Chờ...

Củ chuối – lợi ích sức khỏe và các món ngon không thể bỏ qua

(VOH) – Nhắc đến củ chuối ta sẽ nhớ đến một nguyên liệu dân dã nhưng là ‘điểm nhấn’ góp phần tạo nên hương vị hấp dẫn cho các món ăn. Vậy củ chuối đem lại những lợi ích gì cho sức khỏe?

Hầu hết các bộ phận của cây chuối như quả chuối, thân chuối hay hoa chuối đều được tận dụng vì cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể. Còn về phần củ chuối, có khá nhiều công dụng tốt cho sức khỏe mà chưa được biết đến. 

1. Củ chuối là gì?

Củ chuối là phần thân ngầm hay còn được biết đến như thân thật của cây, mọc trong lòng đất, có vỏ ngoài sần sùi. Bộ phận này đóng vai trò dự trữ chất dinh dưỡng, từ đây rễ, lá và thân giả mọc ra. 

Củ chuối có vị hơi chát, được thu hoạch và sử dụng nhiều khi còn non vì ăn sẽ mềm cũng như ít xơ hơn. 

cu-chuoi-loi-ich-suc-khoe-va-cac-mon-ngon-khong-the-bo-qua-voh-0
Nên đào củ chuối non vì ít xơ và mềm (Nguồn: Internet) 

2. Củ chuối có tác dụng gì?

Tuy hàm lượng các chất dinh dưỡng trong củ chuối không quá cao nhưng thường được kết hợp với một số thực phẩm khác để hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý. 

2.1 Hạ sốt 

Sốt là phản ứng tự nhiên miễn dịch của cơ thể, tuy nhiên sốt cao kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng mất nước cũng như co giật nguy hiểm. Để điều hòa thân nhiệt, giải độc và hạ sốt, có thể bóc vỏ củ chuối, rồi thái vụn hoặc giã nát ruột bên trong, ép nước uống. 

2.2 Ổn định đường huyết

Củ chuối được coi là bộ phận chứa nhiều chất xơ – dưỡng chất làm chậm quá trình tăng glucose ở trong máu. Nếu sử dụng đều đặn sẽ hỗ trợ ổn định đường huyết, đặc biệt với người mắc tiểu đường ở tuýp 2. 

Xem thêm: Cách kiểm soát bệnh tiểu đường tuýp 2 để sống ‘hòa bình’ với nó, tránh biến chứng nguy hiểm

2.3 Cải thiện giấc ngủ 

Các chuyên gia dinh dưỡng đã từng chia sẻ ăn chuối sẽ giúp bạn dễ vào giấc và ngủ sâu hơn. Bên cạnh đó, bạn có thể hấp củ chuối với tim heo, bài thuốc này sẽ khắc phục tình trạng trằn trọc, mất ngủ mỗi đêm. 

2.4 Hỗ trợ điều trị kiết lỵ 

Khi mắc kiết lỵ, ruột già sẽ bị nhiễm trùng, gây tiêu chảy dữ dội kèm theo máu, nếu không kịp thời điều trị có thể gây nhiễm trùng huyết. Trong các bài thuốc Đông Y, củ chuối (đặc biệt là củ chuối hột) thường được kết hợp với các dược liệu như vỏ táo, sả để sắc uống, nhằm điều trị kiết lỵ. 

Xem thêm: Chuối hột và những công dụng trị bệnh từ gốc đến ngọn của cây

3. Củ chuối nấu gì ngon?

Tưởng chừng là một bộ phận “bị lãng quên” của cây chuối nhưng các món ăn chế biến từ củ chuối khá hấp dẫn và không khiến bạn cảm thấy ngán ngấy. 

3.1 Nộm củ chuối 

Củ chuối có thể trộn nộm cùng với thịt ba chỉ, tôm hoặc mực khô để ăn kèm cùng các món ăn chính. 

cu-chuoi-loi-ich-suc-khoe-va-cac-mon-ngon-khong-the-bo-qua-voh-1
Nộm củ chuối tôm thịt rất dễ thực hiện (Nguồn: Internet) 

Nguyên liệu

  • Củ chuối: 300g
  • Tôm: 200g
  • Thịt ba chỉ: 200g
  • Giá đỗ tươi: 100g
  • Đậu phộng: 50g
  • Gia vị: đường, tỏi, chanh, nước mắm

Cách làm

  • Để giảm bớt vị chát và giữ được độ giòn, nên rửa sạch củ chuối với giấm, luộc chín với nước muối, sau đó ngâm nước đá lạnh. 
  • Rửa sạch tôm, luộc chín rồi bóc vỏ, bỏ đầu. 
  • Luộc thịt chín thịt ba chỉ, sau đó cắt miếng mỏng vừa ăn. 
  • Rang đậu phộng rồi đập dập. 
  • Pha nước chấm chua ngột để trộn nộm củ chuối, thịt ba chỉ và tôm. 

3.2 Củ chuối hầm sườn

Đây là món canh ngọt lành, tương đối dễ thực hiện nhưng bạn cần kiên nhẫn dành thời gian ninh hầm sườn và củ chuối. Khi củ chuối cũng như sườn chín mềm, nếm nước hầm bạn sẽ cảm thấy vị ngọt thanh. 

cu-chuoi-loi-ich-suc-khoe-va-cac-mon-ngon-khong-the-bo-qua-voh-2
Củ chuối hầm sườn ngọt thanh hấp dẫn (Nguồn: Internet) 

Nguyên liệu

  • Củ chuối: 300g
  • Sườn: 500g
  • Gia vị: hành tím, hành lá, ngò gai, nước mắm, hạt nêm

Cách làm

  • Gọt vỏ củ chuối, thái lát mỏng rồi ngâm rửa bằng nước muối khoảng 20 phút, sau đó vớt ra vắt nước, tiến hành ướp với gia vị cho ngấm. 
  • Rửa sạch sườn bằng nước muối loãng, chặt thành miếng nhỏ vừa ăn. Chần sườn với nước sôi, rồi ướp gia vị trong khoảng 30 phút. 
  • Phi thơm hành tỏi, xào sườn trong vòng 5 phút, sau đó cho củ chuối vào, củ chuối mềm thì mới đổ nước vào hầm. Món canh sẽ hầm trong khoảng 1 tiếng. 

3.3 Lươn om củ chuối 

Củ chuối om lươn sẽ khử được mùi tanh thường thấy của lươn, vị món ăn đậm đà bởi củ chuối chín bở quyện với vị ngọt của khúc lươn.

cu-chuoi-loi-ich-suc-khoe-va-cac-mon-ngon-khong-the-bo-qua-voh-3
Lươn om củ chuối có vị ngọt đậm đà (Nguồn: Internet) 

Nguyên liệu

  • Củ chuối: 300g
  • Lươn: 1kg
  • Thịt ba chỉ: 200g
  • Gia vị: nghệ, rau răm, hành tím, hành lá, đường, nước mắm, hạt nêm, tiêu, cơm mẻ

Cách làm

  • Rửa sạch lươn bằng muối hạt để sạch chất nhớt và mùi tanh. Tiến hành rạch bụng để bỏ phần ruột lươn, rồi rửa lại bằng một ít rượu trắng, sau đó cắt khúc ngắn. Ướp lươn với nước mắm, đường, tiêu xay. 
  • Làm sạch thịt ba chỉ, thái vừa ăn. 
  • Lọc cơm mẻ lấy nước, gọt vỏ nghệ rồi đập dập. Đun sôi nước, cho nước mẻ cùng nghệ vào, sau đó cho củ chuối đã bóc vỏ và thái miếng nhỏ vào luộc sơ. 
  • Cuộn ba chỉ vào giữa miếng lượn rồi dùng cọng hành lá buộc lại. 
  • Phi thơm hành tím và củ chuối, thêm nước mẻ rồi nêm nếm gia vị. Sau đó cho lươn cùng khoảng nửa lít nước sôi để om. Để ý vớt bọt, điều chỉnh lửa nhỏ khi om. 

Sử dụng củ chuối - nguyên liệu vốn “’vùi trong lòng đất” này hứa hẹn sẽ đem đến cho mâm cơm gia đình bạn những món ăn lạ miệng, đồng thời giúp cải thiện sức khỏe tốt hơn.