Con trâu bình dị như 'đồng dao' trong hội họa Việt Nam

(VOH) - Con trâu trong tranh truyền thống hay hiện đại đều thể hiện được sự dung dị, bình yên nhưng cũng vô cùng đáng yêu.

Năm mới Tân Sửu 2021, những câu chuyện xung quanh con trâu – con giáp của năm nay lại được nhắc đến nhiều hơn. Nhắc đến trâu trong văn hóa Việt Nam không thể không nhắc tới hình ảnh của con vật hiền lành, thân thương này trong hội họa.

Vào thế kỷ 17 - 18, hình tượng con trâu hiện diện khá nhiều trong tranh dân gian và điêu khắc gỗ đình làng. Đặc biệt, ở dòng tranh Đông Hồ (một trong ba dòng tranh dân gian của Việt Nam xuất xứ từ Làng Đông Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh - có lịch sử trên 400 năm), con trâu tượng trưng cho sự cần cù, chất phác nhưng chịu thương chịu khó, với những nét ngộ nghĩnh, chân quê.

Trong tranh Đông Hồ, hình ảnh con trâu gắn liền với sinh hoạt làng quê, có những chú bé mục đồng tóc tóc để chỏm thổi sáo trên lưng trâu giữa cánh đồng lúa chín vàng, hay bên những lũy tre xanh có những con trâu được nghỉ ngơi nhai cỏ sau những giờ làm lụng vất vả.

Điển hình như bức tranh “Chăn trâu thổi sáo”, miêu tả một chú bé thổi sáo ngồi trên lưng trâu, trên đầu là một lá sen tỏa rộng, dưới mặt đất là cỏ. Bức tranh truyền thống có bố cục hài hòa, thuận mắt, vừa chặt chẽ lại vừa phóng khoáng. Màu sắc đơn giản với đen, xanh, hồng, đỏ, nâu, trắng có tính cách điệu cao. Đường nét to, chắc khỏe nhưng không bị khô cứng.

Con trâu, hội họa Việt Nam, voh.com.vn
Tranh chăn trâu thổi sáo thuộc dòng tranh chúc tụng trong tranh Đông Hồ

Câu chữ trong bức tranh "Chăn trâu thổi sáo" là "Hà diệp cái thanh thanh" (Lọng lá sen xanh xanh) vừa minh họa cho chủ đề vừa khiến cho bố cục tranh thêm hợp lý, sinh động... Hình ảnh con trâu nghển cổ thưởng thức tiếng sáo, tư thế, dáng vẻ của nó khiến ta như cũng nghe thấy tiếng sáo réo rắt, thấy bầu trời trong xanh lồng lộng và cuộc sống thanh bình...

Bức “Chọi trâu” thể hiện một tục lệ độc đáo trong lễ hội ở một số địa phương của Việt Nam. Giữa tranh là một lá cờ ngũ sắc thường gặp trong các lễ hội dân gian. Trên lá cờ có ghi dòng chữ “Hội chí lầu”. Phía sau hai con trâu là hai tấm bảng có chữ “Đông xã” và “Tống xã”. 

tranh trâu, tranh đông hồ, chọi trâu, voh.com.vn
Tranh chọi trâu 

Tranh “Chọi trâu” còn có một dị bản, về hình thức tương đối giống nhau, nhưng ý nghĩa có ít nhiều thay đổi. Điều này cho thấy sự tam sao thất bản trải qua hàng thiên niên kỷ của những di sản văn hóa Việt Nam, song với phong cách thể hiện gần giống nhau và khác với tranh dân gian hiện đại, cho thấy cả hai đã tồn tại từ thời rất xa xưa.

Không chỉ xuất hiện trong tranh Đông Hồ, trâu còn xuất hiện với đường nét, bố cục mang tính thô sơ chất phác trong những bức tranh làng Sình (xứ Huế) - ở dòng tranh súc vật như các loại gia cầm, tranh 12 con giáp.

Tranh trâu Lành Sình, xứ Huế, voh.com.vn
Tranh trâu Làng Sình, xứ Huế

Trong nền mỹ thuật đương đại, hình tượng con trâu cũng là một đề tài được ưa chuộng trong tranh của nhiều họa sĩ như: Nguyễn Sáng (Chọi trâu), Nguyễn Tư Nghiêm (Con nghé, 12 con giống), Tô Ngọc Vân (Con trâu quả thực)...

Con trâu quả thực của họa sĩ Tô Ngọc Vân là một bức ký họa với gam mầu ấm áp, trẻ trung, bố cục chặt chẽ, hoàn chỉnh rất sống động và được in phát hành nhiều vào những ngày Tết Nguyên đán trong những năm 60 của thế kỷ trước.

Bức tranh Con trâu quả thực, họa sĩ Tô Ngọc Vân, voh.com.vn
Bức tranh Con trâu quả thực của họa sĩ Tô Ngọc Vân

Tranh con trâu được các họa sĩ Việt Nam hiện đại thể hiện với nhiều loại hình khác nhau và dưới nhiều chất liệu như: sơn dầu, bột mầu, lụa, sơn khắc... Nhiều bức tranh với đề tài ấm no, hạnh phúc như Bức tranh Mùa lúa chín (tranh sơn dầu, vẽ năm 1952) của họa sĩ Tạ Thúc Bình.

tranh tạ thúc bình, mùa lúa chín, voh.com.vn
Bức tranh Mùa lúa chín (tranh sơn dầu, vẽ năm 1952) của họa sĩ Tạ Thúc Bình

Những năm gần đây, họa sĩ Thành Chương được giới thưởng ngoạn rất ấn tượng về 2 hình ảnh thường xuyên được lặp đi lặp lại trong tư tưởng của anh, là hình tượng con trâu và gương mặt tự họa, có thể kể đến như những bức tranh Vui đùa với trâu, trẻ trâu, trâu nằm, ngủ trên lưng trâu…

Những bức tranh trâu trường phái lập thể của họa sĩ Thành Chương màu sắc luôn tươi rói, rực rỡ nhưng đầy tính tương phản. Những màu sắc này chính là những nét màu đặc trưng nhất trong trang phục truyền thống (áo từ thân - mớ ba mớ bảy) và màu sắc sinh động trong lễ hội làng quê Việt Nam.

tranh trâu, thành chương, voh.com.vn
Bức tranh Vui đùa với trâu của họa sĩ Thành Chương

Hình ảnh con trâu, đứa trẻ trong tranh của họa sĩ Thành Chương không chỉ chân chất, mộc mạc mà còn ẩn chứa những thanh âm trong trẻo của đồng dao.

Ở Việt Nam hình tượng con trâu không những là sức lao động mà còn là bạn đồng hành với con người trong sản xuất, trong lễ hội tâm linh. Vì vậy tranh con trâu trang trí trong những ngày Tết đã trở thành phổ biến và cũng là sản phẩm văn hóa rất linh thiêng, được trân trọng mỗi khi Tết đến, Xuân về.

Treo tranh trâu theo phong thủy

Theo phong thủy, những người tuổi tí, tỵ và dậu tương hợp với trâu nên rất hợp treo tranh sơn dầu trang trí trâu trong nhà. Ngược lại, những người tuổi ngọ, mùi hoặc tuất lại không hợp với trâu, không nên treo tranh trâu trong nhà.

Trong âm dương Ngũ hành, trâu thuộc hành Thổ. Mộc khắc Thổ, không nên chọn và treo tranh trang trí hình trâu khắc bằng gỗ vì như vậy sẽ không thể phát huy được hết tính linh động và sức mạnh của bức tranh.

Tranh trang trí có hình trâu không nên treo ở hướng Tây Nam bởi đây là vị trí tương xung với trâu. Các hướng thích hợp để treo tranh trang trí hình trâu là hướng chính Bắc, hướng Đông nam và hướng chính Tây. Đây đều là những phương vị tương hợp với trâu. Cũng có thể treo tranh trâu ở vị trí sửu là hướng Đông Bắc.