Bên cạnh Xuân phân, Thu phân và Đông chí, Hạ chí là mốc thời gian quan trọng trong năm, đánh dấu sự khởi đầu chính thức của mùa hè. Vào ngày này, Trái đất sẽ nhận được lượng lớn ánh sáng từ Mặt Trời. Đây cũng là thời điểm bắt đầu mùa lễ hội truyền thống tại một số quốc gia. Hãy cùng VOH khám phá về ngày này nhé!
Hạ chí là ngày gì?
Hạ chí là ngày nằm trong Tiết Hạ chí, thường rơi vào giữa mùa hè và cũng là thời điểm giữa năm. Theo Thiên văn học phương Tây, ngày này đánh dấu sự bắt đầu mùa hè ở bán cầu Bắc và mùa đông ở bán cầu Nam. Mỗi năm, Hạ chí sẽ diễn ra 2 lần vào tháng 6 và tháng 12 tương ứng với 2 bán cầu Bắc và Nam.
Theo quan điểm của phương Đông, ngày Hạ chí là ngày giữa mùa hè, chữ “chí” trong Hạ chí mang nghĩa đạt đến điểm cùng cực. Khi ấy, Mặt Trời sẽ nằm ở điểm cao nhất về hướng Bắc trên bầu trời vào giữa trưa, rồi từ từ quay trở lại phía Nam.
Vào ngày Hạ chí, Bắc bán cầu sẽ nghiêng khoảng 23.44 độ về phía Mặt Trời so với Nam bán cầu. Lúc này, Bắc bán cầu sẽ nhận được lượng bức xạ lớn, khí hậu oi bức, khó chịu, thời gian ngày dài hơn đêm. Trong khi Nam bán cầu, thời gian ban ngày là ngắn nhất.
Do đó, ông bà ta đã đúc kết nên câu tục ngữ: “Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng/ Ngày tháng mười chưa cười đã tối” là vì vậy. Thậm chí, ở một số thành phố thuộc Bắc Âu còn xảy ra hiện tượng "đêm trắng", tức là hoàn toàn không có ban đêm.
Ngày Hạ chí 2024 là ngày nào?
Tiết Hạ Chí là tiết thứ 10 trong 24 tiết khí của năm, trước tiết Tiểu Thử và sau tiết Mang Chủng.
Ngày Hạ chí không cố định mà phụ thuộc vào năm, múi giờ và được tính theo lịch Dương. Thông thường, Hạ chí sẽ bắt đầu từ ngày 21 hoặc 22/6 (khi kết thúc tiết Mang chủng) và kéo dài đến khoảng từ ngày 6 đến ngày 8/7 (khi tiết Tiểu thử bắt đầu).
Năm 2024, ngày Hạ chí sẽ rơi vào thứ Sáu, ngày 21/6, tức ngày 16/5 Âm lịch.
Hạ chí 2024 có gì đặc biệt?
Năm nay, điểm Hạ chí đến sớm nhất trong 228 năm, kể từ năm 1796. Cụ thể, điểm Hạ chí rơi vào lúc 3h50' sáng 21/6, thời điểm mà người ta còn chưa phát hiện ra sao Hải Vương và sao Diêm Vương.
Ngoài ra, theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ NASA và trang AccuWeather, ngày 29/6 còn diễn ra sự kiện Mặt Trăng thẳng hàng với 3 hành tinh (sao Thổ, sao Hỏa, sao Mộc), dự kiến kéo dài đến đầu tháng 7. Có thể quan sát bằng mắt thường ở thời điểm bình minh nếu trời trong.
Đặc điểm ngày Hạ chí
Thời tiết oi bức
Vào ngày Hạ chí, vì bán cầu Bắc nghiêng về phía Mặt Trời nên nhận được lượng ánh sáng và lượng bức xạ lớn nhất trong năm. Do đó, khí hậu vào khoảng thời gian này sẽ trở nên oi bức, khô nóng.
Ngoài ra, sự hoạt động mạnh mẽ của gió Tín phong và gió Mậu dịch trên biển thường dẫn đến sự ngưng tụ của hơi nước, gây mưa kéo dài, thậm chí có thể xuất hiện bão lũ, thiên tai.
Ngày dài nhất trong năm
Về mặt lý thuyết, tất cả các ngày trong năm đều có 24 tiếng. Nhưng Hạ chí được xem là ngày dài nhất năm. Vì đây là ngày có thời gian sáng dài nhất, nên bạn sẽ có cảm giác ngày dài hơn đêm, trời lâu tối và nhanh sáng.
Vạn vật sinh trưởng
Thời tiết Hạ chí nóng ẩm, mưa nhiều, tạo điều kiện cho vạn vật sinh sôi, phát triển. Trong khi thực vật tích cực quang hợp, bổ sung chất dinh dưỡng cho mùa khô sắp tới thì các loài động vật cũng tăng cường tìm kiếm, dự trữ thức ăn cho mùa đông.
Con người dễ mắc bệnh
Mặc dù, Hạ chí là thời điểm cây trồng phát triển, thu hoạch mùa màng. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian vi sinh vật, vi khuẩn gây hại sinh sôi mạnh, đe dọa sức khỏe con người. Việc thay đổi thời tiết thất thường sẽ khiến chúng ta dễ bị nhiễm bệnh như bệnh cúm, cảm, sốt xuất huyết, sốt rét,...
Nên làm gì trong Tiết Hạ chí?
Làm mát cơ thể
Vào tiết Hạ chí, thời tiết nóng nực và khó chịu. Do đó, bạn cần:
- Làm mát cơ thể để giảm thiểu các bệnh về máu huyết và đường hô hấp
- Điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp
- Bổ sung các loại quả thanh mát, có chức năng giải nhiệt như khổ qua, sinh tố, trái cây…
- Giảm đồ ăn cay nóng, dầu mỡ và các chất kích thích
- Tránh ra đường vào buổi trưa và đầu giờ chiều khi trời nắng gắt.
Giữ không gian sống sạch sẽ, thoáng mát
Như đã nói ở trên, vào tiết Hạ chí, vi khuẩn, vi sinh vật gây hại phát triển mạnh. Để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, một trong những cách đơn giản và hữu hiệu nhất là giữ môi trường xung quanh sạch sẽ. Ngoài ra, việc này còn giúp mang đến nguồn năng lượng tích cực, vận khí dồi dào.
Giữ gìn vệ sinh cá nhân
Vệ sinh cá nhân sạch sẽ trong những ngày nắng nóng giúp bạn cảm thấy sảng khoái, cơ thể khỏe khoắn. Đồng thời bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Những điều cấm kỵ không được làm trong Tiết Hạ chí
Theo quan điểm dân gian, Hạ chí là tiết khí có âm khí thủy sinh, dương khí suy yếu, âm dương biến hóa. Do đó, để cầu bình an, đón cát, tránh hung, bạn cần tránh làm những điều sau.
Không tế thần tế trời
Từ xa xưa, Hạ chí là thời điểm được chọn để tổ chức các buổi lễ tế thần, tế trời để câu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, quốc thái dân an. Nếu không tổ chức lễ tế sẽ bị thần linh quở trách, thời tiết thất thường, thiên tai, lũ lụt triền miên.
Cắt tóc
Cắt tóc là điều đại kỵ trong Tiết Hạ chí. Theo người xưa, thời điểm này là lúc âm thịnh dương suy, trời đất chuyển giao, bất kỳ sự thay đổi nào của con người cũng có thể biến thành điềm gở. Trong đó, việc cắt tóc vô tình phá vận khiến âm dương xáo trộn. Con người vì thế mà thay đổi vận khí theo.
Không ăn mì làm từ lúa mạch
Tập tục này bắt nguồn từ Trung Quốc và tồn tại đến ngày nay. Cụ thể, trong ngày Hạ chí, phải ít nhất một lần ăn mì làm từ lúa mạch. Điều này tượng trưng cho sự may mắn, tốt lành. Đồng thời giúp cơ thể lợi niệu thanh nhiệt, cải thiện sức khỏe.
Ngoài ra, một số nơi khác sẽ có tập tục ăn cháo làm từ lúa mạch trong ngày này với ý nghĩa cầu sức khỏe, bình an. Người xưa cho rằng, nếu không thực hiện, nửa năm sau sẽ gặp toàn chuyện xui xẻo.
Những sự thật thú vị về Hạ chí có thể bạn chưa biết
Mặc dù Hạ chí là ngày dài nhất năm và có khí hậu nắng nóng, khó chịu. Thế nhưng, đây chưa phải là tất cả về ngày này. Hãy cùng chúng tôi khám phá top 5 những sự thật thú vị về ngày Hạ chí ngay sau đây.
Mặt Trời dường như đứng yên
Ngày Hạ chí tiếng Anh là "summer solstice" hoặc "estival solstice". Trong đó, từ “chí” (solstice) có nguồn gốc từ tiếng Latinh “sol”, nghĩa là Sun (Mặt Trời) và sistere (dừng lại hoặc đứng yên).
Vào ngày Hạ chí, khi đã nằm ở điểm cao nhất về hướng Bắc trên bầu trời, Mặt Trời sẽ ngừng dịch chuyển về phía Bắc hoặc phía Nam mà giữ nguyên vị trí chiếu sáng vuông góc với chí tuyến Bắc. Sau đó nó sẽ đảo hướng và bắt đầu tiếp tục di chuyển về phía Nam.
Trái đất xa Mặt Trời nhất
Nhiều người lầm tưởng rằng, Tiết Hạ chí là khoảng thời gian Trái đất gần Mặt Trời nhất do nhận được nhiều bức xạ và lượng ánh sáng. Nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại.
Vào ngày này, khoảng cách giữa Trái đất và Mặt Trời là xa nhất trong năm. Nguyên nhân do vài tuần sau ngày Hạ Chí, Trái đất sẽ di chuyển đến điểm viễn nhật (Aphelion). Đây là điểm trên quỹ đạo mà Trái đất xa Mặt Trời nhất.
Hạ chí không dành riêng cho Trái đất
Không chỉ riêng Trái đất mà tất cả các hành tinh trong Hệ Mặt Trời đều có ngày Hạ chí. Theo đó, Hạ chí của sao Hỏa xảy ra sau Trái đất vài ngày. Với sao Thiên Vương, Hạ chí diễn ra 84 năm/lần.
Hạ chí không phải là ngày nóng nhất năm
Mặc dù, Hạ chí là ngày bán cầu Bắc nhận được nhiều bức xạ và ánh sáng Mặt Trời nhưng điều này không có nghĩa đây là ngày nóng nhất trong năm. Trên thực tế, ngày nóng nhất trong năm ở bán cầu Bắc sẽ rơi vào tháng 7 hoặc tháng 8 khi các đại dương và lục địa nóng lên, cho phép nhiệt độ tăng cao hơn. Hiện tượng này được gọi là sự trễ mùa.
Đón chào mùa lễ hội
Với một số quốc gia ở phương Tây, Hạ chí là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội đặc sắc. Điền hình như lễ hội vòng tròn đá Stonehenge ở Anh, lễ hội Sankt Hans Aften của Đan Mạch, lễ hội Litha của đạo Wicca,...
Tại Việt Nam, Hạ chí thường diễn ra các lễ hội ăn mừng sự may mắn và mùa màng bội thu.
Hạ chí là thời điểm bắt đầu mùa hạ trong năm, đồng thời diễn ra sự biến đổi của khí hậu và thay đổi của phong thủy. Do thời điểm này, dịch bệnh dễ dàng phát triển nên bạn cần chủ động phòng tránh để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại voh.com.vn - Thường thức.