Ngày 15/8 âm lịch hằng năm, các gia đình Việt lại náo nức quây quần bên mâm cỗ để trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, bạn đã thật sự hiểu rõ về nguồn gốc và ý nghĩa Tết Trung thu chưa? Tham khảo ngay bài viết sau của chúng tôi để hiểu rõ hơn về ngày đoàn viên này nhé!
1. Nguồn gốc và ý nghĩa Tết Trung thu tại Việt Nam
Tết Trung thu còn có tên gọi khác là Tết Đoàn viên, Tết Thiếu nhi hay Tết Trông trăng, là dịp để mọi gia đình sum họp, trao cho nhau những câu chúc, những tình cảm thân thương nhất. Sau đây, hãy cùng chúng tôi khám phá về nguồn gốc, ý nghĩa Tết Trung thu.
1.1 Nguồn gốc Tết Trung thu
Nhiều người cho rằng, Tết Trung thu của Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc sau thời gian dài nước ta bị phương Bắc đô hộ. Tuy nhiên, theo các nhà khảo cổ học, Tết Trung Thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ.
Theo văn bia chùa Đọi năm 1121 thì từ đời nhà Lý, Tết Trung Thu đã được chính thức tổ chức ở kinh thành Thăng Long với các hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Đây là dịp để nhà vua tạ ơn Thần Rồng đã mang mưa đến cho mùa màng bội thu, cho dân chúng ấm no, hạnh phúc. Đến đời Lê - Trịnh, Tết Trung Thu đã được tổ chức cực kỳ xa hoa trong phủ Chúa.
Tết Trung Thu có nguồn gốc từ nền văn minh nông nghiệp của dân tộc Việt Nam. Thời điểm này khí trời mát mẻ, mùa màng đang chờ thu hoạch, người ta mở hội cầu mùa, ca hát vui chơi. Đến nay, Tết Trung thu vẫn là một trong những ngày lễ quan trọng và là nét đẹp trong phong tục của người Việt.
1.2 Ý nghĩa Tết Trung thu
Hằng năm, cứ vào ngày trăng rằm tháng 8, các gia đình lại chuẩn bị mâm cỗ đầy đủ bánh trái thơm ngon cùng những chiếc đèn lồng lung linh sắc màu để dâng lên đất trời, tổ tiên, cầu mong cho gia đạo bình yên, cuộc sống và công việc của gia đình luôn được suôn sẻ, thành công.
Sau khi trăng lên đến đỉnh, mọi thành viên sẽ cùng “phá cỗ Trung thu”, thưởng thức những món ăn ngon và chìm đắm trong phút giây đoàn viên ấm áp. Những chiếc lồng đèn xinh xắn sẽ được các bé thắp sáng và cùng nhau rước đèn Trung thu. Bên cạnh đó, đây còn là dịp để ông bà, cha mẹ thể hiện tình yêu thương con cháu, giúp gắn kết tình cảm gia đình.
Ngoài ý nghĩa ngày Tết Trung thu trên, phong tục thưởng nguyệt (thưởng trăng) còn giúp người dân tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Theo kinh nghiệm dân gian, nếu trăng thu có màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.
2. Ý nghĩa của Tết trung thu đối với trẻ em
Tết Trung thu hay còn được gọi là Tết Thiếu nhi, gắn liền với sự tích chị Hằng và chú Cuội trên cung trăng. Trong dịp này, các bé sẽ có cơ hội vui chơi thỏa thích, chìm đắm trong thế giới mộng mơ với những câu chuyện cổ tích thần kỳ. Bên cạnh những lời chúc, món quà tặng Trung thu, bé còn được người lớn dẫn đi rước đèn ông sao hay dạo quanh đường phố để xem những tiết mục múa lân đặc sắc.
Với ý nghĩa của Tết Trung thu đối với trẻ em, đây là dịp để các bậc phụ huynh quan tâm đến con em của mình, thông qua đó giáo dục cho trẻ về tình yêu thương gia đình và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Xem thêm:
Hướng dẫn 15 cách làm đèn Trung thu handmade đẹp đơn giản
3. Ý nghĩa mâm cỗ ngày Tết Trung thu
Mâm ngũ quả Trung thu tượng trưng cho 5 yếu tố gồm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Điều này thể hiện mong cầu đủ đầy, bình an trong một năm. Từ "quả" trong mâm ngũ quả không chỉ mang ý nghĩa sung túc, mà còn mang ý nghĩa duy trì giống nòi, sinh sôi nảy nở của vạn vật.
4. Ý nghĩa bánh Trung thu
Ý nghĩa của bánh Trung thu là tượng trưng cho sự đoàn viên, gắn kết, là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ ngày rằm tháng 8. Thông thường, bánh sẽ có 2 loại là bánh nướng và bánh dẻo. Trong đó, bánh nướng có vị mặn, được làm bằng nhân lạp xưởng và lòng đỏ trứng gà, còn bánh dẻo có vị ngọt, nhân thường là đậu xanh hoặc đậu đỏ nấu nhừ.
Không chỉ có nhiều hương vị, bánh Trung thu còn được chia làm bánh tròn và bánh vuông với ý nghĩa khác nhau. Vậy ý nghĩa hình dáng bánh Trung thu tròn là gì?
Từ xa xưa, bánh Trung thu được sản xuất dưới dạng hình tròn, ngụ ý cho sự đoàn kết và viên mãn. Càng về sau, để phù hợp với xu hướng, thẩm mỹ và sự tiện lợi, bánh được biến dạng thành hình vuông. Phần trên bên ngoài bánh vuông sẽ có một vòng tròn ngay giữa tựa như vầng trăng rằm tháng 8.
Xem thêm:
Cách làm bánh trung thu và lưu ý khi làm bánh trung thu tại nhà
Bật mí công thức làm bánh Trung thu thập cẩm đơn giản, thành công ngay lần đầu tiên
Hướng dẫn cách làm bánh Trung thu bằng nồi chiên không dầu “ngon như lò nướng”
5. Ý nghĩa múa lân trong Tết Trung thu
Không chỉ trẻ con mà ngay cả người lớn đều rất háo hức đón chờ những tiết mục biểu diễn múa lân vào ngày trăng rằm tháng 8. Đây là phong tục lâu đời, trở thành nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt.
Theo tương truyền, múa lân trong dịp Trung thu bắt nguồn từ sự tích Phật Di Lặc hạ phàm chế ngự lân bảo vệ dân lành. Trong các màn trình diễn múa lân, ta sẽ dễ dàng bắt gặp hình tượng một ông bụng phệ, đầu hói, mặc áo dài sặc sỡ, tay cầm quạt mo, mang mặt nạ cười toe toét đi theo giỡn lân, giỡn khách xem múa, người ta hay gọi là ông Địa, đó chính là Đức Phật Di Lặc hoá thân thành để chế ngự con lân.
Truyền thuyết kể rằng:
“Vào thuở khai thiên lập địa, Lân là một con thú rất hung dữ, chuyên ăn thịt người và năm nào cũng xuất hiện phá phách vào mỗi dịp tết Trung Thu. Ông Địa lấy cỏ linh chi cho nó ăn và thu phục được nó, biến nó thành con thú hiền lành không còn quậy phá dân lành và chỉ biết ăn thực vật. Kể từ đó, hằng năm ông Địa lại dẫn lân đi vui Tết trung thu cùng mọi người và ban phước lành, may mắn, ấm no đến cho mọi nhà. Lân xuất hiện ở đâu thì ở đó tà ma bị loại trừ, nhân dân hạnh phúc, ấm no…”
Với người Việt, múa lân Trung thu mang ý nghĩa giúp xua đuổi tà mà, nhân dân hạnh phúc, đất đai màu mỡ. Không những vậy, đây còn là tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và điềm lành đến với mọi nhà.
6. Những câu chúc Trung thu ý nghĩa
Trong không khí ấm cúng của ngày đoàn viên, những lời chúc Tết Trung thu ý nghĩa như món quà tinh thần mà bạn dành tặng cho những người thân yêu.
- Con xin kính chúc ông bà đón một cái Tết Trung thu thật hạnh phúc, tuy không được ở cạnh với ông bà, nhưng con sẽ mãi không bao giờ quên được công dưỡng dạy mà ông bà đã dành cho con.
- Dù không về vào ngày Tết Trung thu, nhưng con luôn nhớ đến cha mẹ. Con chúc cha mẹ luôn mạnh khỏe, vui vẻ, mãi là điểm tựa vững chắc của chúng con.
- Con xin kính chúc ông bà đón một cái Tết Trung thu thật hạnh phúc, tuy không được ở cạnh với ông bà, nhưng con sẽ mãi không bao giờ quên được công dưỡng dạy mà ông bà đã dành cho con.
- Nhân ngày Tết Trung Thu, cầu mong cho cha mẹ sức khỏe dồi dào, bình an vô sự, sống lâu trăm tuổi để vui vầy cùng chúng con.
- Con yêu, nhân dịp Trung thu, bố mẹ chúc con luôn chăm ngoan, ăn thật nhiều, chóng lớn và luôn mỉm cười con nhé. Con mãi là niềm tự hào vô bờ bến của bố mẹ. Ngàn lần yêu và thương con.
- Chúc con yêu Trung thu vui vẻ, ngập tràn tiếng cười và hạnh phúc. Bố mẹ yêu con rất nhiều.
- Nhân dịp Trung thu, ông bà không biết nói gì hơn là chúc cháu sẽ luôn cười tươi như hoa, chăm ngoan học giỏi và vâng lời người lớn nhé! Cháu mãi là cháu yêu của ông bà.
- Tôi chúc bạn không chỉ Trung thu mà ngày nào trong năm cũng luôn lạc quan, yêu đời và gặt hái thật nhiều thành công. Trung thu vui vẻ nhé, bạn của tôi!
- Chúc người yêu của anh một ngày tràn ngập những quà tặng, những lời chúc, nhưng chỉ được nhận 1 nụ hôn của anh thôi nhé.
- Anh à! Dù Trung thu có vui đến đâu đi chăng nữa, nhưng nếu cuộc sống của em thiếu vắng anh, chắc chắn sẽ vô cùng nhạt nhẽo. Trung thu vui vẻ nhé, chàng trai của em.
Xem thêm:
40 lời chúc mừng Tết Trung thu cho các bé đong đầy tình cảm
40 lời chúc mừng Tết Trung thu cho bạn bè hay và ý nghĩa nhất
60 lời chúc mừng Tết Trung thu cho người yêu hay và ý nghĩa nhất
Ý nghĩa Tết Trung thu vẫn được người dân Việt bảo vệ và gìn giữ qua nhiều thế hệ. Một mùa Tết Đoàn viên nữa lại về, hãy lưu giữ những khoảnh khắc hạnh phúc cùng gia đình và những người thân yêu nhé!
(Sưu tầm - Nguồn ảnh: Internet)