Chờ...

Bảo dưỡng công nghiệp – một nghề rất tiềm năng cho người mê máy móc

(VOH) - Trong bối cảnh các ngành kinh tế sản xuất phát triển toàn diện và hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, nhu cầu về đội ngũ kỹ sư bảo dưỡng công nghiệp chất lượng cao đang tăng nhanh.
Bảo dưỡng công nghiệp
Bảo dưỡng công nghiệp là một lựa chọn nghề nghiệp rất tiềm năng cho các bạn sinh viên yêu thích kỹ thuật, đam mê máy móc và mong muốn có một sự nghiệp ổn định trong tương lai.

Đối với những xí nghiệp, nhà máy lớn, việc các thiết bị máy móc bị hỏng hóc và hao mòn theo thời gian xảy ra khá thường xuyên. Điều này cũng khiến quá trình sản xuất bị gián đoạn, gây ra những tổn thất do hệ thống tạm ngừng hoạt động.

Do đó, các chi phí trực tiếp để sửa chữa và thay thế thiết bị và rất nhiều các chi phí gián tiếp khác từ các sự cố gây dừng máy luôn là nỗi lo của các nhà quản lý và chủ doanh nghiệp. Sự có mặt của các kỹ sư được đào tạo chuyên về bảo dưỡng công nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp hạn chế đáng kể những rủi ro này.

PGS.TS Phạm Huy Hoàng - Giám đốc Trung tâm đào tạo Bảo dưỡng công nghiệp (Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG-HCM) sẽ chia sẻ kỹ hơn về ngành Bảo dưỡng công nghiệp cũng như cơ hội phát triển của ngành này.

PGS.TS Phạm Huy Hoàng
PGS.TS. Phạm Huy Hoàng - Giám đốc Trung tâm đào tạo Bảo dưỡng công nghiệp (Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG-HCM)

Tiềm năng phát triển của ngành học Bảo dưỡng công nghiệp?

Tại Việt Nam, nhiều tên tuổi hàng đầu thế giới như Intel, Foxconn, LG, Samsung, Honda... đang đầu tư các dây chuyền sản xuất lên đến hàng trăm triệu USD. Nhiều doanh nghiệp trong nước cũng bắt đầu chuyển hướng sang sản xuất công nghiệp với quy mô lớn như tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast của Tập đoàn Vingroup hay 04 nhà máy của Tập đoàn điện tử Asanzo.

Vì vậy việc sở hữu một đội ngũ bảo dưỡng công nghiệp (BDCN) có trình độ cao ngày càng trở nên cấp thiết. Tiềm năng của ngành là rất lớn và nhu cầu sẽ còn tăng mạnh hơn nữa trong tương lai.

Việc đảm bảo cho cả hệ thống máy móc vận hành ổn định, liên tục và đảm bảo chất lượng, độ tin cậy là nhiệm vụ chính yếu của những kỹ sư ngành BDCN. Không chỉ gói gọn trong việc sửa chữa và thay thế máy móc ở các phân xưởng sản xuất, BDCN hiện đại là cả một quy trình đo đạc, theo dõi, tính toán, lập sơ sở dữ liệu, lên kế hoạch và cuối cùng là sửa chữa, thay thế thiết bị một cách khoa học và có tính toán chặt chẽ.

Các kỹ sư phải theo dõi định kỳ chế độ làm việc của từng bộ phận và toàn bộ hệ thống máy móc trong phân xưởng, dự đoán và nắm bắt kịp thời các triệu chứng hỏng hóc của máy móc để lên kế hoạch sửa chữa hoặc thay mới những chi tiết bị hao mòn nhanh chóng và tiết kiệm nhất.

Một kỹ sư BDCN có thể đảm trách vị trí bảo dưỡng máy cho nhiều xí nghiệp, phân xưởng khác nhau. Công việc vì thế mà trở nên bận rộn và thú vị, cần phải biết sắp xếp thời gian để hoàn thành nhiệm vụ ở nhiều nơi. Nhờ đó, càng làm việc, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và tầm quan trọng của họ được nâng cao nhanh chóng, mở rộng nhiều mối quan hệ và có chỗ đứng vững chắc ở trong doanh nghiệp.

Đây là một công việc có tính ổn định cao, cơ hội thăng tiến rõ ràng và sự đãi ngộ của doanh nghiệp là rất xứng đáng và tăng dần theo kinh nghiệm làm việc.

Xem thêm: Con gái học điều khiển tàu biển, làm việc trên tàu viễn dương: Áp lực hay thú vị?

Nhu cầu nhân lực của ngành Bảo dưỡng công nghiệp?

Kỹ sư bảo dưỡng sẽ là sự lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ kỹ thuật như: Hyosung, BigC, Unilever, Vinamilk, Colgate – Palmolive, DutchLady, Bosch, Xi măng Hà Tiên, InSee, Cao su Sài Gòn, Kim Đan, SKF, NTN, NSK, Camso Việt Nam, Schaeffler Vietnam…

Sản xuất cần hệ thống máy móc đảm bảo làm việc ổn định, tin cậy, đảm bảo chất lượng, năng suất, tiết kiệm năng lượng, do đó nhu cầu tuyển dụng vị trí kỹ sư BDCN rất cao. Có thể khẳng định ở đâu có hệ thống công nghiệp ở đó có việc làm cho kỹ sư BDCN.

Nhu cầu nhân lực qua đào tạo thuộc nhóm ngành Kỹ thuật công nghệ, trong đó có BDCN tại TPHCM giai đoạn 2018 đến năm 2025 là 89.250 người/năm, cao hơn nhiều so với các ngành khác.

TT

Nhóm ngành

Tỉ lệ ngành nghề so với tổng số việc làm (%)

Số chỗ làm việc  
(Người/năm)

1

Kỹ thuật công nghệ

35

89.250

2

Khoa học tự nhiên

7

17.850

3

Kinh tế - Tài chính - Ngân hàng - Pháp luật - Hành chính

33

84.150

4

Khoa học xã hội - Nhân văn - Du lịch

8

20.400

5

Sư phạm - Quản lý giáo dục

5

12.750

6

Y - Dược

5

12.750

7

Nông - Lâm - Thủy sản

3

7.650

8

Nghệ thuật - Thể dục - Thể thao

4

10.200

Tổng nhu cầu nhân lực bình quân

100

255.000

Nguồn: Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM

Xem thêm: Nâng chất nguồn nhân lực, thúc đẩy chuyển đổi số công nghiệp chế biến chế tạo

Các tố chất cần thiết để có thể học và làm việc được trong ngành Bảo dưỡng công nghiệp?

Ngoài các kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, trình độ ngoại ngữ và kinh nghiệm thực tiễn là yếu tố hàng đầu cần có đối với người kỹ sư bảo dưỡng, thì các tố chất sau đây cũng quan trọng để có thể học và làm việc trong ngành BDCN:

Sự cần mẫn và tính kỷ luật trong công việc

Người kỹ sư bảo dưỡng phải xây dựng tính kiên trì, cần mẫn. Thực hiện và điều hành công việc thông qua hệ thống qui định kỹ thuật chặt chẽ, đảm bảo tính chính xác theo qui ước.

Khả năng dự đoán và tính sáng tạo trong lao động kỹ thuật

Người kỹ sư bảo dưỡng cần xây dựng cho mình khả năng dự đoán và quyết đoán để có thể làm chủ thời gian và nhân lực. Trong lao động cần ứng dụng một cách khoa học và sáng tạo lý thuyết và thực tế để rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả công việc.

Cần có thể lực và tinh thần

Người kỹ sư bảo dưỡng cần có thể lực tốt thông qua sự ham thích một vài môn thể thao nhằm nâng cao thể lực và sức khỏe để lao động tốt. Nên hiểu biết và tham gia một vài loại hình văn hóa nghệ thuật để giải trí (âm nhạc, văn thơ hoặc hội họa…)

Có khả năng giao tiếp tốt

Người kỹ sư bảo dưỡng cần có khả năng giao tiếp bằng diễn đạt qua nói (thuyết trình, đối thoại, tham gia và điều hành tốt các cuộc họp, các dự án) đồng thời phải có khả năng diễn đạt bằng viết (ghi chép nhật ký kỹ thuật, xây dựng báo cáo kỹ thuật, viết lý thuyết luận án tốt nghiệp, lập thuyết minh công trình, dự án…)

Ngoài ra, cần có khả năng sư phạm tốt để có thể truyền đạt cho đồng nghiệp hiểu, đặt mình vào vị trí người khác và có khả năng làm việc theo nhóm.

Kiến thức tâm lý xã hội và khả năng tập hợp quần chúng

Người kỹ sư bảo dưỡng cần nắm bắt và hiểu biết về tâm sinh lý con người; có quan điểm đối nhân xử thế đúng đắn, có mối quan hệ mật thiết với đồng nghiệp: công nhân, cán bộ kỹ thuật, cán bộ công nhân viên ở tất cả các phòng ban…; Có khả năng đoàn kết tập hợp, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức điều hành mọi hoạt động của đơn vị.

Các trường đại học tại Việt Nam đang đào tạo ngành này?

Tại Việt Nam, hiện chỉ có duy nhất trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) đào tạo ngành BDCN. Đây là một ngành đã có từ năm 1996 do chính phủ Pháp tài trợ nhằm đào tạo các kỹ thuật viên làm về bảo trì, bảo dưỡng.

Từ năm 2018, nhận thấy ngành công nghiệp có nhu cầu cao đối với lực lượng kỹ sư làm việc chuyên nghiệp trong các dây chuyền hiện đại. Trường đã phát triển đào tạo trình độ đại học nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội.

bảo dưỡng công nghiệp
Tại Việt Nam, hiện chỉ có duy nhất trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) đào tạo ngành Bảo dưỡng công nghiệp

Các tổ hợp tuyển sinh ngành BDCN là A00, A01. Điểm chuẩn ngành học này năm 2020 là 23 điểm; năm 2021 là 22.5 điểm và năm 2022 là 59.60 điểm (theo phương thức tổ hợp: Đánh giá năng lực + Điểm thi tốt nghiệp THPT + Học bạ).

Một số môn học đặc trưng của chuyên ngành Bảo dưỡng công nghiệp?

Một số môn học đặc trưng của ngành này, có thể kể tới như: Tổ chức quản lý bảo dưỡng; Kỹ thuật bảo dưỡng; Kỹ thuật giám sát tình trạng thiết bị; Kỹ thuật bôi trơn công nghiệp; Kỹ thuật phân tích rung động; Bảo trì thiết bị dân dụng; Chi phí bảo trì; Độ tin cậy và đảm bảo chất lượng…

Sinh viên học ngành Bảo dưỡng công nghiệp khi tốt nghiệp có thể làm những công việc gì? Ở đâu?

Sinh viên học ngành BDCN khi tốt nghiệp có thể làm những công việc sau:

  • Khảo sát, đo lường, ghi nhận tình trạng hoạt động của các thiết bị chức năng trong nhà máy
  • Lập kế hoạch, quản lý và thực hiện việc bảo dưỡng các dụng cụ, thiết bị máy móc, dây chuyền sản xuất...
  • Chọn lựa thiết bị thay thế phù hợp cho việc thay thế các chi tiết máy.
  • Khả năng thực hiện các thao tác kỹ thuật tháo, lắp, bảo dưỡng các thiết bị.
  • Tham gia công tác đào tạo tại các cơ sổ giáo dục hoặc tại các doanh nghiệp.
  • Tư vấn kỹ thuật.
  • Đánh giá hiệu quả và độ tin cậy của thiết bị và hệ thống bảo dưỡng thiết bị để sửa đổi và hoàn thiện các chương trình bảo dưỡng phòng ngừa.
  • Lập kế hoạch và lịch bảo dưỡng phòng ngừa, sửa chữa toàn nhà.
  • Phân tích các dữ liệu lưu trữ, thông số vận hành và xu hướng sử dụng thiết bị để đề xuất các phương pháp cải tiến cần thiết nhằm đạt được chi phí vòng đời thấp nhất cho tất cả các thiết bị.
  • Lập kế hoạch vật tư thay thế cần thiết hàng năm.
  • Thiết lập các mục tiêu hay yêu cầu về độ tin cậy cho hệ thống hay cụm thiết bị.
  • Tham gia công tác quản lý phòng bảo trì…
  • Phụ trách công tác bảo dưỡng công nghiệp, huấn luyện bảo trì tại các nhà máy sản xuất công nghiệp và các công trình dân dụng, công tác sửa chữa cơ điện.
  • Làm việc trong các công ty Cơ Điện (M&E): thiết kế nhà xưởng, lắp đặt máy móc, hay trong các công ty đăng kiểm và kiểm định thiết bị.
  • Cung ứng dịch vụ kỹ thuật; tư vấn và bán hàng các trang thiết bị công nghiệp và dân dụng.
  • Công việc liên quan đến thiết kế lại, thiết kế cải tiến phù hợp với bảo dưỡng.
  • Học nâng cao để giảng dạy, kiểm tra và đánh giá chứng chỉ hành nghề bảo dưỡng (nếu đạt được chứng chỉ cao cấp trong các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế).

Sinh viên học ngành Bảo dưỡng công nghiệp khi tốt nghiệp có thể làm tại:

  • Các công ty sản xuất, công ty chế tạo, công ty thương mại – dịch vụ
  • Công ty trong nước, công ty liên doanh, công ty nước ngoài
  • Các KCN, khu chế xuất, cửa hàng mua bán thiết bị... tại tất cả các tỉnh thành trong cả nước.
Bảo dưỡng công nghiệp
Sinh viên học ngành Bảo dưỡng công nghiệp khi tốt nghiệp có thể làm tại các KCN, KCX, cửa hàng mua bán thiết bị... tại các tỉnh thành trong cả nước.

Mức lương của những người làm công việc Bảo dưỡng công nghiệp?

Theo dữ liệu mức lương được tổng hợp erBuilder từ 120 mẫu việc làm đăng tuyển tại Care, thì mức lương phổ biến cho những người làm việc BDCN là từ 10 – 20 triệu đồng/tháng tùy thuộc vào vị trí làm việc và số năm kinh nghiệm.

Cơ hội thăng tiến trong nghề Bảo dưỡng công nghiệp?

Bên cạnh lương thưởng và chế độ đãi ngộ, cơ hội thăng tiến còn là một trong những yếu tố mang tính quyết định để doanh nghiệp có thể thu hút và giữ chân nhân tài nói chung và của các kỹ sư BDCN nói riêng trong vị trí Tổ trưởng tổ bảo trì hay Trưởng phòng bảo trì.

Do đó các doanh nghiệp luôn cố gắng phát huy các giá trị tốt đẹp và tạo cơ hội cho các kỹ sư bảo trì để có thể phát triển sự nghiệp và dễ dàng thăng tiến trong tương lai.

Để có cơ hội thăng tiến, phát triển nhanh trong nghề, các kỹ sư bảo dưỡng cần phải có mục tiêu, kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn, biết đánh giá điểm mạnh-yếu cá nhân, phải có tầm nhìn, kế hoạch phát triển và thực hiện… của mỗi cá nhân và phải hoàn thành tốt mục tiêu đã đặt ra.

Bên cạnh đó, mỗi cá nhân nên thể hiện mong muốn học hỏi, luôn mưu cầu phát triển vượt ra ngoài khuôn khổ và trách nhiệm công việc hiện tại. Qua đó, để có thể chứng minh với tập thể rằng bản thân là một người luôn chủ động, sẵn sàng cho mọi thử thách và luôn hướng đến mục tiêu chung của tập thể. 

Ngoài ra, người kỹ sư bảo dưỡng phải thể hiện được sự tương đồng trong định hướng của bản thân và tổ chức. Điều này chính là điểm then chốt để ban lãnh đạo ra quyết định bổ nhiệm vào các vị trí quản lý trong tương lai.

Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là xu hướng và cầu nối quan trọng trong việc đảm bảo, nâng cao chất lượng đào sinh viên, đồng thời là cách thức để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu vào của đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp.

Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) đã có sự hợp tác với các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau để thiết kế, vận hành các chương trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Ngoài ra Trung tâm Đào tạo Bảo dưỡng công nghiệp của trường cũng có sự liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp như: Hyosung, Unilever, Vinamilk, Colgate – Palmolive, DutchLady, Bosch… để đưa sinh viên đi tham quan, kiến tập, thực tập và giới thiệu việc làm cho các sinh viên khi ra trường.

Hiện tại sự hợp tác giữa nhà trường và các doanh nghiệp đã trở thành một hoạt động chuyên môn quan trọng như các hoạt động chuyên môn khác của Nhà trường.

Ngoài ra, nhà trường hiện có quan hệ hợp tác với trên 1.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước, với nhiều hoạt động đa dạng khác nhau như:

- Doanh nghiệp  tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra; nhận xét, đánh giá năng lực sinh viên sau khi tốt nghiệp khi thiết kế chương trình đào tạo.

- Hợp tác trong tổ chức cho sinh viên thực tập; cử chuyên gia đến giảng một số môn học chuyên ngành; cử chuyên gia cùng hướng dẫn đồ án tốt nghiệp, hội đồng bảo vệ luận văn tốt nghiệp…

- Nhà trường tổ chức các khóa đào tạo nâng cao chuyên môn cho nhân viên theo nhu cầu của doanh nghiệp và phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các chuyên đề, hội thảo giới thiệu công nghệ, kỹ thuật mới cho sinh viên.

- Doanh nghiệp trao nhiều học bổng cho sinh viên hoặc tuyển dụng trực tiếp và đi làm ngay sau khi tốt nghiệp.

- Doanh nghiệp tài trợ trang thiết bị: phục vụ thực hành, thí nghiệm sách, phục vụ công tác đào tạo; cấp học bổng, trả lương thực tập cho sinh viên…