Chờ...

Tìm hiểu về bệnh nha chu và phương pháp điều trị

(VOH) – Bệnh nha chu là một trong những bệnh răng miệng thường gặp. Bệnh có thể gây đau khi ăn, sưng viêm nướu hoặc hôi miệng. Bệnh cần được điều trị sớm để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng.

1. Bệnh nha chu là gì?

Nha chu là tình trạng nhiễm trùng nướu nghiêm trọng gây ra những tổn thương tại các mô mềm và xương nâng đỡ răng, có thể làm phá hủy men răng. Viêm nha chu nếu không được điều trị có thể trở nên nghiêm trọng, khiến răng bị hỏng hoặc bị mất răng.

Các loại viêm nha chu thường gặp là:

  • Viêm nha chu mãn tính: Đây là loại phổ biến nhất, gây ảnh hưởng đến hầu hết người lớn và trẻ em cũng có thể bị ảnh hưởng. Loại viêm nha chu này được gây ra bởi sự tích tụ mảng bám kết hợp với cơ chế viêm – miễn dịch cùng các yếu tố khác theo thời gian gây ra sự phá hủy nướu và xương. Cuối cùng sẽ bị mất răng nếu không được điều trị.
  • Viêm nha chu xâm lấn: Thường bắt đầu ở thời thơ ấu hoặc đầu độ tuổi trường thành. Loại viêm này thường không phổ biến nhưng nếu không được phát hiện và xử lý nhanh chóng sẽ dẫn đến mất răng.
  • Viêm nha chu hoại tử: Loại viêm được đặc trưng bởi “cái chết” của mô nướu, dây chằng răng và xương hỗ trợ do thiếu nguồn cung cấp máu, từ đó dẫn đến nhiễm trùng nặng. Viêm nha chu hoại tử thường xảy ra ở những người có hệ miễn dịch bị ức chế, chẳng hạn như nhiễm HIV, điều trị ung thư hoặc các nguyên nhân khác.

Tìm hiểu về bệnh nha chu và phương pháp điều trị 1

Viêm nha chu là bệnh nhiễm trùng thường gặp ở răng (Nguồn: Internet)

Theo điều tra dịch tễ học của Viện Răng Hàm Mặt Hà Nội, có tới 60% dân số ở độ tuổi từ 35 – 45 mắc bệnh nha chu, trẻ em cũng có nguy cơ mắc phải căn bệnh này với các triệu chứng thường gặp là cao răng, viêm lợi.

2. Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh nha chu?

Hầu hết các trường hợp viêm nha chu đều bắt đầu bằng mảng bám – một mảng dính vào răng (chủ yếu là vi khuẩn). Nếu không kịp thời xử lý, răng sẽ có thể bị viêm nha chu:

  • Mảng bám trên răng được tạo thành khi tinh bột và đường tương tác với vi khuẩn trong khoang miệng. Đánh răng hàng ngày hay dùng chỉ nha khoa sẽ loại bỏ mảng bám, nhưng các mảng bám này sẽ lại hình thành nhanh chóng.
  • Mảng bám tạo thành cao răng khi tồn tại lâu dưới đường viền nướu. Cao răng khó loại bỏ hơn mảng bám và nó cũng chứa đầy vi khuẩn. Cao răng là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến nha chu.
  • Mảng bám gây viêm nướu – một dạng bệnh nha chu nhẹ. Viêm nướu là tình trạng nướu bị kích thích và viêm một phần nướu xung quanh chân răng. Khi viêm nướu không được điều trị sẽ phát triển thành viêm nha chu.

Một số trường hợp bệnh nha chu xuất hiện do những nguyên nhân không phổ biến như:

  • Thay đổi nội tiết, chẳng hạn như thời gian mang thai, tuổi dậy thì, mãn kinh và kinh nguyệt.
  • Do bệnh tật như bệnh ung thư hoặc HIV làm suy giảm hệ thống miễn dịch hoặc bệnh tiểu đường.
  • Do dùng một số loại thuốc làm giảm lưu lượng của nước bọt (nước bọt có tác dụng bảo vệ răng và nướu răng).
  • Thói quen xấu như hút thuốc lá.
  • Béo phì.
  • Thói quen vệ sinh răng miệng kém như không đánh răng, không dùng chỉ nha khoa hàng ngày.
  • Dinh dưỡng không đầy đủ, bao gồm thiếu vitamin C.
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh răng miệng.

3. Triệu chứng thường gặp của bệnh nha chu

Nướu khỏe mạnh thường có màu hồng, cứng và vừa khít quanh răng. Vì thế, nếu thấy những dấu hiệu sau đây thì nhiều khả năng là triệu chứng của bệnh nha chu:

  • Nướu bị sưng.
  • Nướu có màu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm.
  • Nướu rất dễ bị chảy máu.
  • Nướu không bao chặt quanh răng, làm cho răng trông dài hơn bình thường.
  • Có khoảng trống mới phát triển giữa răng và nướu.
  • Bị hôi miệng.
  • Răng lung lay.
  • Có cảm giác đau khi nhai.

Tìm hiểu về bệnh nha chu và phương pháp điều trị 2

Viêm nha chu rất dễ bị chảy máu nướu răng (Nguồn: Internet)

Bác sĩ Lưu Hà Thanh – Khoa Răng, BV TWQD 108 cho biết, bệnh nha chu thường diễn biến qua 2 giai đoạn: Viêm lợi và viêm nha chu. Điều trị kịp thời ở giai đoạn viêm lợi, bệnh sẽ khỏi hẳn. Nếu không, phần lớn các trường hợp sẽ tiến triển thành viêm nha chu. Giai đoạn này, quá trình viêm mạn tính đã phá hủy các mô nâng đỡ răng sâu bên dưới lợi như xương, dây chằng nha chu. Ở thời kỳ viêm nha chu, nguy cơ mất răng rất cao.

4. Biến chứng của bệnh nha gây ra biến chứng gì?

Biến chứng thường gặp nhất của bệnh nha chu chính là gây mất răng.

Một số nghiên cứu còn cho thấy, vi khuẩn gây viêm nha chu có thể xâm nhập vào máu thông qua mô nướu để gây ảnh hưởng đến tim, phổi và các bộ phận khác trong cơ thể. Chẳng hạn như, viêm nha chu có thể liên quan đến bệnh hô hấp, viêm khớp dạng thấp, bệnh động mạch vành hoặc đột quỵ.

5. Chẩn đoán và điều trị viêm nha chu

Để xác định bệnh nha chu và mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ sẽ thực hiện các bước thăm khám và chẩn đoán như:

  • Hỏi về tiền sử bệnh tật hay các yếu tố có thể làm xuất hiện hoặc nặng hơn tình trạng viêm nha chu.
  • Kiểm tra miệng để tìm mảng bám và cao răng tích tụ. Đồng thời đánh giá xem răng có dễ chảy máu hay không.
  • Đo độ sâu túi nha chu ở giữa rãnh của nướu và răng.
  • Chụp X-quang nha khoa để kiểm tra tình trạng mất xương ở những khu vực đã kiểm tra về độ sâu túi nha chu.

Việc điều trị có thể được thực hiện bởi bác sĩ nha chu, nha sĩ hoặc nhân viên vệ sinh nha khoa. Mục tiêu điều trị bệnh nha chu là làm sạch triệt để các túi xung quanh răng và ngăn ngừa tổn thương cho xương xung quanh.

Có 4 phương pháp điều trị bệnh nha chu đó là:

5.1 Điều trị khẩn cấp

  • Khi ở vùng nướu lợi hoặc niêm mạc có ổ mủ (áp-xe) bạn sẽ được chỉ định điều trị khẩn cấp. Biểu hiện giúp nhận biết là: sưng đỏ niêm mạc, đau nhiều hoặc ít, sờ vào thấy phập phồng.
  • Bạn không nên tự ý dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm trong trường hợp này, vì thuốc có thể tạm thời giảm các triệu chứng, tuy nhiên bệnh vẫn tồn tại và đi vào trạng thái mãn tính, sau đó thỉnh thoảng chúng sẽ bộc phát cơn cấp tính, tái diễn theo chu kỳ và ngày càng trầm trạng.

5.2 Điều trị không phẫu thuật

Nếu nha chu chưa tiến triển xấu, điều trị có thể bao gồm các thủ tục ít xâm lấn như:

  • Cạo cao răng.
  • Chà chân răng.
  • Chấm các loại thuốc sát khuẩn, chống viêm.
  • Cố định răng (nếu răng lung lay).
  • Thực hiện phục hình tạm thời (nếu cần thiết).
  • Đánh giá và chỉ định răng cần nhổ (nếu không thể giữ được).

tim-hieu-ve-benh-nha-chu-va-phuong-phap-dieu-tri-2-voh

Tùy vào mức độ bệnh nha chu bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp (Nguồn: Internet)

5.3 Điều trị phẫu thuật

Phẫu thuật chỉ áp dụng cho những trường hợp thực hiện các biện pháp điều trị thông thường nhưng bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm. Các phương pháp điều trị phẫu thuật bao gồm:

  • Phẫu thuật loại bỏ túi nha chu: Làm giảm độ sâu túi nha chu, thuận lợi cho việc vệ sinh làm sạch mảng bám vi khuẩn trên răng.
  • Phẫu thuật tái tạo: Phương pháp này có thể giúp mọc lại men răng đã bị vi khuẩn phá hủy. Bác sĩ sẽ đặt một mảnh vải đặc biệt có tương thích sinh học giữa xương hiện có và răng của bạn. Vật liệu sẽ bảo vệ các khu vực đang lành khỏi mô không mong muốn và cho phép men răng phát triển trở lại.
  • Phẫu thuật ghép mô mềm: Chân răng bị bộc lộ là hậu quả của sự tụt lợi. Phẫu thuật ghép mô mềm sẽ phục hồi những hư hại và ngăn chặn sự tụt lợi tiếp tục dẫn đến sự phá hủy mô lợi và xương quanh răng. Phẫu thuật có thể tiến hành ở một hoặc nhiều răng đem lại sự hài hòa của đường viền lợi và cải thiện tình trạng ê buốt răng.
  • Phẫu thuật ghép men răng: Khi men răng bao quanh chân răng bị hư hỏng, bác sĩ có thể tiến hành ghép men răng từ mảnh vỡ nhỏ của xương hoặc xương tổng hợp hay hiến tặng. Ghép men răng giúp giữ cho răng ổn định.
  • Ứng dụng men răng tái sinh: Ở kỹ thuật này, bác sĩ sẽ đưa một loại gel đặc biệt vào trong một gốc chân răng bị bệnh. Gel này chứa các protein tương tự được tìm thấy trong men răng và kích thích sự tăng trưởng của men răng cũng như các mô khỏe mạnh.

5.4 Điều trị duy trì

Sau khi áp dụng các phương pháp điều trị tích cực và bệnh đã ổn định, bạn cần được kiểm tra, theo dõi, thăm khám định kỳ và áp dụng điều trị duy trì để giúp kiểm soát và ngăn bệnh tái phát.

6. Làm sao để phòng ngừa bệnh nha chu?

Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh nha chu là tuân thủ việc vệ sinh răng đúng cách mỗi ngày.

  • Vệ sinh răng miệng tốt: Bạn nên đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày, vào buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.
  • Sử dụng bàn chải mềm và thay bàn chải sau 3 – 4 tháng.
  • Dùng chỉ nha khoa ít nhất một lần một ngày, việc dùng chỉ nha khoa trước khi chải răng sẽ giúp làm sạch thức ăn và vi khuẩn cũng bị nới lỏng.
  • Sử dụng nước súc miệng để giúp loại bỏ mảng bám giữa các kẽ răng.

Ngoài ra, nên đến các phòng khám nha khoa để được kiểm tra và vệ sinh răng miệng thường xuyên nhằm giúp làm sạch các mảng bám trên răng, thường từ 3 – 6 tháng/lần. Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng bị viêm nha chu như khô miệng, hút thuốc lá... thì bạn cần vệ sinh răng miệng tại phòng khám nha khoa thường xuyên hơn.