Chờ...

Bạch thược có tác dụng gì mà được sử dụng nhiều trong y học?

(VOH) - Khi kể đến các dược liệu có tính an thần, bổ huyết thì không thể bỏ qua bạch thược. Vậy bạch thược có tác dụng gì đối với sức khỏe con người?

Bạch thược là một trong những loại cây được trồng làm cảnh vì vẻ đẹp lộng lẫy. Tuy nhiên, vì có vẻ ngoài quá bắt mắt nên nhiều người đã bỏ qua những công năng khác của loài cây này, điển hình nhất chính là những tác dụng của bạch thược trong điều trị bệnh.

1. Bạch thược là gì?

Bạch thược còn có tên gọi khác là thược dược, mẫu đơn trắng, kim thược dược,…tên khoa học là Paeonia lactiflora Pall, là một loài thực vật trong họ Paeoniaceae, được tìm thấy nhiều ở Trung Quốc.

Bạch thược là một loại cây thân thảo sống lâu năm, có nguồn gốc từ Trung và Đông Á, từ miền Đông Tây Tạng trên khắp miền bắc Trung Quốc với miền Đông Siberia. Cây có nhiều rễ to, rễ cây có màu nâu với phần mặt cắt màu vàng trắng hay hồng nhạt. Hoa cây bạch thược có nhiều cánh màu trắng với phần nhị vàng. Nụ hoa lớn và tròn.

bach-thuoc-co-tac-dung-gi-voh-0
Thược dược không chỉ được trồng làm cảnh mà chúng còn là một vị thuốc chữa bệnh (Nguồn: Internet)

Bộ phận dùng làm thuốc của bạch thược là rễ. Rễ bạch thược có màu trắng nhạt hoặc gần như trắng, khi chưa bóc vỏ lớp vỏ sẽ có màu vàng. Chất rắn chắc, nặng và khó bẻ gãy.

Lưu ý: Nhiều người nhầm tưởng cây bạch thược chính là cây hoa thược dược thường trồng vào dịp Tết. Nhưng thực tế, thược dược trồng ở Việt Nam hoàn toàn không phải bạch thược, chúng nằm trong nhóm cây họ Cúc (Asteraceae) với tên khoa học là Dahlia variabilis Desf. Vì vậy, cần phân biệt rõ để tránh nhầm lẫn.

2. Bạch thược có tác dụng gì?

Theo Đông y, bạch thược có vị đắng chua, tính hơi hàn, có tác dụng bổ huyết, liễm âm, bình can chỉ thống. PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) cũng cho biết, tác dụng của bạch thược là giúp an thần, giảm đau, hòa huyết, dưỡng huyết, chống viêm, hạ thân nhiệt, chống oxy hóa…

Với những tác dụng này, bạch thược thường được sử dụng trong các trường hợp sau đây:

  • Bạch thược có tác dụng làm dịu thần kinh nên giúp an thần rất tốt, thích hợp cho những người bị thần kinh căng thẳng, khó ngủ.
  • Paeoniflorin trong thược dược có khả năng ức chế cơ trơn của tử cung, ruột, dạ dày nên có tác dụng giảm đau bụng.
  • Nước sắc của bạch thược cũng có tác dụng chống viêm. Do đó, những trường hợp bị viêm nhiễm cũng có thể sử dụng bạch thược.
  • Người phụ nữ trong giai đoạn hành kinh, khi lượng progesterone tăng cao trong máu sẽ làm cơ thể giữ nước khiến chị em cảm thấy người nặng nề, thân nhiệt tăng. Sử dụng bạch thược lúc này sẽ giúp chị em hạ thân nhiệt hiệu quả.
  • Bạch thược có tác dụng bổ huyết nên rất thích hợp cho những người bị suy nhược cơ thể, mệt mỏi.

Trong các nghiên cứu y học hiện đại, trong bạch thược có chứa các hợp chất như benzoyl paeoniflorin, Oxy Paeoniflorin, Albiflorin Paeoniflorin,  6′-O-Galloyl paeoniflorin (GPF), Paeonolide, Benzoyloxypeon Florin,  Paeoniflorigenone,... tinh bột, tannin, calcium oxalate, một ít tinh dầu, acid benzoic, nhựa và chất béo, chất nhầy.

Chính nhờ chứa những thành phần này nên các nhà nghiên cứu cho rằng, bạch thược có thể có tác dụng tốt trong việc cải thiện và hỗ trợ các vấn đề sức khỏe như:

  • Bệnh mạch vành
  • Bảo vệ thần kinh trong đột quỵ, nhồi máu não
  • Chống viêm và điều hòa miễn dịch
  • Hạ đường huyết

Xem thêm: Một dược – cái tên nghe rất lạ nhưng lại là vị thuốc rất quý

3. Một số bài thuốc có bạch thược

Theo bác sĩ Bay, nếu muốn bổ huyết, bạn có thể hầm gà ác với bạch thược để ăn. Nếu muốn sử dụng các bài thuốc từ bạch thược thì bạn nên đến gặp thầy thuốc để thăm khám nhằm cấu tạo bài thuốc phù hợp với cơ địa của mình.

bach-thuoc-co-tac-dung-gi-voh-1
Rễ cây bạch thược chính là một vị thuốc trong Đông y (Nguồn: Internet)

Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh từ bạch thược theo y học cổ truyền và y học dân gian:

3.1 Trị chứng huyết hư mà kinh nguyệt không đều, hành kinh đau bụng

Dùng 20g thục địa, 12g đương quy, 12g bạch thược, 6g xuyên khung. Sắc lấy nước uống.

3.2 Trị chứng hành kinh đau bụng

Dùng 8g bạch thược, 8g đương quy, 8g hương phụ, 4g thanh bì, 4g sài hồ, 4g xuyên khung, 4g sinh địa, 3g cam thảo. Sắc lấy nước uống.

3.3 Trị chứng bắp thịt co rút đau buốt

Dùng 16g bạch thược, 16g cam thảo. Sắc lấy nước uống.

3.4 Trị đau bụng lỵ

Dùng 12g bạch thược, 12g hoàng cầm, 6g cam thảo. Sắc lấy nước uống.

3.5 Điều hòa khí huyết, thanh nhiệt giải độc

Dùng 20g thược dược, 10g đương quy, 8g hoàng liên, 6g binh lang, 6g mộc hương, 8g đại hoàng, 6g cam thảo, 8g hoàng cầm, 2g quan quế. Sắc lấy nước uống.

Lưu ý: Những bài thuốc trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Tùy vào cơ địa hàn hay nhiệt mà thầy thuốc có thể cấu tạo thêm hoặc gia giảm vài vị thuốc khác nhau. Vì vậy, khi muốn sử dụng bài thuốc từ bạch thược bạn nên đến gặp thầy thuốc để được tư vấn cụ thể.

Xem thêm: Chuyên gia hướng dẫn thời gian và cách uống thuốc Đông y mang lại hiệu quả tối ưu

4. Những lưu ý cần nhớ khi sử dụng bạch thược

Do bạch thược có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nên vị thuốc thường xuyên có mặt trong các bài thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, khi sử dụng bạch thược cần kiêng kỵ trong một số trường hợp sau đây:

  • Không dùng bạch thược kết hợp với thạch hộc, tiêu thạch, miết giáp, mang tiêu, phản lê lô, tiểu kế
  • Không dùng bạch thược với những trường hợp hư hàng
  • Cấm dùng bạch thược khi ngực đầy, bao tử lạnh
  • Không dùng bạch thược khi tỳ khí hàn, đầy chướng không tiêu
  • Hạn chế dùng bạch thược khi đang bị đau bụng, tiêu chảy do hàn tà gây ra

Ngoài ra, bạch thược nếu chưa bào chế thì cần phải sấy lưu huỳnh. Khi đã bào chế rồi thì cần phải để nơi khô ráo, tránh ẩm.

Như vậy, bạch thược là một vị thuốc trong Đông y, bạn có thể sử dụng bạch thược trong ẩm thực nhưng không phổ biến. Bạch thược phần lớn chỉ được dùng trong các bài thuốc chữa bệnh. Do đó, không nên tự ý dùng bạch thược khi chưa tham khảo ý kiến thầy thuốc.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới: