Có thể nói rằng những rặng dừa cao vút không chỉ tạo nên cảnh sắc thiên nhiên đặc trưng tại các quốc gia Đông Nam Á mà tiềm năng của “ngành dừa” cũng luôn nhận nhiều kì vọng và đánh giá rất cao. Nhắc tới đây, có lẽ không thể bỏ qua đường dừa - một sản phẩm từ cây dừa đang được đón nhận nhiệt tình. Quy trình sản xuất đường dừa ra sao và sử dụng đường dừa có tốt cho sức khỏe không? Bài viết này sẽ cùng bạn khám phá đầy đủ hơn nhé!
1. Đường dừa là gì?
Đường dừa là loại đường với thành phần chủ yếu gồm mật dừa từ hoa dừa (trung bình một ngày có thể chiết được khoảng 1 lít mật dừa mỗi cây). Các nhà sản xuất sẽ thu gom mật rồi tiến hành đun nóng bay hơi và cô đặc lại để có được thành phẩm đường dừa. Tùy theo mức nhiệt độ, màu sắc của đường dừa sẽ khác biệt, song nhìn chung có màu vàng nâu nhạt (khá giống đường nâu), thơm mùi dừa và ngọt dịu.
Hiện nay, tại Đông Nam Á, các quốc gia xuất khẩu đường dừa nổi tiếng phải kể đến Việt Nam, Thái Lan, Indonesia hay Philippine.
2. Sử dụng đường dừa có tốt không?
Đường dừa trở thành gia vị ngọt khá lý tưởng mà bạn có thể tham khảo thay thế cho đường tinh luyện (đường mía) thông thường khi chế biến món ăn hay pha chế đồ uống. Nếu nêm nếm đường dừa với lượng vừa phải, hợp lý thì sử dụng đường dừa hoàn toàn tốt cho sức khỏe, mang đến cho chúng ta những lợi ích tuyệt vời như:
2.1 Cung cấp năng lượng
Giống như hầu hết các loại đường khác, đường dừa cũng là nguồn cung cấp “nhiên liệu” đầu vào quan trọng giúp tạo năng lượng cho cơ thể. Với tỉ lệ gồm 70 - 80% sucrose, 3% glucose và 9% fructose, chúng sẽ được chuyển hóa vào máu và gan, rồi sản sinh năng lượng ngay lập tức để cơ thể hoạt động.
2.2 Phòng ngừa thiếu hụt protein
Bổ sung đường dừa với liều lượng an toàn sẽ giúp bạn phòng ngừa tình trạng thiếu hụt protein. Lúc này nhờ tác dụng sinh năng lượng tức thì của đường, cơ thể sẽ không cần đốt cháy axit amin cấu thành nên protein và tiết kiệm protein dự trữ.
Xem thêm: 'Nói không' với béo phì và các bệnh rối loạn chuyển hóa bằng 20 loại thực phẩm giàu protein
2.3 Củng cố hệ vận động
Đường dừa được sản xuất mà không phải trải qua nhiều công đoạn tinh luyện phức tạp nên vẫn lưu giữ khá trọn vẹn lượng chất khoáng từ mật dừa. Những dưỡng chất như magie, canxi hay kẽm trong đường dừa đều rất cần thiết cho sự phát triển của hệ vận động, đảm bảo tăng kết nối giữa các khớp xương và củng cố xương chắc khỏe.
2.4 Điều hòa huyết áp
Một số phân tích dinh dưỡng nhận thấy đường dừa cung cấp lượng chất điện giải kali tương đối dồi dào. Lúc này, thêm thắt đường dừa trong khẩu phần ăn cũng góp phần không nhỏ giúp bạn cân bằng thể tích dịch, từ đó điều hòa huyết áp ổn định.
Xem thêm: Khám phá 8 tác dụng của kali đối với sức khỏe và những thực phẩm giàu kali nhất
2.5 Giảm căng thẳng
Đường dừa được xếp vào nhóm thực phẩm để lại nhiều tác động tích cực tới hệ thần kinh, hỗ trợ giảm stress khá hữu hiệu. Đường có khả năng kích hoạt vùng khoái cảm của não bộ hoạt động, tăng tiết các hormone hạnh phúc, đặc biệt là dopamine, giúp thư giãn tinh thần và xoa dịu căng thẳng.
2.6 Cải thiện tiêu hóa
Dù vẫn cần nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa song tác dụng của đường dừa tới hoạt động của hệ tiêu hóa rất khả quan. Điều này là bởi một số dưỡng chất từ loại đường này có thể thúc đẩy sản sinh lợi khuẩn đường ruột bifidus, ngăn ngừa các rối loạn tiêu hóa thường gặp.
Xem thêm: Probiotic là gì? 6 tác dụng của probiotic với sức khỏe người lớn và cả trẻ nhỏ
3. Ăn kiêng dùng đường dừa được không?
Nếu bạn thuộc hội “hảo ngọt” song đang thực hiện chế độ ăn kiêng giảm cân thì vẫn có thể xem xét sử dụng đường dừa. Tuy nhiên hãy nhớ rằng phải cân đối liều lượng tiêu thụ, tránh làm “vỡ kế hoạch”. Theo đó, dù lượng đường fructose trong đường dừa khá thấp nhưng nếu liên tục tiếp nạp sẽ khiến kho dự trữ ở gan bị quá tải, tăng tỉ lệ hình thành chất béo triglyceride và gây tăng cân trở lại.
Lời khuyên là chỉ nên sử dụng từ 1 – 2 thìa cà phê đường dừa khi nêm nếm, trong ngày không nên lạm dụng quá 30g đường.
4. Một số lưu ý cần biết khi dùng đường dừa
Mang hương thơm độc đáo cùng nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nên các gia đình đang dần “chuyển hướng” dùng đường dừa. Và để hấp thu trọn vẹn các chất dinh dưỡng từ loại đường này, đừng quên lưu ý những khuyến cáo an toàn sau:
4.1 Không nên lạm dụng
Theo các chuyên gia sức khỏe, đường dừa lành mạnh hơn đường tinh luyện thông thường song không nên vì thế mà dùng “quá tay”, dễ làm rối loạn nồng độ đường huyết và tăng tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường. Tốt nhất chỉ nên bổ sung tối đa 2 thìa cà phê (khoảng 5 – 8g đường) mỗi lần thôi nhé!
Xem thêm: Gợi ý về chế độ ăn và thực đơn lành mạnh cho bệnh nhân tiểu đường
4.2 Tránh sử dụng nhiều với thực phẩm giàu tinh bột
Trong quá trình chế biến các món ăn gồm các nguyên liệu giàu tinh bột (chất đường bột), bạn cũng cần hạn chế thêm nhiều đường dừa, tránh để cơ thể rơi vào tình trạng dư thừa đường.
4.3 Bảo quản đúng cách
Cách bảo quản đường dừa lâu dài và không bị vón cục khá đơn giản. Hãy cất trữ đường trong hộp đựng bằng thủy tinh, đặt tại vị trí khô ráo, thông thoáng hoặc ngăn mát tủ lạnh. Chú ý vặn chặt nắp đậy, ngăn kiến “xâm nhập” vào.
5. Thành phần dinh dưỡng của đường dừa
Hàm lượng một số dưỡng chất điển hình trong khoảng 1 thìa đường dừa (4g) được ước tính như sau: (1)
- Năng lượng: 18
- Carbohydrate: 4g
- Canxi: 4mg
- Kali: 15mg
- Protein: 0
- Chất xơ: 0
- Chất béo: 0
Vừa là một gia vị tạo ngọt mới lạ, đường dừa vừa mang đến cho cơ thể nhiều dưỡng chất thiết yếu. Mong rằng bạn sẽ nằm lòng các hướng dẫn sử dụng đường dừa khoa học trong bài viết trên đây để cải thiện sức khỏe một cách hiệu quả nhất nhé.