Đương quy – vị thuốc quý, có lợi cho sức khỏe và sắc đẹp

(VOH) - Đương quy là vị thuốc trong Đông y và nó hiện diện nhiều trong các bài thuốc cổ phương kinh điển. Vậy đương quy có tác dụng gì đối với sức khỏe?

Đương quy là một loại thảo dược nổi tiếng trong y học cổ truyền Trung Quốc từ hàng ngàn năm qua. Không chỉ tốt cho sức khỏe, đương quy còn được gọi là “nhân sâm dành cho phụ nữ” bởi có thể giúp cải thiện làn da và nhan sắc.

1. Đương quy là dược liệu gì?

Đương quy là một loài thực vật có hoa trong họ Hoa tán, có tên khoa học là Angelica sinensis, có nguồn gốc từ Trung Quốc và ngày nay nó được trồng nhiều ở nước ta.

duong-quy-co-tac-dung-gi-voh-0

Bộ phận thường dùng của đương quy là rễ (Nguồn: Internet)

Đương quy là cây thân thảo lớn, sống nhiều năm, cao từ 40-80cm, thường phát triển ở những vùng núi có độ cao với khí hậu ẩm mát. Lá đương quy có hình mắc dài, cuống ngắn hoặc không cuống. Hoa mọc thành cụm, có màu trắng lục nhạt.

Ngoài tên gọi đương quy, loại thảo dược này còn được gọi với cái tên khác là "nhân sâm dành cho phụ nữ" vì những tác dụng của đương quy đều mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe của chị em.

2. Đương quy có tác dụng gì cho sức khỏe?

Đương quy là một vị thuốc đã được sử dụng trong y học cổ truyền ở các nước châu Á trong nhiều thiên niên kỷ. Theo Đông y, đương quy có vị ôn, tính ấm, tinh dầu có mùi thơm dễ chịu, vừa có tính hoạt huyết, vừa có tính bổ huyết, an thai.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bay (BV Đại học Y dược TPHCM) cho biết, đương quy là một dược liệu bổ, những tác dụng của đương quy thường được dùng trong các trường hợp như:

  • Người bị suy nhược cơ thể.
  • Người mới khỏe lại sau bệnh nặng.
  • Người bị thiếu máu.
  • Phụ nữ bị đau bụng kinh sử dụng đương quy để giảm đau.
  • Phụ nữ hiếm muộn, khó có con.
  • Phụ nữ mang thai sử dụng đương quy để an thai, bổ máu, giúp nhiều sữa. 
  • Phụ nữ tiền mãn kinh sử dụng đương quy để giảm bớt hoặc khắc phục các triệu chứng như bốc hỏa, khó ngủ,…
duong-quy-co-tac-dung-gi-voh-1
Đương quy có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe (Nguồn: Internet)

Trong y học hiện đại, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sâm đương quy có nhiều tác dụng đối với sức khỏe như:

  • Ức chế sự kết tập tiểu cầu, liên quan đến điều trị huyết khối não và viêm tắc tĩnh mạch huyết khối, tăng cường tuần hoàn não.
  • Tăng sức đề kháng do kích thích miễn dịch, hoạt hóa tế bào lympho B và T, làm tăng sinh kháng thể. Hỗ trợ điều trị bệnh thiếu máu, suy nhược cơ thể.
  • Hỗ trợ điều trị rối loạn kinh nguyệt, kinh nguyệt ít, bế kinh, đau bụng kinh ở phụ nữ.
  • Đương quy còn có tác dụng điều trị tiêu hóa kém do tỳ hư dẫn đến khí huyết kém. Ngoài ra, loại cây này còn có tác dụng rất tốt trong việc điều trị bệnh táo bón.
  • Làm đẹp da, tươi nhuận, trẻ hóa làn da dùng trong thẩm mỹ.
  • Ngoài ra, hợp chất coumarin còn có tác dụng chữa tụ máu bầm, vết bầm trên da rất hiệu quả.

Có thể thấy, những tác dụng của đương quy đều tốt cho cả nam và nữ, nhưng nó đặc biệt có lợi cho phụ nữ hơn. Và hầu như trong cuộc đời người phụ nữ, từ khi bắt đầu hành kinh, đến việc mang thai, sinh con và giai đoạn tiền mãn kinh đều rất cần sử dụng đương quy để hỗ trợ sức khỏe. Chính vì điều này mà đương quy được gọi với cái tên khác là “nhân sâm dành cho phụ nữ”.

Xem thêm: 12 loại thực phẩm ngăn ngừa lão hóa da hiệu quả nhất

3. Những cách sử dụng đương quy hiệu quả

Đương quy là vị thuốc dễ sử dụng, do đó, bạn có thể tự dùng đương quy tại nhà với bài thuốc độc vị (chỉ dùng mỗi vị thuốc sâm đương quy). Đối với các bài thuốc hợp vị (kết hợp nhiều vị thuốc) thì bạn cần đến gặp thầy thuốc để được cấu tạo bài thuốc phù hợp với cơ địa. 

Nếu tự dùng đương quy, bạn có thể dùng với các hình thức sau đây:

  • Nấu nước uống
  • Chưng cách thủy rồi dùng khi bị thiếu máu, đau bụng kinh,…
  • Hầm đương quy với gà để ăn như canh

Về liều dùng: Tối đa mỗi ngày chỉ dùng khoảng 20g đương quy khô (trong các bài thuốc hợp vị thường chỉ sử dụng khoảng 12g đương quy).

duong-quy-co-tac-dung-gi-voh-2
Đường quy có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau (Nguồn: Internet)

Dưới đây là một số bài thuốc từ đương quy có kết thêm các vị thuốc khác theo y học cổ truyền và y học dân gian:

3.1 Kinh nguyệt không đều, cơ thể suy nhược

Dùng 12g đương quy, 8g bạch thược, 12g thục địa, 6g xuyên khung, 600ml nước, sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày.

3.2 Phụ nữ mắc nhiều bệnh sau khi sinh

Dùng 16g đương quy, 12g thục địa, 6g xuyên khung, 8g bạch thược, 4g gừng khô, 8g đậu đen sao, 8g trạch lan, 8g ngưu tất, 12g ích mẫu thảo, 10g bồ hoàn. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

3.3 Phụ nữ khó có con

Dùng 16g đương quy, 8g bạch giao, 14g địa hoàng, 12g thược dược, 8g tục đoạn, 12g đỗ trọng. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

3.4 Phụ nữ mất máu do băng huyết, tổn thương

Dùng 80g đương quy, 40g xuyên khung, trộn chung cho đều. Mỗi lần dùng 20g hỗn hợp trên với 2 bát nước, 1 bát rượu trắng.Sắc còn 1 bát, chia 2 lần uống trước khi ăn.

3.5 Chăm sóc sắc đẹp

Dùng đương quy, bạch chỉ, đậu xanh, bạch cập, hạnh nhân, hoài sơn tán bột mịn, vài giọt tinh dầu hoa hồng đắp mặt để trị nám tàn nhang và dưỡng da. Công thức này thích hợp với mọi loại da, nhất là người có làn da lão hóa, thô, nhão.

Lưu ý: Những người bị rối loạn đông máu hoặc đang uống thuốc chống đông, phụ nữ có thai không nên sử dụng đương quy. Ngoài nên tham khảo thêm ý kiến thầy thuốc để được điều chỉnh liều lượng dùng phù hợp và an toàn cho sức khỏe.

Xem thêm: Chuyên gia hướng dẫn thời gian và cách uống thuốc Đông y mang lại hiệu quả tối ưu

4. Những món ăn từ đương quy

Không chỉ là một vị thuốc phổ biến, đương quy còn được sử dụng trong ẩm thực. Các món ăn từ đương quy vừa ngon, vừa bổ dưỡng, điển hình là món gà hầm đương quy rất tốt cho những người già, người bị suy nhược cơ thể, mất ngủ, tiêu hóa kém, hệ thống miễn dịch bất ổn hay bị thiếu máu....

Một số món ăn từ đương quy để bạn có thể tham khảo:

4.1 Gà hầm đương quy

duong-quy-co-tac-dung-gi-voh-3
Gà hầm đương quy bổ dưỡng (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Gà: ½ con
  • Đương quy : 30g
  • Gừng và hành
  • Gia vị thông dụng

Cách làm món gà hầm đương quy

  • Thịt gà làm sạch, cắt miếng vừa ăn, ướp với muối và gừng đập dập, để khoảng 20 phút cho thịt ngấm gia vị.
  • Đương quy cắt lát hoặc khúc vừa ăn.
  • Sau đó, gà, đương quy và nước vào nồi, hầm khoảng 2 – 2.5 tiếng đến khi các nguyên liệu thật mềm (nếu muốn hầm nhanh, bạn có thể thêm 1 chung rượu trắng hoặc rượu vang vào nồi hầm).
  • Múc canh hầm ra tô, cho thêm hành lá vào và thưởng thức. Với món gà hầm đương quy, bạn có thể ăn cùng với bún hoặc cơm đều được.

4.2 Đương quy hầm đuôi lợn

Nguyên liệu

  • Đuôi lợn: 1 cái
  • Đương quy: 200g
  • Hành lá, gừng, tiêu xay
  • Gia vị thông dụng

Cách làm đương quy hầm đuôi lợn

  • Đương quy mua về rửa sạch, cắt khúc vừa ăn.
  • Đuôi lợn cạo bỏ lông, sau đó rửa sạch, cắt thành đoạn nhỏ.
  • Gừng gọt vỏ, thái sợi. Hành lá cắt bỏ phần gốc, rửa sạch.
  • Bắc nồi lên bếp, cho nước với lượng vừa đủ vào đun sôi. Nước sôi thì đuôi lợn vào hầm.
  • Hầm đến khi đuôi lợn gần mềm thì cho đương quy vào hầm. Lúc này bạn nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Tiếp tục hầm cho đến khi đương quy chín nhừ thì tắt bếp, cho gừng cắt sợi, hành lá và tiêu xay vào rồi múc canh ra tô, ăn ngay khi còn nóng.

4.3 Cá chép hấp đương quy

duong-quy-co-tac-dung-gi-voh-4
Cá chép hấp đương quy (Nguồn: Internet)

Nguyên liệu

  • Cá chép: 1kg
  • Đương quy: 200g
  • Nước tương, muối, tiêu

Cách làm món cá chép hầm đương quy

  • Cá chép mua về sau khi sơ chế thì rửa sạch để nguyên cả con.
  • Đương quy rửa thật sạch, sau đó nhồi đương quy vào bụng cá.
  • Trộn xì dầu, tiêu, muối theo khẩu vị thường ngày rồi đem quét lên toàn bộ con cá và bụng cá.
  • Sau đó, cho cá chép vào nồi hấp, hấp cho chín là hoàn thành.

5. Thành phần dược tính của đương quy

Bộ phận thường dùng của đương quy là phần rễ. Trong rễ của đương quy chứa nhiều thành phần dược tính như:

  • Tinh dầu (chiếm 0.26%)
  • Hợp chất coumarin, có tính hoạt huyết
  • Nhân Sterol
  • Vitamin nhóm B, nhất là vitamin B12
  • Các vitamin và axit amin giúp tăng cường sức đề kháng

Đương quy là vị thuốc đã rất nổi tiếng trong y học cổ truyền với những công dụng tốt cho sức khỏe. Nếu không dùng đương quy trong các bài thuốc chữa bệnh, bạn có thể sử dụng đương quy như một nguyên liệu chế biến trong ẩm thực để bồi bổ sức khỏe và bổ sung dinh dưỡng cho gia đình.

Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới: