Chuyện học của Phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam

(VOH) - Giảng viên Nguyễn Như Tỷ - trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM) là Phó giáo sư chuyên ngành kinh tế trẻ nhất từng được công nhận.

Hội đồng Giáo sư Nhà nước vừa công bố quyết định và giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó giáo sư năm 2021 cho 405 ứng viên. 

Nhiều nơi ở nước ngoài nhận làm việc nhưng quyết về nước

Theo đó, ĐHQG TPHCM có 28 ứng viên đạt chuẩn: 4 ứng viên đạt chuẩn chức danh Giáo sư và 24 ứng viên đạt chuẩn chức danh Phó giáo sư. Đáng chú ý, giảng viên Nguyễn Như Tỷ (36 tuổi), chuyên ngành Kinh tế, trường Đại học Quốc tế là Phó giáo sư trẻ nhất được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó giáo sư năm 2021, cũng là Phó giáo sư chuyên ngành kinh tế trẻ nhất từng được công nhận.

Đón nhận chức danh mới, giảng viên Nguyễn Như Tỷ cảm thấy vô cùng tự hào vì những đóng góp của mình dù nhỏ - cũng đã được công nhận. Tuy nhiên, anh nhận thấy trách nhiệm của bản thân cũng lớn hơn trong nhiệm vụ của giảng viên cũng như nghiên cứu, phát triển ứng dụng khoa học…

Xem thêm: Tuyển sinh 2022: Trường Đại học Quốc tế dành từ 50 - 80% chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT

Phó giáo sư
Phó giáo sư Nguyễn Như Tỷ

Phó giáo sư Nguyễn Như Tỷ bước chân vào sự nghiệp giảng dạy năm 2009 ngay sau khi rời giảng đường đại học. Từ năm 2010-2015, anh tham gia học tập và nghiên cứu tại Đài Loan, KUAS.

Anh vượt qua kỳ phỏng vấn, thi đầu vào và đạt được học bổng toàn phần loại A của KUAS bậc thạc sĩ, chuyên ngành Quản trị Kinh doanh (Đại học Khoa học Ứng dụng Quốc gia Cao Hùng, Đài Loan).

Năm 2012, anh hoàn tất chương trình thạc sĩ với thành tích tốt, tiếp tục đạt suất học bổng toàn phần. Vào năm 2015, anh xuất sắc hoàn thành chương trình Tiến sĩ quản trị kinh doanh (với 3 bài ISI – theo quy định tốt nghiệp).

Thời điểm đó, mặc dù nhận được lời mời làm việc tại Đài Loan nhưng khát khao dấn bước trong lĩnh vực nghiên cứu cùng với niềm đam mê sư phạm vẫn thôi thúc anh trở về quê hương.

Để thoả đam mê sư phạm

Từ năm 2016, anh về công tác tại khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM) và tiếp tục chọn những hướng nghiên cứu theo hướng đóng góp thiết thực cho hoạt động điều hành sản xuất: tối ưu hóa quy trình, đánh giá hiệu quả và năng suất, liên minh chiến lược, nghiên cứu hành vi, phương thức ra quyết định.

Nhìn lại chặng đường học tập, nghiên cứu và giảng dạy đã qua, anh chia sẻ: “Tôi cứ bước đi trong tâm thế chậm rãi, bền bỉ, kiên trì vượt qua từng mốc khó khăn. Giờ nhìn lại, theo đuổi con đường làm khoa học và giảng dạy, tôi được nhiều hơn mất. Tầm nhìn, kiến thức được mở mang, thành quả dù chưa lớn lao gì nhưng vẫn được ghi nhận. Tuy nhiên, để có thể đóng góp tốt hơn cho nghề tôi cần phải hoàn thiện kỹ năng, cập nhật kiến thức thường xuyên hơn nữa”.

Phó giáo sư Nguyễn Như Tỷ kể, quá trình nghiên cứu, có một thời gian anh từng rơi vào bế tắc vì không thể tìm ra phương pháp nghiên cứu phù hợp.

“Thời điểm đó, tôi chưa quen với các định hướng nghiên cứu khoa học và các hướng tiếp cận dẫn đến bế tắc. Tôi đã tốn rất nhiều thời gian tìm các nguồn tài liệu, từ thư viện, phòng lab, mày mò làm quen phần mềm và tham khảo ý kiến từ thầy cô. Lúc bế tắc nhất, để không lãng phí thời gian và cũng như có thời gian chiêm nghiệm và lắng đọng, tôi lại quay về với đam mê ngoại ngữ là học tiếng Hoa, cũng như tăng cường tiếng Anh” – anh kể.

Sau giai đoạn đó, khi đã định hướng rõ ràng phương pháp nghiên cứu, anh nhận thấy rằng cần bổ sung ý tưởng và khả năng trình bày ý tưởng bằng ngôn ngữ tiếng Anh học thuật, đó cũng là động lực để anh theo đuổi chương trình thạc sĩ Ngôn ngữ học ở trường Đại học Quốc gia Đệ nhất Khoa học và Kỹ thuật Cao Hùng (NKFUST). Trong chương trình học học đó, anh đã tập trung rất nhiều thời gian và tâm trí cho việc hoàn thiện và trình bày bài báo khoa học bằng ngôn ngữ tiếng Anh học thuật.

Anh rất tâm đắc với đề tài luận văn tốt nghiệp thạc sĩ ngôn ngữ học khi trình bày về sự so sánh động lực học tiếng Anh của sinh viên Việt Nam và sinh viên Đài Loan. Qua đó, anh thấy được rằng sự khác nhau giữa động lực học tập của sinh viên hai nước bị chi phối bởi các yếu tố quan trọng như cơ sở vật chất, thư viện, giao trình và đội ngũ giảng viên và mục đích sử dụng tiếng Anh sau khi tốt nghiệp dẫn đến kết quả và động lực học tập của sinh viên có sự khác nhau.

Xem thêm: Cách học tiếng Anh hiệu quả ở bậc đại học

Trong những năm tham gia học tập và nghiên cứu tại trường Đại học Khoa học và Ứng dụng Cao Hùng, anh tham gia vào lab nghiên cứu chuyên về quản lý sản xuất và vận hành sản xuất. Các vấn đề nghiên cứu chủ yếu là tìm ra các phương thức tối ưu trong quản lý. Điều đó đã gây hứng thú cho anh và thôi thúc anh trên con đường nghiên cứu chuyên sâu vào lĩnh vực này với các hướng nghiên cứu chủ yếu như: Đánh giá tính hiệu quả và năng suất; Nghiên cứu hành vi, hài lòng trong công việc và động lực làm việc…

Những nghiên cứu của anh đã đóng góp thiết thực cho hoạt động sản xuất. Với hướng nghiên cứu này, tính đến nay, anh đã công bố 28 bài báo uy tín trong danh mục ISI và Scopus.

Với mong muốn truyền tải cho sinh viên kiến thức bổ ích từ kết quả nghiên cứu và làm phong phú thêm cho bài giảng bằng kiến thức thực tế, anh không ngừng tìm tòi, sáng tạo, cập nhật những ví dụ cụ thể từ xã hội, từ những trường hợp thời sự nhất để giúp sinh viên nhận ra vấn đề sớm hơn và cũng gần gũi, dễ hiểu hơn.

Nhiều năm công tác trong giảng dạy, anh thường xuyên theo dõi mạng xã hội, theo các “trend” giới trẻ để có thể hiểu được những mối quan tâm của các bạn. “Để bài giảng không bị khô khan, tôi hay tìm về những cái gần với sinh viên, như thế các bạn mới suy nghĩ. Ví dụ về khái niệm Kinh tế, thay vì nói chuyện châu Á hay nước này nước kia, tôi bắt đầu bằng cách nói đến kinh tế gia đình các bạn rồi bàn luận, từ từ mở rộng ra” - anh nói.

Phó giáo sư
Phó giáo sư Nguyễn Như Tỷ chụp ảnh lưu niệm cùng sinh viên

Với sinh viên khoa Quản trị Kinh doanh – trường Đại học Quốc tế, giảng viên Nguyễn Như Tỷ là người thầy có phong cách giảng dạy “trẻ trung”, “nhiệt tình hết mức”, luôn chủ động và trách nhiệm, “làm gì phải làm cho đến cùng”. Đặc biệt, thầy luôn kiên nhẫn lắng nghe mọi ý kiến, chia sẻ của sinh viên – giống như một người đàn anh, sẵn sàng định hướng học tập, nghiên cứu cho các em trong quá trình giảng dạy.

Với sinh viên khoa Quản trị Kinh doanh – trường Đại học Quốc tế, giảng viên Nguyễn Như Tỷ là người thầy có phong cách giảng dạy “trẻ trung”, “nhiệt tình hết mức”, luôn chủ động và trách nhiệm, “làm gì phải làm cho đến cùng”. Đặc biệt, thầy luôn kiên nhẫn lắng nghe mọi ý kiến, chia sẻ của sinh viên – giống như một người đàn anh, sẵn sàng định hướng học tập, nghiên cứu cho các em của mình.

Nỗ lực trong sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy là vậy, nhưng mục đích sống của Phó giáo sư Nguyễn Như Tỷ gói gọn trong 2 chữ đơn giản và thấu hiểu chính bản thân mình. “Nhu cầu đơn giản sẽ khiến cuộc sống nhẹ nhàng, không phải gồng gánh những điều quá phức tạp – tâm sức, năng lực tập trung cho sự nghiệp mà bản thân mình đã chọn”. Mục đích đơn giản ấy là động lực, là định hướng để anh vượt qua những khó khăn và tạo ra những giá trị “đơn giản” mà không phải ai ở tuổi của anh cũng đạt được.