Tú Xương - người duy nhất của làng trào phúng Việt trong thời đại cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX xứng đáng với tên gọi người kể chuyện cười bằng thơ. Tác phẩm ông để lại gồm nhiều thể loại: thơ, phú, câu đối, hát nói,... phần lớn đều bằng chữ Nôm. Sau đây là một số bài thơ Thú Xương hay nhất được VOH tổng hợp.
Tú Xương là ai?
Tú Xương (Trần Tế Xương) tên thật là Trần Duy Uyên, tự Mặc Trai, hiệu Mộng Tích. Ông sinh ra tại làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, Nam Định.
Tú Xương nổi tiếng thông minh, nhưng cuộc đời ông lận đận chuyện thi cử. Tám khoa đều hỏng nên dấu ấn thi rớt in đậm nét trong tiềm thức Tú Xương.
Cuộc sống của ông thiếu thốn về vật chất. Sự nghèo đói đã cứa xé Tú Xương. Sự đểu cáng đã vả vào Tú Xương. Sự vất vả, cay cú, phát phẫn, buồn biền mà ông trải qua được ông lột tả một cách chân thực nhất thông qua những vần thơ của mình.
Có thể nói, cả đời Tú Xương hầu như chỉ làm thơ trào phúng, trong đó nổi bật nhất là chuyện thi cử và những điều mắt thấy tai nghe. Bên cạnh dòng thơ trào phúng, ông cũng để lại cho đời những bài trữ trình thắm thiết, trong đó nổi bật có bài thơ Thương vợ.
Trong sự nghiệp cầm bút của mình, ông đã để lại cho nền văn học dân tộc với hơn 150 bài thơ đủ các thể loại. Một số tác phẩm tiêu biểu có thể kể đến như:
- Tú Xương con người và nhà thơ của Trần Thanh Mại, Trần Tuấn Lộ - NXB Văn hóa
- Thơ văn Trần Tế Xương - NXB Văn học (1970)
- Tú Xương thi tập do nhà sách Phúc Chí - 95 Hàng Bồ, Hà Nội
- Trông dòng sông Vị (Văn chương và thân thế Trần Tế Xương)
- Vị Xuyên thi văn tập của Sở Cuồng (tức Lê Dư), Nam Kỳ thư quán (1931 - sau có tái bản)
Những bài thơ trào phúng của Tú Xương
Tú Xương được biết đến là một nhà thơ trào phúng xuất sắc. Nét độc đáo trong thơ Tú Xương chính là sự kết hợp giữ các yếu hiện thực, trào phúng và trữ tình để nói lên tiếng lòng của mình.
Sông Lấp
Sông kia rày đã nên đồng,
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai.
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai,
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
Mùa nực mặc áo bông
Bức sốt nhưng mình vẫn áo bông,
Tưởng rằng ốm dậy hoá ra không!
Một tuồng rách rưới con như bố,
Ba chữ nghêu ngao vợ chán chồng.
Đất biết bao giờ sang vận đỏ?
Trời làm cho bõ lúc chơi ngông!
Gần chùa gần cảnh ta tu quách,
Cửa Phật quanh năm sẵn áo sồng.
Tự cười mình
1.
Ở phố Hàng Nâu có phỗng sành
Mắt thời thao láo, mặt thời xanh
Vuốt râu nịnh vợ, con bu nó
Quắc mắt khinh đời, cái bộ anh
Bài bạc kiệu cờ cao nhất xứ
Rượu chè trai gái đủ tam khoanh
Thế mà vẫn nghĩ rằng ta giỏi
Cứ việc ăn chơi, chẳng học hành
2.
Lúc túng toan lên bán cả trời
Trời cười thằng bé nó hay chơi
Cho hay công nợ âu là thế
Mà vẫn phong lưu suốt cả đời
Tiền bạc phó cho con mụ kiếm
Ngựa xe chẳng thấy lúc nào ngơi
Còn dăm ba chữ nhồi trong bụng
Khéo khéo không mà nó cũng rơi.
Bợm Già
Thầy thầy tớ tớ, phố xênh xang,
Thoạt nhác trông ra ngỡ cóc vàng.
Kiện hết sở Tuần, vô sở Sứ
Khi thì thầy số, lúc thầy lang.
Công nợ bớp bơ hình chúa Chổm,
Phong lưu đài các giống ông hoàng.
Phong lưu như thế phong lưu mãi,
Điếu ống, xe dài độ mấy gang?
Bỡn Tri Phủ Xuân Trường
Tri phủ Xuân Trường được mấy niên
Nhờ trời hạt ấy cũng bình yên.
Chữ “thôi” chữ “cứu” không phê đến,
Ông chỉ quen phê một chữ “tiền”!
Ông cò
Hà Nam danh giá nhất ông cò
Trông thấy ai ai chẳng dám ho
Hai mái trống toang đành chịu dột
Tám giờ chuông đánh phải nằm co
Người quên mất thẻ âu trời cãi
Chó chạy ra đường có chủ lo
Ngớ ngẩn đi xia may vớ được
Chuyến này ắt hẳn kiếm ăn to!
Thói đời
Người bảo ông điên, ông chẳng điên,
Ông thương ông tiếc hoá ông phiền.
Kẻ yêu người ghét hay gì chữ,
Đứa trọng thằng khinh chỉ vị tiền.
Ở bể ngậm ngùi cơn tới lạch,
Được voi tấp tểnh lại đòi tiên.
Khi cười khi khóc khi than thở,
Muốn bỏ văn chương học võ biền!
Ba cái lăng nhăng
Một trà, một rượu, một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta
Chừa được thứ nào hay thứ đó
Có chăng chừa rượu với chừa trà.
Quan tại gia
Một ngọn đèn xanh, mấy quyển vàng,
Bốn con làm lính, bố làm quan.
Câu thơ, câu phú, sưu cùng thuế,
Nghiên mực, nghiên son, tổng với làng.
Nước quạt chưa xong, con nhảy ngựa,
Trống hầu vừa dứt, bố lên thang.
Hỏi ra quan ấy ăn lương vợ,
Đem chuyện trăm năm giở lại bàn.
Đi Hát Mất Ô
Đêm qua anh đến chơi đây
Giày chân anh dận, ô tay anh cầm
Rạng ngày sang trống canh năm
Anh dậy, em hãy còn nằm trơ trơ
Hỏi ô, ô mất bao giờ
Hỏi em, em cứ ậm ờ không thưa
Chỉn e rầy gió mai mưa
Lấy gì đi sớm về trưa với tình?
Đất Vị Hoàng
Có đất nào như đất ấy không?
Phố phường tiếp giáp với bờ sông.
Nhà kia lỗi phép con khinh bố,
Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng.
Keo cú người đâu như cứt sắt,
Tham lam chuyện thở rặt hơi đồng.
Bắc Nam hỏi khắp người bao tỉnh,
Có đất nào như đất ấy không?
Vì Tiền
Vì chưng chẳng có, hoá thân hèn,
Hổ với anh em, chúng bạn quen.
Thuở trước chơi bời còn quyến luyến,
Bây giờ đi lại dám mon men!
Giàu sang, âu yếm, tình quen thuộc,
Bần tiện, thờ ơ, dạ bạc đen.
Ví khiến trong tay tiền bạc có
Nói dơi nói chuột, chán người khen.
Vịnh Khoa thi hương (Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu)
Nhà nước ba năm mở một khoa,
Trường Nam thi lẫn với trường Hà.
Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,
Ậm ọe quan trường miệng thét loa.
Lọng cắm rợp trời quan sứ đến,
Váy lê quét đất mụ đầm ra.
Nhân tài đất Bắc nào ai đó,
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà.
Giễu người thi đỗ
Một đàn thằng hỏng đứng mà trông
Nó đỗ khoa này có sướng không
Trên ghế bà đầm ngôi đít vịt
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng!
Phường nhơ
Bấy lâu chơi với rặt phường nhơ
Quen mắt ưa nhìn chả biết dơ.
Nào sọt, nào quang, nào bộ gắp
Đứa bưng đứa hót đứa đang chờ
Mình hôi mũi ngạt không kỳ quản
Áo ấm cơm no vẫn nhởn nhơ.
Ngán nỗi hàng phường khi cúng tế,
Vẽ ông ôm đít để lên thờ.
Bài thơ chúc tết của Tú Xương
Mặc dù chuyên viết thơ trào phúng nhưng Tú Xương vẫn là một người yêu đời, lạc quan, yêu cuộc sống vì thế thơ Tết cũng chiếm một phần không nhỏ trong sự nghiệp sáng tác của ông. Tuy nhiên, khác với nhiều nhà thơ, các bài thơ chúc Tết của Tú Xương không chỉ có sự hiện hữu của mùa xuân, đất trời mà còn chất chứa nỗi niềm dân tộc.
Năm mới chúc nhau
Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau:
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.
Phen này ông quyết đi buôn cối,
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.
Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu:
Trăm, nghìn, vạn mớ để vào đâu
Phen này, ắt hẳn gà ăn bạc,
Đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu.
Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang:
Đứa thì mua tước, đứa mua quan.
Phen này ông quyết đi buôn lọng,
Vừa bán vừa la cũng đắt hàng.
Lẳng lặng mà nghe nó chúc con:
Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.
Phố phường chật hẹp, người đông đúc,
Bồng bế nhau lên nó ở non.
Bắt chước ai ta chúc mấy lời:
Chúc cho khắp hết ở trong đời.
Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước,
Sao được cho ra cái giống người.
Xuân nhật ngẫu hứng
Xuân từ trong ấy mới ban ra,
Xuân chẳng riêng ai, khắp mọi nhà.
Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột,
Om thòm trên vách bức tranh gà.
Chí cha chí chát khua giày dép,
Đen thủi đen thui cũng lượt là.
Dám hỏi những ai lòng cố quốc,
Rằng: xuân, xuân mãi thế ru mà?
Cảm Tết, Sắm Tết
Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo
Tiền bạc trong kho chửa lĩnh tiêu
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy
Trà sen mượn hỏi giá còn kiêu
Bánh đường sắp gói e mồm chảy
Giò lụa toan làm sợ nắng thiu
Thôi thế thì thôi đành tết khác
Anh em đừng nghĩ tết tôi nghèo.
Mồng hai tết, viếng cô Ký
Cô Ký sao mà đã chết ngay?
Ô hay, trời chẳng nể ông Tây!
Gái tơ đi lấy làm hai họ
Năm mới vừa sang được một ngày
Hàng phố khóc bằng câu đối đỏ
Ông chồng thương đến cái xe tay!
Gớm ghê cho những cô con gái
Mà vẫn đua nhau lấy các thầy!
Các bài thơ Tú Xương viết về vợ
Một số bài thơ viết về vợ của nhà thơ Tú Xương cũng vô cùng nổi tiếng. Ngoài 2 tác phẩm như Văn tế sống vợ, Thương vợ… còn khoảng hơn chục bài thơ đề cập đến người vợ với tình cảm thực sự, khi nghiêm chỉnh nhưng cũng có khi bỡn cợt, vui đùa.
Thương vợ
Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên, hai nợ, âu đành phận,
Năm nắng, mười mưa, dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc:
Có chồng hờ hững cũng như không!
Văn tế sống vợ
Con gái nhà dòng, lấy chồng kẻ chợ
Tiếng có miếng không, gặp chăng hay chớ
Mặt nhẵn nhụi, chân tay trắng trẻo, ai dám chê rằng béo rằng lùn?
Người ung dung, tính hạnh khoan hoà, chỉ một nỗi hay gàn hay dở!
Đầu sông bãi bến, đua tài buôn chín bán mười
Trong họ ngoài làng, vụng lẽ chào dơi nói thợ
Gần xa nô nức, lắm gái nhiều trai
Sớm tối khuyên răn, kẻ thầy người tớ
Ông tu tác cửa cao nhà rộng, toan để cho dâu
Anh lăm le bia đá bảng vàng, cho vang mặt vợ
Thế mà:
Mình bỏ mình đi, mình không chịu ở
Chẳng nói chẳng rằng, không than không thở.
Hay mình thấy tớ: nay Hàng Thao, mai phố Giấy mà bụng mình ghen?
Hay mình thấy tớ: sáng Tràng Lạc, tối Viễn Lai, mà lòng mình sợ?
Thôi thôi
Chết quách yên mồ
Sống càng nặng nợ
Chữ nhất phẩm ơn vua vinh tứ, ngày khác sẽ hay
Duyên trăm năm ông Nguyệt xe tơ, kiếp này đã lỡ
Mình đi tu cho thành tiên thành phật, để rong chơi Lãng Uyển, Bồng Hồ
Tớ nuôi con cho có rể có dâu, để trọn vẹn đạo chồng nghĩa vợ.
Vợ chồng ngâu
Tục truyền tháng bảy mưa Ngâu,
Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền.
Một là duyên, hai thời là nợ,
Sợi xích thằng ai gỡ cho ra?
Vụng về cũng thể cung nga,
Trăm khôn nghìn khéo chẳng qua mục đồng.
Hay là sợ muộn chồng chăng tá?
Hơi đâu mà kén cá chọn canh!
Lấy ai, ai lấy cũng đành,
Rể trời đâu cả đến anh áo buồm.
Một số bài thơ Tú Xương khác
Dưới đây là một số bài thơ khác của nhà thơ Tú Xương đã đi vào lòng người đọc một cách nhẹ nhàng, lắng đọng nhưng cũng rất thâm thúy, sâu cay.
Áo bông che bạn
Hỡi ai, ai có thương không?
Đêm mưa, một mảnh áo bông che đầu
Vì ai, ai có biết đâu?
Áo bông ai ướt khăn đầu ai khô?
Người đi Tam Đảo, Ngũ Hồ
Kẻ về khóc trúc Thương Ngô một mình
Non non nước nước tình tình
Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ!
Đánh tổ tôm
Bực chẳng nhẽ anh hùng khi vị ngộ,
Như lúc đen chơi cuộc tổ tôm,
Bài chạm thành cuối cánh phỗng ầm ầm,
Ngồi thôi chẳng bốc quân rác rảnh.
Cũng có lúc thông chi thì bát sách,
Cũng có khi bạch định bốc yêu hồng;
Cất bài lên ông lão vẫn lẩn vòng,
Không đâu cả gặp kề năm bảy phỗng.
Cũng có ván tôm lèo lên chờ rộng,
Vớ phải thằng bạch thủ phỗng tay trên.
Gớm ghê thay đen thực là đen!
Sắc như mác cũng thua thằng vận đỏ.
May mắn nhẽ hữu duyên năng tái ngộ,
Bĩ cực rồi đến độ thái lai;
Tiếng tam khôi chi để nhường ai,
Hết bạch lại hồng, thông mãi mãi.
Nào những kẻ tay trên ban nãy,
Đến bây giờ thay thẩy dưới tay ta;
Tiếng bài cao lừng lẫy khắp gần xa,
Bát vạn ấy người ta ai dám đọ.
Thế mới biết tổ tôm có đen thì có đỏ.
Thì anh hùng vị ngộ có lo chi.
Trước sau, sau trước làm gì?
Than thân
Kể đã ba mươi mấy tuổi rồi,
Tôi ngồi tôi nghĩ cái thằng tôi.
Mấy khoa hương thí không đâu cả,
Ba luống vườn hoang bán sạch rồi.
Gạo cứ lệ ăn đong bữa một,
Vợ quen dạ đẻ cách năm đôi.
Bắc thang lên hỏi ông trời nhẽ:
Trêo ghẹo người ta thế nữa thôi?
Nghèo mà vui
Kể suốt thế đố ai bằng anh Mán,
Trải mùi đời, khôn chán giả làm ngây.
Hổ sinh ra lúc thời này,
An thân mệnh thế, giấu tay anh hùng.
Không danh cho dễ vẫy vùng,
Mình không phú quí, mắt không vương hầu.
Khi để chỏm, lúc cạo đầu,
Nghêu ngao câu hát nửa tàu nửa ta.
Không đội nón, chịu màu da dãi nắng,
Chẳng nhuộm răng, để trắng để cười đời.
Chốn quyền môn luồn cúi mặc ai ai,
Ngoài cương toả thảnh thơi ai đã biết?
Chỉ ấm ớ giả câm giả điếc,
Cứ vui tràn khi hát khi ngâm.
Trên đời mấy mặt tri âm!
Nhớ Bạn Phương Trời
Ta nhớ người xa cách núi sông,
Người xa, xa lắm, nhớ ta không?
Sao đang vui vẻ ra buồn bã,
Vừa mới quen nhau đã lạ lùng.
Lúc nhớ nhớ cùng trong mộng tưởng,
Khi riêng riêng cả đến tình chung.
Tương tư lọ phải là mưa gió,
Một ngọn đèn xanh trống điểm thùng.
Viếng Bạn
Đêm qua trằn trọc không yên
Vắng người cùng bạn bút nghiên sao đành!
Ngựa xe là thói tỉnh thành
Nào người vui thú học hành là ai?
Nhớ khi thảo sách học bài
Tựa trong khóm trúc, dạo ngoài hồ sen
Ngậm ngùi dưới nguyệt trước đèn
Ta vui ai biết, ta phiền ai hay?
Của trời như nước như mây
Lũ ta như dại như ngây như khờ
Đi đâu một bước một chờ
Vắng nhau một khắc một giờ khôn khuây
Tháng năm Tết đến sau này
Cùng ai lên núi hái cây xương bồ?
Há rằng thiếu níp không bồ
Tri âm đã vắng, Bồng Hồ cũng thôi!
Qua năm hương hội đến rồi
Cùng ai vượt bể đến nơi kinh kỳ?
Dẫu cho vui thú Phụng Trì
Khi vui mà vắng cố tri thêm sầu
Bạn đàn chưa dễ tìm nhau
Bạn nghiên bạn bút có đâu được nhiều!
Khóc Em Gái
Mệnh sao bạc thế hỡi em ơi!
Hai bốn hai lăm cũng một đời
Bảng hổ vừa treo, cầu Thước bắc
Cành thoa đã rụng, phím đàn rơi
Cây tương tư héo, chồng rầu rĩ
Thuyền độ sinh đưa, Phật rước mời
Những muốn dựng bia toan kỷ niệm
Lòng anh thương xót, xiết bao nguôi!
Mưa Tháng Bảy
Sang tuần tháng bảy tiết mưa ngâu,
Nắng mãi thì mưa cũng phải lâu.
Vạc nọ cầm canh thay trống mõ,
Rồng kia phun nước tưới hoa mầu.
Ì ào tiếng học nghe không rõ,
Mát mẻ nhà ai ngủ hẳn lâu.
Ông lão nhà quê tang tảng dậy,
Bảo con mang đó chớ mang gầu.
Cảm Hoài
Thua bạc nhà đi với mẹ nhà,
Bệnh gì chẳng bệnh, bệnh tim la!
Nay đi phố Giấy, mai đầu hát,
Khi ở sông Thương, lúc tỉnh Hà.
Đeo tiếng khoa danh cho thế mỉa,
Cực lòng cha mẹ để con ra!
Nam mô cứu khổ tiêu tai nạn
Nhờ lượng Quan Âm, đức Phật Bà!
Chiêm Bao
Bỗng thấy chiêm bao thấy những người
Thấy người nói nói lại cười cười
Tỉnh ra lại tiếc người trong mộng
Mộng thế thì bằng tỉnh mấy mươi
Lấy Lẽ
Cha kiếp sinh ra phận má hồng!
Khéo thay một nỗi lấy chung chồng.
Mười đêm chị giữ mười đêm cả,
Suốt tháng em nằm suốt tháng không.
Hầu hạ đã cam phần cát luỹ,
Nhặt khoan còn ỏm tiếng Hà Đông.
Ai về nhắn bảo đàn em nhé,
Có ế thì tu, chớ chớ chung!
Dại Khôn
Thế sự đua nhau nói dại khôn,
Biết ai là dại, biết ai khôn.
Khôn nghề cờ bạc là khôn dại,
Dại chốn vẵn chương, ấy dại khôn.
Này kẻ nên khôn đều có dại,
Làm người có dại mới nên khôn.
Cái khôn ai cũng khôn là thế,
Mới biết trần gian kẻ dại khôn.
Thời nhà thơ Trần Tế Xương sống là giai đoạn bi phẫn nhất của dân tộc, vì lẽ đó thế giới thơ Tú Xương là thế giới của cái “lạ đời”, rất riêng. Mong rằng sau khi đọc hết những vần thơ trên bạn sẽ hiểu hơn phần nào về chất thơ của Tú Xương.
Đừng quên theo dõi chuyên mục Sống đẹp của voh.com.vn để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.