Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Có nên cho trẻ ăn dứa? Lợi ích sức khỏe và cách dùng an toàn

(VOH) – Dứa có công dụng rất đặc biệt, được dùng ăn trực tiếp hoặc làm nguyên liệu chế biến món mặn lẫn món ngọt. Thế nhưng khi lên thực đơn ăn dặm, mẹ vẫn không khỏi băn khoăn có nên cho trẻ ăn dứa?

Quả dứa có hương thơm hấp dẫn, khi chín vàng sẽ có vị ngọt mát, chua dịu, đặc biệt đây là một trong số những trái cây nhiệt đới cung cấp nguồn vitamin rất đa dạng. Dù vậy nhưng để an tâm dùng thức quả này cho trẻ ăn dặm, mẹ vẫn nên tìm hiểu kĩ càng thành phần dinh dưỡng và những tác động có thể xảy ra với sức khỏe của con. 

1. Có nên cho trẻ ăn dứa?

Khi trẻ bước vào giai đoạn tập ăn dặm (từ 6 tháng tuổi trở lên), mẹ có thể bổ sung hầu hết các loại trái cây trong thực đơn của bé. Theo đó, các chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ rằng trẻ nhỏ hoàn toàn ăn được dứa, nhưng thời điểm tốt nhất để bé làm quen thức quả này là khi trẻ được 1 tuổi – lúc này hệ tiêu hóa của bé đã dần thích nghi tốt với chế độ ăn dặm. 

2. Lợi ích sức khỏe khi cho trẻ ăn dứa

Nếu cho trẻ ăn dứa đúng thời điểm với liều lượng hợp lý thì loại trái cây bổ dưỡng này sẽ góp phần cải thiện tốt sức khỏe và sự phát triển của con. Dưới đây là một số lợi ích có được khi trẻ ăn dứa: 

2.1 Tốt cho hệ tiêu hóa

Vào thời kì ăn dặm, khá nhiều trẻ mắc phải tình trạng rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón hoặc nôn mửa. Do vậy, để tăng cường sức khỏe đường ruột của bé, việc bổ sung thêm dứa trong khẩu phần ăn là điều mẹ nên làm.

Trong dứa có chứa hoạt chất quan trọng là protease và bromelain, chúng sẽ hỗ trợ ngăn chặn các tác nhân gây nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, điển hình như E.coli và V.cholera. 

co-nen-cho-tre-an-dua-loi-ich-suc-khoe-va-cach-dung-an-toan-voh-0
Enzyme trong dứa sẽ cải thiện hệ tiêu hóa của trẻ, khắc phục các chứng rối loạn tiêu hóa thường gặp (Nguồn: Internet) 

2.2 Củng cố sức đề kháng

Có thể nói bromelain trong dứa là một dưỡng chất khá đặc biệt, không chỉ có vai trò cải thiện khả năng hoạt động hệ tiêu hóa của trẻ, mà còn có tính kháng viêm mạnh mẽ.

Bromelain cùng với hàm lượng vitamin C dồi dào trong trái cây này sẽ củng cố “hàng rào” ngăn vi rút, vi khuẩn, bảo vệ bé khỏi những bệnh lý đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản phổi hay hen suyễn

Xem thêm: Tuyệt chiêu giúp bé tăng sức đề kháng tại nhà, mẹ không biết quá phí!

2.3 Hỗ trợ hoạt động não bộ

Theo phân tích dinh dưỡng, dứa có chứa vitamin B1, vitamin B2 cần thiết cho sự phát triển toàn diện não bộ của trẻ. Các nhóm vitamin này sẽ hỗ trợ quá trình sản xuất chất dẫn truyền thần kinh trong não và giảm thiểu tối đa tình trạng co giật nguy hiểm ở trẻ nhỏ. 

2.4 Cải thiện hệ vận động

Bổ sung thêm dứa trong thực đơn ăn dặm được xem như một cách tăng cường thêm các khoáng chất thiết yếu như magie, photpho hay canxi cho bé. Đây đều là những nguyên tố vi lượng đảm nhiệm chức năng làm tăng mật độ xương, kiểm soát hoạt động của cơ bắp cũng như toàn hệ vận động. 

Xem thêm: Cách bổ sung canxi và một số điều cần lưu ý để tránh cơ thể không hấp thụ

3. Một số món ăn từ dứa cho trẻ ăn dặm

Từ nguyên liệu chính là dứa, có thể chế biến được rất nhiều món ăn độc đáo và thơm ngon. Tuy nhiên, với các món dành cho trẻ ăn dặm cần điều chỉnh một vài thành phần cũng như nên áp dụng phương pháp chế biến hợp lý. 

Một số công thức món ăn dặm từ dứa sau đây mẹ có thể tham khảo thực hiện: 

3.1 Nước ép dứa

Nước ép dứa là thức uống rất dễ làm và không cần chuẩn bị nhiều nguyên liệu bổ trợ. Mẹ chỉ cần cắt dứa thành từng lát nhỏ, đem xay nhuyễn rồi lọc bỏ phần bã và giữ lại nước ép. Nhưng cần lưu ý rằng khi pha chế nước ép dứa, mẹ nên chọn mua những quả dứa chín, nhằm hạn chế pha thêm các chất tạo ngọt. 

Xem thêm: Gợi ý 6 công thức nước ép dứa cực dễ làm, uống đều đặn sẽ ‘nâng cấp’ toàn diện từ sức khỏe đến vóc dáng

3.2 Sinh tố chuối dứa

Chỉ cần kết hợp chuối, dứa cùng một chút sữa chua thơm thơm, mẹ sẽ làm được ngay món sinh tố chuối dứa để bé ăn tráng miệng. 

co-nen-cho-tre-an-dua-loi-ich-suc-khoe-va-cach-dung-an-toan-voh-1
Sinh tố dứa chuối - món tráng miệng bổ dưỡng cho bé (Nguồn: Internet) 

Nguyên liệu

  • Dứa chín: 1/4 trái
  • Chuối chín: 2 trái 
  • Sữa chua nguyên chất: 1/2 hộp 

Cách làm sinh tố chuối dứa

  • Gọt sạch vỏ rửa, lọc bỏ kĩ phần mắt dứa, cắt thành miếng nhỏ vừa xay. 
  • Bóc vỏ và cắt chuối thành từng miếng nhỏ. 
  • Trộn chuối, dứa cùng sữa chua rồi đem xay nhuyễn.   

Xem thêm: 8 món ăn được ‘hô biến’ từ chuối chín, ăn vào mùa nào cũng ngon hết ý!

3.3 Cháo dứa thịt bò

Đây là một món cháo có hương vị vô cùng độc đáo, vừa có vị thơm ngậy từ thịt bò, lại có chút chua ngọt từ dứa. 

co-nen-cho-tre-an-dua-loi-ich-suc-khoe-va-cach-dung-an-toan-voh-2
Cháo dứa thịt bò thơm ngậy, hấp dẫn (Nguồn: Internet) 

Nguyên liệu

  • Dứa: 1/4 trái 
  • Thịt bò: 70g
  • Gạo tẻ: 50g
  • Cà chua: 1/2 trái 
  • Gia vị cho trẻ ăn dặm

Cách làm cháo dứa thịt bò

  • Rửa sạch thịt bò với nước muối loãng, sau đó băm nhuyễn. 
  • Gọt vỏ và cắt bỏ phần mắt dứa, cắt thành miếng hạt lựu. 
  • Gọt vỏ cà chua (lọc bớt phần hạt) rồi thái nhỏ. 
  • Vo sạch gạo tẻ, thêm nước và đun chín cháo trong khoảng từ 2 – 3 tiếng. 
  • Xào mềm cà chua và dứa trước, nêm một chút gia vị. Kế đến cho thịt bò vào đảo đều đến khi chín thì tắt bếp. 
  • Cho hỗn hợp thịt bò xào dứa vào cháo, ninh thêm khoảng 30 phút thì có thể cho bé dùng. 

3.4 Bánh dứa

Bánh dứa được biết đến là loại bánh khá nổi tiếng của Đài Loan, nhưng mẹ hoàn toàn có thể tự làm ngay tại nhà cho bé và cả gia đình thưởng thức. 

Xem thêm: Tự tay làm bánh dứa Đài Loan chua ngọt mịn thơm, ăn rồi nhớ mãi!

4. Những lưu ý cần biết khi cho bé ăn dứa

Các món ăn từ dứa thường được các bé yêu thích vì có vị chua chua ngọt ngọt, nhưng để có thể đảm bảo an toàn sức khỏe cho bé khi ăn dứa, mẹ nên biết một số lưu ý quan trọng sau: 

4.1 Sơ chế kĩ càng

Làm sạch và sơ chế dứa là công đoạn mẹ cần thực hiện thật cẩn thận. Sau khi gọt vỏ và cắt bỏ phần mắt dứa, mẹ nên ngâm dứa trong nước muối khoảng 5 – 10 phút rồi chuyển qua ngâm trong nước lạnh. Kết thúc bước sơ chế này, mẹ mới cho bé ăn trực tiếp hoặc đem chế biến món ăn. 

4.2 Không ăn quá nhiều

Mỗi tuần mẹ nên cho bé ăn dứa từ 1 – 2 bữa, mỗi bữa chỉ dùng tối đa 1/4 trái. Khi bé ăn quá nhiều sẽ gặp phải tình trạng ngứa rát miệng do hoạt chất glucosides trong dứa gây ra. 

4.3 Không ăn khi có dấu hiệu dị ứng

Dứa là thức quả có chứa hydrolase protein – yếu tố dẫn tới các phản ứng dị ứng. Vì vậy, nếu nhận thấy bất cứ dấu hiện nổi ban đỏ, ngứa ngáy và khó thở ở trẻ thì cần tạm ngừng cho bé sử dụng dứa. 

Vậy là thực đơn ăn dặm của các bé sẽ trở nên đa dạng và phong phú hơn nhờ các món ăn thơm ngon từ dứa. Song để sức khỏe của con bị ảnh hưởng bởi các tác dụng phụ, mẹ hãy nhớ áp dụng các lưu ý dùng an toàn trong bài viết nhé. 

🔴 Theo dõi chương trình Bé Khỏe Nhà Vui để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các vấn đề liên quan đến mẹ và bé vào lúc 12h15 - 13h00 chủ nhật hàng tuần trên kênh FM 99.9 MHz.

Radio VOH: radio.voh.com.vn/be-khoe-nha-vui-733.html

Youtubeyoutube.com/c/NhipSongKhoeVOH

Fanpage Facebookfb.com/MeVaBeVOH/

Group thảo luận kín: fb.com/groups/mevabevoh

Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩbit.ly/mevabevoh