Mới đây, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã công bố một đợt sửa đổi lớn cứ sau 30 năm, đưa bánh mì trắng ra khỏi danh sách thực phẩm tốt cho sức khỏe.
Các bác sĩ chỉ ra rằng, ăn bánh mì trắng có thể dẫn đến bệnh tiểu đường và béo phì. Như vậy, có thể nói bánh mì trắng không tốt cho sức khỏe, nhất là không tốt cho người bị tiểu dường.
Người bệnh tiểu đường nên tránh ăn bánh mì trắng
Lưu Trung Bình, bác sĩ tim mạch người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, mới đây, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã điều chỉnh danh sách thực phẩm tốt cho sức khỏe và trong đó bánh mì trắng đã bị loại khỏi danh sách thực phẩm tốt cho sức khỏe.
Về vấn đề này, bác sĩ Lưu Trung Bình cho biết thêm, bánh mì trắng là món yêu thích của trẻ em và các bà mẹ mỗi bữa sáng. Ăn bánh mì trắng kèm với nước sốt thịt rất là thơm ngon, nhưng những thực phẩm tinh chế, thực phẩm chế biến đã được chứng minh là không tốt cho sức khỏe con người, mà món bánh mì trắng kèm với nước sốt thịt được xem là những thực phẩm tinh chế, thực phẩm chế biến.
Cũng giống như món sữa chua trộn với trái cây sấy khô, nếu có cho thêm đường vào thì món ăn này sẽ không còn được coi là thực phẩm lành mạnh nữa vì nó đã có chứa thêm đường.
Người bệnh tiểu đường nên tránh ăn bánh mì trắng vì loại bánh mì này được làm từ bột mì tinh chế, đã loại bỏ phần lớn chất xơ và dinh dưỡng. Hơn nữa, loại bánh này cũng có chỉ số đường huyết GI cao, nên sau khi người bệnh ăn sẽ khiến lượng đường trong máu của họ tăng nhanh chóng.
Nghiên cứu cho thấy ăn bánh mì trắng có thể dẫn tới bệnh tiểu đường và béo phì
Bác sĩ Lưu Trung Bình chỉ ra rằng, bánh mì trắng là một loại bánh mì được làm từ bột lúa mì ở giai đoạn cám và mầm đã được loại bỏ thông qua một quá trình xay xát. Nó từ lâu đã là một trong những món ăn được lựa chọn nhiều cho bữa sáng, nhưng trong quá trình sản xuất, các thành phần quan trọng của lúa mì thường bị loại bỏ, dẫn đến hàm lượng protein, chất xơ và vitamin mất đi rất nhiều.
Ngoài ra, do tinh bột đã được xử lý nên tốc độ hấp thụ tăng nhanh, dễ khiến lượng đường trong máu tăng cao sau khi ăn.
Bác sĩ Lưu Trung Bình cho biết, các nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng hương vị thơm ngon của bánh mì trắng có thể dễ dàng khiến mọi người ăn quá nhiều mà không biết, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và béo phì.
Bác sĩ Lưu Trung Bình gợi ý rằng, cách duy nhất để duy trì sức khỏe tốt là quay trở lại những điều cơ bản trong chế độ ăn uống và chọn những thực phẩm chưa qua tinh chế và chưa qua chế biến.
Mối lo ngại lớn về sức khỏe đối với ăn bánh mì trắng
Hứa Duệ Hàm, chuyên gia dinh dưỡng người Đài Loan cũng nói thêm rằng, có 3 điểm chính gây lo ngại về sức khỏe đối với ăn bánh mì trắng:
1. Tinh bột tinh chế
Lúa mì được chế biến để loại bỏ mầm, cám và trở thành bột mì. Do bánh mì trắng thiếu chất xơ và thiếu nhiều chất dinh dưỡng nên sau khi ăn bánh mì trắng lượng đường trong máu dễ tăng nhanh, không có lợi cho việc ổn định lượng đường trong máu và kiểm soát cân nặng.
2. Đường
Vì bánh mì trắng cần lên men nhiều nên đường thường được thêm vào để tăng lượng calo.
3. Chất béo bão hòa
Khi cơ thể đang trong tình trạng viêm nhiễm, nếu tiêu thụ quá nhiều chất béo bão hòa có thể làm tăng sản xuất cholesterol toàn phần về lâu dài và ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch.
Bánh mì trắng có phải là bánh mì sữa tươi không?
Sự khác biệt giữa bánh mì trắng và bánh mì sữa tươi là gì? Chuyên gia Hứa Duệ Hàm giải thích rằng, bánh mì sữa tươi sử dụng nguyên liệu sữa tươi thay vì nước và bánh làm ra sẽ mềm ẩm, ngon ngọt và mềm xốp hơn, trong khi bánh mì trắng sử dụng bột mì, nước, men, đường, muối và bơ làm nguyên liệu chính, bánh làm ra sẽ hơi khô, độ mềm xốp không nhiều.
Xét về giá trị dinh dưỡng, bánh mì sữa tươi có nhiều canxi và protein do các nguyên liệu từ sữa cung cấp hơn so với bánh mì trắng thông thường, nhưng cũng do bản thân sữa tươi có chứa chất béo và lactose, cộng với người làm bánh cho thêm kem vào bánh để tăng thêm mùi thơm. Do đó, tổng lượng calo trong bánh mì sữa tươi sẽ cao hơn bánh mì trắng thông thường.
Làm thế nào để ăn bánh mì trắng lành mạnh?
Chuyên gia Hứa Duệ Hàm cho rằng, giá trị dinh dưỡng của bánh mì trắng có thể được nâng cao bằng cách kết hợp các thành phần sau. Thứ nhất là các loại rau như rau xà lách (có người còn gọi là rau diếp), dưa chuột, cà chua… để tăng chất xơ, vitamin và cảm giác no.
Thứ hai là nguồn protein, kết hợp với trứng luộc, ức gà, cá ngừ đóng hộp (ít muối), tàu hũ ky và nhiều loại thực phẩm giàu protein khác nữa.
Tiếp theo là chất béo lành mạnh, phết bơ xay nhuyễn và bơ hạt (không thêm đường) để cung cấp nguồn chất béo tốt.
Ngoài ra, chọn bánh mì làm từ lúa mì nguyên hạt hoặc bánh mì nhiều loại ngũ cốc thay vì bánh mì trắng có thể làm tăng hàm lượng chất xơ và giảm sốc đường huyết.
Tuy nhiên, chuyên gia Hứa Duệ Hàm thẳng thắn nói rằng, trên thực tế, tất cả bánh mì đều là thực phẩm đã qua chế biến, vì thành phần chính của bánh mì là “bột mì”, là sản phẩm đã qua chế biến tinh chế.
Do đó, thay vì ra sức lựa chọn loại bánh mì nào tốt cho sức khỏe hơn, thì việc kiểm soát lượng ăn vào và ăn bánh mì cùng với rau, thực phẩm giàu protein và các thực phẩm khác sẽ thực tế hơn.