Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

6 tác dụng của tổ yến và một số điều cần lưu ý khi dùng

(VOH) - Tổ yến là thực phẩm bổ dưỡng nhưng nếu sử dụng sai cách có thể làm mất đi chất dinh dưỡng của nó. Vậy ăn tổ yến có tác dụng gì và cần nắm rõ những lưu ý nào khi sử dụng?

Từ lâu, tổ yến hay yến sào đã được xem như một món “cao lương mỹ vị”, cực kỳ bổ dưỡng ở nhiều quốc gia Đông Á như Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc, Việt Nam,… Tuy nhiên, tổ yến bổ dưỡng ra sao, tác dụng của tổ yến như thế nào, ăn nhiều có tốt không.... thì không phải ai cũng biết rõ.

1. Tổ yến là gì?

Tổ yến (hay còn gọi là yến sào) là một loại thực phẩm được làm từ dãi của loài chim yến với hình dạng thường giống một chén trà bổ đôi. Nước dãi của chim yến khi tiếp xúc với không khí sẽ bị đông cứng lại và tạo thành tổ yến. Tổ yến thường được tìm thấy trên các vách đá, hang động có chim yến sinh sống.

tac-dung-cua-to-yen-voh-0
Tổ yến là một loại thực phẩm được làm từ dãi của loài chim yến (Nguồn: Internet)

Hiện nay, tổ yến có 3 loại khác nhau được phân theo nguồn gốc, chủng loại là: tổ yến huyết, tổ yến hồng và tổ yến trắng. Ngoài ra, nếu phân theo hình dạng, quy trình và chế biến sẽ có các loại sau: tổ yến thô, tổ yến tinh chế và tổ yến rút lông.

2. Tổ yến có tác dụng gì cho sức khỏe?

Tổ yến tuy không phải là loại “thần dược” chữa bách bệnh nhưng từ lâu tổ yến được cho là thực phẩm cực kỳ tốt cho sức khỏe. Ngày nay, qua nhiều nghiên cứu và thử nghiệm thực tế đã chứng minh các công dụng của tổ yến đối với sức khỏe gồm có:

2.1 Kích thích tiêu hóa, ăn uống ngon miệng

Tổ yến là một nguồn cung cấp Cr và nhiều thành phần quý hiếm khác. Do đó, ăn tổ yến có tác dụng kích thích vị giác, giúp ăn uống ngon miệng. Đồng thời, ăn tổ yến cũng giúp hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng chuyển hóa dưỡng chất, từ đó nâng cao sức khỏe toàn diện.

2.2 Tăng sức đề kháng cho cơ thể

Tổ yến chứa nhiều acid amin thiết yếu và nhiều nguyên tố vi lượng, đặc biệt trong tổ yến có chứa một số loại protein có thể đẩy nhanh quá trình tạo tế bào B – một loại tế bào chịu trách nhiệm sản xuất kháng thể bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật cũng như tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.

2.3 Tổ yến có tác dụng bổ máu

Tổ yến giàu chất đạm và sắt nên có tác dụng tạo máu cho cơ thể. Trong đó, sắt có vai trò quan trọng trong tổng hợp hemoglobin – chất vận chuyển oxy cho các tế bào trong cơ thể, ngăn ngừa nguy cơ thiếu máu.

2.4 Tốt cho hệ thần kinh

Các vi chất dinh dưỡng như kẽm, đồng,…có trong tổ yến có tác dụng ổn định thần kinh và tăng cường trí nhớ. Vì thế, sử dụng tổ yến đúng cách sẽ giúp bồi bổ trí não, ổn định thần kinh, giúp ngủ ngon và ghi nhớ tốt hơn.

2.5 Cải thiện sức khỏe tổng thể

Với những người bị suy nhược, vừa mới hết bệnh, mới phẫu thuật hay người bệnh ung thư vừa xạ trị,…ăn tổ yến sẽ giúp cải thiện sức khỏe nhanh chóng. Lý do là vì tổ yến có thể cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể cũng như những thành phần trong tổ yến tham gia vào quá trình tái tạo tế bào, giúp bệnh nhân mau hồi phục.

2.6 Bổ phế, long đờm, giảm ho

Theo Đông y, tổ yến có nhiều tác dụng đối với hệ hô hấp. Cụ thể, ăn tổ yến có thể giúp dưỡng âm, bổ phế, tiêu đàm, trừ ho, làm sạch dịch nhầy trong họng và ức chế phản ứng dị ứng gây viêm đường hô hấp, cải thiện chức năng hệ hô hấp. Do đó, những người bị ho, hen suyễn, cảm cúm, viêm phổi ăn yến sào sẽ rất tốt cho việc phục hồi.

Xem thêm: Mách nhỏ chị em 10 loại thực phẩm tốt cho sức khỏe phụ nữ, nên ăn thường xuyên

3. Tác dụng của tổ yến với làn da

Không chỉ tốt cho sức khỏe, tổ yến cũng mang đến nhiều tác dụng tích cực đối với sắc đẹp và làn da phụ nữ.

Dưỡng chất threonine trong tổ yến sẽ giúp hình thành nên elastine và collagen. Hai hợp chất này có tác dụng tích cực với nhan sắc và làn da phụ nữ như: giảm mụn, làm sáng và mịn da, giảm nám và ngăn ngừa lão hoá.

tac-dung-cua-to-yen-voh-1
Ăn tổ yến không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn có ích cho sắc đẹp (Nguồn: Internet)

Hơn nữa, lượng đường tự nhiên galactose có trong tổ yến hoàn toàn không chứa chất béo. Vì thế, nếu sử dụng đều đặn sẽ giúp đánh bay mọi khuyết điểm trên da mặt.

4. Bà bầu ăn tổ yến được không?

Trong Đông y ghi nhận, phụ nữ giai đoạn đầu mang thai cơ địa thường thay đổi thất thường, cho nên trong tam cá nguyệt đầu tiên, mẹ bầu nên hạn chế ăn yến sào để tránh gặp phải các tác dụng phụ.

Sau thời gian thai nghén, mẹ bầu có thể sử dụng yến sào trong một giới hạn cho phép để nhận về các lợi ích sức khỏe như:

  • Giảm căng thẳng, mệt mỏi, ngăn ngừa thiếu hụt dưỡng chất
  • Bổ sung nhiều dưỡng chất quý để thai nhi phát triển khỏe mạnh
  • Tăng cường hệ miễn dịch cho mẹ bầu cũng như ngăn ngừa dị tật thai nhi
  • Giúp mẹ bầu kiểm soát tốt cân nặng trong thời gian mang thai

Xem thêm: Bà bầu ăn yến như thế nào để tốt cho cả thai kỳ?

5. Lợi ích sức khỏe khi trẻ ăn tổ yến

Tổ yến hay nước yến đều là những thực phẩm bổ sung tốt cho trẻ em trong giai đoạn phát triển. Tổ yến có chứa protein, axit amin và khoáng chất cần thiết, vì thế trẻ ăn yến sào có thể nhận được rất nhiều lợi ích sức khỏe, chẳng hạn như:

  • Thúc đẩy tiêu hóa, hấp thu dinh dưỡng
  • Cung cấp nguồn năng lượng tốt cho cơ thể
  • Tăng cường hệ thần kinh để trẻ phát triển toàn diện
  • Giúp trẻ ăn ngon miệng hơn, hạn chế được tình trạng suy dinh dưỡng, biếng ăn, còi xương...

Xem thêm: Thời điểm tốt nhất cho trẻ ăn yến sào và những lưu ý khi dùng

6. Ăn yến nhiều có tốt không?

Mặc dù công dụng của tổ yến tốt cho sức khỏe, tuy nhiên nếu bạn đưa vào cơ thể một lượng quá nhiều tổ yến cơ thể sẽ không hấp thu được dẫn đến lãng phí.

Ngoài ra, những người phong hàn, phong nhiệt, chướng bụng, đầy hơi, ăn không tiêu, đau bụng, đi ngoài phân lỏng, cơ thể hàn lạnh hay có triệu chứng viêm ngoài da, viêm phế quản cấp, viêm đường tiết niệu,…thì không nên dùng tổ yến. Lý do là vì lúc này quá trình chuyển hóa của cơ thể kém, ăn tổ yến vào sẽ khiến bệnh càng nặng hơn.

Do đó, tùy thuộc vào từng đối tượng, độ tuổi mà việc tiêu thụ yến sào có thể khác nhau, cụ thể:

  • Trẻ dưới 1 tuổi: Tốt nhất không nên ăn tổ yến, vì lúc này hệ tiêu hóa của trẻ chưa ổn định.
  • Trẻ từ 1 - 4 tuổi: Ăn 1-2g tổ yến/ngày, 1 tuần sử dụng khoảng 2 lần là đủ.
  • Trẻ em từ 4 tuổi trở lên: 2-3g tổ yến/ ngày, 1 tuần sử dụng khoảng 2-3 lần.
  • Phụ nữ mang thai từ tháng thứ 3 trở lên: 2-3g tổ yến/ngày, 1 tuần sử dụng khoảng 2-3 lần.
  • Người già, người bệnh: 3-4g tổ yến/ngày, 1 tuần sử dụng từ 3-4 lần.
  • Người làm việc nặng nhọc, căng thẳng: 5-8g tổ yến/tuần, 1 tuần sử dụng từ 3-4 lần.

7. Tổ yến làm món gì ngon?

Là một thực phẩm giàu dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, tổ yến thường được sử dụng để chế biến rất nhiều món ăn. Dưới đây là một số cách chế biến món yến sào bạn có thể tham khảo:

7.1 Yến chưng đường phèn

Tổ yến 5g, đường phèn 30g. Trước tiên đun tan đường phèn, vớt bỏ váng bã cho tổ yến vào đun nhỏ lửa cho sôi là được. Dùng cho các trường hợp suy nhược, người già yếu, lao phổi, viêm khí phế quản, bệnh tâm phế mạn.

7.2 Tổ yến pha sữa bò

tac-dung-cua-to-yen-voh-2
Tổ yến pha sữa bò hấp dẫn, thơm ngon, bổ dưỡng (Nguồn: Internet)

Yến sào 10g, ngâm nước cho mềm, đun cách thủy cho chín, cho thêm 250ml sữa bò, khuấy đều cho sôi. Dùng cho các trường hợp viêm dạ dày, viêm ruột có nôn ói, nấc cụt và các bệnh nội khoa có nôn ói.

7.3 Tổ yến đỗ trọng hấp đường

Tổ yến 4g, đỗ trọng 15g, đường kính 100g. Tổ yến ngâm nước sôi cho mềm trước, nấu tất cả nguyên liệu trong 30 phút, lấy nước uống.

7.4 Chè yến

Yến sào 5g, hấp cách thủy, cho vào bát. Đường kính đun với nước sôi (lượng đủ ngọt), bắc ra để nguội, thêm lòng trắng trứng, lọc trong rồi đổ vào bát yến. Ăn khi còn ấm và sau bữa ăn. Tác dụng bổ trung, dưỡng khí huyết, dùng cho người suy nhược cơ thể.

Ngoài ra, tổ yến còn có thể chưng cùng long nhãn, quế hoa, hạt sen, táo đỏ,...thành các món chè yến bổ dưỡng, hoặc nấu súp cùng thịt gà, nấm ngân nhĩ v...v..

Xem thêm: 6 tác dụng của đường đối với cơ thể và lượng tiêu thụ an toàn mỗi ngày

8. Một số lưu ý khi ăn tổ yến

Có thể nói, giá thành để mua yến sào không hề rẻ và không phải gia đình nào cũng có điều kiện để mua. Do đó khi sử dụng tổ yến bạn nên ghi nhớ một số điều sau đây để có thể nhận được hiệu quả tốt nhất và tránh lãng phí:

8.1 Không nên ăn tổ yến quá thường xuyên

Với những người trẻ khỏe mạnh có khả năng hấp thụ tốt thì việc ăn tổ yến hàng ngày có thể sẽ không ảnh hưởng. Song với những người cao tuổi, việc sử dụng thường xuyên liên tục sẽ tác động xấu đến hệ tiêu hóa.

8.2 Nên ăn tổ yến vào buổi sáng hoặc trước khi đi ngủ

Việc bổ sung tổ yến vào buổi sáng sớm khi bụng đói sẽ giúp bạn hấp thụ tốt toàn bộ các dưỡng chất có trong tổ yến. Ngoài ra, việc dùng yến vào buổi tối trước khi đi ngủ sẽ giúp hấp thụ dễ dàng hơn vì đây là khoảng thời gian cơ thể nghỉ ngơi.

8.3 Không nên chưng yến quá lâu

Tổ yến nếu chưng quá lửa trong thời gian dài hoặc bỏ nhiều đường phèn sẽ làm mất đi nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.

8.4 Bảo quản đúng cách

Bảo quản sai cách cũng gây mất chất yến, thậm chí gây đau bụng, bất lợi cho tiêu hóa. Yến thô nên cất giữ nơi khô ráo, tránh nơi quá kín có ẩm mốc hoặc có ánh sáng chiếu vào (năng lượng ánh nắng mặt trời có thể phá vỡ cấu trúc và thành phần dinh dưỡng của tổ yến).

Yến tươi cần để ráo nước, đựng trong hộp có nắp đậy và cất giữ trong ngăn mát tủ lạnh được khoảng một tuần.

9. Phân biệt yến sào thật và giả bằng cách nào?

tac-dung-cua-to-yen-voh-3
Yến sào có giá thành khá đắt nhưng lại rất dễ bị làm giả (Nguồn: Internet)

Yến sào bổ dưỡng nhưng giá thành khá đắt và chúng lại còn rất dễ làm giả. Vì thế, để tránh việc mua phải hàng kém chất lượng bạn nên lưu lại một số kinh nghiệm dưới đây khi lựa chọn yến sào:

9.1 Dựa vào màu sắc

Tổ yến thật thường có màu vàng da cam, màu đỏ hoặc đỏ da cam. Trong khi đó, tổ yến giả thường có màu trắng, được làm bằng bột rau câu hoặc bằng keo Agenat trộn lẫn với tinh bột mì (sắn).

9.2 Dựa vào mùi vị

Tổ yến thật có mùi vị tanh và ẩm mốc riêng biệt. Trong khi tổ yến làm giả thường có mùi lạ và hăng hắc.

9.3 Ăn thử tổ yến đã được ngâm trong nước

Khi mua yến, bạn cần ăn thử sản phẩm này sau khi đã ngâm vào nước. Nếu tổ yến làm giả thì khi gặp nước sẽ nhão ra. Tổ yến thật khi ngâm hoặc nấu đều không tan nhão, mà rã ra thành từng sợi yến nguyên vẹn.

9.4 Thử với iot, trà xanh hoặc nước trà

Cho yến vào dung dịch muối iốt là một trong những cách giúp phân biệt yến thật giả. Nếu là yến giả, dung dịch sẽ chuyển sang màu xanh vì iot tác dụng với tinh bột.

Đối với yến huyết có màu đỏ hoặc hồng bạn có thể cho vào nước trà hoặc trà xanh để thử. Yến giả nhuộm với chất có trong nước trà sẽ phản ứng hóa học và đen sẫm lại. Yến giả có phẩm màu nếu ngâm trong nước cũng sẽ bị mất màu, tan trong nước. Với tổ yến thật thì cho dù bạn có đem nấu chín tới 100°C thì vẫn còn vẹn

10. Thành phần dinh dưỡng của tổ yến

Ngày nay, người ta thường khai thác tổ yến để làm thực phẩm và làm thuốc. Tổ yến gồm có các thành phần dinh dưỡng sau đây:

  • Protein (chứa 42.8 – 54.9%).
  • Glucose.
  • Các acid amin cần thiết như cysteine, phenylalanin, tyrosin,…
  • Các vitamin B, C, E, PP.
  • Các muối natri, sắt, photpho và các nguyên tố vi lượng.

Trên đây đã phần nào giải đáp mọi thắc mắc về các tác dụng của tổ yến mang lại cho sức khỏe, vì thế nên bổ sung loại thực phẩm trong các bữa ăn hàng ngày để tăng cường sức khỏe và tránh ăn nhiều quá mức cho phép.

Bình luận