Trí tuệ Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao

(VOH) - Sau 20 năm, tại Khu công nghệ cao TPHCM đã xuất hiện nhiều thương hiệu sản phẩm của trí tuệ Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao.

Điển hình sản phẩm của trí tuệ Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao có các thương hiệu FPT, Nanogen, USM Healthcare, Gremsy, RealTime Robotics Inc… trong các lĩnh vực tim mạch, bán dẫn nano, công nghệ sinh học, chế tạo các bộ phận cấu thành ứng dụng máy bay không người lái (drone) và xử lý dữ liệu lớn… đây tiền đề cho việc xây dựng nền công nghiệp công nghệ cao của Việt Nam.

Với khát vọng tạo nên một sản phẩm công nghệ made in Việt Nam trong lĩnh vực chống rung cho camera. Những ngày đầu, được sự hỗ trợ từ Vườn ươm Khu công nghệ cao TPHCM, công ty Gremsy cho ra đời hệ thống chống rung cho camera được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như: khảo sát các địa, lập bản đồ, tìm kiếm cứu nạn, an ninh quốc phòng.  Đặc biệt, sản phẩm được thiết kế và sản xuất có khả năng tương thích cao với các máy bay không người lái và máy ảnh khác nhau, cung cấp cảnh quay ổn định và giải pháp hiệu quả cho nhiều ứng dụng công nghiệp và hình ảnh như sản xuất phim, khảo sát và lập bản đồ, kiểm tra hệ thống lưới điện cao áp - lưới điện năng lượng mặt trời, nông nghiệp, xây dựng.

Nói về tính ưu việt của sản phẩm này, Kỹ sư Thi Nguyễn - công ty Gremsy cho hay: “Từ những bất cập của sản phẩm, chúng tôi đã phát triển nhiều điểm khác biệt so với trước, đó là chúng tôi đã cải thiện mục tiêu để người dùng có thể gắn được nhiều loại camera khác nhau, tích hợp sẵn nhiều đột phá cho từng loại camera cụ thể”.

Ông Trần Quốc Vinh - đồng sáng lập kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Gremsy cũng chia sẻ, sau nhiều năm mày mò nghiên cứu, đến nay, công ty đã phân phối sản phẩm tới hơn 60 quốc gia trên toàn thế giới và có hệ thống phân phối ở 30 quốc gia, trải dài khắp các châu lục. Đồng thời, doanh nghiệp này còn nhà cung cấp giải pháp cho những tập đoàn hàng đầu về camera chuyên dụng và máy bay không người lái. Để có được thành công đó, ông Vinh cho rằng đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ Ban lãnh đạo Khu công nghệ cao TPHCM, đặc biệt là Vườn ươm Khu công nghệ cao TPHCM.

 “Với những điều kiện thuận lợi như hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao, sự hoàn thiện hệ sinh thái, các nhà sản xuất gia công phụ trợ, sự mở rộng kết nối với bên ngoài về khoa học công nghệ, đặc biệt là sự quan tâm của Chính phủ nên đây sẽ là thời điểm rất tốt để các doanh nghiệp Việt tự tin tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu”, Ông Trần Quốc Vinh cho hay.

Trí tuệ Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao 1
Máy bay không người lái (drone) Hera được người Việt Nam sản xuất

Là người đầu tiên nhận được giấy phép đầu tư vào Khu công nghệ cao TPHCM để mở nhà máy sản xuất máy bay không người lái (drone) tại Việt Nam, Tiến sĩ Lương Việt Quốc, Giám đốc điều hành của RealTime Robotics Inc (RtR) – người  từng được Mỹ cấp học bổng đào tạo tiến sĩ nhận thấy máy bay không người lái (drone) trở thành xu hướng phát triển chung trên thế giới, được ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp, bảo vệ môi trường, vận chuyển hàng khẩn cấp, báo chí, phim ảnh. Năm 2014, Lương Việt Quốc đã thành lập start-up về drone tại San Francisco - Mỹ. Năm 2017, ông về nước mở thêm Công ty RealTime Robotics Inc (RtR) ở Việt Nam, trở thành người Việt đầu tiên được cấp phép sản xuất máy bay không người lái (drone).

Phần lớn bộ phận quan trọng của drone Hera này được chính các kỹ sư của công ty tự thiết kế và chế tạo. Đặc biệt, nó vừa nhỏ gọn có thể bỏ vào trong ba lô để một người mang, nhưng lại có thể nâng được tải tới 15 kg, tối ưu hơn các dòng drone khác về công tác quân sự, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, với công suất quét tìm gấp đôi, mang tải nặng, có thể thả đồ tiếp tế, phao cứu sinh ngay khi tìm thấy nạn nhân thay vì phải đợi lực lượng cứu hộ tìm được vị trí.

CEO Lương Việt Quốc khẳng định: Thành công chính của máy bay không người lái có tên là Hera này, đây là một phát minh và thiết kế mới hoàn toàn từ chính bàn tay và khối óc của các kỹ sư, chuyên gia người Việt tại RealTime Robotics Inc. Hiện tại, công ty sản xuất từ vài trăm đến 1.000 drone/năm và đang rốt ráo hoàn thành thủ tục xây nhà xưởng trong Khu công nghệ cao TP.HCM vào cuối năm nay. Với nhà xưởng mới, doanh nghiệp sẽ tăng công suất sản xuất gấp 10 - 20 lần hiện nay. Dự kiến năm 2023, khi cơ sở sản xuất và các thị trường dần vào guồng, lợi nhuận của RealTime Robotics Inc sẽ đạt ít nhất 10 triệu đô la Mỹ và tăng trưởng ít nhất 50%/năm. Sau thị trường Mỹ, công ty sẽ mở rộng sang nhiều thị trường quốc tế khác như châu Âu, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Ấn Độ.

 “Quay về Việt Nam để khởi động dự án máy bay không người lái (drone) vì đây là ngành của tương lai, có những ứng dụng càng lúc càng nhiều và cuộc sống và sẽ tác động đến hầu hết mọi sinh hoạt trong cuộc sống, từ nông nghiệp, bảo vệ môi trường, giữ gìn trật tự trị an và kể cả ứng dụng quân sự. Lý do thứ hai là Việt Nam có nguồn nhân lực chất xám tài năng, đủ sức để chế tạo ra những sản phẩm mà có khả năng cạnh tranh toàn thế giới. Thứ ba là Việt Nam cũng có những chính sách khuyến khích đầu tư vào ngành công nghệ cao rất đáng kể, đặc biệt là các chính sách được thực hiện ở trong khu công nghệ cao TPHCM”, CEO Lương Việt Quốc trải lòng.

Có những đóng góp lớn cho sự phát triển của TPHCM và là nhà đầu tư Việt Nam có vốn đầu tư lớn nhất tại Khu công nghệ cao TPHCM, FPT đã đầu tư mọi nguồn lực vào cả ba trụ cột: Công nghệ - Hạ tầng - Đào tạo. Hiện tập đoàn này có 11.478 nhân sự đang làm việc tại TP.HCM, trong đó có khoảng 7.000 chuyên gia công nghệ. Tính đến hết tháng 9/2022, với doanh thu tiếp tục tăng trưởng ổn định, FPT đóng góp hơn 10.000 tỷ đồng vào phát triển kinh tế của Thành phố.

Trí tuệ Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ cao 2
Ông Trương Gia Bình chia sẻ với các lãnh đạo Trung ương và TPHCM về công nghệ của FPT

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT khẳng định, TP.HCM sẽ không thể tỏa sáng như một trung tâm trí tuệ của khu vực nếu không có khu công nghệ cao TPHCM. Ông Bình dẫn chứng, Ấn Độ sẽ không trở thành cường quốc phần mềm nếu không có Bangalore. Trung Quốc sẽ không có được lợi thế cạnh tranh công nghệ với các cường quốc nếu không có Thẩm Quyến.

Ông đánh giá, Khu Công nghệ cao TPHCM đang sở hữu những tiềm năng để trở thành hạt nhân đưa TPHCM trở thành trung tâm trí tuệ của khu vực. Tức là TPHCM sẽ có cơ hội dẫn đầu thế giới về phát triển các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo AI, Blockchain, Metaverse, Cloud; nghiên cứu phát triển các công nghệ mới nhất về năng lượng sạch như: gió, mặt trời… cũng như các phương thức tích lũy năng lượng như hydro và các động cơ điện; các thế hệ xe năng lượng sạch thế hệ mới… Ông hy vọng các tập đoàn thế giới tiếp tục nhìn Việt Nam không phải nhân lực rẻ mà nhìn Việt Nam như một trung tâm đổi mới sáng tạo có nhiều người trẻ, hệ thống giáo dục tốt và đầu tư vào đây để xây dựng các công nghệ mới tại Việt Nam.

 “Khi tổng kết lại thành tựu của Khu công nghệ cao TPHCM, tôi muốn nói thêm một điều: Thực ra ngày đó Intel có ba sự lựa chọn: Một là xây dựng nhà máy ở Trung Quốc; Hai là ở Ấn Độ và sự lựa chọn thứ ba là về khu công nghệ cao TPHCM. Và sự thật Intel đã chọn khu công nghệ cao. Sự lựa chọn này của Intel - một người khổng lồ, một người dẫn dắt về công nghệ và từ đó Việt Nam bắt đầu trở thành trung tâm sản xuất các thiết bị di động lớn nhất thế giới”, Ông Trương Gia Bình nhận định.

Việt Nam đã sản xuất được chip. Cần tiếp tục dấn thân, nỗ lực để bước vào công đoạn quan trọng nhất của nền công nghệ thế giới. TPHCM sẽ phải là một trung tâm tập hợp các chuyên gia hàng đầu về trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn. Thế giới đã cam kết đến 2060 sẽ không phát thải carbon dioxide. Tất cả các ngành tài chính, ngân hàng, công nghệ, khởi nghiệp, quỹ đầu tư… đang tập trung nguồn lực tài chính để chuyển đổi thế giới sang tồn tại bền vững. Việt Nam may mắn có đường bờ biển dài, khí hậu nhiệt đới gió mùa. Chúng ta có nhiều nắng và gió - nguồn năng lượng trong tương lai. TPHCM sẽ làm gì trong xu hướng năng lượng sạch? Chúng ta có thể nghiên cứu phát triển thiết bị tích trữ nhiên liệu.