Tiêm thuốc kích trứng và những nguy cơ tiềm ẩn phía sau

(VOH) - Tiêm thuốc kích trứng là một trong những biện pháp hỗ trợ sinh sản cho các trường hợp vô sinh hiếm muộn. Nhưng trước khi muốn thực hiện phương pháp này, chị em cần phải biết những điều sau.

1. Tiêm thuốc kích trứng là gì?

Tiêm thuốc kích trứng (hay còn gọi là Gonadotropin) là phương pháp sử dụng các loại thuốc nội tiết tiêm vào cơ thể để giúp trứng phát triển đến trưởng thành và chín, rụng. Sau khi nang trứng trưởng thành, đủ kích thước, bác sĩ sẽ tiêm hCG để giúp trứng rụng (thuốc tiêm kích trứng khi tiêm vào người phụ nữ không có khả năng làm rụng trứng tự nhiên).

Phương pháp này được sử dụng trong những trường hợp phụ nữ bị hội chứng đa nang buồng trứng, những người có nang noãn không phát triển hoặc thường xuyên không rụng trứng. Đặc biệt, tiêm thuốc kích trứng là một bước quan trọng của quá trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hoặc bơm tinh trùng vào tử cung (IUI).

1.1 Tiêm kích thích trứng trong IVF  (thụ tinh trong ống nghiệm)

Vào ngày thứ 2 của chu kỳ kinh, nếu tình trạng sức khỏe của người vợ thuận lợi, bác sĩ sẽ tiến hành tiêm kích thích buồng trứng. Thời gian điều trị, loại thuốc kích thích trứng thay đổi tùy từng phác đồ.

Thường những trường hợp đáp ứng kém với thuốc kích trứng dạng uống sẽ được chỉ định dùng thuốc kích trứng dạng tiêm. Thời gian kích thích trứng tùy thuộc vào từng bệnh nhân nhưng dao động từ 10 - 12 ngày.

Trong thời gian kích thích trứng, bác sĩ sẽ theo dõi nang trứng bằng cách siêu âm nang noãn và xét nghiệm máu từ đó điều chỉnh thuốc tùy vào đáp ứng của mỗi bệnh nhân.

Khi đã có được số lượng nang trứng đạt yêu cầu, bác sĩ sẽ tiến hành tiêm một mũi HCG để kích thích trứng rụng. Khoảng 24 giờ đến 36 giờ sau khi tiêm hCG, bước chọc hút trứng sẽ được tiến hành để lấy các trứng đạt yêu cầu từ cơ thể người phụ nữ ra, sau đó tiến hành thụ tinh với tinh trùng của chồng trong môi trường ống nghiệm.

tiem-thuoc-kich-trung-va-nhung-nguy-co-tiem-an-phia-sau-voh

Tiêm thuốc kích trứng là biện pháp hỗ trợ cho những trường hợp hiếm muộn (Nguồn: Internet)

1.2 Tiêm thuốc kích trứng trong IUI (bơm tinh trùng vào qua cổ tử cung)

Đây là phương pháp được áp dụng cho những phụ nữ bị rối loạn phóng noãn. Ở những người này, cần ít nhất một nang trưởng thành có phóng noãn để đạt được kết quả mong muốn.

Đối với trường hợp kích thích trứng trong IUI, có 3 phác đồ kích thích buồng trứng đó là: phát đồ ngắn, phát đồ tăng liều dần và phát đồ giảm liều dần. Sau khi được tiêm thuốc kích trứng bác sĩ cũng sẽ theo dõi nang noãn bằng phương pháp siêu âm. Khi nang noãn đạt được kích thước phù hợp, bác sĩ sẽ bơm tinh trùng vào sau khi đã tiêm hCG.

Việc chọn lựa phác đồ kích thích trứng trong IUI sẽ được các bác sĩ chỉ định vì cần phù hợp để cho số nang có thể giải phóng noãn không quá nhiều nhằm hạn chế các biến chứng.

Việc tiêm thuốc thuốc kích trứng điều trị hiếm muộn có tỷ lên thành công là 60%, nhưng vẫn có những trường hợp không thành công. Sau khi tiêm thuốc kích trứng từ 3 – 6 tháng mà không có hiệu quả, chị em nên để buồng trứng ‘nghỉ ngơi’ một vài chu kỳ nhằm tránh tình trạng suy buồng trứng.

2. Quá trình tiêm thuốc kích trứng nên ăn gì, kiêng gì?

Có rất nhiều kinh nghiệm về ăn uống sau khi tiêm thuốc kích trứng như: người vợ cần uống sữa đậu nành, ăn nhiều , sầu riêng, trứng gà, sữa ong chúa... Tuy nhiên, theo các chuyên gia về vô sinh hiếm muộn, điều quan trọng nhất vẫn là ăn uống đa dạng, khoa học để đảm bảo sức khỏe.

Những nguyên tắc dinh dưỡng lành mạnh chị em nên nhớ:

  • Uống đủ nước mỗi ngày
  • Ăn nhiều về số lượng và đa dạng về chủng loại trái cây
  • Ăn nhiều cá, dầu thực vật, các loại hạt.
  • Hạn chế ăn chất béo động vật, chất béo chuyển hóa trong đồ ăn nhanh, các thực phẩm chiên rán...
  • Hạn chế thức ăn chế biến sẵn, thức ăn đóng hộp, thức ăn chứa nhiều chất phụ gia, chất bảo quản.
  • Không hút thuốc, uống rượu, trà, cà phê.

3. Tiêm thuốc kích trứng nhiều có hại không?

Các loại thuốc kích trứng không kích thích sự phát phát triển của một nang trứng cụ thể mà là hàng loạt nang trứng. Khi lượng hormone quá lớn được tiêm vào cơ thể sẽ có thể gây quá kích, khiến buồng trứng bị sưng đau (Hội chứng quá kích buồng trứng).

Chị em sẽ nhanh chóng phát hiện ra "hội chứng quá kích buồng trứng" khi thấy cơ thể có những dấu hiệu như:

  • Đau bụng lâm râm hoặc đau quặn vùng bụng dưới
  • Bụng to lên
  • Buồn nôn hoặc nôn nhiều
  • Tiêu chảy
  • Khó thở, tụt huyết áp, nhịp tim đập nhanh
  • Tăng cân nhẹ hoặc tăng cân nhanh chóng.

Các triệu chứng của hội chứng quá kích buồng trứng thường bắt đầu trong vòng 10 ngày sau khi tiêm thuốc (nếu có). Các triệu chứng có thể xuất hiện từ nhẹ, vừa đến nặng. Nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm cho tính mạng.

tiem-thuoc-kich-trung-va-nhung-nguy-co-tiem-an-phia-sau-1-voh

Phụ nữ tiêm thuốc kích trứng sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, khi sử dụng biện pháp tiêm thuốc kích trứng chị em cũng có thể sẽ phải đối mặt với các biến chứng như: chảy máu âm đạo, đau trong âm đạo. Có thể gây ra hội chứng buồng trứng đa nang, teo buồng trứng, suy buồng trứng, thậm chí là là ung thư buồng trứng.

Bên cạnh đó, tiêm thuốc kích trứng còn làm tăng nguy cơ đa thai và có thể gây vô sinh do hết nang trứng nguyên thủy…

4. Lời khuyên bác sĩ

Biện pháp tiêm thuốc kích thích trứng là một hành trình đòi hỏi nhiều sự kiên nhẫn, thời gian và quyết tâm lớn. Không chỉ vài lần tiêm là phụ nữ bị hiếm muộn có thể mang thai dễ dàng mà thậm chí còn gây nhiều nguy hiểm cho sức khỏe nếu tiêm thuốc kích trứng nhiều lần.

Vì thế, tốt nhất chị em nên đến các cơ sở y tế điều trị hiếm muộn, vô sinh có uy tín chất lượng để được khám và tư vấn kỹ trước khi áp dụng phương pháp tiêm thuốc kích thích trứng hay bất kỳ phương pháp nào khác trong điều trị vô sinh, hiếm muộn.

Đồng thời, chị em cần có sự chuẩn bị tốt cho sức khỏe và tâm lý ổn định, tìm hiểu thông tin và chi phí điều trị để chuẩn bị tài chính cũng như sắp xếp thời gian phù hợp với việc điều trị. Trong quá trình điều trị cũng cần có sự theo dõi kỹ càng từ bác sĩ để tránh những biến chứng không mong muốn.