Bà bầu ăn lá tía tô có lợi ích gì?

(VOH) – Lá tía tô vốn rất phổ biến và chứa nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Vì thế, nhiều mẹ sẽ thắc mắc liệu bà bầu ăn lá tía tô có được không, bởi đây là giai đoạn mẹ cần kiêng khem nhiều thứ.

Lá tía tô là loại rau gia vị quen thuộc với nhiều người, thường được dùng để ăn sống hoặc lấy nước uống. Trong Đông y, lá tía tô còn được sử dụng như một vị thuốc chữa bệnh hiệu quả, đặc biệt là giúp giải cảm.

1. Bà bầu có ăn được lá tía tô không?

Thực tế, cho đến hiện tại vẫn không có nhiều nghiên cứu nói về công dụng của lá tía tô đối với bà bầu, nếu có chỉ là những công dụng trị bệnh trong thời gian ngắn hạn.

Phần lớn những công dụng của lá tía tô đối với bà bầu chủ yếu được lan truyền trong dân gian từ đời này sang đời khác. Do đó, tốt nhất mẹ bầu chỉ nên xem lá tía tô như một loại rau ăn bình thường hoặc ngâm rửa ngoài da, không được tự tiện uống nước lá tía tô dài ngày, vì nó cũng được xem như một vị thuốc trong y học, mà thuốc thì không thể sử dụng bừa bãi.

2. Bà bầu ăn lá tía có lợi ích gì?

Theo Đông y, lá tía tô có mùi thơm, có chứa tinh dầu nên có tác dụng tốt trong việc chữa ho hen, cảm lạnh, đau đầu, viêm mũi dị ứng... Với bà bầu, lá tía tô có công dụng dưỡng thai, an thai hiệu quả.

ba-bau-an-la-tia-to-voh-0
Bà bầu có thể ăn lá tía tô như một loại rau gia vị (Nguồn: Internet)

Trong dân gian cho rằng, bà bầu ăn lá tía tô hoặc ngâm chân bằng lá tô có thể sẽ mang đến một số lợi ích sau đây:

2.1 Giải cảm

Cháo lá tía tô được xem như một món ăn giải cảm số 1. Phụ nữ mang thai nếu gặp phải tình trạng khó chịu do bị cảm có thể dùng lá tía tô giải cảm. Đây là một phương pháp tự nhiên, an toàn và tương đối hiệu quả.

Mẹ bầu có thể dùng lá tía tô để nấu cháo. Ăn cháo lá tía tô khoảng 2 – 3 ngày để chữa cảm, tuyệt đối không được uống nước tía tô dài ngày và cũng không được dùng để thay nước uống hàng ngày vì rất dễ dẫn đến tăng huyết áp thai kỳ.

2.2 Giảm sưng phù

Phụ nữ mang thai rất dễ gặp phải hiện tượng sưng phù, nhất là thời điểm những tháng cuối thai kỳ. Khi đó, để giảm tình trạng sưng phù, các mẹ có thể sử dụng lá tía tô, rửa sạch, bỏ vào nước sôi nấu khoảng 5 phút, sau đó thêm muối hạt vào làm nước ngâm chân.

Ngâm chân bằng lá tía tô có thể giúp mẹ bầu thư giãn, đồng thời còn giúp làm giảm tình trạng sưng phù chân.

Xem thêm: Phù chân khi mang thai: Thận trọng với biến chứng tiền sản giật

2.3 Giảm ốm nghén, khó chịu

Hầu hết mẹ bầu ở thời điểm tam cá nguyệt thứ nhất đều sẽ gặp phải tình trạng ốm nghén cực kỳ mệt mỏi và khó chịu. Để hạn chế tình trạng mẹ bầu có thể áp dụng một số cách làm giảm ốm nghén, trong đó có sử dụng lá tía tô.

Tuy nhiên, vì bài thuốc dùng lá tía tô chữa ốm nghén cần kết hợp thêm nhiều vị thuốc khác, nên tốt nhất mẹ bầu nên đến gặp thầy thuốc Đông y để được hướng dẫn đúng cách.

2.4 Làm đẹp da

Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai có thể khiến mẹ bầu nổi mụn trên mặt. Tuy nhiên, việc làm đẹp trong thai kỳ bằng cách sản phẩm kem trị thường rất hạn chế, do đó, muốn cải thiện tình trạng này mẹ có thể lựa chọn sử dụng lá tía tô.

Tinh dầu trong lá tía tô có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, giúp da sạch dầu nhờn. Mẹ bầu rửa sạch một nhúm lá tía tô rồi đem giã nát lấy nước. Sau đó dùng tăm bông thoa đều nước lá tía tô lên da, chờ trong 20 - 30 phút cho tinh chất tía tô thấm sâu vào da, rồi sau đó rửa mặt bằng nước ấm.

Mẹ bầu cũng có thể đun nước lá tía tô để rửa mặt và tắm. Lưu ý nên dùng khi nước còn ấm để đem lại hiệu quả, giúp cơ thể thoáng mát sạch sẽ, vô cùng thoải mái.

3. Bà bầu ăn lá tía tô có giúp dễ sinh không?

Trước đây, nhiều người truyền tai nhau về việc bà bầu uống nước lá tía tô sẽ giúp dễ sinh hoặc sinh con không đau. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đây chỉ là kinh nghiệm dân gian chưa được kiểm chứng và hiện cũng không có một nghiên cứu hay bằng chứng cụ thể nào chứng minh tác dụng này của lá tía tô.

ba-bau-an-la-tia-to-voh-1
Không có nghiên cứu nào ghi nhận bà bầu sử dụng lá tía tô sẽ giúp dễ sinh (Nguồn: Internet)

Việc sử dụng lá tía tô giúp dễ sinh có thể còn tùy thuộc vào cơ địa của từng mẹ bầu, không phải ai áp dụng cũng có hiệu quả. Vì thế, tốt hơn hết mẹ bầu chỉ nên xem lá tía tô như một loại rau gia vị tốt cho sức khỏe.

Thay vì uống nước tía tô, mẹ bầu có thể tham khảo một số phương pháp giúp dễ sinh, chẳng hạn như các bài tập thể dụng cho bà bầu dễ sinh, phương pháp đẻ không đau....

Xem thêm: 6 cách giảm đau cho mẹ bầu khi chuyển dạ sinh thường

4. Bầu bầu ăn lá tía tô cần lưu ý điều gì?

Lá tía tô có vị cay, tính ấm, vì thế mẹ bầu không nên uống nước lá tía tô thay nước lọc hàng ngày vì có thể bị tăng huyết áp.

Ngoài ra, tía tô có nhiều đặc tính của một vị thuốc dân gian, cho nên mẹ bầu cũng không thể dùng tùy tiện, và không nên ăn thường xuyên.

Đặc biệt, nếu mẹ bầu bị cảm nóng (do say nắng hoặc sốc nhiệt) hoặc cơ địa ra nhiều mồ hôi thì tuyệt đối không nên ăn lá tía tô giải cảm.

Tóm lại, trong giai đoạn thai kỳ bà bầu có thể ăn lá tía tô như một rau gia vị hoặc sử dụng ngoài da như một vị thuốc trong thời gian ngắn (2 – 3 ngày) để tăng cường, cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả, mẹ bầu vẫn nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ trước khi dùng.