Chờ...

21 bài thơ hay nhất của nhà thơ Tản Đà

VOH - Được nhận định là “gạch nối giữa hai thời kỳ văn học cổ điển và hiện đại” thơ Tản Đà đã phá vỡ những quy luật gò bó của thơ cũ, đồng thời cũng thể hiện được cái “ngông” của mình.

Nhà thơ Tản Đà là một tác giả văn học để lại dấu ấn ở rất nhiều thể loại, và gần như ở thể loại nào ông cũng có nét độc đáo riêng. Cùng VOH đến với một số bài thơ Tản Đà nổi tiếng đi vào lòng người đọc qua bao thế hệ.

Tản Đà là ai?

Tản Đà (1889 - 1939) tên thật Nguyễn Khắc Hiếu, là một nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng của Việt Nam.

Cha ông là Nguyễn Danh Kế, làm quan Ngự sử dưới triều Nguyễn. Mẹ ông là bà Lưu Thị Hiền (nghệ danh là Nhữ Thị Nhiêm), một đào hát tài sắc. Tản Đà chính là con trai út của cuộc lương duyên giữa tài tử và giai nhân này.

voh-tho-tan-da-1

Tản Đà được tiếp xúc với nền Nho giáo từ nhỏ. Giai đoạn niên thiếu, phần lớn thời gian ông tập trung vào con đường thi cử. Sau nhiều lần thi cử thất bại, ông chán nản, lúc này ông kết giao được với nhà tư sản Bạch Thái Bưởi. Hai người bạn mới gặp như đã quen, đêm ngày uống rượu, làm thơ đọc sách, thưởng trăng. Nhiều bài thơ và tư tưởng đặc biệt của ông đã ra đời trong giai đoạn này.

Sau khi anh trai mất, Tản Đà về Vĩnh Yên làm nghề báo. Năm 1915, cuốn sách đầu tiên của Tản Đà được xuất bản, gây tiếng vang lớn, đó là tập thơ Khối tình con I. Đến năm 1917 ông cho ra đời cuốn Giấc mộng con và một số vở tuồng như: Người cá, Tây Thi, Dương Quý Phi, Thiên Nhai

Giai đoạn năm 1917 - 1918, cái tên Tản Đà trở thành một hiện tượng trên văn đàn. Từ năm 1919 đến 1921, ông thành lập Tản Đà thư điếm (sau đổi thành Tản Đà thư cục), đây là nhà xuất bản riêng đầu tiên của ông.

Những sách quan trọng nhất trong sự nghiệp của Tản Đà hầu hết đều được xuất bản trong giai đoạn này như: Tản Đà tùng văn (tuyển cả thơ và văn xuôi, trong đó có truyện Thề Non Nước, 1922); Truyện thế gian tập I và II (1922), Trần ai tri kỷ  (1924), Quốc sử huấn nông (1924), và tập Thơ Tản Đà (1925). Ngoài ra thư cục này còn cho xuất bản sách của Ngô Tất Tố, Đoàn Tư Thuật.

Năm 1926, khi Hữu Thanh tạp chí đình bản, Tản Đà cho ra đời An Nam tạp chí. Đây là tờ báo mà ông đã dành hết tâm huyết, cũng là mở ra quãng đời lận đận của ông.

Có thể nói, từ thập niên 1920 cho đến nửa đầu thập niên 1930, Tản Đà chính là nhà thơ được nhiều độc giả yêu mến nhất trên văn đàn. Dù về sau, phong trào Thơ mới bùng nổ thì cái tên Tản Đà vẫn được yêu thích. Thậm chí, nhiều người xem ông như một ông Thánh của làng thơ…

Trong sự nghiệp cầm bút của mình, Tản Đà viết rất nhiều thể loại cả về nội dung lẫn hình thức. Thơ ông có đủ sự lãng mạn, ý tưởng ngông nghênh và mang đậm phong cách cá nhân.

Không chỉ sáng tác thơ, Tản Đà còn giỏi trong việc dịch thơ Đường thành thơ lục bát. Ông được biết đến là một người dịch thơ Đường ra ngôn ngữ Việt hay nhất.

Bài thơ Hầu Trời của Tản Đà chính là bài thơ tiêu biểu nhất cho phong cách thơ ông. Bài thơ mang nét cá tính, độc đáo, mạch thơ đi theo một câu chuyện cụ thể, hấp dẫn, đặc biệt cái “ngông” của tác giả cũng được thể hiện một cách rõ ràng nhưng lại vô cùng thu hút.

Một số bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Tản Đà

Sau Nguyễn KhuyếnTú Xương, Tản Đà chính là người tiếp tục phất lên ngọn cờ thi ca Việt Nam thế kỷ XX (trước khi Thơ mới xuất hiện). Là cây bút phóng khoáng, xông xáo trên nhiều lĩnh vực, thơ Tản Đà không chỉ viết lên tiếng lòng ông hay những biến đổi thời cuộc, thơ của ông còn là nguồn cảm hứng cho thế hệ sau về tinh thần sáng tạo, sự đột phá, đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật.

Dưới đây là những bài thơ hay của Tản Đà được đánh giá cao trên thi đàn văn học nước nhà.

Thề non nước

Nước non nặng một lời thề,
Nước đi đi mãi không về cùng non.
Nhớ nhời “nguyện nước thề non”,
Nước đi chưa lại, non còn đứng không.
Non cao những ngóng cùng trông,
Suối tuôn dòng lệ chờ mong tháng ngày.
Xương mai một nắm hao gầy,
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương.
Giời tây chiếu bóng tà dương,
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha.
Non cao tuổi vẫn chưa già,
Non thời nhớ nước, nước mà quên non!
Dẫu rằng sông cạn đá mòn,
Còn non còn nước, hãy còn thề xưa.
Non xanh đã biết hay chưa?
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn.
Nước non hội ngộ còn luôn,
Bảo cho non chớ có buồn làm chi!
Nước kia dù hãy còn đi,
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui.
Nghìn năm giao ước kết đôi,
Non non nước nước không nguôi nhời thề.

Muốn làm thằng Cuội

Đêm thu buồn lắm! Chị Hằng ơi!
Trần thế em nay chán nửa rồi.
Cung quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.
Có bầu, có bạn, can chi tủi,
Cùng gió, cùng mây, thế mới vui.
Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám.
Tựa nhau trông xuống thế gian, cười.

Hầu trời

Đêm qua chẳng biết có hay không,
Chẳng phải hoảng hốt, không mơ mòng.
Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể!
Thật được lên tiên - sướng lạ lùng.

Nguyên lúc canh ba nằm một mình,
Vắt chân dưới bóng ngọn đèn xanh.
Nằm buồn, ngồi dậy đun nước uống,
Uống xong ấm nước, nằm ngâm văn.

Chơi văn ngâm chán lại chơi trăng
Ra sân cùng bóng đi tung tăng
Trên trời bỗng thấy hai cô xuống
Miệng cười mủm mỉm cùng nói rằng:

- “Trời nghe hạ giới ai ngâm nga,
Tiếng ngâm vang cả sông Ngân Hà!
Làm Trời mất ngủ, Trời đương mắng
Có hay lên đọc, Trời nghe qua.”

Ước mãi bây giờ mới gặp tiên!
Người tiên nghe tiếng lại như quen!
Văn chương nào có hay cho lắm
Trời đã sai gọi thời phải lên.

Theo hai cô tiên lên đường mây
Vù vù không cánh mà như bay.
Cửa son đỏ chói, oai rực rỡ
Thiên môn đế khuyết như là đây!

Vào trông thấy Trời, sụp xuống lạy
Trời sai tiên nữ dắt lôi dậy.
Ghế bành như tuyết vân như mây
Truyền cho văn sĩ ngồi chơi đấy.

Chư tiên ngôi quanh đã tĩnh túc
Trời sai pha nước để nhấp giọng.
Truyền cho “văn sĩ đọc văn nghe!”
- “Dạ bẩm lạy Trời con xin đọc.”

Đọc hết văn vần sang văn xuôi
Hết văn thuyết lí lại văn chơi
Đương cơn đắc ý đọc đã thích
Chè trời nhấp giọng càng tốt hơi.

Văn dài hơi tốt ran cung mây!
Trời nghe, Trời cũng lấy làm hay.
Tâm như nở dạ, Cơ lè lưỡi
Hằng Nga, Chúc Nữ chau đôi mày
Song Thành, Tiểu Ngọc lắng tai đứng
Đọc xong mỗi bài cùng vỗ tay.

- “Bẩm con không dám man cửa Trời
Những áng văn con in cả rồi
Hai quyển Khối tình văn thuyết lí
Hai Khối tình con là văn chơi
Thần tiên, Giấc mộng văn tiểu thuyết
Đài gương, Lên sáu văn vị đời
Quyển Đàn bà Tàu lối văn dịch
Đến quyển Lên tám nay là mười
Nhờ Trời văn con còn bán được
Chửa biết con in ra mấy mươi?

Văn đã giàu thay, lại lắm lối
Trời nghe Trời cũng bật buồn cười!
Chư tiên ao ước tranh nhau dặn:
- “Anh gánh lên đây bán chợ Trời!”
Trời lại phê cho: “Văn thật tuyệt!
Văn trần được thế chắc có ít!
Nhời văn chuốt đẹp như sao băng!
Khi văn hùng mạnh như mây chuyển!
Êm như gió thoảng, tinh như sương!
Đầm như mưa sa, lạnh như tuyết!
Chẳng hay văn sĩ tên họ gì?
Người ở phương nào, ta chưa biết.”

- “Dạ, bẩm lạy Trời con xin thưa
Con tên Khắc Hiếu họ là Nguyễn
Quê ở Á châu về Địa cầu
Sông Đà núi Tản nước Nam Việt.”

Nghe xong Trời ngợ một lúc lâu
Sai bảo thiên tào lấy sổ xét.
Thiên tào tra sổ xét vừa xong
Đệ sổ lên trình Thượng đế trông
- “Bẩm quả có lên Nguyễn Khắc Hiếu
Đày xuống hạ giới vì tội ngông.”

Trời rằng: “Không phải là Trời đày.
Trời định sai con một việc này
Là việc “thiên lương” của nhân loại,
Cho con xuông thuật cùng đời hay.”

- “Bẩm trời, cảnh con thực nghèo khó
Trần gian thước đất cũng không có
Nhờ Trời năm xưa học ít nhiều
Vốn liếng còn một bụng văn đó.
Giấy người mực người thuê người in
Mướn cửa hàng người bán phường phố.
Văn chương hạ giới rẻ như bèo
Kiếm được đồng lãi thực rất khó.
Kiếm được thời ít tiêu thời nhiều
Làm mãi quanh năm chẳng đủ tiêu.

Lo ăn lo mặc hết ngày tháng
Học ngày một kém tuổi càng cao
Sức trong non yếu ngoài chen rấp
Một cây che chống bốn năm chiều.
Trời lại sai con làm việc nặng quá
Biết làm có được mà dám theo.”

Rằng: “Con không nói Trời đã biết
Trời dẫu ngồi cao, Trời thấu hết
Thôi con cứ về mà làm ăn
Lòng thong chớ ngại chi sương tuyết!”

Vâng nhời Trời dạy, lạy xin ra
Trời sai Khiên Ngưu đóng xe tiễn
Xe trời đã chực ngoài thiên môn
Chư tiên theo ra cùng tiễn biệt

Hai hàng luỵ biệt giọt sương rơi
Trong xuống trần gian xa dặm khơi
Thiên tiên ở lại, trích tiên xuống
Theo đường không khí về trần ai.

Đêm khuya khí thanh sao thưa vắng
Trăng tà đưa lối về non Đoài.
Non Đoài đã tới quê trần giới
Trông lên chư tiên không còn ai.

Tiếng gà xao xác, tiếng người dậy
Giữa sân còn đứng riêng ngậm ngùi.
Một năm ba trăm sáu mươi đêm,
Sao được mỗi đêm lên hầu Trời!

voh-tho-tan-da-2

Vịnh bức địa - đồ rách

Nọ bức dư-đồ thử đứng coi,
Sông sông núi núi khéo bia cười!
Biết bao lúc mới công vờn vẽ,
Sao đến bây giờ rách tả tơi.
Ấy trước ông cha mua để lại,
Mà sau con cháu lấy làm chơi.
Thôi thôi có trách chi đàn trẻ,
Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi.

Thăm mả cũ bên đường

Chơi lâu nhớ quê về thăm nhà,
Đường xa, người vắng, bóng chiều tà.
Một dẫy lau cao, làn gió chạy,
Mấy cây thưa lá, sắc vàng pha.
Ngoài xe chơ một đống đất đỏ,
Hang hốc đùn trên đám cỏ gà.
Người nằm dưới mả ai ai đó?
Biết có quê đây, hay vùng xa?
Hay là thủa trước kẻ cung đao?
Hám đạn, liều tên, đón mũi dao;
Cửa nhà xa cách, vợ con khuất,
Da ngựa gói bỏ lâu ngày cao.
Hay là thủa trước kẻ văn chương?
Chen hội công danh nhỡ lạc đường.
Tài cao phận thấp, chí khí uất,
Giang hồ mê chơi quên quê hương.
Hay là thủa trước khách hồng-nhan?
Sắc sảo khôn ngoan giời đất ghen;
Phong trần xui gặp bước lưu lạc,
Đầu xanh theo một chuyến xuân tàn.
Hay là thủa trước khách phong lưu,
Vợ con đàn hạc đề huề theo;
Quan san xa lạ, đường lối khó,
Ma thiêng, nước độc, phong sương nhiều.
Hay là thủa trước bậc tài danh?
Đôi đôi lứa lứa cũng linh tinh;
Giận duyên tủi phận hờn ân ái,
Đất khách nhờ chôn một khối tình.
Suối vàng sâu thẳm, biết là ai,
Mả cũ không ai kẻ đoái hoài.
Trải bao ngày tháng chơ chơ đó,
Mưa rầu, nắng rãi, giăng mờ soi.
Ấy thực quê hương con người ta.
Dặn bảo trên đường những khách qua:
Có tiếng khóc oe thời có thế,
Trăm năm ai lại biết ai mà!

Nói chuyện với bóng

Phòng văn nửa khép cánh thu,
Đèn văn một ngọn trông lù dù xanh.
Đứng lên, ngồi xuống một mình,
Khối tình ai nặn, lửa tình ai khêu.
Mập mờ khi thấp khi cao,
Trông ra chẳng biết ông nào lại chơi;
Nhận lâu sau mới bượch cười,
Té ra anh Bóng, chớ ai đâu mà.
Bóng ơi, mời Bóng vào nhà.
Ngọn đèn khêu tỏ đôi ta cùng ngồi.
Cùng nhau rãi một đôi nhời,
Ta ngồi ta nói, Bóng ngồi Bóng nghe.
Cõi đời khi cất tiếng oe,
Đã bên ngọn lửa lập lòe có nhau.
Tương tri từ đấy về sau,
Đôi ta một bước cùng nhau chẳng dời.
Ta ngồi khi Bóng cùng ngồi;
Ta đi, ta đứng, Bóng thời cũng theo.
Có khi lên núi qua đèo,
Mình ta với Bóng leo trèo cùng nhau.
Có khi quãng vắng đêm thâu,
Mình ta với Bóng âu sầu nỗi riêng.
Có khi rượu nặng hơi men,
Mình ta với Bóng ngả nghiêng canh tàn.
Có khi trè đượm mầu lan,
Mình ta với Bóng bàn hoàn thú xuân.
Có khi bút thảo câu thần,
Mình ta với Bóng xoay vần nệm hoa.
Đôi khi sấm chớp phong ba,
Quộc đời nguy biến có ta có mình.
Đôi khi gió mát giăng thanh,
Bầu giời thanh thú riêng mình với ta.
Trăm năm cho đến cõi già,
Còn ta còn bóng còn là có nhau.
Trần ai mặc những ai đâu,
Ai thương tử biệt, ai sầu sinh ly.
Còn ta, Bóng nỡ nào đi;
Ta đi, Bóng có ở chi cõi trần.
Tin nhau đã vẹn muôn phần,
Cũng xin rãi hết xa gần cùng nhau.
Bóng nghe, Bóng cũng gật đầu.

Ếch mà

Khoảng thu đông, sương xuống, gió lạnh, nước ao cạn, Ếch chui vào mả. Rô, riếc, chê, chuối, cua, ốc, tôm, tép đều có ý chê là vô tình. Ếch ngồi mà tự nghĩ riêng rằng: như mình, hai bàn tay không làm được việc gì, từ khi ra với đời, chỉ ăn cho no lòi tù và, rồi phi nhẩy hão vô ích thời lại ngồi dương mắt ra đấy thôi. Thôi thời đành ngồi tho mà chịu tiếng vô tình, còn hơn nhẩy lắm mà vô ích. Nghĩ vậy, Ếch ngồi ngâm một bài, để mà gửi đi rằng:

Phượng kêu trái núi bên tê
Hồng bay bốn bể, Nhạn về nơi nao
Cánh Bằng đập ngọn phù dao
Đầm xa tiếng Hạc lên cao vọng giời
Ao thu lạnh lẽo sự đời
Cành sương ngọn gió bời bời lá tre
Lắng tai Ếch những ngôi nghe
Tiếc xuân Quốc đã qua hè, ai thương
Tràng Ve khóc đói năn sương
Cô Oanh học nói như nhường công tai
Nỏ mồm chú Khứu hót ai?
Vì ai? bác Cú đêm dài cầm canh
Canh khuya cậu Vạc mò ăn
To mồm sơi cắp là anh Quạ đùng
Diều hâu rít lưỡi giữa đồng
Tặc kè nghiến lợi, Thạch sùng chép môi
Gáy đâu Gà mái nhà ai
Mèo gào, Chó hú, trên giời Lợn kêu
Ếch nghe cũng đã đủ điều
Ếch trông cũng đã đủ nhiều trò vui
Thôi thời Ếch cũng xin lui
Ẹp mình, rén bước, Ếch chui vào mà
Ngồi mà nhắn bạn ao ta
Bèo xưa nước cũ vưỡn là có nhau
Còn bèo còn nước còn lâu
Còn xuân sắp tới, còn thu chưa tàn
Còn nhiều ơn ái chan chan
Còn khăng khít nghĩa, còn ran ríu tình
Hang lan thanh vắng một mình
Mấy lời ỳ ọp thảo trình tương tri
Cánh bèo ngọn gió đưa đi.

Chơi Huế

Đường vô xứ Huế quanh quanh,
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ;
Yêu em, anh cứ anh vô,
Kệ chuông nhà Hồ, mặc phá Tam giang.
Xe hơi đã tới đèo Ngang,
Ấy qua Hà Tĩnh, đường sang Quảng Bình.
Danh sơn gặp khách hữu tình,
Đèo Ngang ơi hỡi, là mình với ta.
Con cháu chúa, nước non nhà,
Không đi không lại nên ra lạ lùng.
Dừng xe, lên đính ta trông,
Mặt ngoài bể nước, bên trong núi rừng.
Nhớ từ hoàng Nguyễn long hưng,
Cơ đồ gây dựng cũng rằng từ đây.

Giang san từ ấy đến nay,
Nào giăng mặt bể, nào mây trên ngàn.
Aỉ xưa bia cũ còn truyền
Oai linh cảnh thắng, bàng hoàng khách du.
Chiều xuân êm ả như du,
Thuận xe lại cứ dậm cù như bay.
Càng vào mãi, càng sinh hay,
Càng trông cảnh vất đổi thay lạ nhường:
Nhỏ to mả trắng bên đường,
Xa xa mé bể cồn vàng thấp cao.
Dọc đường dân chúng biết bao,
Ruông tình hữu ái như rào trận mưa.
Rồng tiên cùng họ từ xưa.
Ba mươi năm mới bây giờ gặp nhau.
Nhận xem áo vải quần nâu,
Gái, giai, già, trẻ một mầu không hai.
Văn minh giầy đã bán khai,
Ngợ sao còn hãy như đời Hùng Vương.
Giời tây ngả bóng tà dương,
Ô-tô lại đổi lên đường hỏa-xa.
Ấy từ QuảngTrị Đông Hà,
Đi năm ga nữa vừa là tới Kinh.
Kinh thành gái lịch giai thanh,
Cảnh thêm Hương Thủy, Ngự Bình điểm tô.
Con người xứ Bắc mới vô,
Mừng nay được thấy Đế đô một lần.

Hoàng thành cung điện liên vân.
Dinh quan Khâm sứ đóng gần một nơi.
Quan dân ở cả thành ngoài,
Quanh thành tám cửa sông dài bọc quanh.
Lại bao phố xá ngoài thành,
Trên cầu xe ngựa, ghe mành dưới sông.
Đông Ba, Gia Hội càng đông;
Gịp cầu nhẹ bước xa trông càng tình.
Giòng sông trắng, lá cây xanh,
Xuân giang xuân thụ cho mình nhớ ai!
Ngày xuân có lúc đi chơi,
Lăng chùa qua biết các nơi quanh gần.
Đế kinh đã gội mưa nhuần,
Tiện theo đường sắt vô dần xứ trong.
Một đi thêm một lạ lùng:
Xe chui hầm tối, bể trùng sóng cao.
Dưới đường sóng bể nhẩy reo,
Như mừng bạn mới, như chào khách xa.
Hải Vân đèo nhớn vừa qua,
Mưa xuân ai bỗng đổi ra nắng hè.
Tiết giời như đã sang hè,
Mà theo phận đất thời về Quảng Nam.
Càng đi rộng, càng biết thêm,
Tu Ran cảnh vật càng xem càng mừng.

Nước xuân sóng lục vô chừng,
“Lục ba xuân thủy” ai từng học chưa?
Vào nhà Tích cổ xem qua,
Chiêm Thành này tượng ngày xưa hãy còn!
Biết bao vật nhớn hình con,
Trạm rồng cột đá chưa mòn nét dao.
Cảnh còn như rước như chào,
Tiếc thay! ai mới qua vào đã ra.
Đường về cũng thế mà xa,
Chiều hôm mười tám đến ga Hà thành.
Chơi xuân kê lại hành trình,
Ngày ba mươi tết hứng tình ra đi.
Tự Bất Bạt, qua Việt Trì,
Còn năm kỷ vị, còn thì tiết đông.
Canh thân ăn tết Thăng Long,
Sang ngày mùng bốn vào trong Trung Kỳ.
Chơi xuân ta nghĩ cũng kỳ!
Gịp đâu may mắn cũng vì có ai.
Cám ơn hai chữ liên tài,
Còn tình, còn nghĩa, còn dài sắt son.
Còn giời, còn nước, còn non,
Tiền trình vạn lý, anh còn chơi xa.
Chơi cho biết mặt sơn hà,
Cho sơn hà biết ai là mặt chơi.

Mưa thu đất khách

Mưa mưa mãi! ngày đêm rả rích;
Giọt mưa thu, dạ khách đầy vơi.
Những ai mặt biển chân giời,
Nghe mưa, ai có nhớ nhời nước non?

Thư trách người tình nhân không quen biết

Ngồi buồn ta lại viết thư chơi,
Viết bức thư này, gửi trách ai.
Non nước bấy lâu lòng tưởng nhớ,
Mà ai tri kỷ vắng tăm hơi!

Đỉnh non Tản, mây giời man mác,
Giải sông Đà, bọt nước lênh bênh;
Bao nhiêu cảnh, bấy nhiêu tình,
Nước kia mây nọ như mình với ta.
Người đâu tá? quê nhà chưa tỏ;
Tuổi bao nhiêu? tên họ là chi?
Đã sinh cùng nước cùng thì,
Cùng ta không biệt mà ly, hỡi mình!
Kể từ độ thư tình gửi nhắn,
Trải bao năm tin nhạn chờ mong.

Những là ngày hạ đêm đông,
Hồi âm chẳng thấy, như không có mình.
Hỏi cùng núi, mây xanh chẳng biết;
Hỏi cùng sông, nước biếc không hay.
Sông nước chẩy, núi mây bay,
Mình ơi! có biết ta đây nhớ mình?
Cuộc trần thế công danh chẳng thiết,
Áng phong lưu huê nguyệt đã thừa;
Nhớ mình ra ngẩn vào ngơ,
Trông mây, trông nước, nay chờ mai mong.
Mong giáp mặt, mặt không giáp mặt;
Chờ tin thư, thư mất tin thư.
Tháng ngày thấm thoắt thoi đưa,
Tuổi ba mươi lại đã dư một vài.
Câu tri kỷ cùng ai tri kỷ,
Truyện chung tình ai kẻ chung tình.
Bụi hồng vắng vẻ mắt xanh,
Mình ơi, ta nhớ, mà mình quên ta!
Không quen biết cũng là quen biết,
Ta nhớ mình ta viết thư chơi.
Thư tình này bức thứ hai,
Tiếp thư, xin chóng giả nhời cho nhau.

Đời chán ngán

Người đời thử ngẫm mà hay
Trăm năm là ngắn, một ngày dài ghê!
Còn ai ai tỉnh ai mê
Những ai thiên cổ đi về những đâu?

Đời đáng chán hay không đáng chán?
Cất chén quỳnh, riêng hỏi bạn tri âm
Giá khuynh thành nhất tiếu thiên câm
Mắt xanh trắng đổi nhầm bao khách tục
Giang hà nhật hạ nhân giai trọc
Thiên địa lô trung thục hữu tình
Đón đưa ai gió lá chim cành
Ấy nhân thế phù sinh là thế thế
Khách phù thế chửa dứt câu phù thế
Người phong lưu càng đượm vẻ phong lưu
Bức khăn hồng nâng đỡ hạt châu
Chuyện kim cổ một vài câu phải trái
Châu Nam Hải, thuyền chìm sông Thuý Ái
Sóng Tiền Đường, cỏ áy bến Ô giang
Ngẫm nghìn xưa: ai tài hoa, ai tiết liệt, ai đài trang
Cùng một giấc mơ màng trong vũ trụ
Đời đáng chán biết thôi là đủ
Sự chán đời xin nhủ lại tri âm
Nên chăng nghĩ lại kẻo nhầm.

voh-tho-tan-da-3

Lại say

Say sưa nghĩ cũng hư đời,
Hư thời hư vậy, say thời cứ say.
Đất say đất cũng lăn quay,
Trời say mặt cũng đỏ gay, ai cười?
Say chẳng biết phen này là mấy!
Nhìn non xanh chẳng thấy, lại là say.
Quái! Say sao say mãi thế này?
Say suốt cả đêm ngày như bất tỉnh.
Thê ngôn tuý tửu chân vô ích
Ngã dục tiêu sầu thả tự do
Việc trần ai, ai tỉnh ai lo
Say tuý luý nhỏ to đều bất kể.
Trời đất nhỉ, cái say là sướng thế!
Vợ can chồng, ai dễ đã chừa ngay?
Muốn say lại cứ mà say!

Gió thu

Trận gió thu phong rụng lá vàng
Lá rơi hàng xóm, lá bay sang
Vàng bay mấy lá năm già nửa
Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng!
Trận gió thu phong rụng lá hồng
Lá bay tường bắc, lá sang đông
Hồng bay mấy lá năm hồ hết
Thơ thẩn kìa ai vẫn đứng không!

Thời trai loạn

Hai mươi nhăm triệu con người
Trừ ra khăn yếm còn thời mày râu
Chắp tay rồi lại cúi đầu
Nghĩ nguồn cơn ấy ai sầu chăng ai!
Thế mà cũng kiếp làm trai
Con Hồng cháu Lạc cũng nòi giống ta
Ai về nhắn bạn quần thoa
Chồng con như thế xót xa thế nào?
Thương ai phận gái má đào.

Thơ thẩn

Phòng văn lặng ngắt bóng giăng mờ
Ngồi nghĩ thơ mà luống thẩn thơ
Chỉ thắm ai người tơ tưởng mối
Ruột tằm còn những vấn vương tơ
Bụi nhờn mặt trắng da đen sạm
Tuyết nhuộm đầu xanh tóc bạc phơ
Thơ nghĩ chưa ra già đã tới
Buồn chăng ai hỡi, bạn làng thơ!

Khách giang hồ

Khuất khúc non sông lắm dịp cầu
Những là gió Á với mưa Âu
Đời chưa duyên kiếp ai xanh mắt?
Khách chẳng công danh cũng bạc đầu!
Cảnh cũ đòi phen thay chủ mới
Đường xa kinh nỗi suốt đêm thâu
Giang hồ chưa đã bao nhiêu bước
Mà cuộc trần ai mấy bể dâu!

Tập Kiều, viếng Kiều

Lấy thân mà trả nợ đời
Nghĩ thân mà lại ngậm ngùi cho thân
Phonh lưu rất mựch hồng quần
Mười lăm năm, bấy nhiêu lần làm gương
Thề hoa chưa ráo chén vàng
Bán mình vội phải tìm đường cứu cha
Lênh đênh đâu nữa cũng là...
Cái thân liệu nhữnh từ nhà liệu đi
Khi Vô Tích, khi Lâm Truy
Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần
Đùnh đùnh gió dụch mây vần
Hồnh quân với khách hồnh quần đã xoay
Cửa giời rộnh mở đường mây
Hay là khổ tận, đến ngày cam lai
Triều đình riêng một góc giời
Mua vui cũnh được một vài trống canh
Kiếp hồnh nhan có monh manh
Khuôn thiêng lừa lọc đã đành có nơi
Thương ôi! sắc nước hương giời
Ngàn thu bạc mệnh, một đời tài hoa
Đau đớn thay phận đàn bà
Khéo thay thác xuống làm ma khônh chồnh
Lửa hương chốc để lạnh lùnh
Nào người tiếc lục tham hồnh là ai?

Về quê nhà cảm tác

Lạnh lẽo hơi thu chiếc lá bay
Gió đưa người cũ lại về đây
Ba Vì tây lĩnh nom thêm trẻ
Một giải thu giang nước vẫn đầy
Nam Bắc đã nên người duyệt lịch
Giang hồ đáng chán vị chua cay
Mười ba năm đó bao dâu bể
Góp lại canh trường một cuộc say!

Vui xuân

Tin xuân đến ngọn cây đào
Bảo cho hoa biết ra chào Chúa Xuân
Mỗi năm xuân đến một lần
Thiều quang chín chục xoay vần chẳng sai
Ngày xuân còn mãi không thôi
Tuổi xuân ai dễ xanh rồi lại xanh
Đường mây những khách công danh
Mày râu cụ lớn thay hình thanh niên
Thành sầu mấy ả Khâm Thiên
Én oanh dẫn lối con thuyền Tầm Dương
Làng văn mấy bạn văn chương
Bút hoa án tuyết, hơi sương mái đầu
Tiểu thư ai đó tựa lầu
Thơ đào chưa vịnh, mai hầu bảy ba
Trời xanh, trời cũng khi “già”
Xuân xanh, xanh mãi đâu mà, hỡi ai!
Gặp xuân ta hãy làm vui
Kẻo nay xuân đến kẻo mai xuân về
Vui xuân rượu uống thơ đề

Chiêu Hoàng lấy chồng

Quả núi Tiêu San, có nhớ công?
Mà em bán nước để mua chồng!
Ấy ai khôn khéo tài dan díu
Những truyện huê tình biết có không?
Một gốc mận già thôi cũng phải
Hai trăm năm lẻ thế là xong
Hỏi thăm sư cụ chùa Chân Giáo:
Khách cưới nhà ai áo mũ đông?

Sự nghèo

Người ta hơn tớ cái phong lưu
Tớ cũng hơn ai cái sự nghèo
Cảnh có núi sông cùng xóm ngõ
Nhà không gạch ngói chẳng gianh pheo
Văn chương rẻ ế coi mà chán
Giăng gió ham mê nghĩ cũng phèo
Kiếp trước nhớ sinh đời Hạ Vũ
Mưa vàng ba buổi chán xu tiêu.

Có thể nói, thơ Tản Đà không chỉ đơn thuần là một dòng nghệ thuật độc lập mà còn là chiếc “cầu nối” giữa những truyền thống văn hóa cổ điển và những tầm nhìn mới mẻ của thế kỷ XX. Những sáng tác của ông không chỉ góp phần vào sự thay đổi của văn học, nó còn là nguồn cảm hứng cho những người yêu thơ học hỏi để phát triển văn thơ của mình.

Đón đọc thêm nhiều tác giả cùng các bài thơ hay tại chuyên mục Sống đẹp của voh.com.vn.