- Vũ Đình Liên là ai?
- Tuyển tập thơ Vũ Đình Liên
- Một số bản dịch thơ của Vũ Đình Liên từ những nhà thơ khác
- Du Phù Đổng thiên vương miếu hữu cảm nhi đề (Tác giả: Cao Bá Quát)
- Tích vũ Huyền Trân (Tác giả: Ngô Thì Nhậm)
- Đồ gian ngẫu ký (Tác giả: Phạm Nguyễn Du)
- Nhâm Tuất nguyên nhật, nhung trường dạ túc kỷ sự (Tác giả: Phan Huy Ích)
- Ảo hóa của đau khổ (Tác giả: Charles Baudelaire)
- Cầu khẩn (Tác giả: Charles Baudelaire)
- Chim hải âu (Tác giả: Charles Baudelaire)
- Cuối ngày (Tác giả: Charles Baudelaire)
- Lý tưởng (Tác giả: Charles Baudelaire)
- Nỗi buồn của mặt trăng (Tác giả: Charles Baudelaire)
Có những nhà thơ cả sự nghiệp cầm bút chỉ thực sự sáng tác và lưu danh với một tác phẩm duy nhất và Vũ Đình Liên với bài thơ Ông Đồ là một trường hợp như thế. Tuy số lượng tác phẩm không nhiều, nhưng thơ Vũ Đình Liên vẫn là một cái gì đó đầy hoài niệm, nhớ thương. Dưới đây là một số bài thơ nổi bật của nhà thơ Vũ Đình Liên được VOH tổng hợp lại.
Vũ Đình Liên là ai?
Vũ Đình Liên (1913 - 1996) là tên thật được lấy làm bút danh. Ông sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng quê gốc ở tỉnh Hải Dương.
Thuở nhỏ, Vũ Đình Liên nổi tiếng là người ham học, thông minh. Ông đỗ tú tài năm 1932. Sau đó ông đi dạy học ở các trường như: Trường Tư thục Thăng Long, Trường Gia Long, Trường nữ sinh Hoài Đức để kiếm sống.
Khi có bằng cử nhân trường Luật, Vũ Đình Liên vào làm công chức ở Nha Thương chính (còn gọi là sở Đoan) Hà Nội. Sau Cách mạng tháng Tám, ông tham gia giảng dạy nhiều năm và từng là chủ nhiệm khoa tiếng Pháp của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Vũ Đình Liên được biết đến là một trong những người mở đầu cho phong trào Thơ mới. Nhắc đến thơ Vũ Đình Liên, người ta sẽ nhớ ngay đến bài thơ Ông Đồ và chỉ Ông Đồ đã đủ tôn xưng ông là một nhà thơ lớn.
Mặc dù là nhà thơ, thế nhưng thơ Vũ Đình Liên lại không nhiều. Một số bài thơ nổi tiếng của ông có thể kể đến như: Lòng ta là những hàng thành quách cũ, Luỹ tre xanh, Người đàn bà điên ga Lưu xá...
Vì là nhà giáo nên ngoài việc sáng tác thơ, Vũ Đình Liên còn làm các công việc khác như: Sơ khảo lịch sử văn học Việt Nam (cùng nhóm Lê Quý Đôn - 1975); viết giáo trình; dạy tiếng Pháp và dịch thơ.
Tuyển tập thơ Vũ Đình Liên
Vũ Đình Liên yêu thơ và làm thơ từ rất sớm. Ngoài bài thơ Ông Đồ ông còn viết thêm một số bài thơ khác với các chủ đề về con người nghèo khổ, tàn tạ. Những người đã đọc thơ Vũ Đình Liên đều cho rằng, ông là nhà thơ có tâm hồn hoài cổ, nặng lòng với cảnh cũ người xưa, dù thơ ông được xếp vào phong trào Thơ mới - những vần thơ ca ngợi tình yêu, tuổi trẻ.
Bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài:
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay”
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu...
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Hồn xưa
Lặng lẽ trên đường lá rụng mưa bay
“Như khêu gợi nỗi niềm thương tiếc”
Những cảnh và những người đã chết
Tự bao giờ, còn phảng phất đâu đây!
Nhớ những nàng thiếu nữ thơ ngây,
Thướt tha như liễu, buồn như gợi.
Ngày ngày thoa phấn tô son đợi,
Khách văn nhân đang mải hội rồng mây.
Lặng lẽ trên đường lá rụng mưa bay
Như khêu gợi nỗi niềm thương tiếc
Những cảnh và những người đã chết
Tự bao giờ, mà nay biết tìm đâu?
Những cảnh xưa rực rỡ muôn màu
Mà êm ả, tưng bừng, mà bé nhỏ
Đẹp như bức tranh hay như bài thơ cổ
Những người xưa yên lặng, nhẹ nhàng
Với những điều ước vọng mơ màng
Mà bây giờ chúng ta không còn nữa!
Nhưng biết tìm đâu những cảnh xưa người cũ:
Lặng lẽ trên đường lá rụng mưa bay?
Thủy chung
Năm nay đào lại nở
Chật đường chợ hàng hoa
Từ đáy sâu quá khứ
Ông đồ lại hiện ra
Sáng nay mưa chớm lạnh
Nắng nằm trên giấy hồng
Một đám người ngồi cạnh
Có nhà thơ ngồi cùng
Tôi xin đôi câu đối
Cụ rọc tờ giấy điều
Bàn tay xưa viết nối
Những nét chữ thân yêu
Bài thơ “Ông Đồ” mới
Dưới bút cụ nở ra
Tôi chân thành chép lại
Đánh dấu một mùa hoa
Chỉ thêm lời ghi chú
Vần thơ xưa, thơ nay
Thuỷ chung một lòng cũ
Dù vui buồn đổi thay.
Hạnh phúc
Năm nay đào lại nở
Mừng hội Đảng, hội Dân
Bút ông đồ lại hoạ
Những nét chữ đẹp thâm
Cờ biển ngập phố phường
Cánh đào bay thắm đỏ
Như cả ngàn mùa xuân
Nở hoa trên mỗi chữ
Người trẻ lại, già qua
Nghe mực gieo giấy hát
Nhìn ông đồ, nhà thơ
Rỡ ràng một khuôn mặt
Thấy trong lòng say sưa
Dừng chân không muốn bước
Nghe đọc những vần thơ
Ngợi khen những nét bút
Xuân Cộng hoà Xã hội
Mai, đào, tươi thắm hoa
Một nguồn hạnh phúc mới
Trào ngọn bút, dòng thơ.
Lòng ta là những hàng thành quách cũ
Dậy đi thôi con thuyền nằm dưới bến,
Vì đêm nay ta lại căng buồm đi
Mái chèo mơ để bâng khuâng trôi đến
Một phương trời mây lọc bóng trăng khuya
Gió không thổi, nước sông trôi giá lạnh
Thuyền đi trong bóng tối luỹ thành xưa
Trên chòi cao, từ ngàn năm sực tỉnh
Trong trăng khuya bỗng vẳng tiếng loa mơ
Từ ngàn năm cả hồn xưa sực tỉnh
Tiếng loa vang giây lát động trăng khuya
Nhưng giây lát lại rơi im hiu quạnh
Cả hồn xưa im lặng trong trăng khuya
Trôi đi thuyền! cứ trôi đi xa nữa
Vỗ trăng khuya bơi mãi! cánh chèo mơ
Lòng ta là những hàng thành quách cũ
Từ ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa.
Người đàn bà điên ga Lưu Xá
Người đàn bà điên ga Lưu Xá
Ngồi ngay trước mặt dưới chân tôi
Ai vẽ được thiên tài hội hoạ
Chân dung kia kinh tởm tuyệt vời
Công chúa điên rồ và rách rưới
Hình ảnh lạ lùng chửa có hai
Cả tưởng tượng Đông Tây cộng lại
Khôn dựng nên dù một phần mười
Bao tải xơ ni lông nát vụn
Sợi dây thừng buộc mũ rách bông
Tôi ngồi ngắm mắt không hề mỏi
Đống rác kia xưa đã là hoa…
Ai dun dủi và ai sắp đặt
Một nhà thơ với một người điên
Tôi bắt gặp ba lần cặp mắt
Nhẹ căm thù như muốn làm duyên
Người nhận quà đưa tay đón tay
Chẳng rằng chẳng nói mặt như ngây
Chia tay không một lời hò hẹn
Hai mặt ảnh hình bốn mắt ghi…
Tôi đi tìm đến những người thân
Bè bạn cháu con xa với gần
Ngày Tết cổ truyền vui thiếu đủ
Nhìn mặt người như ngắm hoa xuân
Còn tôi biết cuộc đời đã trút
Lên hoa kia sương tuyết nặng dày
Đời độc ác lòng người bội bạc
Làm hoa kia thành đống rác này
Đời sẽ đổi lòng người sẽ đổi
Sẽ trở về tình xót nghĩa thương
Hãy trút hết áo quần hôi thối
Cho thịt da lại toả hương thơm
Người em Lưu Xá ở đâu đây
Có thấy ấm lòng xuân nắng hây
Một đoá hoa tàn nay nở lại
Thắm hồng trong buổi mới xuân nay.
Lũy tre xanh
Lữ khách bao năm xa vời quê cũ
Bỗng chạnh lòng nhớ tới luỹ tre xưa
Văng vẳng trong mơ tiếng sáo dật dờ
Lồng trong gió như tiếng tơ trầm bổng
Tiếng kẽo kẹt trong đêm khuya hiu quạnh
Vờn trong sương vương điệu nhạc u buồn
Hoà âm cùng tiếng gọi của ễnh ương
Thoảng trong gió âm hồn muôn ngàn kiếp
Có những lúc mưa nguồn tuôn như trút
Luỹ tre xanh oằn oại thật thê lương
Cành lá tả tơi trông thật u buồn
Như cố đứng trong tang thương vạn cổ
Cũng có lúc luỹ tre xưa bật khóc
Lại bật cười giữa vận nước điêu linh
Thăm thẳm tâm tư bầy tỏ chân tình
Nào ai thấu nỗi buồn hằng u uất.
Hỡi những chiến binh từ muôn năm cũ
Yên lặng đi theo dõi chân thành cao
Bóng tinh kỳ trong sương sa buồn rũ!
Hỡi những chiến binh từ muôn năm cũ
Bây giờ đi chinh phục cõi bờ đâu?
Giống anh hùng tự ngàn xưa đã chết!
Thì bây giờ còn chinh chiến với ai
Trống không mời, chiêng im, ngựa không thét
Vùng trời xa, yên lặng vắng tăm hơi
Lần bóng dãy thành cao đi mãi mãi
Âm thầm mang mối hận không ngày nguôi
Vì những thuở oai phong không trở lại!
Nên lặng mơ giấc mộng đỏ xa xôi:
Dãy thành rêu kéo dài trên bờ cỏ
Nỗi oan hờn quá khứ với ngàn sau
Hỡi những chiến binh từ muôn năm cũ!
Bây giờ đi chinh phục cõi mơ đâu!
Mùa xuân Cộng Sản
Một cây đào muôn thuở
Năm, bốn mùa nở hoa
Một ông đồ bất tử
Tay với bút không già
Hoa tươi màu sông núi
Chữ thấm tình bốn phương
Cành đào và câu đối
Ngàn đời Tết Việt Nam
Nghiên bút xưa vẫn đợi
Từ ngàn năm bài thơ
Từ ngàn năm câu đối
Đảng sáng tác bây giờ
Nghệ sĩ với "ông đồ"
Tình nước non vô tận
Như Đảng với Bác Hồ
Hương Đất Trời Cộng sản
Năm, năm, đào lại nở
Vui người mới, hồn xưa
Một mùa xuân bất tử
Tươi nét hoạ, lời ca.
Nhớ Cao Bá Quát
Tiếng dế kêu dưới đất
Sao lấp lánh trên giời
Trong đêm xưa dầy đặc
Ai thao thức canh dài
Thân người như giun dế
Lòng người tựa trăng sao
Ai xưa mài thơ để
Mỗi vần thành mũi dao
Ngâm thơ cho sao rụng
Cho tiếng dế vút cao
Cho giun quằn sóng lượn
Sông bể nổi ba đào
Đêm nay nằm không ngủ
Thương người xưa lệ trào
Cả trăm năm quá khứ
Trằn trọc nặng chiêm bao.
Bảy mươi ba tuổi hối hận
Bảy mươi ba tuổi
Dạy học, làm thơ
Đôi mắt đã tối
Mái đầu bạc phơ!
Công cha còn nợ
Nghĩa mẹ chưa đền
Nước, Đời, vẫn đó
Hai gánh còn nguyên.
Chỉ mừng một điều
Bổng lộc quyền lợi
Hưởng chẳng bao nhiêu
Cùng dân no đói.
Còn chút hơi tàn
Có tâm, không lực
Ngoảnh nhìn giang san
Thẹn cùng Trời Đất
Nhớ công ơn Bác
Khó nuốt miếng cơm
Khôn nhắm đôi mắt
Hối hận thơ tuôn
Ngày xưa Đời, Hối
Còn sống dưới mồ
"Nghĩa nhân" Nguyễn Trãi
Bốt-le "thương thơ"
Cũng tuổi bảy ba
Đọc thơ "Tự cảnh"
Xót lòng người xưa
Khơi sâu hối hận
Mấy lời Tự Răn
Mấy vần Tự Hận
Khôn hết ăn năn
Gửi cùng trò, bạn
Cho nhẹ mối hận
Cho khuây nỗi buồn
Thầy, chưa tròn phận
Thơ, chẳng nên hồn.
Một số bản dịch thơ của Vũ Đình Liên từ những nhà thơ khác
Không chỉ sáng tác thơ, Vũ Đình Liên còn là một dịch giả với công việc dịch thơ, trong đó bản dịch tập thơ “Những bông hoa ác” của đại thi hào Charles Baudelaire được xem là cống hiến lớn của ông đối với thi ca Việt Nam.
Cùng tìm hiểu một số bản dịch thơ của Vũ Đình Liên cho một số tác phẩm của các nhà thơ khác ngay dưới đây.
Du Phù Đổng thiên vương miếu hữu cảm nhi đề (Tác giả: Cao Bá Quát)
Tam tải tiềm long thế vị tri,
Nhất triêu phấn khởi đại sự vi.
Kim tiên phá lỗ thiên thanh chấn,
Thiết mã đằng không cổ kim kỳ.
Việt điện kiền khôn lưu vĩ tích,
Ân giao thảo mộc thức dư uy.
Chí kim từ vũ tùng phong động,
Do tưởng đương niên đắc thắng quy.
Dịch nghĩa
Rồng nấp ba năm ai biết chi
Vùng lên một sớm tỏ thiên uy.
Roi vàng phá giặc, trời rung động,
Ngựa sắt đè mây, chuyện cổ kỳ.
Đất Việt non sông, thành tích kể,
Cõi Ân cây cỏ diệu công nghe,
Thông reo, gió thổi nơi đền miếu,
Tưởng thấy Thiên Vương đại thắng về.
(Vũ Đình Liên)
Tích vũ Huyền Trân (Tác giả: Ngô Thì Nhậm)
Huyền Trân sái tận u sầu lệ,
Hoá tác xuân mai dạ vũ thanh.
Tông quốc quả tình cừu phấn đại,
Di phu vô phận mỗi cư hành.
Nhị châu sính vật công thiên cổ,
Vạn lý giai nhân ngộ nhất sinh.
Oán hận ưng tuỳ triều thuỷ trướng,
Giang thôn tích lịch tố hàn canh.
Dịch nghĩa
Nước mắt Huyền Trân khóc phận mình,
Đêm xuân, mai đọng lệ trên cành.
Hững hờ, nước bạc thù son phấn,
Non yểu, chồng ngu hổ ngọc lành.
Sính vật hai châu, còn đất tốt,
Giai nhân một kiếp, chịu oan tình.
Oán hờn theo sóng trào dâng mãi,
Xóm bến mưa dầm đêm lọn canh.
(Vũ Đình Liên)
Đồ gian ngẫu ký (Tác giả: Phạm Nguyễn Du)
Nẵng yết doanh điêu thủ lộ qua,
Tả tần đại hải hữu tần hà.
Đê mê cựu luỹ dư thanh thảo,
Thác lạc tàn lư ỷ bạch sa.
Cổ đạo phong cao hoàn cát thiểu,
Hoang đình nhập mộ khốc thanh đa.
Hướng thuỳ đắc hoạ Ô Châu địa,
Khước ngoại cơ dân bất hoạ tha.
Dịch nghĩa
Dừng chân doanh trại, tiện đường qua
Trái: biển, mặt: sông, khoảng chẳng xa
Luỹ cũ, cỏ xanh, đây mấy lớp
Lều tranh cát trắng đó vài nhà
Đường xưa gió rét, người xơ xác
Đình vắng chiều tà, tiếng xót xa
Vẽ cảnh Ô Châu, ai đáng vẽ
Ngoài dân nghèo đói rặt xương, da?
(Vũ Đình Liên)
Nhâm Tuất nguyên nhật, nhung trường dạ túc kỷ sự (Tác giả: Phan Huy Ích)
Thái thốc hư hồi noãn luật tân,
Hải sơn nhất đới khởi nhung trần.
Thuý hoa sức giá tương xung trận,
Hoả pháo trì thanh khởi báo xuân.
Cảm kích viên tiền huề tạm khách,
Thê lương luỹ ngoại hạ qua nhân,
Binh cơ lợi độn quan kim dạ,
Bỉnh chúc yêu lai dịch báo tần.
Dịch nghĩa
Thời tiết đem về hơi ấm xuân
Biển non chinh chiến nổi phong trần
Nhường cho cờ thuý hoa vua xe tiến
Chẳng phải pháo xuân, tiếng súng gần
Cám cảnh quân môn người trạm chạy
Thương tình chiến luỹ kẻ gươm cầm
Được, thua trận đánh đem nay định
Đốt đuốc chờ tin trước cửa quân.
(Vũ Đình Liên)
Ảo hóa của đau khổ (Tác giả: Charles Baudelaire)
Bản dịch: Vũ Đình Liên
Kẻ đem nhiệt tình làm cho người tươi sáng
Kẻ gửi vào ngươi tất cả đau buồn
Cái bảo người này: “Tóc tang u ám”
Lại bảo người kia: “Sức sống huy hoàng”
Hermès không quen ơi, người đến giúp ta
Nhưng vẫn luôn luôn làm ta kinh sợ
Người đã làm cho ta giỏi như Midas
Nhà ảo hoá đáng buồn thương hơn cả
Nhờ người, ta hoá vàng ra sắt
Và thiên đường thành địa ngục
Trong tấm vải liệm mây vằn
Ta tìm thấy xác chết một người thân
Và trên bờ trời ta dựng
Một cái nhà mồ to lớn.
Cầu khẩn (Tác giả: Charles Baudelaire)
Bản dịch: Vũ Đình Liên
Vinh quang ca ngợi đời tôi, ôi Xatăng!
Trên đỉnh cao xa của thiên đường người đã trị vì, và tận đáy sâu địa ngục
Khi thất thế sa cơ, người yên lặng nằm mơ
Hãy cho hồn tôi, một ngày kia, dưới bóng cây tri thức
Bên cạnh người nằm, khi trên vầng trán người bao la
Như một ngôi đền mới, cành cây tỏ rườm rà.
Chim hải âu (Tác giả: Charles Baudelaire)
Bản dịch: Vũ Đình Liên
Có nhiều khi những chàng thuỷ thủ
Bắt để chơi những chú hải âu
Cánh to lơ lửng theo sau
Trên vực nước mặn con tàu đại dương
Vừa bị ném lên sàn tàu gỗ
Chim hải âu vua của trời xanh
Kéo đôi cánh trắng mông mênh
Như đôi chèo nặng bên mình xấu xa
Chim trời kia sao mà lúng túng
Xưa đẹp sao nay vụng về sao
Xưa trời xanh đôi cánh tung hoành
Nay lê lết trên sàn tập tễnh
Là thi sĩ như chim âu ngủ
Ưa bão giông chẳng ngại cung tên
Đoạ đày giữa đám ghét ghen
Nặng đôi cánh rộng không quen bước thường.
Cuối ngày (Tác giả: Charles Baudelaire)
Bản dịch: Vũ Đình Liên
Dưới một thứ ánh sáng mờ nhạt
Chạy múa, quằn quại, không lý do
Cuộc đời tráo trâng và quàng quạc
Nên khi thấy ở chân trời xa
Dâng lên bóng đêm khoan khoái say sưa
Làm dịu đi tất cả cả lòng không dạ đói
Xoá mờ đi tất cả cả nhục nhã, xấu xa
Nhà thơ tự bảo: "May mắn sao, đêm đã tới
Tinh thần ta cũng như xương cốt
Khao khát, cầu xin, được nghỉ ngơi
Trái tim đầy những mộng mơ u uất
Ta lên giường, ngả cái lưng dài
Và cuộn mình vào chiếc màn đêm tối
Ôi! Bóng đêm, bóng đêm mát rượi".
Lý tưởng (Tác giả: Charles Baudelaire)
Bản dịch: Vũ Đình Liên
Không, không phải những cái mặt son tô phấn trát
Những sản phẩm hỏng hư của một thế kỷ xấu xa
Những đôi chân hán hài, những đôi tay sênh nhạc
Thoả mãn được ước mơ của trái tim ta
Ta nhường cho Gavarni, nhà thơ của những cô nàng uỷ mị
Cả cái đàn rì rầm những sắc đẹp nhà thương
Vì trong đám hoa hồng nhạt kia ta không thể
Tìm thấy đoá hoa đỏ thắm như lý tưởng ta mang
Ôi, để cho trái tim ta sâu như vực thẳm
Phải là ngươi, Macbeth, ngươi ơi, bạo tàn điên loạn
Mộng Eschyle nở giữa trời đất giá băng
Hay là nàng, ôi Đêm tối mênh mông, con của Michel-Ange
Quằn quại, uốn mình, nhịp nhàng kỳ quái
Những sắc đẹp dành cho miệng những Khổng lồ vĩ đại.
Nỗi buồn của mặt trăng (Tác giả: Charles Baudelaire)
Bản dịch: Vũ Đình Liên
Đêm nay trăng mơ màng, dáng trễ nải hơn
Như một người đẹp, trên chồng gối mềm nằm tựa
Với đôi bàn tay nhẹ nhàng, lơ đãng sẽ mơ man
Những đường êm đôi vú trước khi nàng ngủ
Trên lưng những đám mây như sa tanh mềm, đỏ
Uể oải, rã rời, nàng khoan khoái say sưa
Và tầm mắt nhìn xa những bức tranh trắng xoá
Từ chân trời bốc lên như những đám hoa
Đôi khi lả lướt mơ màng, ả Hằng trên mặt đất
Để một giọt lệ từ mắt nàng kín đáo nhẹ rơi
Một nhà thơ kính cẩn, ghét giấc ngủ của con người
Đưa bàn tay hứng giọt lệ mờ xanh nhạt
Óng ánh năm màu như một hòn ngọc thạch
Và giấu kín trong trái tim xa con mắt mặt trời.
Vũ Đình Liên từng thừa nhận, ông chính là “thi sĩ của những người thân tàn ma dại”, bởi những điều ông viết chỉ tập trung về những cái thuộc về một thời đã qua hay những con người nghèo khổ, thê lương. Và dù sáng tác không nhiều, nhưng mỗi khi nhắc đến nhà thơ lớn của phong trào Thơ mới sẽ không ai quên được cái tên Vũ Đình Liên cùng bài thơ Ông Đồ bất hủ.