Nông nghiệp thay đổi để hội nhập và phát triển

(VOH) - Trước những khó khăn thách thức trong xu thế hội nhập, ngành nông nghiệp đòi hỏi phải có sự liên kết giữa 3 nhà: Nhà nước, tư nhân và đối tác cùng nhau phát triển.

Hiện nay, việc thực hiện hợp tác công tư trong hoạt động khuyến nông đã nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Đồng thời, quá trình này cũng đã thúc đẩy tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. 

Tuy nhiên, để mối quan hệ giữa 3 nhà: Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân bền vững thì Nhà nước mà đại diện là Trung tâm Khuyến nông quốc gia nói chung và hệ thống khuyến nông tỉnh, thành nói riêng phải chủ động kết nối, tìm kiếm các bên tham gia trên cơ sở công khai minh bạch thông tin, hợp tác bình đẳng, phát huy được vai trò chủ động, tích cực của các bên.

Thấy được việc thực hiện hợp tác công tư trong  hoạt động khuyến nông trong giai đoạn này là một xu thế chung, nhiều doanh nghiệp đã chủ động chuyển mình, tìm kiếm và tham gia tích cực.

Ông Phạm Anh Cường - Trưởng phòng nghiên cứu phát triển sản phẩm, công ty cổ phần Phân bón Bình Điền chia sẻ về hiệu quả khi tham gia chương trình hợp tác công tư trong khuyến nông:

"Bình Điền rất kiên trì và cần mẫn đi trên con đường khuyến nông, giúp bà con nông dân bởi việc này gắn liền quyền lợi thực tế của Bình Điền. Tức là người nông dân hiểu được công nghệ của Bình Điền, người ta áp dụng có hiệu quả thì mới theo mình.

Cách làm của chúng tôi là tiếp cận với nông dân, tập huấn cho họ từ đầu vụ, sau đó trong quá trình thực hiện thì tiếp tục thường xuyên thăm đồng, tiếp cận thông qua hệ thống khuyến nông để xem bà con nông dân có vướng mắc gì thì tiếp cận, giải quyết ngay.

Thông qua đó có một sức lan tỏa rất lớn trong các câu lạc bộ khuyến nông thì bà con đã chia sẻ được vướng mắc và thành công. Vụ sau họ sẽ làm tốt hơn vụ trước".

thay-doi-de-hoi-nhap-va-phat-trien-voh.com.vn-anh1
Ảnh: khuyennongtphcm

Nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, phối hợp chặt chẽ thì trong các tình huống xấu nhất như dịch bệnh Covid-19 vừa qua, thì cả doanh nghiệp, người nông dân và nhà nước đều có thể cùng nhau vượt qua. Theo ông Phạm Quốc Bảo – Giám đốc Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Quốc tế Sao Nam, do công ty thường đồng hành cùng nông dân trong các giải pháp bảo quản nông sản sau thu hoạch, đến từng nhà vườn, đơn vị để tư vấn các giải pháp, từ đó tạo được sự tin cậy của nhà nông và doanh nghiệp trong các giải pháp của mình.

Mùa dịch Covid-19 vừa qua, tuy nhiều đơn vị gặp không ít khó khăn nhưng công ty vẫn tăng doanh số do sự kết nối chặt chẽ với nhà nông và các doanh nghiệp nông nghiệp.

"Thời gian Covid-19 khi thị trường Trung Quốc có vấn đề thì các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp Nga và Châu Âu đi thẳng về Việt Nam để mua hàng, từ đó phát sinh nhu cầu bảo quản đi xa.

Năm 2020, chúng tôi đánh dấu tỷ lệ tăng trưởng trong mảng bảo quản nông sản và thực phẩm, các doanh nghiệp cũng như nông dân đã tìm đến chúng tôi để sử dụng các giải pháp bảo quản xuất khẩu đi xa", ông Phạm Quốc Bảo cho biết thêm.

Nhiều đơn vị, tổ chức đã chủ động liên hệ, tiếp cận và tranh thủ từng cơ hội để hợp tác hay hợp tác đầu tư với nhà nước, hợp tác với nông dân, từ đó có nhiều cơ hội quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu thông qua các hội thi, diễn đàn, hội chợ, các buổi tập huấn do hệ thống khuyến nông  tổ chức. 

Ông Huỳnh Kim Ngọc - Chuyên viên phòng Kỹ thuật- nghiên cứu phát triển, công ty cổ phần Bảo vệ thực vật Sài Gòn cho biết, trong các hoạt động, đơn vị luôn hướng về cộng đồng trước, với sự tích cực tham gia, đồng hành nhà nông thì nhà nông sẽ ưu ái hơn đối với các sản phẩm của doanh nghiệp: "Ví dụ mình giúp họ phòng trừ qua thuốc. Nếu mình giới thiệu phương pháp có hiệu quả thì họ sẽ mua thuốc của công ty. Nhưng đầu tiên, việc này xuất phát từ yêu cầu giải quyết vấn đề mà địa phương mắc phải, đó là trách nhiệm của mình đối với cộng đồng".

Tăng cường hợp tác công tư, tận dụng hết thế mạnh của các đối tác trong quan hệnày được xem là phương án tối ưu để đẩy mạnh hiệu quả công tác khuyến nông. Nghị định 83 của Chính phủ về khuyến nông cũng đã nêu rõ, hợp tác công tư trong khuyến nông là sự hợp tác giữa nhà nước với các tổ chức, cá nhân cùng đầu tư, triển khai hoạt động khuyến nông phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.

Xã hội hóa hoạt động khuyến nông, đa dạng hóa dịch vụ khuyến nông để huy động nguồn lực từ các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động khuyến nông. Do vậy, đi đúng theo hướng này sẽ tạo ra sự hợp tác giữa hệ thống khuyến nông, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và tư nhân; thu hút tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn lực của của các bên.

Tuy nhiên, để xây dựng mối liên kết giữa các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu, hệ thống khuyến nông, doanh nghiệp và nông dân thì không chỉ là việc riêng của cơ quan quản lý nhà nước, mà cần sự chủ động thay đổi của các doanh nghiệp và nông dân để tham gia phù hợp với xu thế hội nhập.