Chúng ta biết rằng, đường ruột được xem như một khu vực “trú ngụ” của hàng trăm nghìn tỉ vi khuẩn khác nhau, gồm cả vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại. Tuy nhiên, để hạn chế mắc những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, các chuyên gia dinh dưỡng luôn khuyến cáo phải tăng lượng vi khuẩn tốt – nhằm “áp đảo” hoạt động của vi khuẩn xấu. Trong số đó, probiotic là các chủng lợi khuẩn mà ta cần chủ động bổ sung đầy đủ.
1. Probiotic là gì?
Probiotic (chất trợ sinh) là cách gọi chung cho nhóm các vi khuẩn sống, có lợi cho sức khỏe, chủ yếu tồn tại, phát triển tốt trong đường ruột được đưa vào cơ thể thông qua thuốc điều chế hoặc từ các thực phẩm tự nhiên. Dựa trên các tài liệu y khoa, khái niệm probiotic vốn đã xuất hiện từ đầu thế kỉ XX trong ngành miễn dịch học hiện đại.
Cho tới nay, các nhà nghiên cứu phân loại probiotic thành 4 chủng chính gồm:
- Vi khuẩn lactic: Lactobacillus, Bifidobacterium, Lactococcus, Sporolactobacillus, Enterococcus,…
- Nấm men: Saccharomyces, Kluyveromyces, Candida,…
- Vi khuẩn gram âm: Bacteroides, Akkermansia, Aeromonas, Pseudomonas,…
- Vi khuẩn gram dương: Bacillus, Faecalibacterium, Clostridium.
Đặc biệt, chủng vi khuẩn lactic như Lactobacillus và Bifidobacterium được tìm thấy cũng như sử dụng phổ biến nhất trong sản xuất các loại men vi sinh.
2. Tác dụng của probiotic với sức khỏe
Cư trú phần lớn ở đường ruột song tác dụng của probiotic không chỉ để lại ảnh hưởng tích cực tới hệ tiêu hóa mà còn tới hầu khắp các hệ cơ quan trong cơ thể. Cụ thể, một số lợi ích sức khỏe khi tiếp nạp đủ lượng probiotic như sau:
2.1 Hỗ trợ điều trị tiêu chảy
Probiotic nằm trong nhóm bổ trợ quan trọng góp phần ngăn ngừa hoặc khắc phục hiệu quả tình trạng tiêu chảy xảy ra sau giai đoạn chữa bệnh với kháng sinh. Điều này là bởi kháng sinh liều cao tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh nhưng cũng có thể làm hại các lợi khuẩn, gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, dẫn tới tiêu chảy và mất nước kéo dài.
Xem thêm: Những đối tượng dùng kháng sinh có thể bị tiêu chảy, bạn đã biết chưa?
2.2 Ngăn ngừa táo bón
Bên cạnh khả năng điều trị tiêu chảy, probiotic cũng được tận dụng trong trường hợp mắc chứng rối loạn tiêu hóa khác, đó là táo bón. Các chủng vi khuẩn tốt này sẽ kích thích nhu động ruột, làm mềm phân và tăng tần suất đi đại tiện.
2.3 Bảo vệ tim mạch
Các chủng lợi khuẩn probiotic (nhất là Lactobacillus) đều thuộc nhóm vi khuẩn “thân thiện” và rất tốt cho sức khỏe tim mạch. Chúng sẽ làm kết tủa muối mật trong đường tiêu hóa, đồng thời bám dính phân tử cholesterol xấu rồi đào thải ra ngoài, tránh di chuyển sâu vào mạch máu, làm hẹp mạch vành và ảnh hưởng tới tính mạng.
Xem thêm: Nếu muốn có một hệ tim mạch khỏe mạnh hãy làm ngay những điều này
2.4 Tăng cường sức đề kháng
Tăng cường probiotic được xem là yếu tố “chủ chốt” giúp củng cố một hệ miễn dịch vững chắc. Probiotic sẽ tác động sinh các tế bào bạch huyết biểu mô nằm ở ruột non, sản xuất kháng thể đi vào hệ tĩnh mạch, tăng sức đề kháng, từ đây tiêu diệt các mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể.
2.5 Tốt cho sức khỏe tâm thần
Có thể bạn chưa biết, hệ đường ruột kết nối cực kì chặt chẽ với não bộ, bất cứ rối loạn chức năng tiêu hóa nào cũng sẽ tác động tới hoạt động của hệ thần kinh. Chính vì vậy, probiotic khi vào cơ thể vừa giúp nuôi dưỡng đường ruột khỏe mạnh, vừa kiểm soát quá trình sản xuất hormone của não bộ, đặc biệt là giảm thiểu corisol gây căng thẳng, cải thiện sức khỏe tâm thần và chống trầm cảm.
Xem thêm: Bạn có thể đang mắc bệnh tâm lý rối loạn lo âu nếu nhận thấy 7 dấu hiệu sau
2.6 Khắc phục chàm sữa
Chàm sữa (hay eczema) là hiện tượng viêm da cơ địa khá phổ biến ở trẻ nhỏ, gây khô da, mẩn đỏ và ngứa ngáy. Theo đó, cùng với các phương pháp dưỡng ẩm cho làn da bé với các loại kem chứa corticoid hoặc histamin, một số nghiên cứu đang kỳ vọng rất cao vào tác dụng của probiotic tới việc tái tạo hàng rào da bị hư tổn ở các bé.
3. Nên uống probiotic lúc nào?
Như đã chia sẻ, các nhà nghiên cứu dược phẩm sẽ bào chế thuốc chứa những chủng vi khuẩn probiotic dưới dạng siro, viên nang hoặc viên nén. Lúc này, phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và khuyến nghị từ bác sĩ chuyên khoa, bạn có thể được kê đơn dùng thuốc bổ sung probiotic tối thiểu 1 tháng nhằm nhanh chóng phục hồi hoạt động của hệ tiêu hóa.
Ngoài ra, bạn nên uống probiotic lúc đang ăn hoặc ngay sau bữa ăn khoảng 10 – 15 phút để tận dụng tối đa lợi ích.
4. Gợi ý các thực phẩm chứa probiotic
Nếu như việc sử dụng thuốc bổ sung probiotic thường được chỉ định với các trường hợp thiếu hụt trầm trọng thì bồi bổ thêm các thực phẩm chứa probiotic là điều cần chủ động thực hiện khi xây dựng khẩu phần ăn hàng ngày. Bạn có thể tham khảo lựa chọn các thực phẩm giàu probiotic dưới đây:
4.1 Các chế phẩm từ sữa
Sữa cùng các chế phẩm từ sữa như sữa chua hay phô mai chứa và vận chuyển nhiều chủng lợi khuẩn probiotic, điển hình là L. acidophilus, L. casei, L rhamnosus và L. plantarum. Hơn hết, lợi khuẩn probiotic từ những nguồn này được cơ thể hấp thu khá hiệu quả, đồng thời có khả năng sống sót lâu trong hệ đường ruột.
Xem thêm: Nếu là ‘tín đồ’ phô mai bạn nhất định nên trổ tài chế biến ngay 14 món ngon từ phô mai này!
4.2 Trái cây
Đối với nhóm người mắc hội chứng không dung nạp lactose từ sữa thì trái cây là “kho” cung cấp probiotic khá dồi dào cần chú ý bổ sung đều đặn. Bên cạnh đó, phần lớn các loại trái cây đều rất giàu vitamin và chất xơ – những dưỡng chất sẽ kết hợp với lợi khuẩn probiotic bảo vệ hệ tiêu hóa.
4.3 Thực phẩm lên men
Các nhóm thực phẩm lên men đủ độ, đúng cách và an toàn cũng đem tới lượng lớn chủng lợi khuẩn L. plantarum. Hãy kết hợp linh hoạt, điều độ các món ăn lên men như dưa muối, kim chi, đậu natto hoặc trà kombucha trong chế độ dinh dưỡng để nâng nồng độ probiotic của cơ thể.
Xem thêm: Bác sĩ chia sẻ lợi và hại của thực phẩm lên men, tín đồ của cải chua, mắm ruốc, kim chi,…nên biết
5. Một số tác dụng phụ của probiotic khi dùng sai cách
Thông thường các tác dụng phụ của probiotic xảy ra khi chúng ta tự ý dùng thuốc bổ sung probiotics, vượt liều lượng hoặc lạm dụng trong thời gian dài. Khi đó, nguy cơ cao sẽ phải đối mặt với những rủi ro sức khỏe này:
5.1 Đầy hơi chướng bụng
Nếu là lần đầu tiên dùng thuốc probiotic điều chế nhưng không cân đối lượng hợp lý, bạn sẽ khó tránh khỏi tình trạng đầy hơi chướng bụng. Lượng lợi khuẩn trong hệ vi sinh đường ruột thay đổi đột ngột, tạo ra nhiều khí CO2, gây đầy hơi và “ậm ạch” khó chịu.
Xem thêm: 4 ‘thủ phạm’ gây chướng bụng đầy hơi và biện pháp giúp cải thiện tình trạng hiệu quả
5.2 Gây dị ứng
Trường hợp bạn có tiền sử dị ứng (đặc biệt là dị ứng sữa) thì hãy tìm hiểu thực phẩm bổ sung probiotic thật phù hợp, tránh lựa chọn các nhóm có chứa thành phần mà cơ thể không thể dung nạp.
5.3 Tương tác thuốc đặc trị
Trong quá trình điều trị bệnh lý, nếu muốn dùng probiotic dạng thuốc, bạn cần thăm hỏi ý kiến bác sĩ về chủng loại và liều lượng phù hợp, phòng tránh tối đa rủi ro kháng thuốc đặc trị.
Nhìn chung, probiotic là tập hợp lớn các chủng lợi khuẩn an toàn với sức khỏe con người. Thế nhưng để tận dụng tối ưu tác dụng của probiotic, bạn đừng quên thực hiện đúng theo những hướng dẫn bổ sung quan trọng trên đây nhé!