Tết Trung thu còn gọi là Tết Trông Trăng diễn ra vào đêm Rằm tháng 8. Đây là lúc các gia đình Việt tất bật sửa soạn mâm cỗ tươm tất dâng lên thần linh, ông bà tổ tiên để tỏ lòng thành kính. Trong đó, đọc văn khấn Rằm Trung thu là một phần vô cùng quan trọng để cầu mong gia đạo được bình an, may mắn và hạnh phúc.
Văn khấn Rằm Trung thu
Sau đây là các bài khấn Rằm Trung thu theo cuốn Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin:
Văn khấn Tết Trung thu trong nhà
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
Con lạy chín phương trời, mười phương chư phật, chư phật mười phương.
Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, chư vị Tôn thần.
Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.
Con kính lạy cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ, thúc bá, đệ huynh, cô di, tỷ muội họ nội, họ ngoại.
Tín chủ (chúng) con là... tuổi... ngụ tại...
Hôm nay là ngày Rằm tháng 8 gặp tiết Trung thu, tín chủ chúng con thành tâm sắm lễ, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long mạch, Tài thần. Cúi xin các ngài giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ tổ khảo, tổ tỷ, chư vị hương linh gia tiên nội ngoại…, cúi xin thương xót con cháu linh thiêng hiện về, chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời các vị tiền chủ, hậu chủ ngụ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng. Xin các ngài độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an, bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng vinh quang thịnh vượng.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
Bài khấn Rằm Trung Thu ngoài trời
Con kính lạy Hoàng thiên hậu Thổ chư vị Tôn thần.
Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.
Con kính lạy cao tằng Tổ khảo, cao tằng Tổ tỷ, thúc bá, đệ huynh, cô di, tỷ muội họ nội họ ngoại.
Tín chủ (chúng) con là: … Tuổi: …
Ngụ tại: …
Hôm nay là ngày Rằm tháng 8 gặp tiết Trung thu, tín chủ chúng con thành tâm sắm lễ, hương hoa trà quả, thắp nén tâm hương dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long mạch, Tài thần. Cúi xin các ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, chư vị hương linh gia tiên nội ngoại …, cúi xin thương xót con cháu linh thiêng hiện về, chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời các vị tiền chủ, hậu chủ ngụ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng. Xin các ngài độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng vinh quang thịnh vượng.
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Phục duy cẩn cáo!
Những lưu ý khi chuẩn bị mâm cúng và văn khấn Rằm Trung thu
Theo các chuyên gia nghiên cứu văn hóa Việt, khác với Rằm tháng 7, cúng Rằm tháng 8 không quá nhiều điều kiêng kỵ. Tuy vậy, gia chủ cũng phải lưu ý những điều sau:
- Không được cúng hay ăn thịt chó, mèo, trâu,.. trong ngày này. Để tỏ làm tôn kính và thành tâm, gia chủ chỉ nên cúng bằng thịt gà và thịt lợn.
- Mâm cỗ không cần quá cầu kỳ nhưng phải tuyệt đối sạch sẽ và thành tâm.
- Khi chuẩn bị mâm ngũ quả, gia chủ cần lưu ý đảm bảo sự cân bằng giữa 5 yếu tố: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ.
Phong tục cúng và đọc văn khấn Rằm Trung thu là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt. Nhân dịp này, mọi người hãy thể hiện lòng hiếu thảo, tình yêu thương gia đình bằng cách tặng các món quà nho nhỏ nhưng đầy ý nghĩa như bánh Trung thu, bánh cốm... nhé!
Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại voh.com.vn - Sống đẹp.