Chữa viêm xoang bằng loại thuốc Tây y nào?

(VOH) - Viêm xoang là bệnh lý tai mũi họng khá phổ biến ở mọi lứa tuổi tại Việt Nam. Do đó, bạn cần nắm rõ cách chữa viêm xoang sau đây để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm đe dọa đến tính mạng.

Bệnh viêm xoang gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống thường ngày. Đặc biệt nếu để bệnh chuyển nặng còn có thể gây nên nhiều những biến chứng tới cơ quan khác trên cơ thể như giảm thị lực, gây mù lòa, viêm màng não, thủng màng nhĩ, viêm tắc tĩnh mạch, làm biến dạng cấu trúc xương. Đây là cũng tác nhân gây ra các bệnh về đường hô hấp như viêm họng mãn tính và viêm phế quản.

1. Cách chữa viêm xoang ở người lớn

1.1. Các loại thuốc chữa viêm xoang mũi cấp tính

chua-viem-xoang-bang-loai-thuoc-tay-y-nao-voh-1
Viêm xoang là tình trạng nhiễm trùng và viêm một hoặc nhiều xoang do xoang bị tắc nghẽn (Nguồn:Internet)

Để giảm các triệu chứng và giúp bệnh mau chóng phục hồi, trong trường hợp bị viêm xoang cấp do dị ứng, nhiễm lạnh, hoặc nhiễm virus, vi khuẩn,...người bệnh có thể tự chăm sóc và sử dụng thuốc chữa viêm xoang mũi theo chỉ định của bác sĩ như sau:

  • Dạng xịt, nhỏ: Thuốc chữa viêm xoang mũi dạng xịt và nhỏ có tác dụng rửa mũi, làm sạch mũi, giảm nghẹt mũi gồm các loại như nước muối sinh lý, thuốc xịt mũi có chứa corticoid (thường dùng là beclomethasone dipropionate, budesonide, fluticasone propionate, triamcinolone acetonide). Hoặc bạn cũng có thể sử dụng dạng xịt có chứa các chất như chlorzoxazone, naphazoline, phenylephrine hoặc pseudoephedrine.
  • Dạng uống: có 2 loại gồm thuốc thông mũi và thuốc giảm đau. Thuốc thông mũi (dạng viên nang hoặc siro) giúp tăng đào thoát dịch đọng trong khoang mũi nhanh hơn, làm cho mũi trở nên thông thoáng và dễ thở hơn. Nếu có kèm triệu chứng đau vùng mặt, trán, người bệnh cần kết hợp thuốc giảm đau và hạ sốt. Thuốc giảm đau thường dùng là acetaminophen, aspirin, ibuprofen, paracetamol. Tuy nhiên, cần lưu ý với trường hợp bệnh nhân bị hen suyễn nhạy cảm với aspirin, ibuprofen. 

Xem thêm: Tìm hiểu nguyên nhân viêm xoang để phòng tránh đúng cách

1.2 Các loại thuốc chữa viêm xoang mũi mãn tính hoặc do nhiễm trùng

Với các trường hợp bị viêm xoang cấp nặng, mãn tính do nhiễm trùng, nhiễm khuẩn gây ra thì có thể được bác sĩ chỉ định các loại thuốc sau:

  • Thuốc kháng histamin: Bao gồm các dạng như viên nén, siro, dạng xịt, có tác dụng làm giảm các triệu chứng dị ứng đi kèm với viêm xoang như ngứa mắt, ngứa mũi, hắt hơi, nghẹt mũi, sổ mũi.
  • Thuốc dạng xịt và uống có chứa corticoid: Các loại thuốc này có tác dụng tại chỗ, giảm được các tác dụng phụ không mong muốn so với đường uống. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ có chỉ định đường dùng corticoid phù hợp tùy thuộc vào từng tình trạng bệnh. 
  • Thuốc kháng sinh: Loại thuốc này được chỉ định đối với những trường hợp viêm xoang nặng và do vi khuẩn gây ra. Bác sĩ sẽ chỉ định loại kháng sinh và thời gian dùng kháng sinh phù hợp tùy vào các yếu tố như triệu chứng của bệnh, phản ứng dị ứng của người bệnh, tiền sử sử dụng kháng sinh.

2. Cách chữa viêm xoang ở trẻ em

Điều trị nội khoa là phương pháp chính để chữa viêm xoang ở trẻ em. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ kê toa kháng sinh là cơ bản, thuốc chống sung huyết mũi giúp thông thoáng các lỗ xoang hay corticoid tại chỗ để giảm phù nề niêm mạc mũi xoang. Đồng thời làm ẩm mũi, làm lỏng dịch tiết giúp lông chuyển hoạt động tốt hơn, kết hợp rửa mũi, hút mũi hàng ngày.

Trong trường hợp trẻ bị tình trạng viêm xoang mãn tính hoặc viêm xoang cấp tính nhưng tái phát nhiều hơn 4-6 lần/năm thì cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa tai mũi họng. Tùy tình trạng mà trẻ có thể được chỉ định tiếp tục điều trị nội khoa hoặc phải can thiệp bằng phẫu thuật.

chua-viem-xoang-bang-loai-thuoc-tay-y-nao-voh-2
Trẻ em có thể sử dụng các loại thuốc trên để chữa viêm xoang (Nguồn:Internet)

Xem thêm: Nhận diện các dấu hiệu viêm xoang ở trẻ em để điều trị và phòng ngừa hiệu quả

2.1 Các tác dụng phụ khi chữa viêm xoang bằng thuốc

Việc sử dụng các loại thuốc trị viêm xoang mũi, bao gồm cả thuốc dạng xịt và dạng uống, có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:

  • Tăng huyết áp, tăng nhịp tim;
  • Mất ngủ;
  • Thần kinh căng thẳng, nhức đầu;
  • Lo lắng, bồn chồn, hay run giật;
  • Khô miệng, mắt nhìn mờ;
  • Bí tiểu;
  • Ho, buồn nôn, chảy máu cam;
  • Tăng cân;
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng;
  • Tăng đường huyết;
  • Loãng xương;
  • Suy tuyến thượng thận.

Do đó, việc sử dụng thuốc trị viêm xoang mũi cần có chỉ định và ý kiến của bác sĩ. Người bệnh tránh tự ý mua thuốc để hạn chế những biến chứng nguy hiểm xảy ra.

3. Cách phòng bệnh viêm xoang

Để phòng bệnh viêm xoang mũi, người bệnh cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, để việc điều trị được hiệu quả, cần kết hợp các hoạt động sau:

  • Dành thời gian nghỉ ngơi;
  • Nâng cao đầu khi ngủ để đỡ nghẹt mũi, xoang được lưu thông;
  • Có thể xông mũi bằng hơi nước nóng ẩm;
  • Tránh tiếp xúc với khí bụi;
  • Giữ vệ sinh sạch sẽ, nhất là vùng tai mũi họng;
  • Uống nhiều nước, bao gồm cả nước trái cây;
  • Hạn chế sử dụng các đồ uống có chất kích thích như rượu, bia, cà phê,...

Mặc dù viêm xoang mũi có thể được điều trị hiệu quả bằng các loại thuốc, song người bệnh khi sử dụng thuốc chữa viêm xoang mũi cần phải có chỉ định và chỉ dẫn của bác sĩ, tránh tự ý mua và uống thuốc. Ngoài ra, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng nhiễm trùng trong quá trình chữa viêm xoang như sốt cao liên tục, đau nhức vùng trán, mắt, mặt, đau nhức đầu, khó thở, mắt nhìn mờ... người bệnh cần lập tức đến các cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.

Bình luận