Chờ...

Thừa kẽm có sao không? Lưu ý nhận biết và chỉ dẫn điều trị

(VOH) – Có thể bạn cho rằng vi chất kẽm được bài tiết mỗi ngày qua mồ hôi, nước tiểu nên cần bổ sung liên tục. Tuy nhiên nếu tiếp nạp lượng lớn, khiến cơ thể thừa kẽm cũng gây nhiều rủi ro sức khỏe.

Giống như các nhóm khoáng chất thiết yếu khác, chúng ta có thể hấp thu kẽm từ hai nguồn cung cấp chính là thực phẩm giàu kẽm và thuốc bổ sung kẽm. Song theo chia sẻ của các chuyên gia dinh dưỡng, nếu chỉ đơn thuần bổ sung kẽm từ thực phẩm thì tỉ lệ bị dư thừa kẽm rất hiếm gặp, mà phần lớn tình trạng này thường xảy ra do thói quen dùng các loại thuốc kẽm hay vitamin tổng hợp chứa kẽm quá liều lượng.

1. Thừa kẽm có biểu hiện gì?

Theo khuyến cáo, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái dư thừa kẽm khi chúng ta liên tục bổ sung một lượng lớn kẽm cao hơn 40mg mỗi ngày. Lúc này thừa kẽm có biểu hiện khác thường và rất dễ nhận biết như:

1.1 Buồn nôn, mệt mỏi

Hiện tượng buồn nôn hay cồn cào, khô cổ là dấu hiệu thường gặp nhất “cảnh báo” rằng nồng độ kẽm trong cơ thể đang ở mức quá cao. Đây được xem như những phản ứng tự nhiên để chủ động đào thải lượng kẽm dư thừa ra ngoài nên có thể diễn ra từ 2 – 3 lần một ngày, gây mệt mỏi và đuối sức.

1.2 Đắng miệng, chán ăn

Hàm lượng kẽm được tìm thấy từ nước bọt góp phần không nhỏ kích thích độ nhạy của vị giác, giúp cảm nhận hương vị của món ăn. Thế nhưng khả năng này không chỉ bị giảm sút khi cơ thể thiếu kẽm mà còn ngay cả trong trường hợp thừa kẽm. Theo đó, nếu lượng kẽm vượt quá nhu cầu, bạn sẽ cảm thấy đắng miệng, mất vị giác và chán ăn.  

thua-kem-co-sao-khong-luu-y-nhan-biet-va-chi-dan-dieu-tri-voh-0
Khi lượng kẽm trong cơ thể ở mức dư thừa, bạn sẽ cảm thấy đắng miệng và không còn hứng thú ăn uống (Nguồn: Internet)

1.3 Rối loạn tiêu hóa

Bổ sung quá nhiều kẽm cũng khiến hoạt động của hệ tiêu hóa trở nên “quá tải”, dễ mắc rối loạn tiêu hóa hay tiêu chảy, bởi quá trình hấp thu và chuyển hóa vi chất này chủ yếu diễn ra ở ruột non.

Xem thêm: Bạn đã biết gì về hoạt động của hệ tiêu hóa?

1.4 Ớn lạnh

Nếu quan sát thấy có thêm triệu chứng ho, nhức đầu hay thường ớn lạnh (khá giống với cảm cúm) thì bạn phải chú ý theo dõi sức khỏe hơn và nên “nghi ngờ” tới khả năng cơ thể đang bị dư thừa kẽm.

2. Thừa kẽm có sao không?

Bổ sung khoáng chất kẽm thiếu khoa học, không đúng hàm lượng an toàn dẫn tới thừa kẽm để lại những tác động tiêu cực tới cơ thể, tiềm ẩn nguy cơ mắc phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng dưới đây:

2.1 Giảm hấp thu dưỡng chất khác

Tập trung tiếp nạp hàm lượng lớn chất kẽm sẽ làm “gián đoạn” hấp thu nhiều dưỡng chất quan trọng khác, điển hình như khoáng chất đồng – thành tố vốn “cạnh tranh” với kẽm để tăng liên kết với protein. Điều này gây ra vấn đề thừa kẽm nhưng thiếu đồng, sụt giảm lượng tế bào hồng cầu, tăng tỉ lệ bị thiếu máu.

Xem thêm: Tất tần tật về bệnh thiếu máu, chủ động nhận biết để điều trị kịp thời và đúng cách

2.2 Tăng nguy cơ bị sỏi thận

Như đã chia sẻ, lượng kẽm dư thừa thường được bài tiết cùng với nước tiểu, song cũng chính vì lý do đó, khi hấp thu một lượng lớn khoáng chất này trong thời gian dài, thận sẽ phải làm việc “vất vả” hơn để đào thải.

Ngoài ra, một số nghiên cứu y khoa nhận thấy rằng giống như canxi, nếu kẽm không được chuyển hóa hết có thể kết hợp với oxalate tạo thành sỏi lắng đọng ở thận, gây sỏi thận.

2.3 Ảnh hưởng sức khỏe tim mạch

Tình trạng lượng khoáng chất kẽm tăng cao được xếp vào nhóm yếu tố gây ảnh hưởng xấu tới chức năng hệ tuần hoàn nói chung cũng như sức khỏe tim mạch nói riêng. Khi đó, nhịp tim sẽ tăng nhanh, khiến bạn tức ngực, khó thở, hơi thở gấp và hay hồi hộp, lo lắng.

thua-kem-co-sao-khong-luu-y-nhan-biet-va-chi-dan-dieu-tri-voh-1
Lượng kẽm tăng cao có thể làm rối loạn nhịp tim, gây khó thở (Nguồn: Internet)

2.4 Suy giảm hệ miễn dịch

Cùng với rủi ro không sản sinh đủ lượng hồng cầu trong tế bào máu, dư thừa kẽm còn kéo theo hệ lụy suy giảm lượng bạch cầu trung tính, khả năng miễn dịch hay sức đề kháng trở nên “yếu ớt”.

Xem thêm: Cách tăng sức đề kháng để vượt qua giai đoạn dịch nCoV một cách an toàn

3. Chẩn đoán tình trạng thừa kẽm

Từ việc theo dõi và nhận biết các “tín hiệu” bất thường trên đây, bạn nên tới cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khóa thăm khám, đồng thời tiến hành thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Cụ thể:

  • Thăm hỏi tiền sử bệnh: Quan sát biểu hiện lâm sàng bên ngoài, kết hợp hỏi tiền sử bệnh là bước đầu giúp xác định tình trạng sức khỏe, chẩn đoán một số nguyên nhân gây dư thừa kẽm.
  • Xét nghiệm máu: Thông qua kết quả xét nghiệm máu, các bác sĩ sẽ xác định chính xác nồng độ kẽm trong huyết thanh, từ đó đánh giá mức độ dư thừa kẽm và định hướng điều trị phù hợp.

4. Thừa kẽm phải làm sao để điều trị?

Để những vấn đề sức khỏe không chuyển biến trầm trọng hơn, khi thừa kẽm phải nhanh chóng áp dụng các phương pháp điều trị đơn giản nhưng cực kì quan trọng sau:  

  • Tạm dừng bổ sung thuốc kẽm: Nếu bạn đang sử dụng thuốc bổ sung kẽm (dù là dạng viên nén hay dạng dung dịch uống) thì hãy tạm ngưng lại. Bên cạnh đó, hãy tăng cường uống nước để thúc đẩy đào thải lượng kẽm dư thừa ra ngoài.
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống: Tránh ăn quá nhiều thực phẩm giàu kẽm như hàu sữa, sò huyết hay các loại thịt đỏ trong thời gian đang điều trị dư thừa kẽm.

Như vậy, có thể thấy rằng nếu chúng ta lạm dụng vào các loại thuốc bổ sung kẽm thì tình trạng dư thừa kẽm là không thể tránh khỏi. Do vậy, tốt nhất hãy tham khảo bác sĩ chuyên khoa về liều lượng phù hợp, chú ý đa dạng thực phẩm giàu chất kẽm thay vì quá phụ thuộc vào thuốc nhé!