Để doanh nghiệp không “hụt hơi” về tài chính

(VOH) - Trong 4 tháng đầu năm nay, đã có gần 42.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 5,6% so với cùng kỳ.

Trong đó, gần 22.700 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, gần 14.000 doanh nghiệp chờ giải thể, hơn 5.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Những con số này, theo các chuyên gia kinh tế là sẽ tiếp tục tăng lên trong giai đoạn tới, khi mà một lượng lớn doanh nghiệp các ngành dịch vụ, sản xuất đang đối mặt với nhiều khó khăn do những tác động của dịch Covid-19. Vậy làm sao để doanh nghiệp không “hụt hơi” về tài chính trong và sau mùa dịch? Tọa đàm trực tuyến “Cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch” mới đây, các chuyên gia đã đưa ra giải pháp về quản trị tài chính trong và sau đại dịch, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

giải thể, doanh nghiệp, tọa đàm, covid-19, tài chính

Tọa đàm trực tuyến “Cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch”, từ phải qua trái: Ông Hoàng Minh Hoàn, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB); bà Lâm Thị Ngọc Hảo, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam; ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM

Thực hiện Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) đã cơ cấu lại là 9.000 tỉ đồng trong 4 tháng đầu năm nay. Hồ sơ doanh nghiệp vẫn đang được xem xét. Theo ông Hoàng Minh Hoàn, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) phụ trách khối quản trị tài chính và nguồn vốn, SCB đặt chỉ tiêu lợi nhuận trong năm 2020 để tập trung vào việc hỗ trợ cho doanh nghiệp. Ngân hàng đã đưa ra gói 500 tỉ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thời gian tới. Trong 4 tháng đầu năm nay, dư nợ của SCB tăng trưởng 2,2%, trong khi toàn ngành ngân hàng tăng trưởng 1,31%, thấp nhất trong những năm gần đây. Ông Hoàng Minh Hoàn khẳng định: “Mục tiêu mà các Ngân hàng Thương mại mong muốn đó là hỗ trợ cho doanh nghiệp, bởi khi doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thì nền kinh tế mới phát triển. Không có chuyện ngân hàng trì hoãn, gây khó dễ cho doanh nghiệp”.

Tuy nhiên, lãnh đạo ngân hàng này cũng bày tỏ sự lo ngại về việc các doanh nghiệp lợi dụng chính sách để che giấu nợ xấu hoặc trì hoãn việc trả nợ cho ngân hàng. Vì vậy theo ông, các doanh nghiệp cần thấu hiểu và cung cấp thông tin, tài liệu hồ sơ để để chứng minh thiệt hại và khó khăn của mình trong đợt dịch vừa qua để ngân hàng có cơ sở hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Về quản trị rủi ro tài chính trong bối cảnh khát vốn như hiện nay của doanh nghiệp, bà Lâm Thị Ngọc Hảo, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam chia sẻ: “Khi doanh nghiệp nhìn thấy doanh thu bị sụt giảm và tham chiếu với những kế hoạch trước đây, dự liệu tình huống xấu nhất khi doanh thu còn 30-50%, trong đó, doanh nghiệp phân tích xem sẽ thiếu hụt gì, cắt được những lớp chi phí nào và tập trung vào chi phí ngắn hạn, những chi phí nào ảnh hưởng đến doanh thu trực tiếp thì cân nhắc giữ lại, những chi phí nào không ảnh hưởng đến doanh thu trực tiếp tập trung vào ngắn hạn, thì mình sẽ cắt giảm hoặc đẩy lùi, quay trở lại thương lượng nhà cung cấp để giảm và giãn nợ, cũng như ngân hàng vậy. Đối với khách hàng, doanh nghiệp phải tập trung vào việc thu hồi tiền càng nhanh càng tốt, sẵn sàng giảm giá để lấy tiền sớm, khuyến khích nhân viên thu hồi tiền về sớm”.

Về phía ngân hàng, để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp cầm cự và vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM cho biết, ngành ngân hàng hiểu rất rõ hệ lụy của Covid-19 và đi đầu trong việc đưa ra cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp ở TPHCM và cả nước. Ngân hàng Nhà nước đã triển khai Thông tư 01. Theo đó tại TPHCM, ngành đã triển khai trên toàn thành phố xem xét cơ cấu lại nợ; Miễn giảm lãi đối với các khoản vay; Tiến hành cung cấp cho doanh nghiệp các khoản vay mới với lãi suất ưu đãi.

Tính đến ngày 20/4, sau hơn một tháng triển khai Thông tư 01, riêng trong việc cơ cấu lại nợ trên địa bàn thành phố đã đạt với tổng số mức vay nợ là 63.000 tỉ đồng. Đối với việc miễn giảm lãi các khoản vay của doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng cũng đã thực hiện giảm lãi trên tổng dư nợ 12.300 tỉ đồng. Về giảm lãi suất cho vay với khoản dư nợ hiện đang còn ở các tổ chức tín dụng cũng mới 940.000 tỉ đồng, tương đương với 168.000 khách hàng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ này. Đây là con số khá ấn tượng trong vòng hơn một tháng thực hiện. Tuy có khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc tiếp cận khách hàng, nhưng đây là kết quả rất đáng khích lệ.

Tuy nhiên, đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn phản hồi rằng chưa được tiếp cận các gói hỗ trợ. Về việc này, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, các tổ chức tín dụng cần xem xét kỹ việc chứng minh thiệt hại của doanh nghiệp do Covid-19, điều này được căn cứ vào dòng tiền, doanh thu và kết quả kinh doanh. Sự đình trệ do dịch bệnh đã tạo ra thiệt hại thế nào cho doanh nghiệp. Cái khó là doanh nghiệp chưa chứng minh được như vậy đối với các tổ chức tín dụng.

“Đầu tháng 5 này chúng tôi tiếp tục triển khai và yêu cầu các tổ chức tín dụng xem việc thực hiện Thông tư 01 là nhiệm vụ trọng tâm từ đây tới cuối năm. Tức là yêu các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi tiền vay, đồng thời cho vay mới đối với các khách hàng của mình. Để thực hiện nhiệm vụ này, chúng tôi đưa ra ba giải pháp. Thứ nhất, các tổ chức tín dụng phải đưa ra được tiêu chí của mình về cơ cấu nợ, giảm lãi vay. Thứ hai, các tổ chức tín dụng phải xây dựng được quy trình nội bộ, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ theo đề nghị của các khách hàng của mình. Việc này quan trọng vì nếu kéo dài thì doanh nghiệp sẽ đi tới phá sản”, ông Hoàng Minh thông tin.

Bình luận