, chống ngập nước nằm trong 7 chương trình đột phá giai đoạn 2016 – 2020 của thành phố và việc thực hiện đồng bộ các giải pháp ngắn hạn cũng như lâu dài là điều tất yếu nhằm thích ứng với tình hình hiện nay. Mục tiêu chương trình là tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước ở lưu vực trung tâm thành phố và một phần của 5 lưu vực ngoại vi rộng 550 km2 với 6,5 triệu dân.

Chương trình không chỉ tập trung vào mục tiêu tổng thể mà còn đi vào chi tiết nhỏ hơn nhằm đảm bảo nhu cầu an sinh xã hội của người dân. Theo đó, thành phố cũng đang triển khai kiểm tra các tuyến đường hẻm chưa có hệ thống thoát nước để có giải pháp đầu tư đồng bộ với dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu. Thành phố chủ trương chuẩn hóa, từng bước thay thế các miệng hố ga không đạt tiêu chuẩn hoặc có những khiếm khuyết như không ngăn được rác, mùi hôi.

Khẳng định rằng: Việc tăng cường nguồn lực, tập trung đầu tư cho công tác chống ngập thể hiện quyết tâm lớn và là một trong những ưu tiên quan trọng của TPHCM, đặc biệt khi bước vào mùa mưa năm nay. Mọi người dân, bất kể làm công việc gì, sử dụng phương tiện di chuyển nào, đều sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tình trạng ngập nước. Nỗi bức xúc này được thành phố thấu hiểu và cụ thể hoá bằng chương trình hành động, giải pháp thực hiện cụ thể.

Trên hết, với diễn biến bất thường và phức tạp của thời tiết hiện nay, để công tác chống ngập mang tính bền vững, người dân cần có nhận thức đầy đủ, cùng hợp tác, chung tay xã hội hóa để hoàn chỉnh các hạng mục thứ cấp; Song song với các biện pháp trước mắt, thành phố phải tiến hành ngay các giải pháp lâu dài, và yếu tố cần thiết để làm giảm ngập nước hiệu quả là hệ thống cống thoát nước chống ngập của từng khu vực phải kết nối được với hệ thống chung của toàn thành phố; Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung giải pháp chống ngập nhằm tháo gỡ nút thắt ngập úng khi mùa mưa tới.