Quả nhãn tươi có hương thơm dịu nhẹ, phần cùi nhãn giòn giòn với vị ngọt đậm đà, bổ sung các khoáng chất thiết yếu như canxi, mangan, photpho và đặc biệt là nhóm vitamin C cho cơ thể. Ăn nhãn tươi trực tiếp cũng đã thấy hấp dẫn, thế nhưng, trong thế giới ẩm thực, vị ngọt tự nhiên của thức quả này còn được kết hợp hài hòa với các nguyên liệu khác để chế biến rất nhiều món ăn độc đáo.
1. Chè hạt sen long nhãn
Chè hạt sen long nhãn là sự hòa quyện cực kì hoàn hảo, cùi nhãn mềm ngọt bao bọc bên ngoài hạt sen thơm bùi, đem đến hương vị thanh mát và hấp dẫn “khó cưỡng”!
1.1 Nguyên liệu
- Nhãn tươi: 100g
- Hạt sen: 100g
- Đường phèn: 500g
- Vani: 3 ống
1.2 Cách làm chè hạt sen long nhãn
- Bóc vỏ nhãn, dùng tăm hoặc mũi dao nhỏ khứa cùi nhãn để tách lấy hạt ra. Chú ý nhẹ nhàng để cùi nhãn không bị dập nát.
- Ngâm rửa hạt sen với nước muối loãng khoảng 30 phút, có thể lọc bỏ phần tâm sen để khi ăn không bị đắng. Đun sôi hạt sen tới khi chín đều thì vớt ra.
- Hòa đường phèn vào nước hạt sen vừa đun, khuấy đều cho tới khi đường tan hết thì cho hạt sen vào, bật lửa nhỏ đun thêm từ 20 – 30 phút để hạt sen mềm và thấm ngọt. Trước khi tắt bếp thì pha 3 ống vani vào. Lúc này, vớt lại hạt sen ra để riêng.
- Tiến hành lồng hạt sen vào cùi nhãn đã được tách hạt, sau đó cho nhãn bọc hạt sen vào nước chè sen đun thêm 10 phút nữa. Khi sôi tắt bếp, để nguội rồi đem bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh hoặc muốn dùng ngay thì hãy thêm chút đá.
2. Nhãn nhục làm từ nhãn tươi
2.1 Nguyên liệu
- Nhãn tươi: 1.5kg
2.2 Cách làm nhãn nhục từ nhãn tươi
- Nhãn mua về rửa sạch, bóc vỏ và tách hạt bên trong ra. Bạn nên dùng muỗng tách phần thịt nhãn để dễ dàng tách ra mà không bị nát. Sau khi tách hạt xong thì xếp nhãn ra 1 cái khay nướng, để miệng cùi nhãn hướng lên trên rồi đưa vào lò nướng.
- Sau khi cho vào lò nướng thì điều chỉnh nhiệt độ lò ở mức 100 độ C - 120 độ C và nướng khoảng 3 giờ đồng hồ.
- Ngoài sử dụng lò nướng ra thì bạn cũng có thể lấy nhãn phơi khô dưới nắng 2 - 3 ngày, cho đến ki nhãn khô, thịt co lại và chuyển sang màu nâu thì có thể sử dụng được.
- Sau khi nướng xong thì ta có được thành phẩm nhãn nhục dẻo và thơm, vị ngọt vừa phải, màu nâu vàng đẹp mắt.
- Nhãn không sử dụng hết có thể bỏ vào lọ thủy tính để bảo quản ở nhiệt độ thường, tránh ánh nắng mặt trời, để nơi khô ráo thoáng mát.
3. Kem nhãn
Vị nhãn không ngọt gắt mà dịu nhẹ, lại có chút mát lạnh, dẻo mịn của kem nên rất dễ ăn, thậm chí còn là “món tủ” của rất nhiều người.
3.1 Nguyên liệu
- Nhãn tươi: 300g
- Sữa tươi không đường: 100ml
- Whipping cream: 100ml
- Đường cát trắng
3.2 Cách làm kem nhãn
- Bóc vỏ nhãn, lọc bỏ hạt, cắt cùi nhạt thành các miếng nhỏ (không cần quá nhỏ khiến nhãn bị nhũn nát).
- Trộn sữa tươi, whipping cream cùng đường, đánh đều tay tới khi bông nhuyễn thì dừng lại (nếu có máy đánh trứng thì nên sử dụng).
- Hòa hỗn hợp kem sữa với nhãn, khuấy đều và mịn mềm. Sau đó bảo quản trong ngăn đông lạnh ít nhất 2 tiếng bạn sẽ có một ly kem nhãn ngon mê ly.
Xem thêm: Nên uống sữa khi nào? Những điều cần lưu ý khi uống sữa
4. Trà nhãn
Thưởng thức một ly trà nhãn ngọt thanh, thoang thoảng hương tắc có lẽ là điều bạn cần để thư giãn tâm trí sau những giờ làm việc căng thẳng.
4.1 Nguyên liệu
- Nhãn tươi: 200g
- Nước: 200ml
- Trà túi lọc: 2 túi
- Tắc: 1 trái
- Đường cát trắng, đường phèn, muối
- Đá viên
4.2 Cách làm trà nhãn
- Lột vỏ nhãn, tách bỏ hạt. Đem ướp cùi nhãn với một chút đường cát trắng trong khoảng 20 phút.
- Đun sôi nước, cho đường phèn và muối khuấy đều, tới khi tan thì cho nhãn vào. Đun nhỏ lửa, đảo đều tay tới thịt cùi nhãn đổi màu nâu cánh gián, nước đường cô đặc lại thì tắt bếp.
- Pha trà túi lọc, vắt nước tắc vào. Hòa đều nước trà, nước đường nhãn, 4 – 5 cùi nhãn và đá viên là có thể thưởng thức ly trà nhãn thơm phức.
5. Rau câu nhãn
Không cần phải tìm kiếm nhiều nguyên liệu cầu kì, từ những quả nhãn ngọt thơm bạn cũng có thể cho ra đời món tráng miệng mát lành – rau câu nhãn.
5.1 Nguyên liệu
- Nhãn tươi: 700g
- Nước dừa: 500ml
- Bột rau câu: 15g
- Nước: 400ml
- Sữa đặc: 80g
- Đường phèn
5.2 Cách làm rau câu nhãn
- Bóc vỏ nhãn, nhẹ nhàng dùng dao khứa lên cùi nhãn để lấy hạt nhãn ra. Chia làm 2 phần nhãn: một phần đem xay nhuyễn lấy nước, một phần giữ nguyên.
- Đun nước dừa khoảng 2 – 3 phút, khi sôi cho hỗn hợp đường phèn và bột rau câu vào, bật lửa nhỏ lại, liên tục khuấy đều để không bị vón cục.
- Đổ rau câu vào khuôn, hơi khô sánh lại thì xếp phần cùi nhãn vào, rưới thêm một lớp rau câu nữa tới khi đầy khuôn. Đợi khoảng 5 – 10 phút, rau câu đông lại thì đem bảo quản trong tủ lạnh để khi dùng hương vị thơm ngon hơn.
Xem thêm: Bạn sẽ nhận được 10 lợi ích sức khỏe này khi uống nước dừa đều đặn và đúng khoa học
6. Sinh tố nhãn
Nhãn vốn có vị ngọt khá đặc trưng, do vậy khi pha chế sinh tố nhãn hòa trộn với một chút sữa chua là sự lựa chọn hoàn hảo nhất.
6.1 Nguyên liệu
- Nhãn tươi: 300g
- Sữa chua: 2 hộp
- Sữa tươi không đường: 100ml
- Đá viên
6.2 Cách làm sinh tố nhãn
- Bóc vỏ nhãn, khéo léo tách cùi nhãn để lấy hạt ra.
- Hòa sữa chua, sữa tươi không đường, nhãn và đá viên rồi xay nhuyễn đến khi nhãn mềm mịn thì dừng.
- Cho sinh tố nhãn ra ly và thưởng thức thôi.
Có thể thấy công đoạn chế biến các món ăn từ quả nhãn không hề phức tạp, mùa nhãn chín rộ nhớ “rủ nhau” vào bếp làm ngay nhé!