Để có một sức khỏe tốt, bạn cần có một chế độ ăn uống lành mạnh và thỉnh thoảng nên tắm với muối epsom để giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi và giúp làm đẹp cho làn da, mái tóc.
1. Muối epsom là gì?
Muối epsom hay còn gọi là muối vô cơ Magie sulphat, có nguồn gốc ở nước Anh. Tên gọi “Epsom” được lấy từ tên của một con suối nước đắng ở thị trấn Epsom của nước Anh, do đó chúng thường có vị đắng thay vì vị mặn như muối thông thường.
Muối epsom có thành phần chính là magie, lưu huỳnh và oxy, với công thức hóa học là MgSO4. Loại muối này hoàn toàn khác muối ăn, nhưng người ta vẫn gọi là muối vì khi hợp chất này cô đọng lại, trong rất giống muối ăn.
Tuy không được dùng trong nấu ăn nhưng muối epsom lại là nguyên liệu làm đẹp vô cùng hiệu quả. Đặc biệt, nếu được sử dụng đúng cách, muối epsom mang đến những lợi ích cực kỳ tốt cho sức khỏe. Tùy vào mục đích sử dụng bạn có thể lựa chọn:
- Muối epsom dùng ngoài da (tắm, ngâm)
- Muối epsom dùng để uống
- Muối epsom dùng trong nông nghiệp, công nghiệp
2. Muối epsom có tác dụng gì cho sức khỏe?
Trong hàng trăm năm qua, muối epsom đã được sử dụng để điều trị nhiều vấn đề bệnh lý như táo bón, mất ngủ và đau cơ xơ hóa. Mặc dù các công dụng của muối epsom đối với sức khỏe chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, nhưng các lợi ích của nó đã được ghi nhận nhờ nó có chứa thành phần phần magie – một loại khoáng chất mà cơ thể con người thường hay thiếu.
Nhiêu chuyên gia khẳng định, muối epsom là một phương pháp điều trị và bạn có thể sử dụng nó để điều trị một số bệnh lý. Dưới đây là một số tác dụng của muối epsom dành cho sức khỏe:
2.1 Giúp giảm căng thẳng
Magie là chất góp phần vào quá trình tổng hợp và chuyển hóa chất dẫn truyền thần kinh. Đây là một chất giúp vận chuyển tính hiệu giữa các tế bào thần kinh, có thể tác động đến giấc ngủ, tâm trạng và sự tập trung.
Nhiều người cho rằng, tắm với muối epsom khoảng 3 lần/tuần có thể giúp bạn giảm căng thẳng và nạp thêm nhiều năng lượng, tinh thần cũng sẽ được xoa dịu và thư giãn.
2.2 Chống táo bón
Magie thường được sử dụng để điều trị táo bón vì nó có thể hút nước vào ruột kết và thúc đẩy nhu động ruột.
Trong muối epsom rất giàu magie, vì thế muối epsom có thể được xem như một loại thuốc nhuận tràng. Tuy nhiên, bạn vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng muối epsom để điều trị táo bón.
Xem thêm: 11 thực phẩm giàu magie rất 'quen mặt' mà bạn không hay biết
2.3 Cải thiện hiệu suất tập luyện và phục hồi
Một trong những công dụng của muối epsom là có thể làm giảm đau nhức và giảm tình trạng chuột rút, đây là những yếu tố quan trọng đối với hiệu suất tập thể dục và phục hồi.
Bổ sung đầy đủ lượng magie cho cơ thể trước khi tập luyện có thể giúp loại bỏ axit lactic tích tụ trong cơ bắp trong quá trình tập luyện. Ngoài ra, nếu bạn bổ sung đầy đủ magie sau khi tập thì sẽ giúp tăng thời gian phục hồi và ngăn ngừa đau nhức cơ bắp.
2.4 Giảm đau và sưng
Một số người cho rằng, muối epsom có tác dụng giảm đau và sưng tấy. Cụ thể, tắm muối epsom sẽ giúp cải thiện các triệu chứng của đau cơ xơ hóa và viêm khớp.
3. Công dụng của muối epsom trong làm đẹp
Không chỉ tốt cho sức khỏe, muối epsom còn được xem như một loại “thần dược” trong công cuộc làm đẹp của chị em phụ nữ.
Tắm với muối epsom có thể giúp bạn thu về những lợi ích như:
3.1 Đẹp da
Muối epsom có tác dụng tẩy tế bào chết cho cơ thể, giúp se khít lỗ chân lông để bạn có được làn da mịn màng, căng mọng. Loại muối này đặc biệt phù hợp với những người có làn da khô, thô ráp hoặc các bệnh vẩy da như eczema.
3.2 Giúp tóc bóng mượt, khỏe đẹp
Một số kinh nghiệm cho rằng, gội đầu với hỗn hợp dầu gội và muối epsom hoặc trộn muối epsom với dầu xả rồi thoa đều lên tóc trong khoảng 20 phút sẽ giúp tóc chắc khỏe, óng mượt hơn.
3.3 Dưỡng da chân và tay
Dùng muối epsom ngâm chân và tay sẽ giúp da tay và chân của bạn được mềm mịn, sạch sẽ hơn. Đặc biệt có thể giúp khử đi mùi hôi khó chịu ở chân.
Xem thêm: Trị mụn bằng muối Epsom có thực sự giúp da nhẵn mịn, 'sạch' mụn?
4. Cách sử dụng muối epsom
Cách sử dụng muối epsom phổ biến nhất chính là hòa tan vào nước. Dưới đây là một số gợi ý sử dụng muối epsom dành cho bạn:
4.1 Tắm muối epsom với nước ấm
Thêm muối epsom trong khi đang xả nước để tan nhanh và đều hơn. Hầu hết các sản phẩm muối tắm epsom đều có hướng dẫn sử dụng kèm theo, nhưng thường bạn chỉ cần dùng 1 – 2 muỗng epsom cho một bồn tắm có kích thước chuẩn là được.
4.2 Tắm muối epsom để tẩy tế bào chết
Vào mùa đông, bạn có thể sử dụng muối epsom để tẩy tế bào chết, tuy nhiên chỉ nên sử dụng ở phần chân, tay và khuỷu tay.
Trong lúc tắm, bạn lấy một ít muối epsom chà xát lên làn da ướt (tránh để muối dính vào mặt), sau đó nhẹ nhàng xoa bóp. Cuối cùng tắm lại cơ thể bằng nước sạch.
4.3 Ngâm chân với muối epsom
Pha khoảng ½ chén muối epsom vào chậu nước ấm, có thể cho thêm vài giọt tinh dầu nếu thích. Ngâm đôi chân của bạn và thư giãn. Thời gian ngâm chân khoảng 20 phút.
4.4 Được sử dụng như thuốc nhuận tràng
Muối epsom hoàn toàn khác muối ăn. Tuy có kết cấu giống muối ăn nhưng muối epsom thường khá đắng và không ngon. Do đó, loại muối này không được sử dụng trong chế biến món ăn.
Tuy vậy, muối epsom lại có thể uống được. Bạn có thể tiêu thụ chúng bằng cách hòa tan muối trong nước và uống. FDA cũng đã phê duyệt muối epsom có thể uống như một loại thuốc nhuận tràng.
Bạn có thể nhìn thấy trên bao bì của loại muối epsom dạng uống sẽ có ghi dòng chữ “Saline laxative” hoặc “Saline laxative for relief of occasional constipation.”, có nghĩa là thuốc nhuận tràng (thuốc sổ).
Xem thêm: 15 loại thực phẩm giàu dinh dưỡng giúp ngừa táo bón
6. Sử dụng muối epsom có an toàn không?
Nhìn chung muối epsom có thể nói là an toàn khi sử dụng ngoài da (tắm và ngâm), nhưng nếu sử dụng muối epsom bằng đường uống không đúng cách bạn có thể gặp phải một số tác động tiêu cực.
Đầu tiên, muối epsom có tác dụng nhuận tràng, do đó nếu tiêu thụ nó quá nhiều có thể sẽ dẫn đến tiêu chảy, đầy hơi hoặc đau bụng. Vì vậy, lời khuyên là bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Ngoài ra, nếu dùng quá nhiều muối epsom, lượng magie trong cơ thể sẽ bi dư thừa. Thừa magie có thể gây ra các triệu chứng bao gồm: buồn nôn, nhức đầu, choáng váng và da đỏ bừng. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể gây ra các vấn đề về tim, hôn mê, tê liệt và tử vong.
Những người dùng muối epsom để tắm thì nên cân nhắc tránh ngâm vùng da bị rạn nứt trong nước muối epsom và ngừng sử dụng ngay khi phải các tình trạng sau:
- Ngứa da
- Dị ứng như phát ban, nổi mẩn đỏ.
- Nhiễm khuẩn da
Như vậy, muối epsom có thể hữu ích đối với sức khỏe con người trong việc tăng cường magie hoặc táo bón khi được dùng dưới dạng thực phẩm bổ sung. Ngoài ra, nó còn được sử dụng như một sản phẩm chăm sóc sắc đẹp hoặc muối tắm. Vì thế, bạn có thể thêm muối epsom vào một phần thói quen sống lành mạnh của mình.