Tiêu điểm: Nhân Humanity

Phong trào thơ mới là gì? Những tác giả, tác phẩm nổi bật

VOH - Thơ mới là gì? Chúng ta cùng tìm hiểu về phong trào Thơ mới (1932 - 1945) và những tác giả, tác phẩm tiêu biểu của giai đoạn này.

Văn học Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn, phong trào Thơ mới là một trong những giai đoạn phát triển rực rỡ và có nhiều đóng góp nhất. Thơ mới ra đời đã phá tan những ràng buộc về vần điệu, thể thơ… giải phóng tâm hồn và thể hiện tiếng nói, cảm xúc chân thật của người thi sĩ. Cùng VOH tìm hiểu Thơ mới là gì cũng như điểm nổi bật của thời kỳ được xem là đỉnh cao của thơ ca Việt Nam này.

Phong trào Thơ mới là gì?

Thơ mới là một phong trào thơ ca xuất hiện vào đầu thập niên 1930, bao gồm 3 giai đoạn kéo dài từ năm 1932 đến năm 1945. Giống như tên gọi, phong trào Thơ mới đã mở ra một hướng đi mới cho thơ ca - một sự đổi mới cả về nội dung, hình thức, quan điểm, tư duy lẫn phong cách sáng tác. 

Phong trào thơ mới là gì? Những tác giả, tác phẩm nổi bật 1

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tâm: “Xét về bối cảnh, Thơ mới là kết quả của quá trình gặp gỡ giữa văn hóa - xã hội Việt Nam truyền thống, đậm màu sắc phương Đông với những sắc thái mới, hiện đại đến từ phương Tây.”

Thơ mới là “một cuộc cách mạng trong thơ ca”, là một giai đoạn quan trọng trong lịch sử văn học Việt Nam và được xem là nền tảng cho văn học hiện đại.

Xem thêm:
Thơ là gì? Toplist bài thơ ghi dấu ấn nền văn học Việt Nam
Thơ hiện đại Việt Nam - Tiếng lòng của người thi sĩ
Song thất lục bát là gì? 16 bài thơ song thất lục bát hay và ý nghĩa

Lịch sử ra đời của phong trào Thơ mới

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Pháp đẩy mạnh cai trị Việt Nam, đẩy mạnh phong trào khai thác thuộc địa. Làn gió văn hóa phương Tây vào Việt Nam.

Trong quá trình tiếp thu văn hóa phương Tây nhất là nền văn hóa Pháp, giới tri thức nhận ra vần thơ, âm điệu, niêm luật của cổ thi đã quá gò bó trong việc thể hiện tiếng thơ của con người. Từ đó, quan điểm về việc cải cách thơ ca cho phù hợp với thời đại và nhu cầu của giới tri thức cũng như người đọc bắt đầu xuất hiện.

Phong trào thơ mới là gì? Những tác giả, tác phẩm nổi bật 2

Sau đó, nhưng cuộc tranh luận về Thơ mới và “thơ cũ” (thơ Trung đại) diễn ra gay gắt. Đến năm 1941, Thơ mới thắng thế, đặt dấu chấm hết cho cuộc phân tranh này.

Trước đó, năm 1932, bài viết Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ cùng với bài thơ Tình già của Phan Khôi đã chính thức khai sinh trào lưu Thơ mới.

Các giai đoạn phát triển của phong  trào Thơ mới

Từ khi ra đời, phong trào Thơ mới trải qua 3 giai đoạn phát triển rực rỡ với những thành tựu nhất định.

Giai đoạn 1932 - 1935

Đây là giai đoạn mở đầu của phong trào Thơ mới, thời điểm này cuộc đấu tranh giữa Thơ mới và “thơ cũ” vẫn còn diễn ra gay gắt. Những tác giả nổi bật nhất ở giai đoạn này là Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Vũ Đình Liên, Huy Thông, Nguyễn Nhược Pháp…

Giai đoạn 1936 -1939

Đây là giai đoạn Thơ mới chiếm ưu thế tuyệt đối so với “thơ cũ”. Một số cây bút tên tuổi có thể kể tới là Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên…

Điểm nổi bật của giai đoạn này là sự lên ngôi của cái tôi cá nhân. Các tác phẩm cũng nói lên được cảm xúc chân thật, thể hiện được tâm tư của các tác giả một cách trọn vẹn nhất.

Giai đoạn 1940 - 1945

Giai đoạn này Thơ mới xuất hiện nhiều khuynh hướng khác nhau. Dù vẫn giữ được những nét đặc trưng của phong trào Thơ mới những giai đoạn đầu nhưng đã bắt đầu có sự thoái trào. 

Thơ mới khác thơ Trung đại như thế nào? Đặc điểm Thơ mới

Thơ mới ra đời đã đánh dấu một bước phát triển mới cho nền thơ ca Việt Nam. So với thơ Trung đại, Thơ mới có những điểm khác biệt như sau:

Về nội dung

  • Thơ Trung đại bị ảnh hưởng của chế độ, giai cấp nên nội dung thơ bị giới hạn bởi các lễ nghĩa vua - tôi, chủ yếu bày tỏ nỗi lòng, chí khí với vua, với nước, nặng tính giáo huấn.
  • Thơ mới có nội dung đa dạng, phức tạp, không bị gò ép. Có thể thể hiện cái tôi cá nhân, đi sâu vào tâm tư, cảm xúc của con người…. 
Phong trào thơ mới là gì? Những tác giả, tác phẩm nổi bật 3

Về hình thức

  • Thơ Trung đại mang tính quy phạm, phải tuân thủ về luật thơ, niêm luật, hình ảnh mang nặng tính ước lệ, công thức.
  • Thơ mới không tuân theo bất kỳ một quy tắc nào về thể thơ, luật thơ. Thơ mới được giải phóng triệt để khỏi các phép tắc tu từ, thanh vần chặt chẽ. Thơ tự do, thơ không vần, thơ cấu trúc theo bậc thang… phát triển mạnh. Ngôn ngữ cũng trở nên đời thường, gần gũi hơn. Các nhà thơ vận dụng thủ pháp tu từ giàu hình tượng, gợi cảm; nhân cách hóa, ví von.

Điều đặc biệt là mỗi nhà thơ mới đều một phong cách sáng tác khác nhau, mang đậm dấu ấn cá nhân và thể hiện được nét đặc trưng của từng người.

Những tác giả nổi bật trong phong trào Thơ mới

Phong trào Thơ mới đã sản sinh, đã giúp những thi sĩ tài hoa thể hiện tài năng của mình. Họ sống thật với cảm xúc của mình, đi sâu vào đời sống hiện tại với những nỗi thương cảm sâu sắc cùng những khuynh hướng khác nhau. Họ chính là những đại diện tiêu biểu của phong trào Thơ mới. 

Họ là Phan Khôi, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tản Đà, Nguyễn Bính, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Phạm Huy Thông, Vũ Đình Liên, Nam Trân, Nguyễn Nhược Pháp, Tế Hanh… Trong đó, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử được mệnh danh là ba đỉnh cao Thơ mới.

Hãy vùng VOH tìm hiểu về một số cái tên nổi bật trong phong trào Thơ mới trong phần tiếp theo của bài viết.

Phan Khôi

Nhắc đến Thơ mới không thể không thể không kể đến nhà báo, nhà thơ Phan Khôi. Ông chính là người đã “khơi dòng” cho Thơ mới trong lịch sử thi ca Việt Nam.

Phan Khôi xuất thân trong một gia đình có truyền thống hiếu học, có hiểu biết vượt trội với văn chương. Trong quá trình học tập và nghiên cứu về thơ ca Phan Khôi nhận thấy những hạn chế của các thể thơ cũ. Chúng đòi hỏi về âm điệu cũng như luật thơ khiến ông không được thỏa sức sáng tạo để phù hợp với nội dung cũng như cảm xúc của mình.

Chính những điều đó đã thôi thúc Phan Khôi đưa ra những quan điểm về Thơ mới là gì và là trở thành người khởi đầu cho phong trào Thơ mới.

Lưu Trọng Lư

Lưu Trọng Lư sinh ra trong một gia đình quan lại xuất thân Nho học nên sớm đã tiếp xúc với thơ ca, hội họa. Ông được biết đến là một nhà thơ, nhà văn, nhà báo và một nhà soạn kịch. Với phong trào Thơ mới, Lưu Trọng Lư chính là một trong những người giữ vai trò khởi xướng và cổ động tích cực.

Thế giới thơ của Lưu Trọng Lư là một thế giới đầy tình và mộng. Ông diễn tả thơ bằng tất cả cảm xúc một cách rất chân thực, không cầu kỳ, hoa mỹ. Không những vậy, thơ của ông còn phảng phất nỗi buồn của thời đại, gần gũi với tiếng nói của quần chúng và đời sống hàng ngày.

Lưu Trọng Lư được biết đến với nhiều tác phẩm nổi tiếng như Tiếng thu, Nắng mới, Một mùa đông, Tình điên…

Thế Lữ

Thế Lữ được biết đến là một nhà thơ, nhà văn kiêm nhà soạn kịch. Khi các đại biểu của “thơ cũ” và Thơ mới tranh cãi gay gắt, ông đã âm thầm làm thơ theo lối mới. Tập thơ Mấy vần thơ ra đời năm 1935 đã thổi vào thơ ca một luồng cảm xúc mới.

Thế Lữ được biết đến với nhiều bài thơ hay, tiêu biểu như Nhớ rừng, Tiếng sáo thiên thai, Thức giấc…

Xuân Diệu

Xuân Diệu được mệnh danh là “ông hoàng thơ tình” Việt Nam, được Hoài Thanh nhận xét là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”. Ông là một trong những đại diện tiêu biểu nhất của phong trào Thơ mới.

Thơ của Xuân Diệu trữ tình sâu lắng, gần gũi, thể hiện được sự đồng cảm sâu sắc. Mỗi câu thơ đều phảng phất nỗi buồn, mỗi lời thơ đều là tiếng lòng của người thi sĩ. Đặc biệt thơ của ông còn có sự mới lạ về cả nội dung và hình thức.

Một số tác phẩm nổi tiếng của Xuân Diệu có thể kể đến như Vội vàng, Yêu, Đây mùa thu tới....

Phong trào thơ mới là gì? Những tác giả, tác phẩm nổi bật 4

Chế Lan Viên

Chế Lan Viên là một trong những nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ mới nói riêng cũng như thơ ca Việt Nam nói chung. Thơ của ông khá đặc biệt, là một “luồng gió mới” trong văn học Việt Nam lúc bấy giờ.

Thơ Chế Lan Viên mang hơi hướng thoát ly hiện thực nhưng đồng thời cũng chất chứa những nỗi buồn. Màu sắc chủ đạo trong thơ là nỗi cô đơn, cái chết, sự tang tóc...

Chế Lan Viên được biết đến với nhiều bài thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ mới như: Xuân, Cõi ta, tập thơ Điêu tàn…

Nguyễn Bính

Nguyễn Bính là người nghệ sĩ của những áng thơ không bao giờ cũ. Cùng với Xuân Diệu, ông cũng được gọi với cái tên “vua thơ tình”.

Thơ mới ra đời trong khoảng thời gian nước ta đón nhận sự du nhập mạnh mẽ của văn hóa phương Tây nhưng Nguyễn Bính vẫn lựa chọn lối viết bình dị, mộc mạc, đậm chất dân quê. Ông thường xuyên sử dụng các thể thơ truyền thống như thơ lục bát và thất ngôn kết hợp với ngôn từ mượt mà, giản dị nhưng không kém phần sâu lắng.

Những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Bình có thể kể tới là: Chân quê, Qua nhà, Tương tư, Những bóng người trên sân ga…

Hàn Mặc Tử

Hàn Mặc Tử được mệnh danh là nhà thơ “lạ lùng” nhất trong phong trào Thơ mới. Phong cách thơ độc, lạ, mang đậm phong cách cá nhân với ngôn từ lãng mạn đã giúp ông khẳng định được vị trí của mình trong giới văn học.

Thơ Hàn Mặc Tử là tiếng lòng yêu con người, yêu cuộc sống da diết. Trong suốt cuộc đời, Hàn Mặc Tử đã để lại nhiều tác phẩm nổi bật như: tập thơ Gái quê, tập thơ Thơ điên (sau đổi thành Đau thương)...

Huy Cận

Huy Cận không chỉ là đại biểu xuất sắc của phong trào Thơ mới mà còn là nhà thơ lớn của nền thơ ca Việt Nam hiện đại. Thơ của ông hàm súc, triết lý, chứa đậm tâm tư, tình cảm với nỗi buồn nhân thế. Lời thơ mộc mạc thể hiện tình yêu quê hương, con người tha thiết, luôn bám sát hiện thực cuộc sống nên dễ đi vào lòng người.

Huy Cận được biết đến với những tác phẩm như: tập thơ Lửa thiêng, tập thơ Vũ trụ ca

Tản Đà

Tản Đà là một nhà thơ nhận được nhiều yêu mến và tôn kính của mọi người bởi những thành tựu mang lại cho nền Văn học Việt Nam. Ông là người thi sĩ của hai thời đại, giữa Thơ mới và “thơ cũ”. Điều này được thể hiện rất rõ trong các tác phẩm.

Thơ của Tản Đà mang cái ngông của một người vô định giữa thời cuộc, cái tôi muốn thoát ly vào cõi mộng. Người ta cũng bắt gặp một tâm hồn cao ngạo, luôn muốn phá bỏ những khuôn phép cũ để sống một cuộc đời tự do, phóng khoáng và tha thiết với cuộc sống trong thơ ông.

Trong suốt sự nghiệp cầm bút của mình, Tản Đà đã để lại rất nhiều tác phẩm ấn tượng như: Thề non nước, Muốn làm thằng Cuội, Nhớ bạn, Gió thu, Tương tư, Sự nghèo, Sự đời…

Những bài thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới

Thơ mới đã dấy lên phong trào cải cách mạnh mẽ để từ đó để lại cho nền văn học Việt Nam những tập thơ, bài thơ đầy ý nghĩa. Dưới đây những bài thơ trong phong trào Thơ mới được VOH tổng hợp.

Tình già - Phan Khôi

Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại vừa mưa.

Dưới ngọn đèn mờ, trong gian nhà nhỏ, hai cái đầu xanh kề nhau than thở

-“Ôi đôi ta, tình thương nhau thì vẫn nặng, mà lấy nhau hẳn đà không đặng

Để đến nỗi tình trước phụ sau, chi cho bằng sớm liệu mà buông nhau”

- “Hay! Nói mới bạc làm sao chớ! Buông nhau làm sao cho nỡ?”

“Thương được chừng nào hay chừng nấy, chẳng qua ông trời bắt đôi ta phải vậy”.

“Ta là nhân ngãi, đâu phải vợ chồng mà tính việc thủy chung”.

Hai mươi bốn năm sau tình cờ đất khách gặp nhau. Đôi cái đầu bạc. Nếu chẳng quen lưng, đố có nhìn ra được!

Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi! Con mắt còn có đuôi".

Xuân về - Lưu Trọng Lư

Năm vừa rồi

Chàng cùng tôi

Nơi vùng Giáp Mộ

Trong gian nhà cỏ,

Tôi quay tơ,

Chàng ngâm thơ

Vườn sau oanh giục giã;

Nhìn ra hoa đua nở;

 

Dừng tay tôi kêu chàng:

Này, này! bạn! xuân sang.

Chàng nhìn xuân, mặt hớn hở;

Tôi nhìn chàng, lòng vồn vã...

Rồi ngày lại ngày

Sắc màu: phai,

Lá cành: rụng,

Ban gian: trống;

Xuân đi,

Chàng cũng đi.

Năm nay xuân còn trở lại,

Người xưa không thấy tới.

Tiếng thu - Lưu Trọng Lư

Em không nghe mùa thu

dưới trăng mờ thổn thức?

Em không nghe rạo rực

hình ảnh kẻ chinh phu

trong lòng người cô phụ?

Em không nghe rừng thu.

lá thu kêu xào xạc,

con nai vàng ngơ ngác

đạp trên lá vàng khô?

Phong trào thơ mới là gì? Những tác giả, tác phẩm nổi bật 5

Nhớ rừng - Thế Lữ

(Lời con hổ ở vườn Bách thú)

Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt,

Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua,

Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,

Giương mắt bé diễu oai linh rừng thẳm,

Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm,

Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi.

Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,

Với cặp báo chuồng bên vô tư lự.

 

Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,

Thủa tung hoành hống hách những ngày xưa.

Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già,

Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,

Với khi thét khúc trường ca dữ dội,

Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng,

Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,

Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.

Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc,

Là khiến cho mọi vật đều im hơi.

Ta biết ta chúa tể cả muôn loài,

Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi.

 

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,

Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?

Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,

Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới?

Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,

Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?

Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng.

Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,

Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?

- Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?

 

Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu,

Ghét những cảnh không đời nào thay đổi,

Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối:

Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng;

Dải nước đen giả suối, chẳng thông dòng

Len dưới nách những mô gò thấp kém;

Dăm vừng lá hiền lành, không bí hiểm,

Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu

Của chốn ngàn năm cao cả, âm u.

 

Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ!

Là nơi giống hầm thiêng ta ngự trị.

Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa,

Nơi ta không còn được thấy bao giờ!

Có biết chăng trong những ngày ngao ngán,

Ta đương theo giấc mộng ngàn to lớn

Để hồn ta phảng phất được gần ngươi,

- Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!

Tiếng sáo thiên thai - Thế Lữ

Ánh xuân lướt cỏ xuân tươi,

Bên rừng thổi sáo một hai Kim Đồng.

Tiếng đưa hiu hắt bên lòng,

Buồn ơi! Xa vắng, mênh mông là buồn...

Tiên Nga tóc xõa bên nguồn.

Hàng tùng rủ rỉ trên cồn đìu hiu;

Mây hồng ngừng lại sau đèo,

Mình cây nắng nhuộm, bóng chiều không đi.

Trời cao, xanh ngắt. - Ô kìa

Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai.

Theo chim, tiếng sáo lên khơi,

Lại theo giòng suối bên người Tiên Nga.

Khi cao, vút tận mây mờ,

Khi gần, vắt vẻo bên bờ cây xanh,

Êm như lọt tiếng tơ tình,

Đẹp như Ngọc Nữ uốn mình trong không.

Thiên Thai thoảng gió mơ mòng,

Ngọc Chân buồn tưởng tiếng lòng xa bay...

Vội vàng - Xuân Diệu

Tặng Vũ Đình Liên

Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất;

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi.

 

Của ong bướm này đây tuần trăng mật;

Này đây hoa của đồng nội xanh rì;

Này đây lá của cành tơ phơ phất;

Của yến anh này đây khúc tình si.

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;

Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa;

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;

Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:

Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.

 

Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,

Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,

Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.

Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,

Không cho dài thời trẻ của nhân gian,

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,

Nếu đến nữa không phải rằng gặp lại.

Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,

Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;

Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi,

Khắp sông, núi vẫn than thầm tiễn biệt...

Cơn gió xinh thì thào trong lá biếc,

Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?

Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,

Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?

Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa...

 

Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm,

Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

Và non nước, và cây, và cỏ rạng,

Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng

Cho no nê thanh sắc của thời tươi;

- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!

Phong trào thơ mới là gì? Những tác giả, tác phẩm nổi bật 6

Xuân - Chế Lan Viên

Tôi có chờ đâu, có đợi đâu

Ðem chi xuân lại gợi thêm sầu?

- Với tôi, tất cả như vô nghĩa

Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!

 

Ai đâu trở lại mùa thu trước

Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?

Với của hoa tươi, muôn cánh rã

Về đây, đem chắn nẻo xuân sang!

 

Ai biết hồn tôi say mộng ảo

Ý thu góp lại cản tình xuân?

 

Có một người nghèo không biết Tết

Mang lì chiếc áo độ thu tàn!

 

Có đứa trẻ thơ không biết khóc

Vô tình bỗng nổi tiếng cười ran!

 

Chao ôi! Mong nhớ! Ôi mong nhớ!

Một cánh chim thu lạc cuối ngàn.

Tương tư - Nguyễn Bính

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,

Một người chín nhớ mười mong một người.

Gió mưa là bệnh của giời,

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.

Hai thôn chung lại một làng,

Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?

Ngày qua ngày lại qua ngày,

Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng.

Bảo rằng cách trở đò giang,

Không sang là chẳng đường sang đã đành.

Nhưng đây cách một đầu đình,

Có xa xôi mấy mà tình xa xôi...

 

Tương tư thức mấy đêm rồi,

Biết cho ai, hỏi ai người biết cho!

Bao giờ bến mới gặp đò?

Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau?

 

Nhà em có một giàn giầu,

Nhà anh có một hàng cau liên phòng.

Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

Mùa xuân chín - Hàn Mặc Tử

Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,

Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.

Sột soạt gió trêu tà áo biếc,

Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang.

 

Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời

Bao cô thôn nữ hát trên đồi;

- Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,

Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi...

 

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi,

Hổn hển như lời của nước mây,

Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc,

Nghe ra ý vị và thơ ngây...

 

Khách xa gặp lúc mùa xuân chín,

Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng:

- “Chị ấy, năm nay còn gánh thóc

Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?”

Phong trào thơ mới là gì? Những tác giả, tác phẩm nổi bật 7

Ngậm ngùi - Huy Cận

Nắng chia nửa bãi; chiều rồi...

Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu.

Sợi buồn con nhện giăng mau;

Em ơi! hãy ngủ... anh hầu quạt đây.

Lòng anh mở với quạt này;

Trăm con chim mộng về bay đầu giường.

Ngủ đi em, mộng bình thường!

Ru em sẵn tiếng thuỳ dương mấy bờ...

Cây dài bóng xế ngẩn ngơ...

- Hồn em đã chín mấy mùa thương đau?

Tay anh em hãy tựa đầu,

Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi...

Muốn làm thằng Cuội - Tản Đà

Đêm thu buồn lắm! Chị Hằng ơi!

Trần thế em nay chán nửa rồi.

Cung quế đã ai ngồi đó chửa?

Cành đa xin chị nhắc lên chơi.

Có bầu, có bạn, can chi tủi,

Cùng gió, cùng mây, thế mới vui.

Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám.

Tựa nhau trông xuống thế gian, cười.

Phong trào Thơ mới đã tạo ra cho nền văn học Việt Nam một thời kỳ rực rỡ đến vậy. Hy vọng qua bài viết của VOH, bạn đã hiểu Thơ mới là gì và có thêm kiến thức về các tác giả, tác phẩm tiêu biểu thuộc thời kỳ này.

Bình luận