Phận đời công nhân cao su

(VOH) - Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc các công nhân cạo mủ cao su lặng lẽ chuẩn bị công việc cho mình.

Cách thị xã Trảng Bàng hơn chục cây số nhưng khu rừng cao su 50 mẫu toạ lạc tại ấp Bùng Binh, xã Hưng Thuận, Huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh trở nên thâm u lạnh lẽo lúc mặt trời vừa khuất bóng. Khi bản nhạc giao hưởng của màn đêm buông xuống cũng là lúc các công nhân cạo mủ cao su lặng lẽ chuẩn bị công việc cho mình, đồ nghề rất đơn giản chỉ là cây dao cạo mũ và chiếc đèn pha đội trên đầu.

Xem loạt bài: Vụ thu hồi đất ở Nông trường Cao su Bời Lời (bài 1)

[PV GHI CHÚ
12 giờ đêm công nhân đang cạo mủ ở một góc vườn cao su khu 50 mẫu.

Anh Đỗ Trung Hiếu, 40 tuổi, công nhân làm nghề cạo mủ cao su gần 10 năm cho biết mình bén duyên với nghề là do trước đây học hành chữ nghĩa ít nên chọn công việc này, biết là khó khăn cực nhọc nhưng để có tiền trang trải cho cuộc sống nên phải chấp nhận. Vì cuộc sống của nghề cạo mủ cao su kham khổ nên vợ anh muốn chia sẻ gánh nặng cùng chồng nên cứ 22 giờ hàng đêm ngoài việc chuẩn bị cơm nước, đồ nghề... chị còn đồng hành vượt hàng chục cây số từ huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương để cùng chồng làm việc trong những cánh rừng cao su hun hút lâu dần cũng bén duyên với nghề. “Khoảng 6 giờ chiều qua bên đó ngủ đến khoảng 10 giờ đêm là cạo, rồi đến 4 giờ sáng là trút mủ cao su cho đến 10 giờ sáng về nhà nghỉ ngơi, đến xế chiều đi cắt cỏ cho bò…nghề cạo mủ này cơ cực là phải thức đêm, có hôm mưa là phải chịu trận, tuy nhiên thoải mái là mình làm ban đêm, ban ngày mình rãnh rỗi có thêm thời gian chăn nuôi, làm kinh tế vườn…” anh Đỗ Trung Hiếu chia sẻ thêm.

Hơn 11 giờ đêm ở một góc khác rừng cao su, mồ hôi nhễ nhại, dưới anh đèn pha đội trên đầu, anh Nguyễn Quốc Sử, 48 tuổi, quê Bạc Liêu vẫn thoan thoát đôi tay khía từng nhát dao sắc lẹm dứt khoát vào thân cây cao su. Vừa làm vừa trò chuyện, anh Sử cho biết, để có được một chén mủ cao su như ý thì người công nhân phải biết cạo thân cây đúng cách để cho mũ không chảy tràn ra ngoài chén gây lãng phí. Gắn bó với nghề gần 20 năm, anh cho biết đến với nghề cũng là một cái duyên, hồi đó ở quê thất nghiệp có người bạn rủ lên Tây Ninh làm công nhân tình cờ được người quen giới thiệu vào làm công nhân cao su tại khu 50 mẫu và từ đó đã gắn bó với nghề cho đến nay, với nghề nay thấy khá đơn giản, nhưng cực nhọc và cũng có nhiều rủi ro, anh Nguyễn Quốc Sử, chia sẻ: “Nhiều khi lo cạo mủ không chú ý vấp phải dao cạo cắt đứt tay, chân như chơi, có lần bị rớt dao trúng đùi máu chảy như cắt cổ gà, bởi vì dao cạo này bén dữ lắm, vết cắt ngọt lịm nên mình không biết đau. Nhưng vì trước giờ sống bằng nghề nay nên phải theo nghề chứ không biết làm gì khác”.

Là người địa phương, chị Trịnh Thị Thanh Thuý, ở Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh là một công nhân gắn bó với nghề gần 20 năm, cho biết mình tiếp cận với công việc từ năm 18 tuổi, nghề này với chị là một quãng thời gian dài đầy ấp những kỉ niệm, dù khó khăn gian khổ, song chị vẫn bám trụ với nghề. Cũng chính vì đồng cảm công việc, cám cảnh phận nữ công nhân, mà tại đây có một tình yêu nảy nở…những ngày mưa hay mùa cao su thay lá là những lúc rảnh rỗi, chị cùng gia đình làm những công việc khác để kiếm thêm thu nhập. “Khiều khi mưa gió nhiều thì mình sẽ không đi cạo mủ cao su được nên chi phí cũng không đủ trang trải, nhưng vì mình yêu thích nghề này từ trước đến giờ nên công việc cũng tạm ổn. Mới đầu vào nghề đi đêm hôm khuya khoắc cũng sợ dữ lắm, nhiều khi cạo gặp rắn, rít…nhưng rồi đi riết cũng quen, vì nghề thì mình phải bươn chải làm thôi”, chị Thanh Thuý chia sẻ.

[PV GHI CHÚ
Chị Trịnh Thị Thanh Thuý cùng chồng làm việc khi màn đêm buông xuống

Chấp nhận phận đời của một người công nhân cạo mủ cao su, lúc đi làm thì mọi người đang yên giấc lúc xong việc thì mặt trời cũng đã lên cao. Nhưng theo chia sẻ của những người công nhân cao su tại khu 50 mẫu thì dù khó khăn họ vẫn bám trụ công việc này, vì yêu nghề và được người chủ vườn quan tâm chu đáo, có nhà lưu trú cho công nhân nghỉ ngơi lúc mệt nhọc, tiền công cũng được trả cao hơn.

Theo như chia sẻ từ công nhân Đỗ Trung Hiếu: ở những vườn cao su khác thì trung bình mỗi cây cao su được trả công từ 500 – 600 đồng, còn ở khu 50 mẫu chủ vườn trả từ 1.000 – 1.200 đồng/cây. Hàng đêm hai vợ chồng cạo khoảng hơn 1.000 cây thu nhập trung bình khoảng 15 triệu đồng/tháng/người, đủ để trang trải cho cuộc sống hàng ngày và nuôi con ăn học, phần dư tích cóp để làm chăn nuôi bò, heo, gà, trồng rau…Ngoài ra, chủ vườn còn quan tâm đến đời sống của gia đình công nhân chẳng hạn lúc dịch bệnh không đi làm thì cũng được hỗ trợ thêm tiền lương, chứ những nơi khác thì không có. Một số công nhân cho biết hầu hết công nhân làm trong khu cao su 50 mẫu này đều có thu nhập ổn định hàng tháng hơn chục năm qua. “Chỉ cực khổ là làm đêm thôi chứ so ra công việc này cũng khoẻ hơn làm công ty bên ngoài, lương cũng ổn định…mình làm ban đêm cũng khoẻ, ban ngày mình có thể làm thêm kinh tế ở nhà, nếu công việc ổn định thì thu nhập trung mình mỗi đêm từ 1 triệu đến 1,2 triệu…sống được thì mới ở tới giờ, thì cũng trung bình nuôi sống vợ con, mình nghĩ thu hoạch cao su tới 50 năm thì mình ở làm công việc này chắc cũng hết một đời” - những công nhân cho biết.

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thuận Ánh Phương, quê Vĩnh Long, là người gắn bó với mảnh vườn từ lúc cây cao su chưa “mở miệng” cũng là công nhân được bà Huỳnh Thị Lan Phương, chủ khu vườn cao su 50 mẫu này giao quản lý thì hiện nay cao su đang thu hoạch ổn định và có thể cho mũ hơn 10 năm nữa. Gia đình bà từ chồng cho đến 2 người con đang tuổi ăn học lên sống cùng cây cao su hàng chục năm qua, với bà đó là nguồn sống duy nhất và có lẻ là suốt đời, nhưng bà không giấu được sự lo lắng. Bà cho cho biết thêm gần đây có hay tin chính quyền đang thu hồi đất, trong đó khu cao su 50 mẫu nằm trong diện thu hồi. Không chỉ chủ vườn mà những gia đình công nhân gắn bó với cây cao su hơn chục năm qua đang lo lắng. Với họ nếu điều này xảy ra, đồng nghĩa với việc tước đi nguồn sống, lấy đi chén cơm manh áo của họ. Cũng nhờ khu cao su 50 mẫu này đã cưu mang biết bao gia đình công nhân, thu nhập ổn định, con cái được ăn học đàng hoàng, nhưng giờ đây đứng trước nguy cơ không biết sống ra sao. Bà Nguyễn Thuận Ánh Phương, bồi hồi: “Khi mình mới lên đây thì biết nhà nước cho hợp đồng cây cao su đến 50 năm, nên chấp nhận lên ở hết cuộc đời gắn bó với cây cao su, không còn lo nghỉ ngợi gì nữa. nhưng ai ngờ đến thời điển 2018, nhà nước có thông báo thu hồi đất và cho sử dụng chỉ 25 năm, trong khi đó cây cao su trong khu 50 mẫu này là giống truyền thống mình thu hoạch tới 50 năm, bây giờ nhà nước đòi lại thì thấy nó không hợp lí". Bà Phương cho rằng, chính quyền thu hồi đất như vậy không rõ ràng, chính vì vậy từ đó đến nay cuộc sống của gia đình tôi bất ổn dữ lắm.

[PV GHI CHÚ
4 giờ sáng lúc mọi người còn say giấc thì công nhân phải đi gom trút từng chén mủ

Cuộc sống của những người công nhân cạo mủ cao su vốn đã khó khăn, may nhờ có khu cao su 50 mẫu mà cả gia đình họ nương tựa làm nguồn thu nhập chính, cứ tưởng cuộc sống đã ổn định, nay lại phải lo lắng cho những ngày tháng bấp bênh sắp tới nếu không còn làm ở đây nữa, một số công nhân chia sẻ: “Nếu mà Nhà nước thu hồi đất thì tụi em chắc chắc sẽ khó khăn khi kiếm công việc làm khác".

Mình làm trong khu 50 mẫu này thì mức lương khá ổn định, mình lo cho con được ăn học, sắm sửa vật dụng trong nhà, giờ nghe nói chính quyền lấy lại đất thì mình cũng lo lắng khi đi kiếm việc chỗ khác chưa chắc người chủ mới tốt hơn người chủ mình đang làm, mình thấy cũng bất công lắm vì người ta cũng đầu tư nhiều tiền của, công sức mà bây giờ tư nhiên chính quyền địa phương lấy lại mà không bồi thường thì mình thấy bất công cho chủ lắm”, anh Hiếu, công nhân cao mũ cho biết.

Trước mắt những gia đình của các công nhân ở đây vẫn bám trụ vào khu cao su 50 mẫu này, còn cuộc sống, chén cơm manh áo về sau còn phụ thuộc vào việc có thu hồi đất hay không của chính quyền địa phương. Nhưng chắc chắc phía sau nữa cuộc đời của những người công nhân đang làm tại khu cao su 50 mẫu này sẽ bấp bênh vì thu nhập không ổn định và phần lớn công nhân đã lớn tuổi khó có thể có thể kiếm được một công việc khác tốt hơn hiện nay.