Hầu hết trẻ 6 tháng tuổi đều sẽ bước vào thời kỳ ăn dặm và làm quen với các thức ăn khác ngoài sữa mẹ. Tuy nhiên, trẻ trong độ tuổi ăn dặm thường hay gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe, một trong số đó chính là tình trạng trẻ bị tiêu chảy.
1. Nguyên nhân khiến bé ăn dặm bị tiêu chảy
Trẻ ăn dặm đi ngoài nhiều lần, đi ngoài phân lỏng và lượng phân nhiều hơn bình thường là những dấu hiệu cho thấy bé có thể đang bị tiêu chảy. Nguyên nhân khiến trẻ bị tiêu chảy trong giai đoạn này có chủ yếu là do:
1.1 Ăn dặm quá sớm
Trẻ ăn dặm trước 6 tháng tuổi được xem là ăn dặm sớm. Vào thời điểm này, hệ tiêu hóa của một số trẻ vẫn chưa hoàn thiện và chưa kịp thích nghi với những loại thức ăn mới, dẫn đến rối loạn hấp thu và gây tiêu chảy.
Xem thêm: Trẻ mấy tháng ăn dặm? Chế độ ăn dặm tốt cho trẻ mẹ nên biết
1.2 Chế độ ăn không hợp lý
Ở tuổi ăn dặm, một số loại men tiêu hóa và dịch tiêu hóa còn ít, đặc biệt là chưa có men Amylase để tiêu hóa tinh bột. Vì thế, nếu cho trẻ ăn dặm với chế độ ăn không hợp lý sẽ khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa và tiêu chảy, với các biểu hiện là đầy bụng, đi ngoài phân sống, có mùi chua...
1.3 Ăn dặm sai cách
Theo các nguyên tắc cho trẻ ăn dặm, thức ăn dặm của trẻ 6 tháng tuổi phải chế biến từ loãng đến đặc, từ ít đến nhiều. Tuy nhiên, nếu mẹ không nắm rõ điều này, cho trẻ ăn sai nguyên tắc sẽ khiến trẻ gặp phải các vấn đề bất ổn khi tiêu hóa thức ăn, trong đó có vấn đề bị tiêu chảy.
1.4 Nguyên nhân khác
Một số nguyên nhân khác cũng có thể khiến trẻ ăn dặm bị tiêu chảy là;
- Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm không được đảm bảo.
- Mẹ chế biến món ăn dặm cho trẻ không khoa học.
- Thức ăn bị nhiễm khuẩn, ôi thiu, hoặc để lâu trong tủ lạnh....
2. Trẻ ăn dặm bị tiêu chảy có đáng lo ngại không ?
Khi trẻ ăn dặm mà bị đi ngoài nhiều lần nhưng cân nặng của bé vẫn tăng, tiến triển đều đặn thì không đáng lo ngại hay nghiêm trọng gì cả. Do mới bắt đầu ăn dặm nên hệ tiêu hóa của bé cần phải thích nghi, đường ruột của bé bị kích ứng do chưa thể tiêu hóa được hết lượng đường có trong sữa hay thức ăn dặm của bé.
Đối với những trường hợp bé đi ngoài có phân nhầy, chua, đi nhiều lần và có dấu hiệu sút cân, mệt mỏi, thời gian đi ngoài khá lâu thì bé có thể đã bị tiêu chảy. Nguyên nhân có thể do không đảm bảo vệ sinh, đồ ăn hay chất dinh dưỡng không phù hợp với bé, mẹ cho bé ăn quá nhiều,...
Tình trạng bé ăn dặm bị tiêu chảy là vấn đề thường gặp của trẻ trong giai đoạn đầu đời, vì thế mẹ bé cần phải quan sát, chăm sóc bé để biết xem thử trường hợp nào là nghiêm trọng và trường hợp nào là bình thường. Khi bé bị tiêu chảy đi ngoài nhiều lần thì ba mẹ nên dẫn bé đi khám và điều trị ngay kịp thời.
3. Bé ăn dặm đi ngoài như thế nào là bình thường ?
Việc bé ăn dặm mà đi ngoài là chuyện bình thường vì trong giai đoạn bắt đầu tập ăn uống bé cần phải thích nghi và tập dần thói quen mới.
Ở giai đoạn này bé sẽ đi ngoài từ 1 - 3 lần trong ngày với lượng phân nhiều hơn so với lúc chỉ bú sữa. Để biết phân đi ngoài của bé có bình thường hay không thì mẹ bé nên chú ý đến màu sắc của phân. Khi phân có màu xanh hoặc vàng kèm theo mùi chua thì đó là bình thường.
Còn khi thấy phân có các dấu hiệu sau thì mẹ bé cần theo dõi kỹ:
- Bé đi ngoài phân lỏng, toàn nước và đi nhiều lần trong 1 ngày.
- Bé bị sốt, quấy khóc và bỏ ăn.
- Trẻ đi ngoài có chất nhầy, mùi tanh và có thể có phân sống do thức ăn chưa được tiêu hóa kỹ.
- Phân có mùi máu và chua.
4. Phòng ngừa tiêu chảy cho trẻ trong độ tuổi ăn dặm bằng cách nào?
Đối với những trẻ ăn dặm bị tiêu chảy do thức ăn hoăc do chế độ ăn chưa phù hợp thì mẹ nên điều chỉnh lại dinh dưỡng cho phù hợp với độ tuổi và nhu cầu của bé.
Giữ vệ sinh an toàn thực phẩm trong khâu sơ chế và nấu nướng thực phẩm cho trẻ. Luôn cho trẻ ăn các món món mới, không để quá lâu ở môi trường bên ngoài.
Cho trẻ ăn dặm đúng cách, đảm bảo đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng: chất bột đường, chất đạm, béo, vitamin và khoáng chất.
Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng các loại men vi sinh để bổ sung lợi khuẩn, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, khắc phục tình trạng trẻ bị tiêu chảy, đi ngoài nhiều lần.
5. Nên làm gì khi trẻ ăn dặm bị tiêu chảy ?
5.1 Trẻ ăn dặm bị tiêu chảy nên ăn gì ?
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ ăn dặm bị tiêu chảy cần phải được duy trì và đảm bảo đủ dinh dưỡng. Tuy nhiên, nếu trẻ mới bắt đầu tập ăn dặm mẹ không nên cho trẻ ăn quá nhiều tinh bột nếu không sẽ không tiêu hóa hết. Cần trẻ ăn các loại sau:
- Nếu trẻ ăn bột, bột cần được nấu thật kỹ và cho một lượng nước khoảng 200ml để bột được thủy phân trong nước.
- Các loại thực phẩm nên được chế biến mềm, nghiền nhỏ để dễ tiêu hóa.
- Cho trẻ ăn đa dạng và và đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng (đường bột, đạm béo, vitamin và khoáng chất).
- Bổ sung những thực phẩm giàu năng lượng sau khi bé hết bị tiêu chảy để giúp bụng ổn định.
- Bổ sung thêm men vi sinh để tốt cho hệ đường ruột của bé.
5.2 Bé ăn dặm bị tiêu chảy nên kiêng gì ?
Để tốt cho sức khỏe của bé, khi có tình trạng bị tiêu chảy sau khi ăn dặm thì bé cần phải kiêng những thứ sau:
- Giảm lượng sữa chứa đường lactose, sữa động vật trong khẩu phần ăn dặm của bé.
- Không nên cho bé ăn những thực phẩm chứa nhiều chất béo, đường hoặc nước giải khát công nghiệp vì sẽ dễ làm tăng tình trạng tiêu chảy của bé.
- Không nên ép trẻ ăn quá nhiều trong 1 bữa mà nên cho trẻ ăn theo đúng nhu cầu, mong muốn của bé trong ngày.
- Khi bắt đầu ăn dặm thì nên hạn chế cho bé ăn nhiều thực phẩm giàu tinh bột vì sẽ làm bé chậm tiêu hóa hết.
- Không nên tự ý dùng các thuốc đi ngoài nếu không có ý kiến của bác sĩ.
Ngoài những vấn đề trên thì khi cho trẻ bắt đầu ăn dặm thì cũng cần vệ sinh đồ dùng cho bé ăn dặm, lựa chọn kỹ lưỡng những thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa và bổ sung, đa dạng các loại thực phẩm, chất dinh dưỡng cho bé.
Như vậy trẻ trong độ tuổi ăn dặm rất dễ gặp phải tình trạng tiêu chảy cũng như nhiều vấn đề khác. Chính vì thế, trước khi con bước vào độ tuổi ăn dặm, mẹ nên tìm hiểu kỹ về các phương pháp ăn dặm cùng cách thức nấu ăn để đảm bảo an toàn cho sức khỏe cho con.