Kem dưỡng ẩm là sản phẩm chủ lực giúp bạn cải thiện làn da khô ráp, đổ dầu nhiều và lão hóa sớm. Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta thường có xu hướng trung thành với lọ kem dưỡng yêu thích, thậm chí là gắn bó với nó trong nhiều năm mà bỏ quên sự phù hợp. Thói quen này cùng với sự thay đổi liên tục của làn da theo mùa và theo tuổi tác sẽ khiến cho kem dưỡng ẩm dần mất tác dụng. Vì vậy, nếu bạn thấy làn da của mình có một trong những dấu hiệu sau thì hãy nghĩ ngay đến việc tìm kiếm 'thành viên mới' cho skincare routine của mình.
1. Da căng
Da căng sau khi dùng kem dưỡng ẩm không chỉ là dấu hiệu cảnh báo khô mà còn có thể là dấu hiệu cho thấy hàng rào bảo vệ tự nhiên bị suy yếu. Điều quan trọng nhất là lý do này sẽ khiến cho việc dưỡng ẩm của chúng ta trở “công cốc” cho đến khi vấn đề cơ bản được khắc phục. Vì vậy, trước khi tính chuyện đổi kem dưỡng da, bạn nhất định phải tìm ra “thủ phạm” gây rối.
Xem thêm: Những dấu hiệu cho thấy làn da của bạn đang bị 'phá hủy' do mất cân bằng
Thói quen skincare hàng ngày là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến hàng rào bảo vệ bị tổn thương. Do đó, điều đầu tiên mà chúng ta cần làm là rà soát, kiểm tra và loại bỏ từng sản phẩm để khoanh vùng đối tượng. Trong đó, sữa rửa mặt chứa thành phần tẩy rửa mạnh, sản phẩm điều trị quá mạnh hay các hoạt chất như retinol, AHA, BHA, tẩy tế bào chết vật lý… đều có khả năng gây ra tình trạng căng rát.
Sau khi tác nhân làm tổn thương da được loại bỏ, kem dưỡng ẩm sẽ có cơ hội phát huy tác dụng của mình. Trong trường hợp cảm thấy sản phẩm vẫn chưa đem lại hiệu quả như ý, bạn có thể tìm các dòng kem dưỡng phục hồi, kem dưỡng dành cho da nhạy cảm để vừa củng cố sức mạnh cho hàng rào bảo vệ vừa duy trì độ ẩm.
Xem thêm: Cách tìm sản phẩm kem dưỡng ẩm ‘chân ái’ cho từng loại da
2. Da khô
Nếu bạn dưỡng ẩm đều đặn mỗi ngày mà da vẫn bị khô, xỉn màu và xuất hiện các mảng bong tróc thì có nghĩa là kem dưỡng ẩm đang không phát huy được tác dụng của mình. Và thông thường, công thức không có khả năng sửa chữa hàng rào bảo vệ da, không có khả năng cung cấp cũng như giữ độ ẩm cần thiết cho da chính là nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Xem thêm: Những ‘thủ phạm ẩn danh’ khiến làn da bạn ngày càng khô ráp
Để khắc phục da khô ngay cả khi đã thoa kem dưỡng ẩm đều đặn, bạn nên xem xét lại cách lựa chọn sản phẩm, cụ thể là chú ý đến kết cấu và bảng thành phần. Trong đó, gel dưỡng, lotion dưỡng thấm nhanh thường phù hợp với da dầu, da hỗn hợp dầu còn da khô, da hỗn hợp khô thì sẽ cần kem dưỡng dạng cream đặc và giàu dưỡng chất hơn.
Xem thêm: Phục hồi tức thì làn da thô ráp, thiếu ẩm với 7 loại kem dưỡng dành cho da khô
Về thành phần, ngoài chất cấp ẩm quen thuộc như hyaluronic acid, glycerin… kem dưỡng ẩm còn cần có cả chất khóa ẩm như bơ hạt mỡ, dầu jojoba… và chất làm mềm như squalane, ceramide… Sự có mặt của bộ ba này sẽ giúp chúng ta sửa chữa hàng rào bảo vệ da và duy trì độ ẩm hiệu quả hơn.
3. Da nhờn
Kem dưỡng ẩm giúp chúng ta duy trì độ ẩm và cân bằng bã nhờn trên da để ngăn chặn tình trạng khô, mất nước dẫn đến tiết dầu quá mức. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy da bóng nhờn hơn sau khoảng 30 phút sử dụng thì rất có thể đó là dấu hiệu cho thấy sản phẩm này không phù hợp. Cụ thể là công thức của chúng dày, nặng hơn mức cần thiết hay đặc tính làm mềm nhiều hơn những gì mà chúng ta thực sự cần.
Xem thêm: Da bóng dầu đến mấy cũng sáng sạch tự nhiên nhờ các bước chăm sóc đúng chuẩn này
Trong trường hợp này, bạn hãy thử chuyển sang dùng kem dưỡng ẩm có kết cấu nhẹ ở dạng gốc nước hoặc dạng gel thấm nhanh, không nặng mặt. Với bảng thành phần, chúng ta nên ưu tiên các thành phần cấp ẩm, khóa ẩm tốt nhưng tạo được cảm giác thoáng, không gây “bí” da. Riêng da dầu, kem dưỡng ẩm cho hiệu ứng matte finish cũng được xem là một trong những giải pháp khá hữu ích.
Xem thêm: 8 lọ kem dưỡng ẩm ‘đánh tan’ nỗi lo bóng nhờn, nổi mụn cho da dầu
4. Da nổi mụn
Da đột nhiên nổi mụn hoặc nổi mụn nhiều hơn bình thường là một trong những dấu hiệu cho thấy kem dưỡng ẩm của chúng ta không chỉ không phù hợp mà còn đang gây hại. Vì vậy, bạn đừng ngần ngại loại bỏ ngay chúng ra khỏi chu trình skincare đồng thời tìm kiếm cho mình một “người đồng hành” dịu nhẹ hơn.
Kem dưỡng ẩm có khả năng cải thiện mụn, giải quyết lỗ chân lông bị tắc trong khi vẫn củng cố hàng rào bảo vệ da và cải thiện quá trình giữ ẩm sẽ là lựa chọn lý tưởng trong trường hợp này. Ngoài ra, bạn cũng phải chọn các công thức không gây mụn, không chứa dầu và không gây kích ứng để ngăn chặn tình trạng tắc lỗ chân lông cũng như nhạy cảm trở nên trầm trọng.
Xem thêm: Nhận được sự tin tưởng của bác sĩ da liễu, đây là 8 loại kem dưỡng ẩm cho da mụn mà bạn nên biết
5. Lớp trang điểm bị cakey
Lớp trang điểm bị cakey có thể là dấu hiệu cho thấy da của bạn chưa được dưỡng ẩm đủ hoặc dưỡng ẩm quá đà. Dù là lý do gì đi chăng nữa thì nó cũng xuất phát từ việc kem dưỡng ẩm không có khả năng cung cấp đủ độ ẩm hoặc ngược lại kem dưỡng ẩm quá dày, quá nặng.
Với tình trạng này, chúng ta nên xem xét lại loại da cũng như nhu cầu của làn da tại thời điểm sử dụng để điều chỉnh sao cho phù hợp. Ví như nếu da quá khô, bạn hãy chuyển sang công thức giàu dưỡng hơn, với da dễ đổ dầu, hãy chuyển sang công thức mỏng nhẹ, thấm nhanh nhưng vẫn giữ ẩm tốt.
Xem thêm: 7 bí kíp giúp bạn có lớp makeup sáng mịn, căng mướt, không lo cakey vào mùa đông
Chọn và sử dụng kem dưỡng ẩm không phù hợp với làn da không chỉ lãng phí tiền bạc, công sức mà còn có thể khiến chúng ta gặp phải những vấn đề không đáng có. Vì vậy, ngoài việc đầu tư cho những sản phẩm dưỡng, điều trị chuyên sâu thì bạn nhớ theo dõi hiệu quả của cả kem dưỡng để kịp thời nhận ra những dấu hiệu bất thường.
Nguồn ảnh: Internet
Nguồn tham khảo: theklog