Giảng viên đại học cam kết viết sách vì cộng đồng

(VOH) - “Ở bên này thương nhớ” là tập tản văn bao gồm những bài viết nhỏ xuyên suốt 10 năm của tác giả Lê Hoài Việt - Giảng viên Trường Đại học Mở TPHCM

“Ở bên này thương nhớ”, một ấn phẩm do Nhà xuất bản Phụ nữ và Mây Thong Dong hợp tác ấn hành.

Tác phẩm với chất liệu chính là tình yêu, nỗi nhớ, là góc nhìn sâu sắc của tác giả về ti tỉ những thứ xảy đến thường nhật. Bắt gặp đâu đó trong sách là hình ảnh của ngày cũ, người xưa, về những mối nhân duyên bất chợt ghé qua đời, về tình mẹ, tình bằng hữu, về những con đường tác giả đi qua, về những góc phố anh từng ngồi lại…

Sau bao nhiêu mùa mưa nắng với những trải nghiệm cảm xúc của thanh xuân, quyển sách đầu tay của Lê Hoài Việt đã ra đời nhẹ nhàng, như một món quà tác giả muốn dành tặng cho bản thân, cho người thân, người thương và một phần nào đó chia sẻ niềm riêng nơi mình cùng với những tâm hồn đồng điệu. Để rồi nhiều những năm tháng sau đó, lúc lưng còng tóc bạc da nhăn, thấy hình nhân mình đọc sách bên cửa sổ, thì có cái mà tự hào, mà nhớ về một thời tuổi trẻ dọc ngang. Để rồi, biết đâu đó có một ai đang lầm lũi mơ hồ trong những cảm xúc mịt mờ như tôi đã, sẽ tìm thấy từ những bài viết này bản thân mình”.

Dù không phải là chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong tình yêu nhưng may mắn bên anh có lời dặn của Mẹ: “Mẹ luôn dặn con của mẹ phải cân bằng giữa lý trí và tình cảm. Trước đây, là một người theo chủ nghĩa tôn thờ tình yêu, tôi vẫn nghĩ mẹ sai rồi. Tự nhiên sau nhiều thương tổn, tôi nghiệm ra, cãi mẹ mới là điều sai nhất trên đời. Rằng Việt à, yêu, thương nhưng phải nhớ, đau quá, thì phải buông”.

Và với anh: “Thương một người, cảm giác giống như đang đốt một ngọn đuốc sáng, mắt ta mải mê đắm trong thứ ánh sáng lung linh và dịu vợi, nhưng phải sớm định thần để biết điều đẹp đẽ ma mị kia rồi sẽ tắt, hệt ba que diêm của cô bé trong câu chuyện hồi thơ dại ta học. Cho nên, nhiệt thành mỗi phút, tận tâm mỗi giây, để chẳng bao giờ phải hối tiếc…” (Hạn định).

Chia sẻ về câu chuyện một giảng viên thuộc khối kinh tế, quản trị viết tản văn, Lê Hoài Việt cho biết: “Tôi tìm thấy khá nhiều điểm chung giữa việc viết sách và công việc chính là giảng dạy. Cả hai đều giống nhau ở việc sử dụng ngôn ngữ để chạm đến người nghe, người học. Chỉ là một bên sử dụng ngôn ngữ viết, mang tính tình cảm và tương đối, bên còn lại sử dụng ngôn ngữ nói là chủ yếu, mang tính hàn lâm và tuyệt đối hơn.”

Giảng viên đại học cam kết viết sách vì cộng đồng 1
 

Nhận xét về sách “Ở bên này thương nhớ”, PGS. Ts Trịnh Thuỳ Anh, Trưởng Khoa QTKD - Trường ĐH Mở Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: “Ở bên này thương nhớ” là ký ức tuổi thơ ngọt ngào của một chàng trai lãng mạn, là cách nhìn của một nhà khoa học về cuộc sống, về tình yêu và những điều kỳ diệu của cuộc sống muôn màu”.

Dưới góc nhìn của một người làm kinh doanh, bà Hứa Huệ Tuyết - chủ tịch Công ty Dược phẩm Austrapharm nhận xét: “Tôi không thể nói hết cảm xúc khi đọc được cuốn sách “Ở bên này thương nhớ”. Tôi thấy mình trở về dòng sông tuổi thơ, trôi qua những miền ký ức, thuở cắp sách đến trường, thuở mới biết yêu, khi bắt đầu con đường sự nghiệp, và cả bây giờ khi tóc đã hoa râm. Sao giống mình ngày xưa đến thế? Cảm xúc đó rất thực, nhưng đẹp và lãng mạn như một giấc mơ.”

Một điều hết sức ý nghĩa của quyển sách “Ở bên này thương nhớ” chính là việc tác giả sẽ dùng toàn bộ doanh thu từ việc bán sách để thực hiện các công tác thiện nguyện, ví dụ như tủ bánh mì không đồng và nước uống miễn phí, học bổng cho sinh viên nghèo hiếu học cũng như quà cho các gia đình khó khăn… Ngoài ra, một điều tuyệt vời hơn nữa, Lê Hoài Việt còn cam kết hành trình này sẽ không chỉ dừng lại ở quyển sách “Ở bên này thương nhớ”, toàn bộ chặng đường viết sách của tác giả trong tương lai sẽ tiếp tục cam kết phụng sự vì lợi ích cộng đồng.

Dự kiến, quyển sách tiếp theo được anh viết sẽ có tên “Bên kia còn nhớ thương?” sẽ xuất bản tháng 12/2022.