Hướng dẫn cách uống nước đúng cách và khoa học

(VOH) – Cơ thể chúng ta phần lớn là nước. Điều đó cho thấy việc bổ sung đủ nước mỗi ngày là vô cùng quan trọng và cần thiết, nhưng bạn đã biết cách uống nước đúng đách chưa?

Nước được lưu trữ cả bên trong và bên ngoài tế bào để làm nhiệm vụ hòa tan chất dinh dưỡng, mang chất thải đưa ra ngoài, điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, gửi thông điệp cho não và bôi trơn tất cả các hoạt động của cơ thể.

Bạn cần nhiều nước để cơ thể hoạt động bình thường, tuy nhiên, cơ thể rất dễ bị mất nước thông qua mồ hôi, hơi thở, nước tiểu,...  Do đó, để hạn chế tình trạng bị mất nước, bạn cần bổ sung nước cho cơ thể bằng cách uống nước mỗi ngày.

1. Cách uống nước đúng cách là như thế nào?

Nhiều người cho rằng, mỗi ngày chỉ cần uống đủ từ 1.5 - 2 lít nước là đã cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể. Theo khoa học thì đúng, nhưng cách bạn uống có thể sẽ chưa chính xác. Uống nước cần đúng thời điểm, đúng cách thì hiệu quả mang lại sẽ  vô cùng bất ngờ.

Theo y học Hindu truyền thống, việc uống nước có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của bạn. Do đó, bạn nên học cách uống nước đúng cách theo những hướng dẫn sau đây:

1.1 Hãy ngồi khi uống nước

Bạn nên ngồi uống nước thay vì đứng. Đứng uống nước sẽ làm phá vỡ sự cân bằng của chất lỏng trong cơ thể và điều này có thể làm tích tụ một lượng nước lớn trong các khớp, gây viêm khớp.

huong-dan-cach-uong-nuoc-dung-va-khoa-hoc-voh-0
Hãy ngồi uống nước thay vì đứng (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, khi bạn ngồi và uống nước, cơ bắp và hệ thần kinh của bạn thoải mái hơn nhiều, và nó cũng giúp các dây thần kinh tiêu hóa thức ăn cùng các chất lỏng khác một cách dễ dàng. Thận của bạn cũng gia tăng quá trình lọc khi ngồi.

1.2 Uống từng ngụm nhỏ

Uống từng ngụm nhỏ thay vì uống một lượng nước lớn trong một hơi chính là một trong những cách uống nước đúng. Bạn nên uống từng ngụm nhỏ, nuốt, thở và lặp lại như vậy trong lúc uống để giúp nước được thẩm thấu toàn bộ qua thành tế bào.

1.3 Uống nước khi cảm thấy khát

Hãy uống nước ngay khi bạn cảm thấy khát, bởi lúc này cơ thể bạn đang “phát” tín hiệu đang bị thiếu nước. Ngoài ra, nếu bạn nhận thấy có tình trạng khô da, mắt, môi, nước tiểu có màu vàng đậm, mồ hôi ra ít, viêm da hoặc táo bón, thì đó cũng là dấu hiệu cho biết bạn cần bổ sung nước ngay.

1.4 Uống nước vào buổi sáng

Nên tập và duy trì thói quen uống nước vào buổi sáng. Bởi buổi sáng chính là thời điểm tốt nhất để cơ thể lọc bỏ những độc tố bên trong, làm sạch đường ruột và giúp việc ăn uống trở nên ngon miệng hơn.

1.5 Uống nước khi tập thể dục

Những ai có thói quen tập thể dục, cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi cần phải bổ sung nhiều nước hơn bình thường để tránh tình trạng kiệt sức khi tập luyện. Theo đó, bạn cần:

  • Uống một cốc nước trước khi tập luyện khoảng 15 – 20 phút.
  • Uống nước từng ngụm nhỏ nước trong những khoảng nghỉ lúc tập.
  • Sau khi tập luyện cần bổ sung một ly nước để giải tỏa căng thẳng cho các nhóm cơ bắp tham gia tập luyện.
huong-dan-cach-uong-nuoc-dung-va-khoa-hoc-voh-1
Người tập thể dục cần được bổ sung nước kịp thời để tránh mất nước (Nguồn: Internet)

1.6 Uống nước chuẩn sạch

Nước lọc rất tốt nhưng bạn cần đảm bảo nước bạn sử dụng đạt chuẩn chất lượng. Hiện nay thực trạng ô nhiễm nguồn nước đang ngày càng phức tạp, do đó, việc sử dụng các nguồn nước chất lượng, như nước ion kiềm, nước tinh khiết... được xem là cách giúp bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

Xem thêm: Đi tìm lời giải đáp về nước ion kiềm tốt cho sức khỏe, đặc biệt các bệnh về dạ dày

1.7 Tăng hương vị cho nước uống

Không chỉ uống nước lọc, bạn có thể uống nhiều loại nước khác nhau để bổ sung nước cho cơ thể. Ngâm trái cây trong nước uống cũng là cách để tăng thêm hương vị cho nước. Các loại quả bạn có thể dùng như: kiwi, đào, quả dâu, trái dứa, chanh, bạc hà...

Ngoài ra, bạn có thể thêm một ít muối khoáng chưa qua tinh chế, chanh, hạt chia hoặc gừng vào nước uống để giúp làm tăng khả năng hấp thụ nước trong cơ thể.

2. Một ngày cần uống bao nhiêu nước?

Như đã nói, lượng nước cần được cung cấp cho cơ thể mỗi ngày sẽ nằm trong khoảng từ 1.5 – 2 lít. Tuy nhiên, nếu muốn biết chính xác là bao nhiêu bạn cần dựa vào nhiều yếu tố như: tình trạng sức khỏe, môi trường sống....

Để biết cơ thể cần bao nhiêu nước mỗi ngày, bạn cần tính toán dựa vào số đo cân nặng của mình theo công thức có sẵn. Tuy nhiên, công thức tính lượng nước ở một người bình thường, không hoạt động mạnh, không hoạt động ngoài trời, không ngồi điều hòa quá lâu sẽ có sự khác biệt với người có luyện tập thể dục thể thao, hay phụ nữ mang thai và cho con bú.

Xem thêm: Đây là công thức đơn giản nhất để tính lượng nước cần thiết cho cơ thể dựa vào số đo cân nặng

3. Thời điểm uống nước trong ngày tốt nhất

Các chuyên gia luôn khuyến cáo rằng, việc bạn uống bao nhiêu nước không quan trọng bằng uống như thế nào và khi nào. Do đó, hãy nắm rõ các thời điểm uống nước dưới đây để có thể bổ sung nước kịp thời cho cơ thể:

  • Thức dậy (6 – 7 giờ): Uống 1 ly nước khoảng 250ml để giúp cơ thể loại bỏ độc sau một giấc ngủ dài.
  • Bữa sáng (7 – 8 giờ) : Nhâm nhi 1/2 ly nước với bữa sáng
  • Giữa bữa sáng và bữa trưa (9 – 10 giờ): Uống ít nhất 1 ly nước
  • Trước bữa trưa (11- 12 giờ): Uống 1 ly nước
  • Sau bữa trưa (13 – 14 giờ): Nhâm nhi nửa ly nước sau giờ nghỉ trưa
  • Bữa xế chiều (15 – 16 giờ): Uống ít nhất 1 – 1.5 ly nước
  • Trước bữa tối (17 – 18 giờ): Uống 1 ly nước
  • Bữa tối (19 – 20 giờ): Nhâm nhi 1/2 ly nước sau bữa tối
  • Giữa bữa tối và giờ đi ngủ (21 – 22 giờ): Uống một lượng nước vừa phải để cơ thể có đủ nước trong khi ngủ. Nhưng không uống nhiều vì sẽ khiến bạn phải dậy đi vệ sinh nhiều lần.

4. Nên uống nước ấm hay nước lạnh?

Thật ra, nước ấm hay nước lạnh đều mang đến những lợi ích tốt cho sức khỏe nếu bạn uống đúng thời điểm.

huong-dan-cach-uong-nuoc-dung-va-khoa-hoc-voh-2
Nước ấm hay nước lạnh cũng đều tốt cho cơ thể (Nguồn: Internet)

Một số trường hợp bạn nên uống nước lạnh là:

  • Sau khi tập thể dục để giúp cơ thể hạ nhiệt
  • Đang trong quá trình giảm cân

Một số trường hợp bạn cần uống nước ấm là:

  • Khi thức dậy vào buổi sáng hoặc sau khi ăn để giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa
  • Khi cần thanh lọc cơ thể
  • Khi bị nghẹt mũi
  • Khi đang trong giai đoạn hành kinh, nhức đầu, đau khớp...

5. Một số lưu ý cần nhớ để uống nước đúng cách

Để đảm bảo việc uống nước đúng cách bạn cũng nên thực hiện tốt một số lưu ý sau đây:

  • Mỗi lần chỉ uống một lượng nước vừa phải, không uống quá nhiều. Tốt nhất là nên rót nước sẵn ra ly, bình nước và để gần mình nhằm giúp duy trì thói quen uống nước.
  • Không uống nước đun đi đun lại nhiều lần, không uống nước đã đun sôi quá 2 ngày.
  • Không uống nước ngay khi vừa mới vận động nặng.
  • Hạn chế hoặc không uống các loại thức uống có ga, các loại đồ uống có chứa caffeine...

Nhìn chung, bạn nên hình thành thói quen uống nước đúng cách mỗi ngày, đặc biệt là vào mùa nắng nóng bởi nó thật sự có ích cho sức khỏe của bạn.