Chờ...

6 tác dụng của tam thất quý hơn cả nhân sâm

(VOH) – Tác dụng của tam thất trong điều trị bệnh đã được biết đến từ lâu. Tuy nhiên, sử dụng thế nào, liều lượng ra sao để mang lại hiệu quả tốt nhất thì không phải ai cũng biết.

Tam thất (hay sâm tam thất, kim bất hoán, điền thất nhân sâm) là một loài thực vật có hoa trong họ nhân sâm, có tên khoa học là Panax pseudo-ginseng Wall. Đây là một trong những vị thuốc quý, thường sử dụng củ (rễ) để làm dược liệu chữa bệnh.

Theo ghi chép, tam thất có rất nhiều tên gọi khác nhau tùy theo vùng miền, nhưng thực tế tam thất chỉ có 2 loại là: tam thất nam và tam thất bắc.

1. Tam thất có tác dụng gì?

Thành phần hóa học chủ yếu trong tam thất là saponin nhóm dammaran hàm lượng cao, giống như trong nhân sâm. Ngoài ra nó còn chứa các acid amin, các chất polyacetylen, panaxatriol… Chính vì thế, củ tam thất đã được chứng minh là có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe như:

6-tac-dung-cua-tam-that-quy-hon-ca-nhan-sam-voh-0

Tam thất là một dược liệu quý (Nguồn: Internet)

1.1 Cầm máu và bổ máu

Tam thất được xem là vị thuốc bổ máu hàng đầu trong nhóm dược liệu. Ngoài ra, nhờ tác dụng cầm máu, tiêu máu, tiêu sưng nên được dùng trong các trường hợp chảy máu do chấn thương (kể cả nội tạng), tiêu máu ứ (do phẫu thuật, va đập gây bầm tím phần mềm),…

1.2 Bảo vệ tim mạch và mạch não

Tam thất có tác dụng bảo vệ tim mạch, chống lại những tác nhân gây loạn nhịp. Chất noto ginsenosid trong tam thất có tác dụng giãn mạch, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, tăng khả năng chịu đựng của cơ thể khi bị thiếu oxy.

Ngoài ra, nó cũng ức chế khả năng thẩm thấu của mao mạch, hạn chế các tổn thương ở vỏ não do thiếu máu gây ra.

1.3 Điều hòa kinh nguyệt

Thành phần hoạt tính trong tam thất có tác dụng giống hormon điều chỉnh trục sinh dục dưới, buồng trứng. Từ đó điều hòa chu kỳ kinh nguyệt ổn định.

1.4 Chống lão hóa

Thành phần hoạt tính saponin và flavonoid trong tam thất có thể cải thiện khả năng vận hành của các cơ quan liên quan trong cơ thể, chống lại các gốc tự do, chống oxy hóa, có thể đóng vai trò trong việc trì hoãn lão hóa, hạn chế sự phát triển của tế bài ung thư, các khối u bướu, tăng sức đề kháng.... từ đó kéo dài sự sống của người bệnh.

1.5 Chống trầm cảm

Nhờ hoạt chất saponin, tam thất có tác dụng kích thích thần kinh trung ương, chống trầm uất, giải tỏa stress, phục hồi hệ thần kinh cũng như giúp tăng cường trí nhớ.

Hơn thế, công dụng của tam thất còn giúp phòng chống tai biến mạch máu não, giúp tan nhanh các cục máu đông để máu lưu thông bình thường.

1.6 Tác dụng giảm đau

Dịch chiết của rễ, thân lá tam thất đều có tác dụng cầm máu rõ rệt. Theo tài liệu nước ngoài, tam thất có tác dụng giúp lưu thông tuần hoàn máu, giảm lượng cholesterol trong máu, hạ đường huyết, kích thích hệ miễn dịch, ức chế vi khuẩn và siêu vi khuẩn, chống viêm tấy giảm đau,…

Xem thêm: Các loại thực phẩm tốt nhất để tăng lưu lượng và tuần hoàn máu, phòng ngừa các bệnh lý tim mạch

2. Tam thất có tác dụng gì trong Đông y?

Tam thất thường được dùng nhiều trong Đông y. Liều dùng củ tam thất có thể khác nhau đối với từng người bệnh. Liều lượng sử dụng dựa trên tuổi tác và tình trạng sức khỏe.

Bình thường sẽ từng vào từng loại bệnh khác nhau, người thầy thuốc sẽ kết hợp tam thất với những nguyên liệu khác. Nhưng cách dùng thông dụng nhất là sử dụng tam thất dưới dạng bột.

2.1 Viêm loét đường tiêu hóa

Bột tam thất nấu với nước sôi để nguội, mỗi lần dùng khoảng 3 – 5g, ngày 4 lần.

2.2 Đau bụng kinh

Dùng 5g bột tam thất pha nước uống trước khi hành kinh 3 ngày, uống đến khi có kinh, nếu hết đau thì ngừng.

6-tac-dung-cua-tam-that-quy-hon-ca-nhan-sam-voh-1

Dùng bột tam thất để chữa nhiều bệnh (Nguồn: Internet)

2.3 Chữa nôn ra máu

Nguyên liệu

  • 1 con gà làm sạch bỏ lòng.
  • 5g tam thất bột.
  • 200ml nước ngó sen.
  • 15ml rượu.

Thực hiện

Hầm cách thủy các nguyên liệu trên để ăn, cách ngày ăn 1 lần đến khi khỏi bệnh.

2.4 Trị tiểu ra máu, viêm cấp đường tiết niệu

Nguyên liệu

  • 4g tam thất.
  • lá tre, cỏ nhọ nồi, kim ngân hoa mỗi vị 16g.
  • sinh địa, cam thảo đất, nam mộc hương mỗi vị 12g.

Thực hiện

Dùng các nguyên liệu trên sắc uống mỗi ngày 1 thang. Uống liền 1 – 2 tuần.

2.5 Chóng mặt do thiếu máu

Lấy 3g tam thất và 1 con chim bồ câu hấp cách thủy ăn hàng ngày.

Lưu ý: Mặc dù tam thất là loại thảo dược tốt nhưng khi sử dụng bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ Đông y để được hướng dẫn cụ thể, bởi sử dụng nguyên liệu không đảm bảo chất lượng và không đúng liều lượng cũng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe.

3. Hoa tam thất có tác dụng gì?

Không chỉ có củ tam thất mới chứa nhiều công dụng tốt cho sức khỏe mà hoa tam thất cũng là một bộ phận có thể giúp phòng và hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh.

Sử dụng hoa tam thất làm thực phẩm ăn hàng ngày, ngâm rượu, hãm trà hay kết hợp với các dược liệu khác sẽ giúp chứa chứng mất ngủ, ổn định huyết áp, thải độc gan, tăng cường sức đề kháng...

Ngoài ra, nhờ thành phần chất chống oxy hóa mạnh nên hoa tam thất còn giúp ngăn ngừa khả năng hình thành khối u cũng như sự hình thành và phát triển của các tế bào có hại.

Xem thêm: Dùng hoa tam thất giúp ‘giải quyết’ đến 8 vấn đề sức khỏe thường gặp

4. Những trường hợp không nên sử dụng tam thất

Tác dụng của tam thất rất nhiều nhưng những trường hợp sau đây không nên sử dụng tam thất:

  • Phụ nữ mang thai.
  • Thận trọng khi cho trẻ em sử dụng.
  • Khi bị tiêu chảy sử dụng tam thất có nguy cơ gây tử vong.
  • Người đang cảm lạnh không nên dùng tam thất vì có thể làm cảm lạnh nặng hơn.

Xem thêm: Cảm lạnh: Triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

5. Cách phân biệt tam thất thật - giả

Trên thực tế, tam thất đã bị giả mạo bởi tam thất gừng, thổ tam thất do trùng trên gọi hoặc hồi đầu thảo do cùng tính dược. Những dược liệu này cũng dưới dạng củ, đều được bôi đen bằng mực tàu hoặc bút chì đen, rồi xoa bột hoạt thạch cho bóng giống màu của tam thất.

Do đó, để lựa chọn đúng dược liệu tam thất bạn cần dựa vào các mặt hình thái sau đây:

5.1 Củ tam thất

Hình thoi hoặc hình con quay, dài khoảng 2 – 4cm, đường kính 1 – 2cm. Đầy củ sần sùi do những vết tích của thân cây rụng mỗi năm tạo thành. Mặt ngoài màu đen, có nhiều nếp nhăn dọc. Thịt màu xám đen. Vị ngọt, hơi đắng, mùi thơm nhẹ, tính ấm.

5.2 Củ tam thất gừng

Hình tròn thuôn một đầu hoặc hình trứng, dài 1.2 – 1.5cm, nhẵn. Mặt ngoài màu trắng vàng, có nhiều vòng song song ngang củ. Thịt màu trắng ngà, vị cay, nóng, mùi thơm như gừng.

5.3 Củ thổ tam thất

Hình tròn hoặc gần tròn, dài 4-5cm, đường kính 3,5-4cm, sần sùi không đều. Mặt ngoài màu nâu vàng. Thịt màu vàng ngà. Vị nhạt, chát, hơi ngứa, không mùi.

5.4 Củ hồi đầu thảo

Hình tròn méo mó không đều, dài 1,5-2cm. Đầu củ sần sùi do những vết tích của lá cây rụng. Mặt ngoài màu trắng bẩn. Thịt màu trắng đục. Vị đắng, hàn, không mùi.

Ngoài ra, trong quá trình chọn củ tam thất bạn cũng cần lưu ý:

  • Nên chọn những củ có hình ốc đá, màu xám hơi đen hoại nâu, bóng sáng. 
  • Chọn những củ có nhiều vết vết bám vàng hay vết lõm bên trên. 
  • Chọn củ càng cứng càng tốt, thịt có màu xanh ngã vàng, mịn chắc không nứt. Không mua loại tam thất có thể dùng dao thái được.

6. Những lưu ý khi sử dụng tam thất

Để bảo đảm hiệu quả chữa bệnh và an toàn, trước hết, rửa thật nhanh củ tam thất bằng nước vài lần không cho nước kịp ngấm vào ruột, phơi nắng hoặc sấy ở nhiệt độ 50 - 60 độ C (tuyệt đối không rang tam thất trực tiếp trên chảo cho khô hoặc tẩm tam thất với mỡ gà rồi sấy khô như một số người đã làm).

Muốn cho củ có màu đen thì vò củ giữa hai lòng bàn tay nhiều lần. Khi dùng mới thái lát hoặc tán bột. Dùng đến đâu làm đến đó vì để nguyên củ thì thời hạn sử dụng có thể đến hai năm, nếu thái lát hoặc tán bột chỉ bảo quản được trong 6 - 12 tháng, có thể lâu hơn nếu ngâm bột với mật ong hoặc rượu.

Dùng sống dưới dạng bột hoặc mài với nước uống để chữa thổ huyết, băng huyết, rong kinh, chảy máu cam, máu hôi sau khi đẻ, kiết lỵ ra máu.

Dùng chín trong trường hợp thiếu máu, suy nhược, phụ nữ sau khi đẻ, người mới ốm dậy. Củ tam thất hấp cho mềm, thái mỏng hoặc sao khô tán bột rồi hầm với thịt gà, thịt chim, ăn mỗi ngày trong vài tuần.

Nhìn chung, tam thất mang đến nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, để nhận được những lợi ích này bạn cần tìm mua đúng loại tam thất và sử dụng đúng liều lượng. Tốt nhất vẫn nên tham khảo ý kiến thầy thuốc về liều dùng để đảm bảo an toàn sức khỏe.