Chờ...

Tuyển tập những bài thơ trào phúng hay, bất hủ

VOH - Thơ trào phúng là một dòng chảy đặc biệt trong thi ca, nơi tiếng lòng, những trăn trở được ẩn chứa sau con chữ nhẹ nhàng, hóm hỉnh.

Thơ trào phúng mang đến những vần thơ nhẹ nhàng, hóm hỉnh nhưng chứa đựng những lời châm biếm sắc sảo, phơi bày hiện thực xã hội và bản chất con người. Mỗi bài thơ là một bức tranh sinh động về xã hội đương thời với những mảng sáng tối đan xen, những thói hư tật xấu được phơi bày khéo léo. Hãy cùng đắm chìm trong thế giới thơ ca trào phúng đầy thú vị và ý nghĩa trong bài viết sau.

Thơ trào phúng là gì?

Thơ trào phúng là một thể thơ sử dụng thủ pháp trào phúng, dùng sự hài hước để phê phán nhẹ nhàng, dùng lời lẽ sắc sảo để châm biếm hoặc dùng tiếng cười phủ định để phê phán, đả kích đối tượng trào phúng.

Có một số nhà thơ rất nổi tiếng trong thể loại thơ này có thể nhắc tên như Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Tú Mỡ,...

Thơ trào phúng hay của Nguyễn Khuyến

Nhà thơ Nguyễn Khuyến được xem là một trong những cây đại thụ trong làng thơ trào phúng. Với ngòi bút sắc sảo của mình nhà thơ đã phê phán, cười nhạo những thói đời hư hỏng của xã hội đương thời.

Tiếng cười của ông thâm trầm và kín đáo. Tưởng là cười cợt, bông lơn nhưng ẩn sau từng dòng chữ là những giọt nước mắt đau đời.

Chế học trò ngủ gật

Trò trẹt chi bay học cạnh thầy,

Gật gà gật gưỡng nực cười thay!

Giọng khê nồng nặc không ra tiếng,

Mắt lại lim dim nhắm đã cay.

 

Đồng nổi đâu đây la liệt đảo,

Ma men chi đấy tít mù say.

Dễ thường bắt chước Chu Y đó,

Quyển có câu thần vậy gật ngay.

Tiến sĩ giấy

Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai,

Cũng gọi ông nghè có kém ai.

Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng,

Nét son điểm rõ mặt văn khôi.

 

Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ?

Cái giá khoa danh ấy mới hời

Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh chọe,

Nghĩ rằng đồ thật hoá đồ chơi!

tho-trao-phung-voh-1

Lời gái goá

Chàng chẳng biết gái này gái goá

Buồn nằm suông, suông cả áo cơm

Khéo thay cái mụ tá ươm

Đem chàng trẻ tuổi ép làm lứa đôi.

 

Chàng tuổi trẻ chơi bời quên nhọc

Gái già này sức vóc được bao?

Muốn sao, chiều chẳng được sao

Trước tuy sum họp, sau nào được lâu?

 

Lấy chồng vốn nhờ câu ăn mặc

Chẳng ngờ rằng đói rách hổ ngươi;

Vốn xưa cha mẹ dặn lời

Tư bôn lại phải kẻ cười người chê.

 

Hỡi mụ hỡi, thương chi thương thế?

Thương thì hay, nhưng kế chẳng hay

Thương thì gạo vải cho vay

Lấy chồng thì gái goá này xin van!

Chừa rượu

Những lúc say sưa cũng muốn chừa,

Muốn chừa nhưng tính lại hay ưa

Hay ưa nên nỗi không chừa được

Chừa được nhưng mà cũng chẳng chừa.

Ông phỗng đá

Ông đứng làm chi đó hỡi ông?

Mà trơ như đá vững như đồng!

Đêm ngày gìn giữ cho ai đó,

Non nước đầy vơi có biết không?

tho-trao-phung-voh-2

Hoài cổ

Nghĩ chuyện đời xưa cũng nực cười,

Sự đời đến thế, thế thời thôi!

Rừng xanh núi đỏ hơn nghìn dặm,

Nước độc ma thiêng mấy vạn người.

 

Khoét rỗng ruột gan trời đất cả,

Phá tung phên giậu hạ đi rồi.

Thôi thôi đến thế thời thôi nhỉ,

Mây trắng về đâu nước chảy xuôi.

Muốn lấy chồng

Bực gì bằng gái trực phòng không?

Tơ tưởng vì chung một tấm chồng.

Trên gác rồng mây ngao ngán đợi,

Bên trời cá nước ngẩn ngơ trông.

 

Mua vui, lắm lúc cười cười gượng,

Giả dại, nhiều khi nói nói bông.

Mới biết có chồng như có cánh,

Giang sơn gánh vác nhẹ bằng lông.

Làm ruộng (Chốn quê)

Mấy năm làm ruộng vẫn chân thua,

Chiêm mất đằng chiêm, mùa mất mùa.

Phần thuế quan Tây, phần trả nợ,

Nửa công đứa ở, nửa thuê bò.

 

Sớm trưa dưa muối cho qua bữa,

Chợ búa trầu chè chẳng dám mua.

Cần kiệm thế mà không khá nhỉ,

Bao giờ cho biết khỏi đường lo?

Cua chơi trăng

Vằng vặc đêm thu ánh xế chừng,

Ham thanh, cua mới muốn chơi trăng.

Nghiêng mai lách ngược qua dòng biếc,

Ghé yếm bò ngang nhởn bóng hằng.

 

Cung quế chờn vờn hương mới bén,

Vườn đào thoang thoảng gió như nâng.

Một mai cá nước cua vui phận,

Trăng muốn tìm cua, dễ được chăng?

Anh giả điếc

Trong thiên hạ có anh giả điếc,

Khéo ngơ ngơ ngác ngác, ngỡ là ngây!

Chẳng ai ngờ “sáng tai họ, điếc tai cày”,

Lối điếc ấy sau này em muốn học.

 

Tọa trung đàm tiếu, nhân như mộc

Dạ lý phan viên, nhĩ tự hầu.

Khi vườn sau, khi ao trước; khi điếu thuốc, khi miếng trầu.

Khi chè chuyên năm bảy chén, khi Kiều lẩy một đôi câu;

 

Sáng một chốc, lâu lâu rồi lại điếc

Điếc như thế ai không muốn điếc?

Điếc như anh dễ bắt chước ru mà!

Hỏi anh, anh cứ ậm à.

Chợ đồng

Tháng chạp hai mươi bốn chợ Đồng,

Năm nay chợ họp có đông không?

Dở trời, mưa bụi còn hơi rét,

Nếm rượu, tường đền được mấy ông?

 

Hàng quán người về nghe xáo xác,

Nợ nần năm hết hỏi lung tung.

Dăm ba ngày nữa tin xuân tới

Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng.

Chế ông đồ Cự Lộc

Văn hay chữ tốt ra tuồng,

Văn dai như chão, chữ vuông như hòm.

Vẻ thầy như vẻ con tôm,

Vẻ tay ngoáy cám, vẻ mồm húp tương.

 

Vẻ lịch sự ai bằng thầy Cự Lộc,

Vẻ cô đầu nói móc có vài câu:

Anh chẳng sang, mà cũng chẳng giàu.

Hầu bao ních, rận bâu quanh chiếu;

 

Khăn nhuộm lờ lờ mùi nước điếu,

Nón sơn không méo cũng không tròn.

Quần vải thô, ngại giặt ngả màu son,

Giày cóc gặm, nhặt dây đàn khâu lấy.

 

Phong lưu ấy, mà tình tính ấy,

Đến cô đầu, vẫn thấy lả lơi bông,

Xinh thay diện mạo anh hùng!

Thơ trào phúng của tác giả Hồ Xuân Hương

Hồ Xuân Hương được mệnh danh là "Bà chúa thơ Nôm" với kho tàng thơ ca phong phú, đa dạng. Những bài thơ trào phúng của bà lại đặc biệt nổi bật và được đánh giá cao bởi giá trị nghệ thuật và nội dung sâu sắc.

Thơ trào phúng của Hồ Xuân Hương vạch trần những thói xấu, bất công trong xã hội phong kiến đương thời, từ tầng lớp thống trị đến những con người bình dân, thể hiện sự đồng cảm cho những số phận chìm nổi, tủi nhục của người phụ nữ trong xã hội nam quyền, đồng thời đề cao những giá trị nhân văn cao đẹp, hướng đến sự tự do, bình đẳng và hạnh phúc cho con người.

Vịnh đời người

Trăm năm ba vạn sáu ngàn ngày

Dẫu có ngàn vàng khó đổi thay

Trong núi ngàn năm cây vẫn có

Dưới trần trăm tuổi dễ không ai

 

Nghĩ đường danh lợi lòng thêm chán

Thấy kẻ gian ngoan bụng lại đầy

Đắng xót ghê thay mùi tục lụy

Bực mình theo Cuội tới cung mây.

Vịnh cái quạt

Mười bảy hay là mười tám đây

Cho ta yêu dấu chẳng dời tay.

Mỏng dày từng ấy, chành ba góc

Rộng hẹp dường nào, cẵm một cay

 

Càng nóng bao nhiêu thời càng mát,

Yêu đêm chưa phỉ lại yêu ngày.

Hồng hồng má phấn duyên vì cậy.

Chúa dấu vua yêu một cái này.

Thiếu nữ ngủ ngày

Mùa hè hây hẩy gió nồm đông,

Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng.

Lược trúc lỏng cài trên mái tóc,

Yếm đào trễ xuống dưới nương long.

 

Đôi gò Bồng Đảo hương còn ngậm,

Một mạch Đào Nguyên suối chửa thông.

Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt

Đi thì cũng dở ở không xong.

tho-trao-phung-voh-3

Hỏi trăng

Một trái trăng thu chín mõm mòm,

Nảy vừng quế đỏ đỏ lòm lom!

Giữa in chiếc bích khuôn còn méo,

Ngoài khép đôi cung cánh vẫn khòm.

 

Ghét mặt kẻ trần đua xói móc,

Ngứa gan thằng Cuội đứng lom khom.

Hỡi người bẻ quế rằng ai đó,

Đó có Hằng Nga ghé mắt dòm.

Mắng học trò dốt I

Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ

Lại đây cho chị dạy làm thơ.

Ong non ngứa nọc châm hoa rữa,

Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa!

Mắng học trò dốt II

Dắt díu nhau lên trước cửa đền

Cũng đòi học nói, nói không nên.

Ai về nhắn nhủ phường lòi tói,

Muốn sống đêm vôi quét trả đền.

Bỡn bà lang khóc chồng

Văng vẳng tai nghe tiếng khóc

Thương chồng nên nỗi khóc tì ti

Ngọt bùi thiếp nhớ mùi cam thảo

Cay đắng chàng ơi vị quế chi

 

Thạch nhũ, trần bì sao để lại

Quy thân, liên nhục tẩm mang đi

Dao cầu thiếp biết trao ai nhỉ

Sinh ký chàng ơi, tử đắc quy.

Đá ông bà chồng

Khéo khéo bày trò tạo hoá công

Ông Chồng đã vậy lại Bà Chồng

Tầng trên tuyết điểm phơ đầu bạc

Thớt dưới sương pha đượm má hồng

 

Gan nghĩa dãi ra cùng chị Nguyệt

Khối tình cọ mãi với non sông

Đá kia còn biết xuân già dặn

Chả trách người ta lúc trẻ trung.

tho-trao-phung-voh-4

Chế sư

Chẳng phải Ngô chẳng phải ta,

Đầu thì trọc lốc áo không tà

Oản dâng trước mặt dăm ba phẩm,

Vãi nấp sau lưng sáu bảy bà.

 

Khi cảnh khi tiu khi chũm choẹ,

Giọng hì giọng hỉ giọng hi ha.

Tu lâu có nhẽ lên sư cụ,

Ngất nghểu tòa sen nọ đó mà.

Đánh cờ

Chàng với thiếp đêm khuya trằn trọc,

Ðốt đèn lên đánh cuộc cờ người.

Hẹn rằng đấu trí mà chơi,

Cấm ngoại thuỷ không ai được biết.

 

Nào tướng sĩ dàn ra cho hết,

Ðể đôi ta quyết liệt một phen.

Quân thiếp trắng, quân chàng đen,

Hai quân ấy chơi nhau đà đã lửa.

 

Thoạt mới vào chàng liền nhảy ngựa,

Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên.

Hai xe hà, chàng gác hai bên,

Thiếp thấy bí, thiếp liền ghểnh sĩ.

 

Chàng lừa thiếp đương khi bất ý,

Ðem tốt đầu dú dí vô cung,

Thiếp đang mắc nước xe lồng,

Nước pháo đã nổ đùng ra chiếu.

 

Chàng bảo chịu, thiếp rằng chẳng chịu,

Thua thì thua quyết níu lấy con.

Khi vui nước nước non non,

Khi buồn lại giở bàn son quân ngà.

Thơ trào phúng của Tú Xương

Tú Xương tên thật là Trần Tế Xương, ông được biết đến là ngòi bút trào phúng, châm biếm lớn của văn học nước nhà. Sau đây là một số bài thơ trào phúng nổi tiếng của tác giả.

Văn tế sống vợ

Con gái nhà dòng, lấy chồng kẻ chợ

Tiếng có miếng không, gặp chăng hay chớ

Mặt nhẵn nhụi, chân tay trắng trẻo, ai dám chê rằng béo rằng lùn?

Người ung dung, tính hạnh khoan hòa, chỉ một nỗi hay gàn hay dở!

 

Đầu sông bãi bến, đua tài buôn chín bán mười

Trong họ ngoài làng, vụng lẽ chào dơi nói thợ

Gần xa nô nức, lắm gái nhiều trai

Sớm tối khuyên răn, kẻ thầy người tớ

Ông tu tác cửa cao nhà rộng, toan để cho dâu

Anh lăm le bia đá bảng vàng, cho vang mặt vợ

 

Thế mà:

Mình bỏ mình đi, mình không chịu ở

Chẳng nói chẳng rằng, không than không thở.

Hay mình thấy tớ: nay Hàng Thao, mai phố Giấy mà bụng mình ghen?

Hay mình thấy tớ: sáng Tràng Lạc, tối Viễn Lai, mà lòng mình sợ?

 

Thôi thôi

Chết quách yên mồ

Sống càng nặng nợ

Chữ nhất phẩm ơn vua vinh tứ, ngày khác sẽ hay

Duyên trăm năm ông Nguyệt xe tơ, kiếp này đã lỡ

Mình đi tu cho thành tiên thành phật, để rong chơi Lãng Uyển, Bồng Hồ

Tớ nuôi con cho có rể có dâu, để trọn vẹn đạo chồng nghĩa vợ.

Thương vợ

Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng.

Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

 

Một duyên, hai nợ, âu đành phận,

Năm nắng, mười mưa, dám quản công.

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc:

Có chồng hờ hững cũng như không!

tho-trao-phung-voh-5

Đánh tổ tôm

Bực chẳng nhẽ anh hùng khi vị ngộ,

Như lúc đen chơi cuộc tổ tôm,

Bài trạm thành cuối cánh phỗng ầm ầm,

Ngồi thôi chẳng bốc quân rác rảnh.

 

Cũng có lúc không chi thì bát sách,

Cũng có khi bạch định bốc yêu hồng;

Cất bài lên ông lão vẫn lẩn vòng,

Không đâu cả gặp kề năm bảy phỗng.

 

Cũng có ván tôm lèo lên chờ rộng,

Vớ phải thằng bạch thủ phỗng tay trên.

Gớm ghê thay đen thực là đen!

Sắc như mác cũng thua thằng vận đỏ.

 

May mắn nhẽ hữu duyên năng tái ngộ,

Bĩ cực rồi đến độ thái lai;

Tiếng tam khôi chi để nhường ai,

Hết bạch lại hồng, thông mãi mãi.

 

Nào những kẻ tay trên ban nãy,

Đến bây giờ thay thẩy dưới tay ta;

Tiếng bài cao lừng lẫy khắp gần xa,

Bát vạn ấy người ta ai dám đọ.

 

Thế mới biết tổ tôm có đen thì có đỏ.

Thì anh hùng vị ngộ có lo chi;

Trước sau, sau trước làm gì?

Năm mới chúc nhau

Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau:

Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.

Phen này ông quyết đi buôn cối,

Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.

 

Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu:

Trăm, nghìn, vạn mớ để vào đâu?

Phen này, ắt hẳn gà ăn bạc,

Đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu.

 

Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang:

Đứa thì mua tước, đứa mua quan.

Phen này ông quyết đi buôn lọng,

Vừa bán vừa la cũng đắt hàng.

 

Lẳng lặng mà nghe nó chúc con:

Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.

Phố phường chật hẹp, người đông đúc,

Bồng bế nhau lên nó ở non.

 

Bắt chước ai ta chúc mấy lời:

Chúc cho khắp hết ở trong đời.

Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước,

Sao được cho ra cái giống người.

Than thân

Kể đã ba mươi mấy tuổi rồi,

Tôi ngồi tôi nghĩ cái thằng tôi.

Mấy khoa hương thí không đâu cả,

Ba luống vườn hoang bán sạch rồi.

 

Gạo cứ lệ ăn đong bữa một,

Vợ quen dạ đẻ cách năm đôi.

Bắc thang lên hỏi ông trời nhẽ:

Trêu ghẹo người ta thế nữa thôi?

Sông Lấp

Sông kia rày đã nên đồng,

Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai.

Vẳng nghe tiếng ếch bên tai,

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.

tho-trao-phung-voh-6

Thơ trào phúng của Tú Mỡ

Tú Mỡ tên thật là Hồ Trọng Hiếu (1900 - 1976), là một nhà thơ trào phúng Việt Nam nổi tiếng. Ông được mệnh danh là "bậc thầy thơ trào phúng" với khả năng châm biếm, đả kích sắc sảo, thâm thúy những tệ nạn xã hội, thói hư tật xấu của con người thời bấy giờ.

Thơ trào phúng của Tú Mỡ thường sử dụng những hình ảnh, ngôn ngữ giản dị, gần gũi với đời sống thường nhật, nhưng lại ẩn chứa những bài học sâu sắc về đạo đức, lối sống.

Tượng lo

A di đà Phật!

Bụt trên toà ngồi ngất bệ sen

Tưởng rằng nhà Bụt chí hiền

Từ bi từ tại, ai phiền nhiễu chi!

 

Nào nhờ gặp thời kỳ tranh chiến

Cõi phàm trần tai biến lung tung

Loạn đằng Tây, loạn đằng Đông

Cảnh từ bi cũng hãi hùng, tượng lo…

 

Cũng là bởi duyên do vạ vịt

Tự anh chàng họ Hít tên Le

Dùng dấu hiệu thực éo le

Trăm nghìn vạn dấu, thiếu gì dấu hay

 

Mà lại chọn nhằm ngày chữ thập

Dấu hiệu riêng nhà Phật từ bi

Để sinh ra chuyện hồ nghi

Giận cá chém thớt, biết thì tại sao?

 

Chữ thập ngoặc ghép vào quốc cấm

Phướn, cờ còn giấu dấm được chăng

Khắc vào tượng gỗ, mần răng?

Có khi bị đẽo, nên rằng… tượng lo.

Ông trẻ già

Ngược đời! Có lắm hạng “ông ranh”

Đạo mạo làm ra mặt lão thành!

Trước mắt long lanh đôi kính trắng,

Dưới cằm lún phún sợi râu xanh.

 

Đứng ngồi khệ nệ oai nghiêm giả,

Ăn nói màu mè đạo đức tuênh!

Động hé môi ra là… thở hắt,

Than cho thế thái với nhân tình.

tho-trao-phung-voh-7

Phu kéo xe

Xưa nay các học trò lười

Mẹ cha mắng mỏ, nặng lời mỉa mai

Rằng: “Mày lêu lổng, rông rài

Nhớn lên thời đến suốt đời kéo xe!”

 

Bây giờ thời buổi khắt khe

Kéo xe cũng hoá ra nghề khó khăn!

Cu ly cũng phải lấy… bằng

Của toà đốc lý chứng rằng… chính tông

 

Là người da sắt, xương đồng

Khoẻ chân, cứng gối, vốn giòng kiện nhi

Danh trong, giá sạch như li

Chẳng khi can án, chưa khi ngồi tù

 

Bao lần giấy, bấy lần… xu

Mới làm nên chức đại “phu xe hàng”

Phải đâu là việc dễ dàng!

Gây quan

Mỗi năm nhà nước mở khoa thi

Để kén trong trung bắc lưỡng kỳ

Lấy mặt sỏi sành ra giúp việc

Bổ làm tập sự ngạch quan chi

 

Mỗi năm các cậu lớp tân khoa

Sung sướng bằng xưa đỗ thám hoa

Tuy chẳng vinh quy, cờ võng lọng

Cũng là lừng lẫy khắp gần xa

 

Quảng cáo công không, các nhật trình

Đăng tên, đăng tuổi, lại đăng hình,

Làm như các cậu “quan non” ấy

Là những kỳ đồng mới tái sinh

 

Trong làng trưởng giả những cô nào

Sẵn mỏ nhưng chưa có kẻ đào

Mấp máy hòng lên bà lớn tắt

Mơ màng của dẫn lại tay trao

 

Cụ thượng Quỳnh ta cũng sướng ran

Xoa tay hỉ hả cái gan vàng

Mừng cho nước Việt còn cơ khá

Vì chẳng bao giờ tiệt giống quan.

Nhắn nhủ ông nghị

Áo sa, khăn nhiễu, giầy ban

Kính trắng, gọng vàng, tay cắp cặp da

Ấy là ông nghị vùng ta

Xúng xa xúng xính đi ra hội đồng

Mấy lời nhắn nhủ cùng ông

Có ra hội đồng thì miệng phải to.

 

Xin đừng khúm núm co ro

Nói không ra tiếng họ cho rằng đần

Cũng đừng ngẩng mặt tần ngần

Ngồi nghe diễn thuyết ngủ dần thiu thiu…

Khoe lười

Anh em chớ bảo ta lười,

Làm việc cho hay phải thức thời.

Xuân hãy còn chơi cho phỉ chí,

Hạ mà cất nhắc tất nhoài hơi.

 

Thu sang cảm nguyệt còn ngâm vịnh,

Đông lại hầm chăn tạm nghỉ ngơi.

Chờ đến xuân sang ta sẽ liệu,

Anh em chớ bảo ta lười.

tho-trao-phung-voh-8

Còn say

Đã lâu, bác mới ra đời,

Tưởng rằng gột óc theo thời duy tân.

Nào ngờ bác vẫn say lăn,

Lè nhè vẫn giọng thơ văn trái mùa.

 

Vẫn còn mộng mị, mơ hồ,

Người đời vui sống, bác ngờ chiêm bao,

Người đời hoạt động xôn xao,

Bác vờ triết lý thanh cao: bác lười!

 

Ngồi dưng nổi bệnh chán đời.

Bác buồn trời gió, rồi trời lại mưa!

Giải buồn chén tít say sưa,

Chai con chai bố vẫn chưa hết buồn!

 

Rượu vào, rồng rổng thơ tuôn,

Miệng ngâm sặc sụa hơi cồn, mùi men,

Bác rằng: khách tục bon chen,

Lao tâm, lao lực, thấp hèn bác thương.

 

Đời rằng: bác dở, bác ương,

Giả danh ẩn dật là phường bỏ đi.

Bác rằng: chữ thọ quí chi.

Lợi, danh, hão cả! Ham gì sống dai?

 

Đời rằng: thuận với lẽ trời,

Sống mà gánh vác việc đời mới hay.

Còn như sống để mà… say.

Hỏi ai vất vưởng bấy nay làm gì?

 

Rung đùi, rượu nốc tì tì,

Người ta tỉnh, bác li bì vẫn mê!

Sư cô ở cữ

Chùa Yên Lạc, phủ Khoái Châu

 (Tên sao khéo đặt nên câu hữu tình!)

Có bà sư trẻ xinh xinh,

Tuổi chừng ba chục xuân xanh đang vừa.

Vẻ người bầu bĩnh dễ ưa,

Nõn nà tay ngọc, mởn mơ má hồng.

 

Tuy duyên lộ vẻ mặn nồng,

Sư bà vẫn muốn hết lòng chân tu.

Nhưng rồi một sáng mùa thu,

Người ta thấy vị ni cô sượng sùng.

 

Bụng đeo cái trống cà rùng,

Đến nhà thương để tìm phòng khai hoa.

Các ngài Bồ Tát, Thích Ca,

Độ trì phù hộ sư bà trẻ son.

 

Đẻ ra một cậu sư con,

A Di Đà Phật! Mẹ tròn con vuông.

Đẻ xong từ giã nhà thương,

Gởi con nhà nước lên đường lại tu.

 

Dốc lòng tu… hú, tu… mu,

Tại miền khoái lạc, cảnh chùa yên vui.

Phật thương rồi cứ quen mùi,

Sẽ năm một, ba năm đôi xòn xòn.

 

Sinh năm đẻ bảy sư con,

Càng ngày quả phúc càng tròn hơn xưa.

Ngẫm ngày mùng tám tháng tư,

Bụt còn đẻ, nữa là sư?! Ngượng gì!

Trên đây là tuyển tập những bài thơ trào phúng hay nhất, từ các tác giả nổi tiếng nhất trong thể loại thi ca này. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu thêm về thể loại thơ này và có phút giây thư giãn khi đắm chìm trong văn chương. Đừng quên theo dõi chuyên mục Sống đẹp của voh.com.vn để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.