Khó chồng lên khó

(VOH) - Vừa bước tới đầu ngõ quán cà phê “thời sự trên đồng, dưới ruộng” thường ngày trong xóm, nhìn thấy Ba thợ hồ trầm ngâm, Tư hưu trí thu mình ngồi trong góc, mặt quạu đeo, Hai Sài Gòn khơi liền: “Bực chuyện U22 Nam Việt Nam bị loại ở vòng gởi xe hả anh Tư?

Tư hưu trí thở dài: “Ừh, thì cũng có, nhưng qua rồi. Tui đang suy nghĩ chuyện đại sự hơn, là làm sao để phát triển nguồn vốn cho Thành phố. Nhưng mà tìm nguồn có phải chuyện dễ đâu, khó lắm! Do vậy, tui thấy là mình khi nhận xét, đánh giá các công trình hạ tầng đã và đang làm ở Thành phố phải hết sức thấu đáo”. Hai Sài Gòn truy tiếp: “Là sao anh Tư?”

Như chọc đúng mạch, Tư hưu trí tuôn liền: “Thì nè, cái chuyện kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về sai phạm ở 6 dự án BOT xây dựng cầu Phú Mỹ; đường kết nối cầu Phú Mỹ; cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc; xa lộ Hà Nội; cầu Bình Triệu 2 và xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào khu công nghiệp Phú Hữu, thực hiện trong giai đoạn 2011-2015. Kết luận nêu số tiền sai phạm là gần 2.200 tỷ đồng…”

Hai Sài Gòn chen ngang “Tưởng chuyện gì, vấn đề này đã được giải thích tại buổi họp báo thường kỳ tháng 8 về tình hình kinh tế - xã hội của Thành phố mới đây rồi anh Tư ơi. Chính ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng Ủy ban Thành phố kiêm Người phát ngôn đã khẳng định là Thành phố không làm thất thoát ngân sách và không có lợi ích nhóm.

Ông Võ Văn Hoan khẳng định: "Không có thất thoát ngân sách, lợi ích nhóm ở 6 dự án BOT"

Trong số hơn 2.100 tỉ đồng sai phạm theo kết luận Thanh tra chính phủ thì có 1.400 tỉ đồng cho bồi thường giải phóng mặt bằng ở dự án Xa lộ Hà Nội. Số tiền này đã được chi ra để bồi thường và hiện công tác bồi thường vẫn đang tiến hành. Chỉ có 43 tỉ đồng sai về quyết toán, chi phí duy tu... cần thu hồi nộp về ngân sách. Số tiền còn lại liên quan đến thủ tục phê duyệt chưa hợp lý trong thời điểm các dự án triển khai. Đến nay, có những thủ tục Thành phố đã hoàn chỉnh đúng theo quy định.

Ông Võ Văn Hoan cho rằng, có 2 điểm mấu chốt trong kết luận Thanh tra là vấn đề đấu thầu và chỉ định thầu. Cầu Phú Mỹ gắn với đường Phú Mỹ. Cầu thì có chủ trương của Trung ương, nhưng con đường thì do Thành phố đầu tư. Khi Thành phố chưa có tiền làm đường, thì cầu đã xây xong rồi. Nếu cho một nhà thầu khác vào thì phải đặt 2 trạm thu phí, một trạm của cầu, một trạm của đường, như vậy là không hợp lý.

Do đó, Thành phố đã quyết định để nhà đầu tư cầu Phú Mỹ bỏ tiền đầu tư thêm để hoàn thiện công trình rồi cho kéo dài thêm thời gian thu phí. Về việc Thanh tra Chính phủ đề nghị nộp về ngân sách 41 tỷ đồng, ông Võ Văn Hoan khẳng định "Thành phố sẽ nghiêm túc thực hiện", bởi số tiền này không phải do thâm lạm hay lợi ích nhóm mà là chi phí thuê nhà, trùng tu, duy tu… quyết toán chưa đúng.”

Ba thợ hồ nãy giờ ngồi nghe chăm chú như nuốt từng lời của Hai Sài Gòn, nhấp thêm một ngụm trà rồi cất tiếng: “Vậy thì rõ rồi, có gì đâu anh Tư… Mà nếu có sai thì mình nhận thôi để làm tốt hơn.”

Tư hưu trí vẫn còn ưu tư lắm: “Vấn đề không phải đúng sai mà là chuyện thực tiễn của Thành phố sinh động này. Thành phố mình là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế-văn hóa lớn của cả nước. Yêu cầu phát triển rất nhiều do đó phải đột phá, dám nghĩ, dám làm. Ngồi đó mà sợ sệt, lo nghĩ thiệt hơn thì cái Thành phố này làm sao phát triển được.

Tôi nhớ không lầm cái dự án BOT đường Phú Mỹ là thực hiện đầu tiên trong cả nước. Anh Ba thợ hồ còn nhớ đại lộ Nguyễn Văn Linh không, Thành phố mà không làm thì làm sao phát triển về phía Nam, bà con mình qua đó phải bơi xuồng hả. Nhờ vậy, anh mới “xách xi măng đi tô” thường xuyên trong các năm qua đó. Bà con xây cất nhà ào ào, liền tù tì. Còn đại lộ Phạm Văn Đồng cũng là một sự đột phá để phát triển kinh tế-xã hội. TPHCM là địa phương đi đầu về BOT, BT, PPP. Tui là tui “nói có sách mách có chứng” à nha.

Qua tổng kết 30 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, nhiều thực tiễn, đột phá, mô hình của thành phố Hồ Chí Minh đã góp phần giúp Trung ương ban hành kịp thời các chính sách và cơ chế vận hành nền kinh tế thị trường. Nó chứng tỏ rằng là, Thành phố có những người đứng đầu năng động, sáng tạo, tư duy đổi mới mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm và quyết tâm thực hiện mục tiêu đề ra.”

Hai Sài Gòn và Ba thợ hồ gật gù đồng tình với Tư Hưu trí. Hai Sài Gòn còn thông tin thêm: “Tui nghe nói là trong kết luận của Thanh tra Chính phủ thì Thủ tướng và Thanh tra Chính phủ đã ghi nhận nỗ lực của TPHCM trong việc thực hiện dự án BT, BOT để kết nối giao thông ở TPHCM, nghe vậy cũng phấn chấn lắm chứ bộ.”

Như đĩa phải vôi, Tư hưu trí giãy nảy: “Nhưng đại bộ phận kết luận chưa được Thanh tra Chính phủ tiếp thu thấu đáo mà. Gì thì gì cũng phải căn cứ thực tiễn, cái bức bách, cái khó của Thành phố hơn 10 triệu dân, yêu cầu phát triển của Thành phố chứ. Thành phố luôn tìm tòi, đi trước, khai phá, mở đường… các địa phương khác thuận lợi hơn là đi trên con đường đã mở. Thành phố phát triển cũng lôi kéo cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cùng phát triển mà, tác động dây chuyền mà. Người ta nói đầu tư cho Thành phố là đầu tư cho cả nước là vậy. Tui cũng chẳng có quen biết mấy ông lãnh đạo Thành phố đâu, nghĩ sao nói vậy thôi, tui sắp theo ông bà về trển rồi nịnh nọt để làm gì.”

Hai Sài Gòn vỗ đùi cái bốp, cụng ly trà kêu cái cốp với anh Tư hưu trí và phụ họa thêm: “Tui đồng ý với anh Tư Thành phố mình là đô thị đặc biệt, có quy mô dân số lớn, đang trong quá trình đô thị hóa rất mạnh mẽ, cuộc sống người dân ngày càng khấm khá hơn. Bà con tứ xứ đổ xô về làm việc, sinh sống đang là thách thức lớn cho Thành phố là mần làm sao đáp ứng nhu cầu về cơ sở hạ tầng, chăm lo an sinh xã hội... khi mà ngân sách phân bổ từ Trung ương cứ giảm dần. Nội giải quyết cái chuyện kẹt xe, ngập nước, nhà ở cho người dân, trường học cho các cháu nhỏ trong bối cảnh thiếu vốn trầm trọng thôi cũng đã nhức đầu lắm rồi. Bây giờ nguồn thu từ ngân sách để lại chỉ còn 18% chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu vốn rất lớn cho phát triển Thành phố. Khó chồng lên khó, đúng là nan giải quá các anh".

Tư hưu trí và Ba thợ hồ cùng đồng thanh: “Thôi, thì nói đi nói lại mình cũng phải ráng gồng tiếp, phải tiếp tục năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm… Rồi lại tiếp tục xin cơ chế, rồi tiếp tục phát huy nguồn vốn xã hội hóa từ BOT, BT, PPP để đi lên thôi. Thành phố này phải phát triển ngang tầm khu vực. Đây là mệnh lệnh của cuộc sống mà.”

Hai Sài Gòn tui cũng đồng tình với 2 anh bạn mình. Nhưng bà con mình thì tính sao đây?