Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Phòng, chống tác hại rượu bia thế nào cho hiệu quả?

(VOH) - Mở đầu buổi “giao ban” cà phê sáng, Tư hưu trí hùng hồn thuyết giảng “Trong mỗi con người chúng ta, trong mỗi gia đình chúng ta không ai là không một lần là nạn nhân của bia rượu, của say xỉn"

Ba thợ hồ đưa tay phản đối “cái đó còn tùy người, tùy gia đình, thánh hiền đã dạy “tửu bất khả ép, ép bất khả từ” hơn nữa sách còn có câu “mấy người uống rượu là con Ngọc Hoàng” hà cớ gì anh lên án chuyện ăn nhậu”.

Phòng, chống tác hại rượu bia thế nào cho hiệu quả?

Ảnh minh họa: TTO

Hai Sài Gòn biết ý của Tư hưu trí muốn nói về dự thảo Luật “Phòng chống tác hại của rượu bia” mà Quốc hội đã thảo luận mấy hôm nay, để dung hòa, Hai Sài Gòn trích dẫn ý kiến của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) “Cần có luật nhưng phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, để mọi người có thể điều chỉnh dần, chứ không thể bằng ý chí và nhất là không thể đi ngược lại những ý niệm về văn hóa trong lĩnh vực này. Uống thế nào là đủ, uống ở đâu là đúng lúc. Có lúc cần say đấy là một nhu cầu xã hội. Nếu tôi say ở góc nhà tôi và không ảnh hưởng tới ai thì đó là điều bình thường. Chưa nói văn nghệ sĩ thì có thể còn coi đó như để thăng hoa nghệ thuật”.

Nghe tới đây Ba thợ hồ khoái chí vỗ đùi bem bép “thấy chưa? Đâu có luật nào cấm uống rượu bia cấm say xỉn đâu, tui chịu ông đại biểu Quốc hội nầy rồi đó”. Tư hưu trí đặt vấn đề “nên có luật phòng, chống tác hại của rượu bia hay không?” Rồi anh dẫn chứng đại biểu Nguyễn Quang Dũng (đoàn Quảng Nam), gọi tên Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ làm phát sinh câu hỏi “phòng, chống sao lại vẫn cho phép”. Hai Sài Gòn cho là nếu phân tích phòng hay cấm rượu bia thì vô cùng, không lối ra vì suy cho cùng rượu bia có mặt lợi và có mặt hại, ở đây cần phải hiểu là phòng, chống tác hại, chứ không ai hạn chế cái lợi, cũng không phải cấm uống rượu, bia.

Thế nào là phòng, thế nào là chống, cần cụ thể hơn. Đại biểu Trần Thị Phương Hoa (đoàn Hà Nội) đề suất “Phải quy định cấm ép uống rượu bia. Tôi biết có trường hợp ép uống say rồi sáng hôm sau đột tử”. Đồng tình với đề suất nầy, đại biểu Lâm Đình Thắng (đoàn TPHCM) đề nghị bổ sung quyền được tự quyết định có sử dụng rượu bia hay không và quy định cấm ép uống rượu bia với mọi lứa tuổi. Phạm vi dự thảo luật hiện nay chỉ quy định cấm ép người dưới 18 tuổi, tôi cho rằng cần mở rộng ra bởi thực tế có nhiều trường hợp người trên 18 tuổi bị ép uống rơi vào tình thế buộc phải uống. Văn hóa của Việt Nam chúng ta là trọng tình trọng nghĩa, nhiều người không thực sự muốn sử dụng rượu bia nhưng rơi vào tình thế buộc ép uống.

Hai Sài Gòn cho là bia rượu còn lệ thuộc tập quán vùng miền nữa, bằng chứng là đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (đoàn TPHCM) thì Luật Phòng, chống tác hại rượu bia là rất cần thiết bởi đây là vấn đề có liên quan đến giống nòi. Thực tế, rượu bia không hoàn toàn có hại mà nhiều nơi như một văn hóa, giống như “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Việc sử dụng rượu bia nếu biết điều tiết, sử dụng hợp lý thì là tốt nhưng ngược lại chỉ cần lạm dụng, bước qua ngưỡng thì sẽ trở nên tiêu cực.

Tư hưu trí phân tích “vấn đề là làm sao hạn chế tới mức thấp nhất hậu quả do uống rượu bia gây ra, tui cũng nhậu lai rai, ăn bữa cơm làm 1 chung nhỏ rượu thuốc cho máu huyết lưu thông thì tốt quá. Chứ uống bia rượu mà theo thống kê như nước mình hiện nay thật khiếp vía luôn. Rồi anh dẫn chứng: Theo Bộ trưởng Y tế, năm 2017, Việt Nam tiêu thụ khoảng 305 triệu lít rượu và gần 4,1 tỷ lít bia. Chi phí cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia là gần 4 tỷ đô la Mỹ. Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc. Nếu phí tổn kinh tế do rượu, bia ở mức thấp nhất của thế giới (1,3% GDP) thì thiệt hại ước tính khoảng 65 ngàn tỷ đồng. Ước tính tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư mà rượu, bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính đã là gần 25.800 tỷ đồng, chiếm 0,25% tổng GDP năm 2017; chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 50.000 tỷ đồng).

Hai Sài Gòn bổ sung thêm cho Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia phải đồng bộ, chứ luật thì cứ ban hành còn quảng cáo cho rượu bia thì cứ “vô tư” thì làm sao hạn chế được tác hại, tui thấy trên ti vi hầu như nhãn hàng bia nào cũng có quảng cáo, một số nhãn hàng bia không công bố chi phí quảng cáo, nhưng tui lấy ví dụ vài nhãn hàng bia quảng cáo mấy anh nghe “hết hồn” luôn. Như Sabeco năm 2017 chi ra 1.221 tỷ đồng cho quảng cáo, tiếp thị. Habeco chi ra gần 570 tỷ đồng, giảm hơn 6% so với năm 2016, tuy nhiên đây vẫn là chi tiền thuộc nhóm đầu thị trường.

Tư hưu trí băn khoăn khi cả xã hội quan tâm phòng chống tác hại của rượu bia, luật đã được thảo luận đủ chiều, nhưng nếu làm không tới nơi sẽ dẫn tới việc “lờn” luật, gây mất lòng tin của người dân. Do vậy cần tính toán thật kỹ, để khi luật được đưa ra phải được cộng đồng từ kinh doanh tới tiêu thụ, ai cũng đồng tình, khi đó mới nói là “luật đã đi vào cuộc sống”.

Bình luận