100 câu ca dao, tục ngữ về Hà Nội – mảnh đất nghìn năm văn hiến

VOH – Cùng với sự thăng trầm của lịch sử, những câu ca dao, tục ngữ về Hà Nội vẫn luôn được lưu truyền và là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn biết bao thế hệ.

Ca dao, tục ngữ về Hà Nội không chỉ phản ánh cảnh sắc, cuộc sống, tính cách con người… mà còn là nơi lưu giữ lịch sử, văn hóa của mảnh đất nghìn năm văn hiến. Kho tàng quý giá này được truyền từ đời này sang đời khác và góp phần không nhỏ trong việc tạo nên bản sắc dân tộc.

Tục ngữ, ca dao về Hà Nội đất và người

Có thể nói, những câu ca dao, tục ngữ về Hà Nội là một bức tranh thu nhỏ phản ánh đầy đủ tính cách, lối sống, phong tục tập quán… của người Hà thành xưa. Chúng được truyền từ đời này sang đời khác và đồng hành với từng thời đại lịch sử.

  1. Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.

  1. Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ,

Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn.

Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn,

Hỏi ai gây dựng nên non nước này?

  1. Nhác trông lên chốn kinh đô

Kìa đền Quán Thánh, nọ hồ Hoàn Gươm.

  1. Hồ Gươm in bóng Tháp Rùa

Ánh đèn soi tỏ mái chùa Ngọc Sơn.

  1. Trên Chùa đã động tiếng chuông,

Gà Thọ Xương đã gáy, chim trên nguồn đã kêu.

  1. Nhất cao là núi Ba Vì,

Nhất lịch, nhất sắc kinh kỳ Thăng Long.

  1. Thứ nhất là hội Cổ Loa,

Thứ nhì hội Gióng, thứ ba hội Tràm.

  1. Ai về thăm xóm Lò Nồi

Mà xem cái bát sáng ngời nước men.

  1. Tam Sơn chảy xuống ba Hà

Qua đình Hà Thượng chảy ra Cánh Hòm.

  1. Mồng bảy rước hội Quán La

Mồng mười hội Gạ kéo qua làng Sù.

  1. Đồng xanh sông Nhị chạy dài

Mây quang non Tản chiếu ngời Thăng Long.

  1. Nhất cao là núi Ba Vì,

Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn.

  1. Ai ơi mồng chín tháng tư

Không đi hội Gióng cũng hư mất đời.

  1. Tháp Bút, nghiên mực còn đây

Cầu cong Thê Húc tháng ngày chẳng phai.

  1. Ai về Yên Xá thì về,

Có ao tắm mát có nghề thêu ren.

  1. Bao giờ hết chủ Hồ Tây,

Vét sông Tô Lịch có ngày ấm no.

  1. Cổ Loa là đất đế kinh,

Trông ra lại thấy tòa thành tiên xây.

  1. Long Thành bao quản nắng mưa,

Cửa ô Quan Chưởng bây giờ là đây.

  1. Sù, Gạ thì giỏi chăn tằm,

Làng La canh cửi, làng Đăm bơi thuyền.

ca-dao-tuc-ngu-ha-noi-voh
 
  1. Mực cầu Cậy, giấy làng Hồ
  2. Giai Ngõ Trạm, gái Tạm Thương
  3. Đào Nhật Tân, phân Cổ Nhuế
  4. Kẻ cắp chợ Đồng Xuân
  5. Diêm Quả Đào, thuốc lào làng Nhót
  6. Một chọi một lên cột đồng hồ
  7. Bát Tràng làm bát

Kiêu Kỵ lát vàng

  1. Ổi Quảng Bá, cá hồ Tây

Hàng Đào tơ lụa làm say lòng người.

  1. Đẹp nhất con gái làng Tranh

Chua ngoa làng Nhót, ba vành Kẻ Om.

  1. Thanh niên Cổ Nhuế xin thề

Chưa đầy hai sọt chưa về quê hương.

  1. Ngày rằm đi chợ mua hoa

Phải chờ thấy gánh Ngọc Hà mới mua.

  1. Muốn ăn cơm trắng cá trê

Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông.

  1. Lụa này thật lụa Cổ Đô

Chính tông lụa cống các cô ưa dùng.

  1. Làm thân con gái Lại Đà,

Sáng mồng ba Tết đã sà xuống ao.

  1. Phiên rằm chợ chính Yên Quang

Yêu hoa anh đợi hoa nàng mới mua.

  1. Những người lử khử lừ khừ

Không ở Đại Từ cũng ở Vũ Ninh.

  1. Con gái ở trại Hàng Hoa

Ăn cơm nửa bữa ngủ nhà nửa đêm.

  1. Đông Đồ là Đông Đồ Đoài

Ăn cơm thì ít, ăn khoai thì nhiều.

  1. Trai kén vợ giữa chợ Đồng Xuân

Gái kén chồng giữa phường Quần Ngựa.

  1. Dù ai giàu có hiển vinh

Cũng khó lấy được gái trinh Láng làng.

ca-dao-tuc-ngu-ha-noi-hay-voh
 
  1. Lĩnh hoa Yên Thái

Đồ gốm Bát Tràng

Thợ Vàng Định Công

Thợ đồng Ngũ Xã

  1. Chẳng thanh cũng thể hoa mai

Chẳng lịch cũng thể con người Thượng Kinh

Chẳng chua cũng thể là chanh

Chẳng ngọt cũng thể cam sành chín cây.

  1. Thăng Long, Hà Nội đô thành,

Nước non ai vẽ nên tranh họa đồ.

Cố đô rồi lại tân đô,

Nghìn năm văn vật bây giờ vẫn đây.

  1.   Gió đưa cành trúc la đà,

Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương.

Mịt mù khói tỏa ngàn sương,

Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.

  1. Ta lên Hà Nội tìm mình,

Trầu cau tiếp đãi thân tình biết bao.

Chân đi miệng lại khấn cầu,

Lạy giời phù hộ gặp nhau phen này.

  1. Thành Hà Nội năm cửa chàng ơi,

Sông Nhị nước chảy phân đôi một dòng.

Đôi ta chua ngọt đã từng,

Thành cao, sóng mạnh cũng xin đừng quên ai.

  1. Ai về đến huyện Đông Anh,

Ghé xem phong cảnh Loa Thành Thục Vương.

Cổ Loa hình ốc khác thường,

Trải qua năm tháng, nẻo đường còn đây.

  1. Ai về Khương Hạ, Đình Gừng,

Dưa chua, cà muối, xin đừng quên nhau.

Dù ai buôn đâu bán đâu,

Cũng không bỏ được cống Ngâu chợ Chùa.

  1. Anh về Hạ Thái, Đông Phù,

Ghé vô Bình Vọng thì cho em về.

Xa xôi đường sá chẳng nề,

Yêu anh tài sắc vì nghề thợ sơn.

  1. Đợi ngày hăm ba tháng ba,

Dân trại ta vượt Nhị Hà thăm quê.

Kinh quán, cựu quán đề huề,

Hồ Tây cá nhẩy đi về trong mây.

  1. Làng tôi có lũy tre xanh,

Có sông Tô Lịch uốn quanh xóm làng.

Bên bờ vải nhãn hai hàng,

Dưới sông cá lội từng đàn tung tăng.

  1. Trên Tràng Thi, dưới lại Tràng Thi,

Ai đem nhân ngãi tôi đi đằng nào?

Trên Hàng Đào, dưới lại Hàng Đào,

Ai đem nhân ngãi tôi vào Tràng Thi.

  1. Hỡi cô thắt lưng bao xanh,

Có về Vạn Phúc với anh thì về.

Vạn Phúc có cội cây đề,

Có sông uốn khúc, có nghề quay tơ.

  1. Kể chơi một huyện Thanh Trì

Mọc thì gạo xáo, Láng thì trồng rau

Đình Gừng bán cá đội đầu

Định Công đan gối, Lủ Cầu bánh trong.

  1. Ngày ngày ra đứng cửa chùa

Trông lên Kẻ Chợ mà mua lấy sầu

Chợ Cót có bốn cái cầu

Để cho làng xóm mua rau, bán hàng.

  1. Trên đê Cố Ngự, nhớ chữ đồng tâm

Hỡi cô đội nón ba tầm

Có về Yên Phụ hôm rằm lại sang

Phiên rằm chợ chính Yên Quang

Yêu hoa, anh đợi hoa nàng mới mua.

ca-dao-tuc-ngu-ve-ha-noi-voh
 
  1. Năm trai năm gái là mười

Năm dâu năm rể là đôi mươi tròn

Hai bên phụ mẫu song toàn

Rồi ra kéo được trâu vàng Hồ Tây.

  1. Làng Mui thì bán củi đồng

Nam Dư mía mật giàu lòng ăn chơi

Thanh Trì buôn bán mọi nơi

Đồng Nhân, Thúy Ái là nơi chăn tằm

Làng Mơ thì bán rượu tăm

Sở Lờ cua ốc quanh năm đủ đời.

  1. Em là con gái Tạm Thương

Dù không cày cấy, lương vàng cũng có một đôi quây

Ghét cho miệng thế đặt bày

Moi gan móc ruột khéo lựa điều này tiếng kia.

  1. Lấy chồng Hòe Thị nhọc nhằn

Ngày mỏi quai búa, đêm nằm đau lưng

Lấy anh ăn trắng mặc trơn

Quai búa anh nhận, sướng hơn vợ người.

  1. Em là con gái nhà giàu

Cơm cha, áo mẹ, chạy tàu đi chơi

Gia Lâm, Phú Thị chàng ơi

Đình Dù là chốn ăn chơi ra vào

Lạc Đạo cho tới Xuân Đào

Trong ba ga ấy em vào cả ba.

  1. Ai về Giáp Nhị năm xưa

Chê ao thối đặc, chê mưa ngập làng

Chê nhà mái dột, vách tàn

Chê lúa mọc mậm đầu làng, cuối thôn

Giờ về Giáp Nhị một hôm

Khen rau muống tốt nhiều hơn lá rừng

Khen ao lắm cá vẫy vùng

Khen nhà ngói đỏ như vung Hàng Nồi.

  1. Anh giai Ngõ Trạm phải hèn

Phường trên ngõ dưới biết tên những ngày

Duyên lành chắp mối đấy đây

Tạm Thương cô Choắt một tay chẳng vừa

Sớm cùng phận đẹp duyên ưa

Ông Tơ bà Nguyệt dắt đưa nên gần.

  1. Chợ Hàng Dầu một tháng sáu phiên

Gặp cô hàng xén kết duyên vừa rồi

Cái gánh hàng đây những quế cùng hồi

Có mẹt bồ kết, có nồi phèn chua

Bó hương thơm xếp để bên bồ

Trần bì, cam thảo, sài hồ, hoàng liên

Hàng em đáng giá bao nhiêu tiền?

Để ta xếp vốn ta liền buôn chung

Buôn chung, ta lại bán chung

Được bao nhiêu lãi, ta cùng chia nhau.

  1. Vui nhất là chợ Đồng Xuân

Mùa nào thức ấy xa gần bán mua

Cổng chợ có anh hàng dừa

Hàng cau, hàng quýt, hàng mơ, hàng đào

Xăm xăm anh mới bước vào

Thấy anh hàng thuốc hút vào say sưa

Nứt nẻ thì anh hàng na

Chua chát hàng sấu, ngọt nga hàng đường

Thơm ngát thì chị hàng hương

Tanh ngắt hàng cá, phô trương hàng vàng

Xộc xệch thì anh hàng giang

Cả rổ lẫn thúng, cả sàng lẫn nia

Sọ sẹ thì anh hàng thìa

Cả bát lẫn đĩa nhiều bề ung dung

Đỏ đon thì anh hàng hồng

Thanh yên, phật thủ, bưởi bòng kể chi

Trống quân vận chẳng ra gì

Mỗi người một vẻ ai thì kém ai

Trông lên thấy dãy hàng chai

Có một chú khách trọc đầu trắng răng

Ai ơi khéo nói đãi đằng

Hàng ốc, hàng ếch, hàng xăng, hàng quà

Trông lên thấy dãy hàng cà

Bánh đúc, bánh đậu, bánh đa, xôi vò

Trông lên thấy dãy thịt bò

Chú bồi, chú khách đợi chờ bán mua

Trông lên thấy dãy hàng cua

Em xách một giỏ, anh mua mấy hào

Trông lên dãy phố Hàng Đào

Miệng chào hớn hở anh vào cùng em.

  1. Vừa nghe tàu điện rung chuông,

Leng keng đánh thức màn sương Tây Hồ.

Đường vui rộn bánh xe bò,

Lao xao Yên Phụ tiếng hò gọi nhau.

Hỏi mình: Chuyên chở về đâu,

Ngụy trang xanh ngắt một màu thế kia?

Rằng: Rau Quảng Bá đây mà,

Rau vào xí nghiệp, rau ra chiến trường.

Rau tình, rau nghĩa quê hương,

Lại đây, đẩy một đoạn đường hộ rau.

  1. Sông Tô mấy khúc uốn vào,

Ấy là có lắm anh hào ở trong.

Sông Tô một dải lượn vòng,

Ấy nơi liệt nữ anh hùng giáng sinh.

Sông Hồng một khúc uốn quanh,

Văn nhân tài tử lừng danh trong ngoài.

  1. Hỡi cô thắt lưng bao xanh,

Có về Kẻ Bưởi với anh thì về.

Làng anh có ruộng tứ bề,

Có hồ tắm mát, có nghề quay tơ.

Quay tơ ra mắc ra mành,

Mắc thời mắc cửi còn mành đan ngang.

Mốt son anh dệt đầu hàng,

Mốt cục đem bán cho nàng Kẻ Đơ.

  1. Kẻ Dầu có quán Đình Thành,

Kẻ Hạc ta có Ba Đình, Ba Voi.

Mười tám cất thuyền xuống bơi,

Mười chín giã bánh, hai mươi rước thần.

  1. Sông Tô nước chảy quanh co,

Cầu Đông sương sớm, quán Giò trăng khuya.

Buồn tình vừa lúc phân chia,

Tiếng ai như đã bên kia hẹn hò.

ca-dao-ha-noi-voh
 
  1. Nước sông Tô vừa trong vừa mát,

Anh ghé thuyền anh cho sát thuyền em.

Dừng chèo muốn ngỏ đôi tình,

Sông bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu.

  1. Ai đi trẩy hội chùa Hương,

Làm ơn gặp khách thập phương hỏi giùm.

Mớ rau sắng, quả mơ non,

Mơ chua sắng ngọt, biết còn thương chăng?

  1. Giếng Ngọc Hà vừa trong vừa mát,

Vườn Ngọc Hà thơm ngát gần xa.

Hỏi người xách nước tưới hoa,

Có cho ai được vào ra chốn này?

  1. Ngày Xuân cái én xôn xao,

Con công cái bán ra vào chùa Hương.

Chim đón lối, vượn đưa đường,

Nam mô đức Phật bốn phương chùa này.

  1. Xem kìa Yên Thái như kia,

Giếng sâu chín trượng, nước thì trong xanh.

Đầu chợ Bưởi điếm cầm canh,

Người đi kẻ lại như tranh họa đồ.

Cổng chợ có miếu vua cha,

Đường cái chính xứ lên chùa Thiên Niên.

  1. Yên Thái có giếng trong xanh,

Có đôi cá sấu ngồi canh đầu làng.

Ai qua nhắn nhủ cô nàng,

Yêu nhau xin chớ phũ phàng đổi thay.

  1. Biết nhà cô ở đâu đây,

Hỡi trăng Tô Lịch, hỡi mây Tây Hồ.

Mình đi có nhớ kinh đô,

Nhớ trăng Tô Lịch, nhớ Hồ Gươm trong.

  1. Ai về Hà Nội ngược nước Hồng Hà,

Buồm dong ba ngọn vui đà nên vui,

Đường về xứ Lạng mù xa,

Có về Hà Nội với ta thì về.

Đường thủy thì tiện thuyền bè,

Đường bộ cứ bến Bồ Đề mà sang.

  1. Hỡi cô mà thắt bao xanh,

Có về Kim Lũ với anh thì về.

Kim Lũ có hai cây đề,

Cây cao bóng mát gần kề đôi ta.

Tình sâu không quản đường xa,

Nhà anh cao rộng, cũng là nhà em.

Nhà anh có con sông êm,

Cho em tắm mát giữa đêm mùa hè.

  1. Trên trời có một ông sao,

Chỗ quang chẳng mọc mọc vào đám mây.

Nước Hồ Tây biết bao giờ cạn,

Nhị vườn đào biết vạn nào hoa.

Đưa nhau một quãng đường xa,

Hỏi thăm anh Tú có nhà Cửa Nam.

  1. Sông Tô một giải lượn vòng

Ấy nơi liệt sĩ anh hùng giáng sinh

Sông Hồng một khúc uốn quanh

Văn nhân tài tử lừng danh trong ngoài.

  1. Hà Nội là trái tim ta,

Trái tim đất nước, gần xa giữ gìn.

Mày mà đụng đến trái tim,

Sóng căm thù sẽ nhận chìm mày ngay.

Đã chôn hăm mốt máy bay,

Vẫn còn sẵn hố đợi mày ở đây.

  1. Hà Nội năm cửa chàng ơi,

Sông Lục Đầu sáu ngọn chảy xuôi thuận dòng.

Sông Thương bên đục bên trong,

Núi Tản thắt cổ bồng có đức thánh sinh.

Đền Sòng thiêng nhất tỉnh Thanh,

Đền Hùng Phú Thọ nước biếc non xanh hữu tình.

Hội Gióng xứ Bắc linh đình,

Chùa Đọi Phủ Lý rành rành còn bia.

  1. Hà Nội như động tiên sa,

Sáu giờ mới hết đèn xa, đèn gần.

Vui nhất là chợ Đồng Xuân,

Thứ gì cũng có xa gần bán mua.

Giữa chợ có anh hàng dừa,

Hàng cam, hàng quýt, hàng dưa, hàng hồng.

Chả tin đứng lại mà trông,

Hàng vóc, hàng nhiễu thong dong rượp rà.

Cổng chợ có chị hàng hoa,

Có người đổi bạc chạy ra chạy vào.

Lại thêm súc sắc bán rao,

Lại thêm kẹo đạn, miến xào, bún bung.

Lại thêm bánh rán, kẹo vừng,

Đàng trước bán chả, sau lưng bán giò.

Ăn vào chuyện nhỏ, chuyện to,

Lại thêm chú khách bánh bò đi rao.

Xăm xăm khi mới bước vào,

Hàng tôm, hàng tép, xôn xao rề rề.

Thanh nhất là chị hàng lê,

Loạc quạc hàng vịt, tò te hàng gà.

Nứt nở như chị hàng na,

Chua chát hàng khế, ngọt nga hàng đường.

Thơm ngát là chị hàng hương,

Tanh ngắt hàng cá, phô trương hàng vàng.

Lôi thôi là chị hàng dang,

Vừa đan, vừa bán cả sàng lẫn nia.

Trề môi như chị hàng thìa,

Vừa bát, vừa đĩa, nhiều bề thong dong.

Đỏ đon như chị hàng hồng,

Hàng cam, hàng quýt, bưởi, hồng, thiếu chi.

Trống quân hát chả ra gì,

Mỗi người mỗi vẻ ai thì kém ai.

Lại thêm cạo mặt ngoáy tai,

Lại thêm ngoài chợ có người hoạ tranh.

Rau thơm, rau húng, rau hành,

Mùi, thơm, hẹ, bí, xanh xanh đầy nhà.

Thịt bò, thịt lợn bày ra,

Cà chua, mướp đắng lá đa ngọt thường.

Có người bán lược, bán gương,

Có người bán áo phô trương giãi bày.

Có người bán dép, bán giày,

Có người bán cả dãy bày đồ chơi.

  1. Cầu Long Biên qua trái về phải,

Bãi sông Hồng thoai thoải ngàn dâu.

Qua sông nhớ mấy nhịp cầu,

Được tằm nhờ mấy lứa dâu sông Hồng.

Nhớ công mẹ bón em trông,

Tằm lai tốt giống, dâu trồng tốt phân.

Trăng ngà rải lụa sóng Ngân,

Tơ vàng mượt bóng lụa vân sông Hồng

  1. Bạc màu là đất Đông Anh,

Làm theo lời Bác vẫn xanh ruộng đồng.

Tưng bừng trống giục, cờ giong,

Con mương chống Mỹ, bờ vùng “đảm đang”.

Ai về Dục Tú tham quan,

Khen đây thuỷ lợi gần ngang Phương - Trù.

Ai về thăm Cổ Loa xưa,

Thi đua nuôi lợn giỏi như thôn Nhồi.

Nghìn năm mơ ước đây rồi,

Thay chân giã gạo, thay trời làm mưa.

Điện về, máy chạy sớm trưa,

Mẹ già sáng mắt, con thơ sáng lòng,

Kim Chung, Uy Nỗ, Nam Hồng...

Đôi vai nhẹ gánh, thêm công cày bừa.

Nhớ sao nhớ mãi năm xưa,

Bác về thăm huyện đến giờ chưa quên.

Chưa quên lời hứa - niềm tin,

Đã ghi vào dạ, đã in vào lòng.

Sao cho đồi bãi, ruộng đồng,

Thành vựa thóc lúa, thành rừng cây xanh.

Bạc màu là đất Đông Anh,

Làm theo lời Bác, đất thành tốt tươi.

Vương đầy bụng kén, khắc sâu căm thù.

  1. - Ở đâu năm cửa, nàng ơi?

Sông nào sáu khúc nước chảy xuôi một dòng?

Sông nào bên đục bên trong?

Núi nào thắt cổ bồng mà có thánh sinh?

Đền nào thiêng nhất xứ Thanh?

Ở đâu lại có cái thành tiên xây?

Ở đâu là chín từng mây?

Ở đâu lắm nước, ở đâu nhiễu vàng?

Chùa nào mà lại có hang?

Ở đâu lắm gỗ thời nàng biết không?

Ai mà xin lấy túi đồng?

Ở đâu lại có con sông Ngân Hà?

Nước nào dệt gấm thêu hoa?

Ai mà sinh ra cửa, sinh nhà, nàng ơi?

Kìa ai đội đá vá trời?

Kìa ai trị thuỷ cho đời được yên?

Anh hỏi em trong bấy nhiêu lời

Xin em giảng rõ từng nơi từng người...

  1. - Thành Hà Nội năm cửa, chàng ơi!

Sông Lục Đầu sáu khúc nước chảy xuôi một dòng.

Nước sông Thương bên đục bên trong,

Núi đức thánh Tản thắt cổ bồng mà lại có thánh sinh.

Đền Sòng thiêng nhất tỉnh Thanh,

Ở trên tỉnh Lạng, có thành tiên xây.

Trên trời có chín từng mây,

Dưới sông lắm nước, núi nay lắm vàng.

Chùa Hương Tích mà lại ở hang;

Trên rừng lắm gỗ thời chàng biết không?

Ông Nguyễn Minh Không xin được túi đồng,

Trên trời lại có con sông Ngân Hà.

Nước Tàu dệt gấm thêu hoa;

Ông Hữu Sào sinh ra cửa, ra nhà, chàng ơi!

Bà Nữ Oa đội đá vá trời;

Vua Đại Vũ trị thuỷ cho đời yên vui.

Anh hỏi em trong bấy nhiêu lời,

Em xin giảng rõ từng nơi từng người.

 Những bài ca dao về Hà Nội 36 phố phường

Hà Nội 36 phố phường hay phố cổ Hà Nội là nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa. Trong kho ca dao về Hà Nội, ông cha ta cũng nhắc rất nhiều đến nơi phồn hoa bậc nhất đất Kinh kỳ này.

  1. Hà Nội ba mươi sáu phố phường,

Hàng Mật, Hàng Đường, Hàng Muối trắng tinh.

Từ ngày ta phải lòng mình,

Bác mẹ đi rình đã mấy mươi phen.

Làm quen chẳng được nên quen,

Làm bạn mất bạn, ta liền quên nhau.

  1. Hà Nội ba mươi sáu phố phường,

Tìm em chẳng thấy Hàng Đường, Hàng Ngang.

Tìm em chẳng thấy Hàng Ngang,

Đi sang Hàng Bạc, rẽ sang Hàng Đào.

Tìm em chẳng thấy Hàng Đào,

Anh ra phố Thợ Tiện, rẽ vào Hàng Gai.

Tìm em chẳng thấy Hàng Gai,

Hay là em ở Hàng Hài, Hàng Son.

Tìm em chẳng thấy Hàng Son,

Hay là em ở Hàng Đòn, Hàng Khay.

Tìm em chẳng thấy Hàng Khay,

Sang chùa Quan Thượng rẽ ngay Hàng Bè.

Tìm em chẳng thấy Hàng Bè,

Kìa lên Bến Bạc, Hàng Tre, Cội Đồng.

Lại lên Bến Mắm mà trông,

Kìa Ô Quan Chưởng, Cầu Đông, Hàng Đường.

Đồng giọt, sau chùa Thái Cam,

Hàng Thớt lao màn.

Hàng Ngỗng, Hàng Ngan, Hàng Gà,

Trở về Hàng Nón, Hàng Da, Hàng Giày.

Hàng Buồm, Hàng Mã, Hàng Mây,

Hôm qua là chín, hôm nay là mười.

Lòng anh dở khóc dở cười,

Đêm đêm tơ tưởng một người tình nhân.

Tìm xa rồi lại tìm gần,

Tìm hết Nhà Hoả, bãi Nghênh Xuân, Hàng Lờ.

Tìm em chẳng thấy Hàng Lờ,

Đi ra Hậu Giám chơ vơ ngoài thành.

Đồn rằng em ở Cầu Canh,

Anh ra Cầu Giấy thanh danh vui cười.

Đi đâu có một đôi người,

Đi thì lặn suối qua đồi trèo đê.

Một thôi cho đến bến Phùng,

Hỏi thăm cậu mợ đùng đùng chạy ngay.

  1. Hà Thành là chốn kinh đô,

Vừa đông, vừa đẹp lại vừa rộng thay!

Cửa nhà san sát đó đây,

Gác trên gác dưới bên ngoài, bên trọng.

Ai ơi đứng lại mà trông,

Nguy nga tráng lệ non bồng nào hơn!

Dập dìu xe ngựa bon bon,

Ban đêm đèn điện sáng hơn ban ngày.

Này đây hàng Trống, Hàng Bài,

Đi thêm mấy bước rẽ ngay Hàng Hòm.

Hai bên chồng chất tráp son,

Hàng Gai chỉ bước đường con rõ ràng.

Hàng Đào rồi đến Hàng Ngang,

Tập trung khách trú bán hàng vui thay.

Hàng Buồm, Hàng Mã, Hàng Mây,

Hàng Bút, Thuốc Bắc, tạt ngay Hàng Bồ.

Hiệu ta, hiệu Khách đổ xô,

Bán đèn, bán lọ những đồ rất sang.

Cầu Gỗ trông ra rõ ràng,

Đi thêm mấy bước thì sang Hàng Bè.

Dần dần tới chợ Hàng Tre,

Ngổn ngang nhộn nhịp thuyền bè dưới sông.

Đứng ở Hàng Mắm mà trông,

Kìa Ô Quan Chưởng, Cầu Đông đó mà.

Hàng Đường, Hàng Đậu đâu xa,

Hàng Nâu rẽ lại thì là Đồng Xuân.

Hàng Than, Hàng Cót rảo chân,

Đến phố Hàng Lọng là gần nhà ga.

Trở lại đến phố Hàng Lờ,

Rẽ tay phải phố Hoả Lò chẳng sai.

Nhằm dốc Cây Thị ta xuôi,

Chiều tà, Chợ Đuổi thì người mới đông.

Bán mua vội vã cho xong,

Nhá nhem thời tối chợ không kéo dài.

ca-dao-ha-noi-36-pho-phuong-voh
 
  1. Nghìn thu gặp hội thái bình,

Trải xem phong cảnh khắp thành Thăng Long.

Phố ngoài bao bọc thành trong,

Cửa Nam, Giám, Bắc, Tây, Đông rõ ràng.

Ba mươi sáu mặt phố phường,

Hàng Giầy, Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đào.

Người đài các, kẻ thanh tao,

Qua hàng thợ Tiện lại vào Hàng Gai.

Hàng Thêu, Hàng Trống, Hàng Bài,

Hàng Khay trở gót ra chơi Tràng Tiền

Nhác trông chẳng khác động tiên,

Trên đồn cờ kéo, dưới thuyền buồm giăng.

Phong quang lịch sự đâu bằng,

Dập dìu võng lọng, tưng bừng ngựa xe.

Hàng Vôi sang phố Hàng Bè,

Qua tòa Thương Chính trở về Đồng Xuân.

Trải qua Hàng Giấy dần dần,

Cung đàn nhịp phách nên xuân bốn mùa.

Cầu Đông vang tiếng chợ Chùa,

Trăng soi giá nến, gió lùa khói hương.

Mặt ngoài có phố Hàng Đường,

Hàng Mây, Hàng Mã, Hàng Buồm, Hàng Chum.

Tiếng Ngô, tiếng Nhắng um um,

Lên lầu xem điếm tổ tôm đánh bài.

Khoan khoan chân trở gót hài,

Qua Hàng Thuốc Bắc sang chơi Hàng Đồng.

Biết bao của báu lạ lùng,

Kìa đồ bát bửu, nọ lồng ấp hương

Hàng Bừa, Hàng Cuốc ngổn ngang.

Trở về Hàng Cót dạo sang Hàng Gà

Bát Ngô, Hàng Sắt xem qua,

Hàng Vải, Hàng Thiếc lại ra Hàng Hòm.

Ở đâu nghe tiếng om om,

Trống chầu rạp hát thòm thòm vui thay.

Hàng Da, Hàng Nón ai bày,

Bên kia Hàng Điếu, bên này Hàng Bông.

Ngã tư Cấm Chỉ đứng trông,

Qua Hàng Thợ Nhuộm thẳng rong Hàng Tàn

Đoái xem phong cảnh bàng hoàng,

Bút hoa dở viết chép bàn mấy câu.

Trải qua một cuộc bể dâu

Nào người đế bá, công hầu là ai?

  1.  Rủ nhau chơi khắp Long Thành,

Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai:

Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai,

Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Hài, Hàng Khay,

Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giầy,

Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn,

Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Ngang,

Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Than, Hàng Đồng,

Hàng Muối, Hàng Nón, Cầu Đông,

Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè,

Hàng Thùng, Hàng Bát, Hàng Tre,

Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà.

Quanh đi đến phố Hàng Da,

Trải xem hàng phố thật là cũng xinh.

Phố hoa thứ nhất Long Thành,

Phố giăng mắc cửi, đàn quanh bàn cờ.

Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ,

Bút hoa xin chép nên thơ lưu truyền.

Ca dao tục ngữ về ẩm thực Hà Nội

Ẩm thực đất Kinh kỳ nghìn năm văn hiến luôn có sức hấp dẫn lạ kỳ. Từ xa xưa, trong những câu ca dao, tục ngữ về Hà Nội, ông cha ta đã đề cập đến những món ngon, những đặc sản nức tiếng của nơi đây.

  1. Chè vối Cầu Tiên, Bún sen Tứ Kỳ
  2. Làng Võng bán lợn bán gà

Thụy Chương nấu rượu là đà cả đêm.

  1. Hành giòn đậu ngậy ngon lành

Tương Mai nức tiếng kinh thành xôi ngô.

  1. Làng Gạ đi bán bánh trôi

Làng Sù bán bún dính môi lằng nhằng.

  1. Làng Gạ có gốc cây đề

Có sông tắm mát có nghề bán xôi.

  1. Ớt cay là ớt Định Công,

Nhãn ngon là loại nhãn lồng làng Quang.

  1. Bún ngon bún mát Tứ Kỳ,

Pháp Vân cua ốc đồn thì chẳng ngoa.

  1. Thái Đô làm kẹo mạch nha

Kẻ Vòng làm cốm để mà tiến vua.

  1. Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì

Tương Bần, húng Láng còn gì ngon hơn.

  1. Vải Quang, húng Láng, ngổ Đầm,

Cá rô Đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây.

ca-dao-am-thuc-ha-noi-voh
 
  1. Huyện Thanh Trì kia làng Thịnh Liệt

Đồn cá rô Đầm Sét là ngon

Bấy lâu cạn nước trơ bùn

Biết rằng hương vị có còn như xưa.

  1. Thanh Trì có bánh cuốn ngon,

Có gò Ngũ Nhạc có con sông Hồng.

Thanh Trì cảnh đẹp người đông,

Có cây sáo trúc bên đồng lúa xanh.

  1. Ai qua phố Nhổn phố Lai

Dừng chân ăn miếng chả đài thơm ngon

Ngọt thay cái quả cam tròn

Vừa thơm vừa mát hãy còn ở Canh.

  1. Vải ngon thì nhất làng Bằng,

Khắp thành Hà Nội hỏi rằng đâu hơn.

Củ đậu Bằng Thượng thiếu gì,

Dưa hấu Bằng Hạ đâu bì được chăng?

  1. Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô đầm Sét

Vải Quang, húng Láng, ngổ Đầm, cá rô đầm Sét, sâm cầm hồ Tây.

Ổi Định Công, nhãn lồng làng Quang, vàng làng Tó, kéo vó Xóm Văn

Ớt Định công, nhãn lồng làng Quang, vàng làng Sét.

Bằng vải, Bằng dưa, Linh cua, Tứ bún

Rau cải làng Tiếu chấm nước điếu cũng ngon

Cam canh, hồng Diến, cốm Vòng

Bán mít chợ Đông, bán hồng chợ Tây, bán mây chợ Huyện, bán quyến chợ Đào

Diêm quả đào, thuốc lào làng Nhót

Lĩnh Bưởi, lụa La, thêu hoa Ngũ Xã

Cỗ Dương Đanh, hành làng Nội, hội làng Lam, tàn làng Quán, hương án làng Đề.

Đọc tục ngữ, ca dao về Thủ đô Hà Nội, ta có thể mường tượng một phần cảnh sắc, con người, văn hóa, ẩm thực… tại mảnh đất có bề dày lịch hàng nghìn năm. Tuy nhiên nếu có dịp, bạn hãy ghé thăm để tự mình cảm nhận vẻ đẹp của chốn hội tụ tinh hoa đất nước này.

Theo dõi VOH Thường thức để cập nhật thêm nhiều bài viết hay!